Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

TRUYỆN AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ MỊ CHÂU - TRỌNG THỦY, BÀI HỌC ĐẰNG SAU BI KỊCH SỐ PHẬN



Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy dung lượng không dài nhưng phản ánh khá đầy đủ quá trình mất nước – tan nhà xoay quanh ba nhân vật -  một gia đình, trong cuộc chiến tranh xâm lược của Triệu Đà. Đằng sau những bi kịch số phận ấy là bài học tầm vóc quốc gia, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
1.      An Dương Vương – hai mặt sáng tối của người anh hùng.
Truyền thuyết không nói rõ quá trình chinh phục Văn Lang để lập nên nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương đã diễn ra như thế nào mà nhấn mạnh hơn chi tiết việc dựng nước. Chọn việc xây thành để nói việc dựng nước của An Dương Vương, cha ông ta xưa đã dùng thủ pháp ẩn dụ sâu sắc. Xây thành trì là để bảo vệ đất nước cũng như việc xây dựng pháp chế để bảo vệ chế độ, đó là công việc tất yếu của triều đại, chính thể nào mới lên cầm quyền thực hiện. Thế nhưng “thành cứ xây lên rồi lại đổ” mà không hiểu lẽ tại sao? Hết cách, An Dương Vương trai giới, lập đàn cầu bách thần. Sau đó, Người gặp được “một ông lão râu tóc bạc phơ” bảo sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp. Như vậy tấm lòng chân thành của An Dương Vương đã động đến đất trời, thần linh - khi việc cầu đảo thuận ý trời, hợp lòng dân.
An Dương Vương mong muốn xây dựng nhà nước Âu Lạc với nền thái bình thịnh trị. Những buổi đầu sự nghiệp ấy hết sức gian nan, gặp muôn vàn trắc trở bởi “âm hồn vua quan, tướng sĩ triều đại trước” phá phách. “Âm hồn” ấy theo cách nhìn triết học hiện đại, đó chính là quyền lợi của những người gắn với vương triều trước bị mất, là tư tưởng “tôi trung không thờ hai chúa” còn rơi rớt lại.
Giãi bày tấm lòng mình (trai chay – cầu khấn), An Dương Vương đã có xuất phát điểm dựng nước từ cái Tâm, chữ Tín nên sớm thu phục được lòng người mà tác giả dân gian đã hình tượng hóa bằng sự việc được Rùa Vàng (sứ Thanh Giang) giúp sức tiêu diệt con gà trắng chín đuôi – “âm hồn” vua quan tướng sĩ triều đại trước, xây dựng được Loa Thành.
Như vậy, về công việc dựng nước, An Dương Vương đã hoàn thành xuất sắc, thuận ý trời, hợp lòng dân. Thành Cổ Loa vững chắc sừng sững được ghi chép trong sử sách Trung Hoa là Côn Lôn Thành. Và thành trì chống giặc ngoại xâm ấy, bằng tấm lòng chân thành, An Dương Vương xây dựng vững chắc trong tấm lòng mỗi con dân Âu Lạc.
Một mặt sáng nữa cần nói đến là An Dương Vương biết nhìn xa trông rộng. Thành trì kiên cố chưa phải là bảo đảm cho việc giữ nước. Tâm sự của nhà vua với thần Kim Quy: “Nhờ ơn thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài lấy gì mà chống?” cho thấy rõ điều đó. Sự việc thần Kim Quy rút móng tặng An dương Vương, rồi An Dương Vương sai tướng Cao Lỗ chế nỏ thần đây chính là sự kết hợp trí tuệ, sức lực để hiện đại hóa vũ khí của quân và dân. “Ý dân là ý trời”, “hợp lòng dân là thuận ý trời”. Sứ Thanh Giang chính là biểu tượng trí tuệ, sức mạnh của nhân dân. Móng vuốt là một phần xương thịt của thần và đó cũng chính là của nhân dân. Có cuộc chiến tranh nào mà nhân dân không đổ xương máu?
Vậy nên, Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc lần thứ nhất thất bại thảm hại, An Dương Vương chỉ “bắn một phát giặc đã tan ngay”. Chiến thắng ấy là sự đoàn kết của toàn dân tộc cộng với vũ khí hiện đại, thành trì vững chắc (thành trì này xin được hiểu hai nghĩa như đã nói ở trên).
Mặt tối của người anh hùng dân tộc là say sưa với chiến thắng, thỏa mãn với chiến thắng chống quân xâm lược, từ đó nảy sinh tư tưởng chủ quan khinh địch, mất cảnh giác, kiêu ngạo trước kẻ thù. Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện qua các sự việc:
-         Chấp nhận giảng hòa với Triệu Đà, nhận Trọng Thủy làm con rể.
-         Khi Trọng Thủy về thăm cha, chiến tranh xảy ra nhưng vẫn không một mảy may nghi ngờ.
-         Khi Triệu Đà phát động cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai, đã tiến sát chân thành, An dương Vương vẫn “điềm nhiên đánh cờ”,  nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”.
Chỉ khi nỏ thần mất hết linh nghiệm, An Dương Vương mới cùng Mị Châu chạy trốn. Chạy không khỏi, quân giặc truy sát ngày một gần, An dương Vương biết đâu kẻ chỉ đường cho giặc chính là cô con gái yêu của mình. Cùng đường, khấn sứ Thanh Giang cứu, Rùa Vàng hiện lên thét: “Giặc ngồi sau lưng nhà vua đó” thì An dương Vương mới hiểu cơ sự! Truyền thuyết không miêu tả nỗi lòng đau đớn của An Dương Vương như thế nào khi chính tay mình chém chết con gái yêu. Hành động oan nghiết ấy cho đến nay vẫn nhói lòng dân tộc. Nhói lòng nhưng phải chấp nhận vì hoàn cảnh khi ấy là hoàn cảnh khốc liệt nơi chiến trường, không có chỗ cho sự cân đong đo đếm giữa lý và tình. An Dương Vương giết Mị Châu là hành động của vị vua giết kẻ nối giáo cho giặc. Cả dân tộc đau thương trong chiến tranh không lý gì gia đình công dân số một đất nước lại ven toàn. Quy luật nghiệt ngã nước mất nhà tan không buông tha một riêng ai.
Bài học mất nước nhìn từ góc độ trách nhiệm người lãnh đạo – An Dương Vương, thể hiện ở những điểm:
-         Nuông chiều con cái quá mức, thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia.
-         Tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh vũ khí trong khi vũ khí không còn là bí mật nữa (đã đem dùng, kẻ thù đã biết).
-         Biết Triệu Đà là kẻ thù nhưng vẫn chấp nhận để con trai hắn là Trọng Thủy ở rể để thực hiện chính sách hòa hoãn hòa bình. Đặt niềm tin vào kẻ có dã tâm xâm lược đây chính là biểu hiện của sự ngây thơ chính trị.
Nước Âu Lạc rơi vào tay giặc trách nhiệm thuộc về An Dương Vương – người đã đánh giặc đến hơi sức cuối cùng hoặc là tuẫn tiết, đó mới chính là sự thật lịch sử. Đánh giá công lao, tinh thần yêu nước của Người, cha ông ta đã sáng tạo chi tiết “vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước vua đi xuống biển” – tức là tiếp tục sống trong lòng “nước”, lòng dân, hết sức ý nghĩa, nhân văn. Những sai lầm của An Dương Vương, suy cho cùng, tha thứ được, An Dương Vương là ông vua nhưng cũng là con người.
2.      Công chúa Mị Châu – “trái tim lầm chỗ để trên đầu”.
Mị Châu là nàng công chúa trong trắng, ngây thơ được vua cha hết mực yêu chiều. Cuộc sống nhung lụa gấm vóc nơi cung cấm, các nghi lễ triều đình tách nàng ra khỏi đời sống hiện thực xã hội, nàng không hiểu mặt trái của xã hội, lại càng mơ hồ về chính trị.
Truyền thuyết không đề cập đến hoàng hậu, có lẽ vì mồ côi mẹ quá sớm nên nàng được vua cha dồn cho tất cả tình thương yêu chăng?
Khi kết duyên cùng Trọng Thủy, Mị Châu có thêm bầu bạn tâm sự, lại thêm có người yêu chiều nên sống trong mái ấm hạnh phúc ấy nàng không hề để ý chuyện gì khác. Mị Châu tin tình cảm của Trọng Thủy đối với mình cũng hết mực chân thành, đằm thắm như bản thân mình đối với Trọng Thủy. Tình cảm lứa đôi đẹp đẽ của Mị Châu đáng được ca ngợi.
Không trách Mị Châu được, vua cha đã chon Trọng Thủy cho nàng, vua cha hết lòng tin tưởng con rể thì lý gì nàng nghi ngờ, phân vân khi Trọng Thủy hỏi xem nỏ thần? Đắng cay nhất, đau khổ nhất của đời người chính là bị lợi dụng lòng tin mà Mị Châu là một trong số đó.
Tình yêu Trọng Thủy quá lớn nên Mị Châu không phát hiện con người thật của Trọng Thủy khi hắn lộ sơ hở: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng biết lấy gì làm dấu?”.
Nghe thế,Mị Châu chỉ chú ý mấy chữ “ta lại tìm nàng biết lấy gì làm dấu?”. quên đi trước đó là “hai nước thất hòa”. Không mảy may suy nghĩ vì sao khi Trọng Thủy xa cách thì chiến tranh xảy ra mà chỉ nghĩ làm sao tìm được nhau. Quá yêu Trọng Thủy – yêu gia đình nhỏ của mình nên vận mệnh quốc gia bị che mờ. So sánh sự việc này của nàng Mị Châu xưa với cô du kích trạc tuổi nàng trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Tố Hữu có tứ thơ rất hay:
Có cô du kích xóm Lai Vu
Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù
Mĩ hại trăm nhà lo diệt trước
Rắn – mình em chịu có sao đâu.

Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.
                                      (Tâm sự)
Khi Trọng Thủy chưa biết cách nào ‘tìm ra nhau”, Mị Châu đã nói: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảch biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường đểv làm dấu, như vậy có thể tìm được nhau”. Đúng là một giải pháp hết sức thông minh, chỉ rắc “ở ngã ba đường”, nếu rắc dọc đường thì Trọng Thủy có theo dấu cũng chỉ được một quãng mà thôi!
Chỉ khi nghe tiếng thét của Rùa Vàng – phán quyết của nhân dân, Mị Châu mới bừng tỉnh, hối hận vì đã vô ý nối giáo cho giặc. Lời khấn và cái chết của nàng chứng thực cho Mị Châu chưa bao giờ có ý nghĩ phản bội tổ quốc. Hành động nối giáo cho giặc chỉ là sự lầm lỡ của một trái tim mù quáng. Lúc này chỉ có cái chết mới giải thoát nỗi giày vò ân hận do chính nàng gây ra; và cũng chỉ có cái chết mới minh chứng cho tâm hồn trong sáng của nàng.
Chi tiết ngọc trai được rửa nằng nước giếng Cổ Loa sáng rực, đó không phải là sự gặp gỡ, đoàn tụ của Mị Châu – Trọng Thủy sau cái chết, mà đó là ứng nghiệm của lời nguyền “bị người lừa dối”. Nhân dân ta thương cảm Mị Châu, dẫu gì cũng đã có thời gian Mị Châu hạnh phúc bên Trọng Thủy, nên không nỡ để từ “hắn”, “nó”, “y” khi Mị Châu nói về Trọng Thủy mà dùng chữ “người” – với nghĩa “người ta”, âu cũng là thể hiện bề dày ứng xử văn hóa. Từ dùng đó cho thấy Mị Châu không đẩy hết tội lỗi về Trọng Thủy, người nghe biết hàm ý nhận lỗi của Mị Châu trong đó.
Bi kịch của Mị Châu là bi kịch niềm tin bị đánh cắp. Niềm tin càng lớn thì bi kịch càng cao, cái giá phải trả càng đắt.
3.      Trọng Thủy – bi kịch của tham vọng công danh và tình yêu đôi lứa,
Theo lệnh Triệu Đà, Trọng Thủy đến Cổ Loa làm rể An Dương Vương. Làm rể chỉ là cái vỏ bọc chắc chắn cho hoạt động gián điệp nhằm ly gián vua tôi An Dương Vương, nắm được bí mật quân sự, bí mật quốc gia đối phương.
Triệu Đà đã thất bại trước An Dương Vương, nhưng với dã tâm xâm lược cháy bỏng hắn đã thuộc lòng, nghiền ngẫm kỹ nguyên nhân thất bại để loại bỏ nó, đi tới thành công. Lần thứ hai xâm lược Âu Lạc, Triệu Đà sử dụng kế sách: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Để “biết người”, Triệu Đà dùng con trai mình làm chàng rể - con tin, với nhiệm vụ gián điệp tìm cho ra sức mạnh quân sự của An Dương Vương. Trọng Thủy có thể bị chết dưới bàn tay An Dương Vương nếu bị phát giác, nhưng tham vọng xâm lược của Triệu Đà lớn hơn tình phụ tử!
Khách quan mà nói, Trọng Thủy là chàng trai xuất chúng, bằng suy luận, chúng ta hiểu điều đó. Trọng Thủy chiếm trọn lòng tin An Dương Vương, mê hoặc Mị Châu, thực hiện xuất sắc điệp vụ Triệu Đà giao phó. Là điệp viên, đặt trách nhiệm phụng sự tổ quốc lên trên hết nhưng Trọng Thủy không khỏi không có những giây phút yếu mềm, suýt để lộ chân tướng khi chia tay với Mị Châu. Về với Triệu Đà, Trọng Thủy lập được đại công, nổi danh thiên hạ; ở lại với An Dương Vương, Trọng Thủy có được tình yêu đôi lứa tuyệt mĩ. Trọng Thủy biết hắn chỉ có được một trong hai điều đó mà thôi. Là chàng trai xuất chúng, Trọng Thủy không cam chịu,  bi kịch cuộc đời y cũng từ đó mà ra.
Nếu như Mị Châu bình thường như bao phụ nữ khác thì Trọng Thủy dễ dàng dứt bỏ. Tài năng, uy quyền hoàng tử khó gì chuyện kén vợ xinh đẹp kiêu sa đầy đủ chuẩn mực theo quan niệm phong kiến. Điều làm cho Trọng Thủy day dứt là tấm chân tình, là niềm tin tưởng tuyệt đối, là sự trong trắng và trí thông minh…của Mị Châu.
Hoàn thành nhiệm vụ cho vua cha, Trọng Thủy nghĩ ngay đến việc riêng của mình là làm sao giữ trọn tình nghĩa vợ chồng với Mị Châu. Trọng Thủy đã giữ lời hứa khi chia tay Mị Châu nhưng hắn không hiểu được chân lý: “nước mất – nhà tan”. Trọng Thủy không thể từ bỏ công danh để bảo vệ tình yêu đôi lứa khi quyền lợi dân tộc Âu Lạc không thể chấp nhận điều đó, và Mị Châu lại càng không thể! Vinh quang chỉ là một khoảnh khắc, tình yêu mới theo suốt cuộc đời, Trọng Thủy nhận ra điều đó đã muộn. Cái chết của Trọng Thủy cảnh tỉnh cho những ai đặt công danh, quyền lợi lên trên tình yêu.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ Trung Quốc vừa rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, thật ấu trĩ cho những ai xem đó là chiến thắng. Nhiều thông tin cho thấy, ngoài quần đảo Hoàng Sa đã nuốt trọn, Trung Quốc đã xây dựng xong sân bay quân sự trên một đảo chìm ở quần đảo Trường Sa! Dã tâm xâm lược Việt Nam chưa bao giờ ngưng chảy trong dòng máu những kẻ cầm quyền Bắc Kinh. Trên đất liền, tại Vũng Áng – Hà Tĩnh, số lượng kỹ sư, công nhân lao động hợp pháp và bất hợp pháp người Trung Quốc có số lượng tương đương sư đoàn; địa bàn chiến lược Tây Nguyên cũng vậy, chưa kể rải rác ở các địa phương khác. Trong số những người Trung Quốc đó, bao nhiêu là lao động đích thực, bao nhiêu là “Trọng Thủy”? Điều này chúng ta chỉ biết trông đợi vào lòng yêu nươc, sự lãnh đạo sáng suốt, cảnh giác của lãnh đạo các cấp mà thôi.
Biết cái sai của lịch sử mà lại đi vào vết xe đổ của lịch sử là phản quốc. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, thời điểm lịch sử hiện nay càng thể hiện rõ giá trị về bài học mất nước. Đảng – Nhà nước – Nhân dân cùng thấm nhuần bài học lịch sử này chắc chắn: “Non sông muôn thuở vững âu vàng”.


10 nhận xét:

  1. Cảm ơn bạn vì lòng yêu nước!

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết của bạn làm tôi thêm tin tưởng vào lòng yêu nước của nhân dân!

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của bạn thể hiện tâm huyết của người thầy trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Cảm ơn, chúc bạn sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  4. Bài nghiên cứu có ý tưởng mới, phân tích, đánh giá và liên hệ rất hay.

    Trả lờiXóa
  5. Nguong mo su phu qua. Bai nay e day thay ko hay nhung doc bai viet cua thay e nhan them nhiu dieu nua.perfect.

    Trả lờiXóa
  6. Bài viết hay ở khám phá tác phẩm và cảnh tỉnh nguy cơ giai đoạn hiện nay của dân tộc. Cảm ơn bạn!

    Trả lờiXóa
  7. Cảm ơn bạn vì bài viết hay, sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  8. Đào Mậu Thắnglúc 18:06 21 tháng 2, 2016

    Cảm ơn các bạn đã động viên, khuyến khích!

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết sâu sắc, cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa