Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

LẠM BÀN CHUYỆN LỚN NGÀNH GIÁO



     Đọc công văn triệu tập của Sở đi tập huấn ở Đà Nẵng về "dạy học theo Chuẩn chương trình giáo dục thường xuyên Trung học cơ sở", tôi không khỏi băn khoăn. Chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp trung học cơ sở (THCS) ở tỉnh tôi không có Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp (TT GDTX-HN) thực hiện thì đi làm gì nhỉ, có phí thời gian không trong khi đầu năm học bao việc cần làm?
     Biên chế bộ môn lớp tôi có 19 người, buổi học đầu tiên cô giáo đặt vấn đề: "Mong muốn của thầy / cô sau đợt tập huấn?". Vài thầy cô phát biểu, cô giáo chỉ tôi, tôi chỉ nói một câu: "Thưa cô, tôi muốn thấy được cái mới trong cái đã cũ". Tôi nói thực lòng nhưng cũng hàm ý pha chút thách thức.
     Thiện cảm đầu tiên của cô giáo đối với tôi, và sau này tôi biết, đối với chúng tôi là hình thức thể hiện. Giọng nói của cô thanh, nụ cười có duyên, toát lên vẻ chân thành tự nhiên. Cô mặc áo sơ mi, quần tây trông giản dị nhưng rất đẹp. Màu sắc phù hợp với làn da, kích cỡ vừa vặn, thanh lịch tôn được vẻ đẹp vóc dáng. Tôi thầm nghĩ: "Cô giáo diện mà như không diện, như vậy mới gọi là diện".
     Vấn đề cô đưa ra cho chúng tôi thảo luận cũng không có gì mới; đây đó có thầy, cô đi tập huấn lớp này lớp nọ rồi nhưng khi trình bày vẫn "thiếu trước hụt sau". Đến khi hoàn chỉnh vấn đề cũng đã quá thời gian kết thúc buổi học, điều này chưa từng thấy đối với tôi khi dự các lớp tập huấn trước kia.
     Sau đợt tập huấn tôi chợt nhận ra điều mong muốn của tôi đã được đáp ứng. Rồi chính từ đó, trong đầu tôi trăn trở bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu giả thiết giải pháp, đành viết ra, trước tiên là để giải tỏa cho mình, thứ nữa, biết đâu gợi ý tưởng nào đó cho nhà quản lý giáo dục vĩ mô.
     Tại sao ngành Giáo dục và Đào tạo không đưa ra tiêu chí sơ tuyển hình thể đối với sinh viên sư phạm? Một số ngành cũng đã làm đấy thôi. Thực tế qua công tác quản lý, tôi thấy năng lực tương đương nhau nhưng giáo viên nào có hình thể đẹp có sức cuốn hút học sinh hơn. Tổ chức sơ tuyển như thế tốn kém ư? Chỉ cần có tiêu chí cụ thể để học sinh tự đánh giá khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Chương trình hướng nghiệp hiện nay trong các trường THPT hay THPT hệ GDTX làm được việc này. Hay làm như vậy trái luật? Ngành sư phạm có đặc thù riêng chứ? Mỗi thầy cô giáo trong cuộc đời họ giảng dạy bao nhiêu thế hệ, mức độ ảnh hưởng rất lớn. Người dạy học truyền thụ tri thức (cái đẹp trí tuệ), văn hóa (cái đẹp tâm hồn) hội tụ 3 yếu tố: Tâm (nhiệt huyết nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử...); Tài (tri thức, năng lực); Thẩm mỹ (cảm nhận, nuôi dưỡng, phát huy cái đẹp...) chắc chắn sẽ thành công trong sự nghiệp trồng người.
     Trong chương trình giảng dạy bậc THPT, Đại học sư phạm không có phân môn dạy về cách thức ăn mặc. Tôi nghĩ vấn đề này hết sức cần thiết. Mặc đẹp góp phần tạo sự tự tin khi giao tiếp, dễ gây thiện cảm với người khác. Hiện nay, ở trường phổ thông các em không được định hướng về thời trang nên cách ăn mặc của nhiều học sinh lệch chuẩn, "ngứa mắt" đối với thầy cô giáo, xã hội.

     Khi tập huấn chương trình chuẩn kiến thức, kỹ năng GDTX cấp THCS, đọc lại Luật Giáo dục, chúng ta thấy:
     Mỗi cấp học đều có chương trình chuẩn. Ngành giáo dục toàn quốc dựa vào chương trình ấy để giảng dạy, kiểm tra, đánh giá. Chuẩn THCS hệ GDTX thấp hơn chuẩn THPTCS. Chỉ cần đạt chuẩn THCS hệ GDTX là đủ điều kiện học THPT hoặc THPT hệ GDTX. Tốt nghiệp THPT hệ GDTX là có thể dự thi vào bất cứ trường Đại học nào. Như vậy, chúng ta hiểu chuẩn hệ GDPT tương đương chuẩn phổ thông.
     Nhưng đã nảy sinh vấn đề bất hợp lý, khi thi tốt nghiệp THPT và THPT hệ GDTX thì đề thi khác nhau. Tại sao không dùng một đề, lấy đề THPT hệ GDTX làm cơ sở? Về mặt lý luận, chúng ta có thể khẳng định: một học sinh trung bình yếu hệ THPT có thể thi rớt tốt nghiệp hệ THPT, nhưng nếu được thi đề thi chương trình THPT hệ GDTX em đó sẽ đậu. Vô hình trung, ngành giáo dục đã tự tạo sự bất hợp lý về công bằng giáo dục và lãng phí tiền của cho sự bất hợp lý ấy.

     Thời gian gần đây dư luận xã hội bàn nhiều về việc bỏ hay không bỏ kỳ thi TN.PTTH? Vậy thi thì được cái gì và bỏ thì được cái gì?
     Thứ nhất, thi thì đánh giá được một quá trình học tập của học sinh trong một cấp học, là định chuẩn để học lên hay học nghề. Qua 12 năm học có được một tấm bằng tú tài, nó là kỷ vật tinh thần cho quãng đời học sinh phổ thông. Nhưng về mặt lý lẽ, thực tiễn mà nói, vấn đề này vẫn có những cái chưa ổn.
     Một bài thi trong thời gian 150 phút, 90 phút cho tự luận, 60 phút cho trắc nghiệm để đánh giá cho một bộ môn suốt cả một cấp học thì không thể đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh trong khi từng học kỳ, giáo viên bộ môn đánh giá sát hơn? Dạy và học và đánh giá, kiểm tra theo chuẩn thì không có lý gì một học sinh trung bình lại làm bài đạt điểm giỏi được, nhưng thực tế có, có rất nhiều. thậm chí, học sinh yếu thi vẫn đạt điểm giỏi Và điểm thi đó có được công nhận không? Đương nhiên là được công nhận Sự chênh lệch đánh giá của giáo viên bộ môn với kết quả thi cử rơi vào một trong những điểm sau:
     - Điểm thi cao hơn kết quả đánh giá là do giáo viên bộ môn đánh giá khắt khe? Có, nhưng không đáng kể
     - Đề thi quá dễ? Không, Bộ đã bám vào chương trình chuẩn để ra đề, đề thi có sự phân hóa rõ rệt
     - Cố gắng của học sinh, thầy cô ôn tập "trúng tủ"? Có, nhưng tỷ lệ rất thấp vì quĩ thời gian ôn tập rất hạn hẹp, cố gắng của học sinh không thể tiến bộ nhảy bậc được
     - Do tiêu cực trong thi cử? Có, đây là tỷ lệ cao nhất, đáng nói nhất Ngoại trừ việc "mua" giám thị, có nhiều trường hợp xuất phát từ nhận thức lệch lạc của người coi thi "tội các em quá, cha mẹ nghèo, mười hai năm ăn học...", thôi thì "làm phúc" vậy...
     Tâm lý thông thường quý thường đi với hiếm Giá trị tấm bằng trái chiều với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc trên 90% thì tấm bằng tú tài không còn là niềm tự hào của học sinh nữa Và tự hào cái gì khi khắp thôn cùng ngõ hẻm đâu cũng có những người có tấm bằng cử nhân không tìm được việc làm?
     Thứ hai, nếu bỏ kỳ thi TN.THPT thì xã hội được gì? Về ngân sách nhà nước không phải chi một khoản quá lớn Chắc chắn, khoản ngân sách đó đầu tư vào bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, mua sắm thiết bị dạy học cho hiệu quả cao hơn.
     Bỏ kỳ thi TN.THPT giảm áp lực lên học sinh, phụ huynh Trong khoảng thời gian một tháng mà học sinh phải thi hai kỳ thi liên tiếp quả là bất hợp lý. Bỏ một kỳ thi cũng có nghĩa tiết kiệm cho phụ huynh một khoản chi kha khá, đối với gia đình nghèo lại càng có ý nghĩa
     Bỏ kỳ thi TN.THPT cũng đồng nghĩa với việc "đối xử công bằng" với các bộ môn trong khi mục tiêu của chúng ta là giáo dục toàn diện. Ba môn Văn, Toán, Ngoại ngữ năm nào cũng thi đương nhiên 'quan trọng" hơn các môn còn lại. Mấy năm nay, môn Địa lý tần suất thi dày, giáo viên, phụ huynh đoán mò: "chắc có ông lãnh đạo quan trọng ở Bộ có gốc gác vinh thân là môn Địa lý"(!)
     Nói xa hơn một chút, cùng hệ thống giáo dục quốc dân mà trường Đại học được cấp nằng tốt nghiệp cho sinh viên, còn trường THPT, THCS lại không? Đây cũng là điều bất hợp lý  Ngành Giáo dục chỉ tin vào năng lực của trường Đại học, Cao đẳng (cho dù trường đó chưa đạt chuẩn chăng nữa), còn với hệ thống trường phổ thông thì không!
     Thứ ba, vậy lấy cơ sở nào để đánh giá nhà trường khi bỏ kỳ thi TN.THPT, điều mà lâu nay sở Giáo dục xem trọng mặt này? Dư luận xã hội cũng quan tâm vấn đề này?
     Đánh giá nhà trường về chất lượng giáo dục phải đánh giá toàn diện. Riêng về chất lượng đào tạo chỉ dựa vào kết quả thi TN là phiến diện Về mặt này chúng ta có thể lấy bảng phổ điểm kết quả thi đại học, cao đẳng của Bộ vừa khách quan, chính xác, nó cho biết vị thứ của nhà trường trong tỉnh, và rộng hơn, trên cả nước. Ngoài ra, Sở, Bộ có thể làm công tác đánh giá khu vực hay diện rộng....
     Do các kỳ thi TN.THPT những năm gần đây tỷ lệ đỗ cao nên dư luận xã hội chuyển hướng  Phụ huynh quan tâm hơn đến tỷ lệ thi đỗ đại học hơn là tỷ lệ thi TNTHPT.
     Còn rất nhiều vấn đề trong ngành Giáo dục đáng bàn như xây dựng đội ngũ giáo viên chuẩn "nhưng chưa chuẩn", chế độ chính sách cho nhà giáo còn nhiều bất cập, việc tuyển dụng giáo viên....Nhưng đó mãi là chuyện "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
     Khi tôi đang gõ những dòng này, một anh bạn thân xem qua, nói: "Thôi ông ơi, cái thứ mình cóc nhái mới nhảy lên làm người hơi đâu nói chuyện thiên đình" Ừ, thì cóc nhái thấy nóng nực thì lè lưỡi, nghiến răng, may đâu lọt tới thiên đình, ban cho trận mưa ngọt 'nhuần núi sông"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét