CHƯƠNG III
Phòng làm việc của chủ
nhiệm hợp tác xã Hồng Tiến khá rộng, bên ngoài kê bộ sa lông tiếp khách bằng gỗ
lim, kế đến bàn họp của Ban Chủ nhiệm, trong cùng là bàn làm việc của Hoàng
Hói. Trên tường, bên trái từ trong nhìn ra, cao nhất là bức ảnh Hồ Chủ tịch đạp
xe đạp nước, phía dưới một dãy khung giấy khen, bằng khen hợp tác xã. Bức tường
đối diện treo cờ thi đua lao động sản xuất, thể thao và văn hóa.
Hoàng Hói đang viết viết
xóa xóa những con số trong sổ tay công tác thì ông Bạc và ông Sung bước vào.
- Chưa có ai hả anh
Hoàng? Ông Sung hỏi.
- Thì có hai ông đấy
thôi. Các ông uống nước rồi chúng ta làm việc luôn.
Ông Bạc hỏi lại:
- Tôi cứ tưởng phải đầy
đủ các đội với Ban Chủ nhiệm mới họp chứ?
- Dào ôi, ai đến trước
ta họp trước khỏi mất thời gian. Với lại tính chất cuộc họp có bỏ phiếu, thống
nhất gì đâu mà phải chờ.
Rót nước mời hai ông đội trưởng, Hoàng Hói tỏ vẻ thân mât:
- Ông Bạc trông nét mặt
vẫn còn xanh đấy. À, tôi nghe nói anh Sung có con nái vừa đẻ chín con phải
không? Giống lợn nhà anh tốt đấy, để cho nhà tôi một cặp nhé.
- Để tôi hỏi lại bà nhà
tôi người ta đã dặn hết chưa, nếu hết thì anh lấy cặp lợn tôi tính để nuôi cũng
được.
- Ai lại thế, khó coi
chết!
- Có gì đâu, lứa sau
tôi nuôi bốn con cũng vậy thôi.
Diệu Ly đi vào, gật đầu
chào hai ông đội trưởng, đưa cho Hoàng Hói bảng thống kê nộp sản, Hoàng Hói
nói:
- Cô Diệu Ly ở lại họp
luôn, cần thiết giải thích cho rõ, tôi thì chỉ nhớ số liệu chung thôi.
Ngồi vào bàn họp, Hoàng
Hói quay sang Diệu Ly:
- Bây giờ để hai ông đội
trưởng báo cáo sản lượng phải nộp trong vụ này,
số nợ tồn vụ trước. Cô đối chiếu xem đúng sai thế nào, sau đó ta chốt
phương án giải quyết.
Ông Bạc lật cuốn vở học
trò, đọc số sản lượng từng hộ nông dân phải nộp trong vụ này Hoàng Hói ngắt lời:
- Ông nêu tổng sản lượng
phải nộp là bao nhiêu, trong đó chia ra chân ruộng loại A, chân ruộng loại B, đồng
màu là được. Còn đọc từng hộ, ông công bố trước cuộc họp đội là được.
Nghe ông Bạc đọc xong số
liệu, Diệu Ly nói:
- Đội của ông so với kế
hoạch khoán thiếu tám tấn sáu qui thóc ở đồng màu.
Ông Bạc ngạc nhiên:
- Diện tích chừng ấy, sản
lượng chừng ấy, sao lại thiếu được?
Diệu Ly giải thích:
- Đội trồng cây gì thì
tính theo sản lượng cây ấy.
- Tôi hỏi lại, khi nhận
khoán 100 qui sản lượng trên diện tích đất màu. Bây giờ người ta trồng gì thì mặc
người ta chứ?
- Vậy là ông không nắm
rõ rồi, khi tính toán qui sản phẩm vụ ấy mình trồng lạc, còn bây giờ đội ông trồng
đỗ xanh nên phải tính theo khung đỗ xanh.
Ông Bạc nóng mặt:
- Sao Ban Chủ nhiệm không
thông báo, ruộng khoán sản cố định sao đất trồng màu lại không khoán cố định?
Lúc này Hoàng Hói mới lấy ra một tờ giấy trong một cuốn sổ đặt trên bàn
đưa cho ông Bạc. Đó là bảng tính tiêu chuẩn sản lượng các loại màu trên diện
tích ha/ vụ của phòng Nông nghiệp huyện.
- Ban Chủ nhiệm có bịa
ra đâu. Sản chưa nộp ông về thông báo với bà con cũng còn kịp kia mà. Bà nhà
tôi cũng là xã viên đội ta ông Bạc ạ.
Ông Bạc không trả lời,
bực bội với cung cách làm việc của Ban Chủ nhiệm. Đã mấy lần ông té ngữa vì cái
kiểu thông báo đột xuất này. Ban Chủ nhiệm ở xa, ông ở gần nên phải căng mình
ra với những lời nỉ non, oán thán, hậm hực của bà con. Đã mấy lần ông xin nghỉ
chức đội trưởng nhưng rồi khi ra bầu cử bà con lại tìm không được người năng nổ,
thật thà chất phác như ông… Lần này về nhà thế nào vợ ông cũng chì chiết. sản
lượng chưa nộp, chưa thu hoạch, chỉ ước tính thôi mà vợ ông đã đòi mua quần nọ
áo kia cho bằng chị bằng em. “Tôi mặc là mặc cho ông, ra đường lùi xùi người ta
không cười cho thúi mũi”. Với ông, ăn mặc lành lặn là tốt rồi, có se sua gì đi
nữa thì vẫn là bà nông dân. Nhiều lúc bà ấy mặc áo quần không hợp tuổi trông cứ
chương chướng…
- Nợ cũ còn tồn đọng của
đội chú Bạc là mười sáu tấn tám, tính ra phải nộp sản vụ này là…
Câu nói Diệu Ly cắt ngang dòng suy nghĩ của ông. Nghe tổng sản lượng sản
phải nộp, ông đứng dậy, mát mẻ:
- Xin mời ông Chủ nhiệm
và cô kế toán xuống mà thu nợ nhé!
Diệu Ly sẵng giọng:
- Được thôi, có khó gì
đâu. Như vậy hợp tác xã khỏi trả công quản lý đội cho chú vụ mùa này là được chứ
gì!
Ông Bạc trân người, như có cục tức ứ nghẹ trong cổ. Ông Sung kéo tay:
- Ngồi xuống đã nào,
chuyện chung, bực tức làm gì cho mệt ông Bạc.
Hoàng Hói tiếp lời:
- Anh Sung nói đúng, đã
chốt lại vấn đề đâu.
Chờ ông Bạc yên vị, rót cho ông chén nước, Hoàng Hói thủng thẳng:
- Đội của anh Bạc vụ
trước còn nợ mười sáu tấn tám, đúng không?
- Mùa trước đội tôi nạp
đủ chỉ tiêu. Số nợ là nộp tích lũy phát triển giao thông nông thôn của hợp tác
xã. Bà con đội tôi thống nhất khi nào làm thì mới đóng.
Hoàng Hói quay sang ông Sung:
- Đội ông còn nợ khoản
nào vụ trước không?
- Chúng tôi chẳng dám,
đã nộp trước sau gì cũng nộp. Tôi nghĩ tồn đọng nợ sẽ tăng lên, rất khó thu.
Hoàng Hói nói với ông Bạc:
- Thế đấy, chúng tôi biết
thu sản khó khăn, nhưng đội thu được, đội không thu gây dị nghị trong hợp tác
xã. Nhà tôi ở đội ta, không khéo bà con lại nghĩ xấu về tôi bao che nữa. Thôi,
cố gắng nhé, ông Bạc.
Gấp cuốn vở lại, ông Bạc đứng dậy:
- Không có việc gì nữa
thì tôi về!
Ông Bạc lầm lũi bước ra
khỏi cửa. Về lí thì thế nhưng ông cảm giác có điều gì đó không minh bạch. Hình như
bọn họ toa rập với nhau kẻ tung người hứng, kẻ đấm người xoa. Cái con ranh Diệu
Ly hơn con Lài có ba tuổi mà ghê thật. Giọng điệu vì cái chung nhưng sao nhiều
cái đi ngược lại nguyện vọng bà con, lúc nào cũng bảo là thực hiện nghị quyết
này, thông báo nọ…
Nhìn dáng ông Bạc tất bật
ra khỏi cổng, ông Sung cười cười:
- Anh Hoàng và cô Diệu
Ly thật cao chiêu. Thế nào lão ta chẳng “hoàn thành nhiệm vụ”.
Diệu Ly có vẻ nở mày nở mặt sau câu nịnh của ông Sung, nửa đùa nửa thật:
- Em mà là anh Hoàng
thì em cho lão ta nghỉ đội trưởng từ lâu. Hay là có chút vương vấn gì bà vợ ông
ta?
Hoàng Hói nghiêm nét mặt, chậm rãi:
- Lão ta có tiếng là
người thẳng thắn, cương trực, nguyên tắc nhưng mà ngu. Phải có người đội trưởng
như lão ta để bà con xã viên còn tin tưởng. Sáu đội, lão với lão Bầu tính khí
giống nhau, che chắn đã mệt rồi. Ba lão kia ba phải, nói khéo là nghe, chỉ
riêng anh Sung đây thâm cung bí sử chuyện gì cũng biết, cùng ngồi một thuyền
nhưng tôi cảnh báo cái gì cũng vừa vừa thôi, qua mặt tôi thì đừng trách.
- Anh cứ nói thế, chuyện
gì tôi cũng xin ý kiến anh.
- Thôi được rồi, anh đối
chiếu với cô Diệu Ly việc nộp sản đi.
Ông Sung đối chiếu sổ
sách với Diệu Ly, Hoàng Hói ra bàn ngoài uống nước. Câu nói của Diệu Ly làm
Hoàng Hói chột dạ. Mẹ kiếp, về chuyện tình cảm đàn bà dường như có giác quan thứ
sáu. Vợ Hoàng nhỏ tuổi hơn Mùi mà sồ sề, nói năng bộp chộp, cái gì cũng tham, lắm
lúc làm cho Hoàng cáu tiết. Có tham cũng phải sao cho khéo, mắt thiên hạ đâu phải
dễ che. Với lại tham cái vụn vặt chẳng lợi được bao nhiêu mà mang tiếng. Hồi
chưa khoán, gánh phân đạm vãi ruộng, bà nào cũng bỏ túi áo bảy tám nắm, nhiều lắm
được nửa kg về hòa nước tưới rau…riêng Mùi thì không, dù có đi làm đồng hay hội
họp áo quần lúc nào cũng sạch đẹp, nền nã, trẻ hơn so với tuổi rất nhiều. Cái
áo chiết eo tôn bộ ngực vun đầy, mông tròn trịa, eo nhỏ trông thật bắt mắt, lại
còn nụ cười, đôi mắt lúng liếng như mời gọi, như thách thức có chết người ta
không…người thế làm vợ lão Bạc cũng uổng…nghĩ tới đó tự dưng Hoàng chép miệng,
không biết làm sao mà tiếp cận, hẹn hò, hưởng lạc…Mẹ kiếp, ở nông thôn đâu cũng
tai mắt, có kín đến mấy cũng khó lòng, chả như thành phố, thị xã không ai quan
tâm đến ai…
- Cái khoản quĩ phát
triển giao thông nông thôn đội chú Sung tính sao đây anh Hoàng?
- Thì cứ như vụ trước,
nộp xong rồi hẵng tính. Nhưng mà nộp tiền hay nộp thóc?
- Tôi vận động nộp thóc
anh Hoàng ạ, tính chung luôn trong nộp sản năm nay.
- Được thôi, nộp xong
cô Diệu Ly chi phần trăm cho anh. Không có vấn đề gì nữa thì anh về, tôi đang
chuẩn bị cái báo cáo.
Ông Sung, Diệu Ly ra khỏi
cửa, Hoàng Hói xem lại bản thống kê Diệu Ly đưa sang. Cứ cái đà này sẽ kiếm được
kha khá đây. Mỗi năm có ba vụ cũng hơi ít, với lại còn có năm mất mùa nữa. Được
mùa, dễ thu sản và các khoản đóng góp nhưng sản xuất nông nghiệp như hợp tác xã
Hồng Tiến, ba phần tư diện tích phụ thuộc vào nước trời nên vụ được vụ mất tỷ lệ
tương đương nhau. Vụ nào cũng được thì chẳng mấy chốc mà khá. Bất chợt, Hoàng
Hói nhớ lại kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, thầy Tuân, hiệu trưởng trường cấp II
có nói bất cứ một sản phẩm gì cũng phản ánh quá trình đầu tư và gia công. Muốn
vụ mùa nào cũng thắng lợi phải chủ động được nước tưới nội đồng, muốn học sinh
ngoan, giỏi phải dạy dỗ chúng từ khi chưa đi học, xây dựng môi trường giáo dục…Mấy
ông chủ nhiệm hợp tác xã nghe như gió thoảng qua, ông phó bí thư, chủ tịch UBND
xã lẩm bẩm: “Không cho nói thì bảo mất dân chủ, còn nói thì toàn là lý thuyết vớ
vẩn…” Bây giờ ngẫm ra thầy hiệu trưởng nói có lí. Cái ‘lý thuyết” mà như ông
phó bí thư lẩm bẩm đó chính là nguồn kinh phí ở đâu ra? Vỗ đùi đánh đét một
cái, Hoàng Hói cười khích khích, tự nói một mình: “Có rồi, có rồi…sao mình
thông minh thế!” rồi đứng dậy, đi sang phòng Diệu Ly.
Ông phó chủ nhiệm hợp
tác xã phụ trách kỹ thuật hôm nay đi tập huấn trên huyện. Thằng Được thủ kho
xin nghỉ mấy bữa chuẩn bị đám cưới, thành ra chỉ còn Hoàng Hói với Diệu Ly làm
việc tại trụ sở. Đúng ra hợp tác xã còn khuyết một phó chủ nhiệm nhưng Hoàng
Hói không đề nghị bầu thêm. Tiếng là Ban Chủ nhiệm nhưng việc gì mình cũng quyết
được hết. Thêm người, lỡ nó không đồng tình với mình cũng khó. Đưa lão Sung lên
thì lấy ai “làm gương” cho các đội khác? Với lại lão Sung vâng vâng dạ dạ nhưng
cũng tham lam. Cách một cấp thì khác, tương đương một cấp thì khác, tiền kiếm
ra từ ý tưởng mình nhưng chia ra như lão ở dưới đội đời nào lão ta chịu. Lão Bầu
có khả năng nhưng được tiếng là mực thước nên làm phó sao được, lão lại không tố
cáo mới lạ. Mà công việc có quái gì lắm đâu, khoán 100 rồi người ta phải tự lo
là chính, ít dễ chia chác, kín tiếng…Phơi phới trong lòng, Hoàng Hói huýt sáo
bài “Anh vẫn hành quân”…
- Gì mà vui thế anh?
- Sang phòng anh bàn
chút việc. Cầm theo cái bàn tính.
Chắc là chuyện chia
chác phần lãi ngân hàng đây, đến kỳ rồi, Diệu Ly nghĩ. Mà chuyện ấy cô đã tính
rồi, chủ nhiệm bao nhiêu, phó chủ nhiệm bao nhiêu, phần cô bao nhiêu nhân lên
là xong, cần gì phải bàn tính.
Hoàng hói pha ấm trà mới,
Diệu Ly tráng chén.
- Làm việc với anh em đến
nghiện trà mất.
- Uống trà tốt cho sức
khỏe, nghiện có sao đâu.
- Có hôm không kịp ăn
sáng, uống chén trà, nửa buổi cồn cào trong bụng khó chịu lắm.
- Sao không nói anh chữa
cho.
- Chữa sao được?
Hoàng Hói cười cười:
- Thì anh lấy bụng anh
chườm lên bụng em là hết ngay thôi!
Diệu Ly đấm vào vai Hoàng Hói:
- Anh chỉ được cái thế
là nhanh, như vậy không phải “chữa” mà là “chửa” đấy.
Hoàng Hói cười hinh hích;
- Em giỏi chơi chữ đấy.
- Anh dạy em mà. Thôi
anh bảo tính gì để em tính, cũng trưa rồi.
Hoàng Hói với quyển sổ, lật ra nói:
- Tổng số sản lượng phải
nộp phần màu qui ra thóc là bao nhiêu?
- Anh hỏi thế em chưa
tính được, phải tổng hợp cả sáu đội đã. Lâu nay làm màu nộp màu mà anh.
Hoàng Hói không trả lời, hỏi sang chuyện khác:
- Thóc vụ mùa xay ra được
bao nhiêu thành?
- Sáu thành rưỡi, mười
kg lúa được sáu kg rưỡi gạo.
- Tốt rồi.
- Em không hiểu?
- Anh móc được với tay
Trưởng phòng Lương thực huyện, xin nộp gạo thay nộp lúa. Lão ta tính cho sáu
thành ba nhưng nhập kho sáu thành hai, phần dư là của lão.
Diệu Ly vui vẻ:
- Hay quá, “quả” này
khá đấy anh ạ. Nhưng chỉ riêng màu thôi hả anh? Tính ra, lão ta ngoạm nhiều đấy.
- Càng lớn ngoạm càng
to, thế mới tranh chức lãnh đạo. Riêng màu thì nói làm gì, tất cả sản lượng nộp
qui gạo hết.
- Thế mình thu gạo thay
lúa hả anh?
Hoàng Hói nâng cằn Diệu Ly, nheo nheo con mắt:
- Dân tình ai cũng biết
thu sáu thành rưỡi, lỡ khi nhập kho trên ấy ai đó xì ra sáu thành hai thì ăn
nói làm sao? Giải thích sao cũng lòi cái đuôi xà xẻo.
- Vậy anh tính thế nào,
đừng đánh đố em nữa?
- Lão trưởng phòng nói
sẽ bán cho hợp tác xã một cái máy xay xát giá cung cấp, mình giao cho thằng Được
phụ trách luôn. Tiền cám dư tiền dầu, tiền công và kể cả tiền vận chuyển. Sau
này em lo quản lý số tiền đó cho tốt. Để bớt kẻ bươi móc, xoi mói, xay lúa cho
xã viên chỉ thu tiền dầu là được, mình cho xã viên hưởng lợi một chút, đó cũng
là “đầu tư tái sản xuất”, hiểu chưa cô em? Hoàng Hói giả lả.
- Anh cứ như Khổng
Minh, tính nốt cho em phương án màu qui thóc.
- Em cứ tính tiền thóc
cao hơn thị trường xí đỉnh, lúc ấy ai muốn nộp màu thì nộp, nộp thóc thì nộp.
Em là xã viên em chọn nộp cái nào?
Diệu Ly nể phục Hoàng
Hói việc gì cũng tính trước, tính sau, lường hết kẻ hở. Kể ra Hoàng Hói giỏi
tìm cách kiếm chác, mà khi đã kiếm chác được cô cũng nhiều ít có phần. Tinh
quái nhất là sau khi nêu những chi phí bịt miệng cần thiết, Hoàng Hói đẩy cho
Diệu Ly tính chia chác theo tỷ lệ phần trăm. Phần thì cô mới làm kế toán hai
năm nay, xử lý việc gì cũng phải hỏi, phần vì có được vị trí như hôm nay cũng
nhờ sự “ưu ái” của Hoàng Hói không biết đắt hay rẻ bằng một đêm trao thân xác ở
bờ sông. Người ta nói cái quí nhất của đời người con gái là cái ngàn vàng,
nhưng cái ngàn vàng ấy, Dự, chồng cô đã lấy trước rồi…Và cũng từ sau cái đêm ấy
cho đến bây giờ cô không bao giờ tạo cơ hội cho Hoàng Hói làm chuyện ấy nữa, có
chăng chỉ sờ mó chộp giật, hôn hít vội vàng vì sợ một ngày nào đó người ta bắt
gặp thì biết sống sao đây, nhưng cứ sau mỗi lần như thế là có khoản này, khoản
khác, cho dù chỉ bằng phần tư, phần năm ông chủ nhiệm nhưng cuộc sống gia đình
cô đỡ chật vật hơn.
- Sao em không trả lời?
- Em nghĩ là câu trả lời
nằm trong câu hỏi của anh rồi. Mà anh, việc thu chênh lệch tám tấn sáu ở đội
ông Bạc, bảy tấn hai ở đội ông Sung, năm tấn ba ở đội ông Ngật xử lí thế nào?
- Còn thế nào nữa, cắt
cho lão Sung hai tấn, còn lại em chia ra chứ sao.
- Khoản này khá lớn, em
sợ ngộ nhỡ…
- Ai bảo em chia liền.
Cứ bán đi gửi ngân hàng đã. Qua vụ nghe ngóng không có chuyện gì hẵng lấy. Em
có kẹt thì tạm ứng chút ít cũng được.
- Em phục anh thật đấy.
Cái tờ thống kê sản lượng anh đưa cho lão Bạc đó là bảng mẫu năng suất chủng loại
hoa màu nếu chăm sóc tốt mới đạt kết quả như vậy để người sản xuất đối chiếu,
thế mà…
- Thế mà là bình phong
để kiếm chác chút gì phải không? Hoàng Hói cười rinh rích.
- “Quả” này phải nói
cũng nhờ lão Sung làm quân xanh.
- Vài câu nói kiếm hai
tấn thóc còn gì nữa. Em hù lão Bạc có một câu mà có bốn tấn thóc đó thôi. Hoàng
Hói khéo léo cài câu nói nhắc nhở ẩn ý cái khoản cô có được là do ai.
- Thì “làm đầy tớ thằng
khôn hơn làm thầy thằng dại” mà.
- Em gọi anh là thằng đấy
à.
- Tục ngữ nói vậy, sau
này có nói em chữa lại ‘làm đầy tớ anh khôn”.
- Đùa tí thôi, anh không
muốn em làm đầy tớ mà làm vợ hai.
Vừa nói Hoàng Hói vừa kéo Diệu Ly vào lòng, ôm chặt. Diệu Ly đưa bàn tay
lên chặn đôi môi của Hoàng Hói:
- Anh, người ta thấy!
- Giờ này thì có ma nào
tới.
Hoàng Hói lại lấn tới, bàn tay sờ soạng ngực Diệu Ly.
- Thôi nào, được rồi đó
,anh!
Diệu Ly đẩy vào ngưc Hoàng Hói. Máu trong huyết quản ông chủ nhiệm như
đang sôi lên đòi hỏi nhưng lí trí Hoàng Hói nhận ra rằng dùng sức mạnh cưỡng ép
lúc này không cần thiết. Diệu Ly đã trao thân lần một, với Hoàng Hói phải có lần
hai, có chăng chỉ là cái giá mà thôi. Qua được hai lần thì những lần sau cô ta
sẽ tự nguyện khi mình đòi hỏi thôi mà. Mụ Ngoạn hay con Thái đều thế cả. Buông
eo Diệu Ly, Hoàng Hói nói:
- Anh nghĩ sau khi anh
nói chuyện này em sẽ thưởng cho anh.
Diệu Ly không hỏi chuyện
gì, không hỏi trước sau Hoàng Hói cũng nói. Nhưng còn chuyện gì nữa nhỉ. Làm bộ
cầm cái bàn tính, bước ra cửa. Hoàng Hói cầm tay kéo lại, nghĩ “cô em cũng khéo
đóng kịch lắm”.
- Em không muốn nghe
chuyện anh nói thật à?
- Anh muốn nói thì anh
nói, em với anh còn gì nữa mà phải vòng vo.
- Thôi được rồi, anh
thua. Em xem ngày nào đến hẹn rút hết tiền quĩ phát triển giao thông của hợp
tác xã ra.
- Rút tiền lãi chia
thôi chứ?
- Rút tất, tiền lãi
chia, tiền gốc làm kênh mương nội đồng.
- Em có nghe kế hoạch
làm kênh mương nội đồng đâu?
- Kế hoạch là đây- Hoàng
Hói chỉ vào đầu, em có nhớ tháng trước tay phó chủ tịch huyện phụ trách mậu tài
hỏi sao không làm kênh mương nội đồng không?
- Có, thì sao?
- Huyện không đủ kinh
phí đầu tư 100%. Hợp tác xã nào có đối ứng thì huyện hỗ trợ 50%. Vậy ngu gì ta
không làm!
- Nhưng mà tiền lãi chỉ
được chia có một lần, uổng quá!
- Em còn phải học hỏi nhiều.
Thứ nhất, làm kênh mương nội đồng, chủ động được nước tưới, được mùa thu sản dễ
hay khó?
- Đương nhiên là dễ rồi.
- Dễ rồi thì mới dễ thu
các khoản khác, trước mắt là tiền làm kênh mương, xong rồi ta lại thu tiền phát
triển giao thông nông thôn.
- Vậy thì lâu quá!
Hoàng Hói lại cười rinh rích:
- Là lâu được chia tiền
chứ gì? Xây dựng công trình phần góp vốn của hợp tác xã, mình được năm, sáu phần
trăm. Ăn dày quá chất lượng công trình kém thì lại chính mình lãnh hậu quả. Anh
tính rồi, số % đó tương đương lãi suất ngân hàng. Số vốn của huyệnđầu tư thì
rơi vào túi tay phó chủ tịch và tay trưởng phòng nông nghiệp là cái chắc rồi. Nhưng mà vốn lớn,
mình xin lão một hai phần trăm thế nào lão dám từ chối. Phần ấy thì chỉ riêng
anh và em thôi.
- Vậy thì mình đào đâu
ra đối ứng 50% hả anh? Khoản quĩ tích lũy phát triển giao thông nông thôn kể cả
nợ đội lão Bạc đi nữa có thấm vào đâu?
- Cứ làm đã, có bao
nhiêu ta trả bấy nhiêu, xong việc đánh bài nợ với huyện. khi có công trình rồi
thu cũng nhanh thôi. Cùng lắm là xin nợ nộp sản vài vụ. Lúc ấy huyện không chịu
cũng phải chịu. Giỏi lắm người ta kiểm điểm anh nhưng chắc chắn dân ủng hộ.
Diệu Ly ôm cổ Hoàng
Hói, hôn cái ‘chụt” lên má. Hoàng Hói nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên môi Diệu Ly
trong khi bàn tay lần kéo cái phẹc ma tuya quần. Diệu ly cầm tay Hoàng Hói:
- Đừng anh. Sang phòng
em dễ quan sát người ta vào trụ sở hơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét