CHƯƠNG V
Khi
thằng Toàn và Danh Điếc lạy xong ba lạy, lão Tú Chột bảo hai đứa đứng lên, nói
chậm rãi:
-
Bây giờ hai con là đệ tử của ta, nhưng chỉ ở đây thôi còn bất cứ nơi nào khác
không được có cử chỉ hay lời nói để lộ ta là sư phụ, biết chưa!
Tiếng
“dạ” của chúng lí nhí trong cổ họng, im lặng một chút, lão Tú Chột nói:
-
Hai đứa phải nhớ cho ta mấy điều này: một, không được sử dụng võ nghệ ta dạy
ngoài việc tự vệ. Hai, trong bất cứ tình huống nào đó, có ai truy các con người
nào là sư phụ thì không được nói là ta, biết chưa!
-
Dạ biết! Lần này tiếng “dạ” của thằng Toàn, Danh Điếc nghe rõ ràng hơn.
Lão
Tú Chột chỉ ngôi mộ duy nhất có tường bao quanh, nói:
-
Người nằm dưới ngôi mộ này là ân nhân và cũng là sư phụ ta. Ta đã hứa với người
chỉ truyền võ nghệ cho một, hai đệ tử mà thôi. Nay ta chọn hai con làm đệ tử cốt
là truyền giữ cái tinh hoa võ học. Sau này các con chọn đệ tử cũng nhớ lấy điều
đó, biết chưa! Trước lúc thắp hương khấn sư tổ, ta nói luôn: thằng Toàn nhỏ tuổi
hơn nhưng cốt cách chính đính, cơ bản hơn nên làm huynh trưởng. Với ta, ta nghĩ
rằng không phải bao giờ tuổi lớn hơn cũng chuẩn mực hơn đâu.
-
Con biết rồi, sư phụ.
Thằng Danh Điếc nói rồi xếp hoa
quả, gói bánh vào cái dĩa đặt ngay ngắn trước mộ. Nó nghĩ phúc bảy mươi đời mới
được làm đệ tử của sư phụ. Chưa đi xa nhiều, chỉ từ Huế đến Hà Nội thôi, nhưng
nó biết giới giang hồ ở đâu cũng nể mặt sư phụ. Nể vì tài năng, hiệp nghĩa. Nó
biết, sư phụ “rửa tay gác kiếm” lâu rồi nhưng lời nói đối với giới giang hồ vẫn
trọng lượng lắm. Chuyện gì sư phụ ra tay là xong. Đại ca nó từng hỏi có bí quyết
gì, sư phụ cười, nói: “Bí quyết là không bao giờ giành lợi cho mình, vì bản
thân mình”. Mà đúng thật, có bao giờ nó thấy sư phụ tranh giành thứ gì đâu, chỉ
cưu mang, giúp đỡ kẻ khác thôi…
Dưới
bóng trăng mờ, mùi hương trầm thoang thoảng, không gian vắng lặng gợn cảm giác
lãng đãng, u tịch như sự giao thoa giữa cõi âm và cõi dương. Thằng Toàn căng mắt
nhìn theo dáng lão Tú Chột khi cao khi thấp, thoắt vòng trái rồi xoay người tấn
phải nhẹ như mây bay thông như nước chảy, khi lảo đảo như say, lúc mềm mại như
múa, uyển chuyển lạ thường. Mắt nó dần như hoa lên nhìn theo cái bóng chập chờn…rồi
cái bóng ấy trầm xuống lắc lư nghư mãng xà trước mối hiểm nguy bỗng vút lên như
đại bàng tung cánh. Thằng Toàn chưa kịp xoay người thì vai phải nó bị bàn tay mạnh
như kìm bóp chặt.
-
Đau quá, sư phụ!
Danh
Điếc kêu lên. Khi thằng Toàn quay lại thì thấy gáy Danh Điếc đang trong bàn tay
sư phụ. Buông hai đứa ra, lão Tú Chột ngồi xuống cái ghế xếp. Thằng Toàn nói:
-
Bài quyền ảo diệu quá, con hoa cả mắt.
Lão Tú Chột với cái áo vắt trên
thành mộ lấy thuốc ra hút. Bập một hơi thuốc dài, nhẩn nha nhả khói, lão nói chậm
nhưng rành rọt:
-
Bài quyền ta đi cho hai con xem là bài Hà Lam quyền. Tại sao gọi là Hà Lam? Hà
là sông, Lam là tên. Bài quyền này do sư tổ các con sáng tác trên cơ sở chiết
ra những thế, miếng tránh đòn của rất nhiều môn phái rồi nghĩ cách liên kết lại.
Các con thấy đấy, các thế võ thay đổi liền lạc kết hợp nhuần nhuyễn cơ động
thân pháp như một dòng chảy không ngừng. Khi các con tập luyện thành thục bài
quyền này chắc chắn không một ai đánh trúng được các con.
Danh Điếc hỏi:
-
Vậy bài quyền này không tấn công địch thủ phải không sư phụ?
-
Ừ.
Như đoán được ý nghĩ của Danh Điếc,
lão Tú Chột nói:
-
Học võ không được nôn nóng, phải luyện chính xác từng chiêu thức từ dễ đến khó.
Học mà không luyện cũng như không. Khi luyện phải tập trung tinh thần, từ chậm
đến nhanh. Tốc độ tay chân có giới hạn nhưng trong đầu phải nghĩ có thể còn
nhanh hơn nữa, cho tới khi thành phản xạ tự nhiên mới được coi là thành quả.
Thằng
Toàn thì nghĩ trong mọi trường hợp xảy ra xô xát hay bị chặn đánh vì bất kỳ lý
do nào đó, không ai động được tới mình là tốt quá rồi, còn gì hơn nữa. Nó nhớ lại
hình ảnh đại ca giỏi võ là thế, mạnh bạo là thế nhưng vẫn ăn đòn nhừ tử của đám
Hùng Heo đến nỗi phải nằm liệt giường gần cả tháng đấy thôi. Hôm ấy không có sự
can thiệp kịp thời của mấy chú kiểm tu thì có lẽ đại ca nó cũng vong mạng. Rồi
cũng chỉ mấy lời của sư phụ mà Hùng Heo kiếm đâu ra miếng mật gấu, chai thuốc dầm
đem cho đại ca dưỡng thương, lại nhường cả nửa mối làm ăn nữa…Trong cái giới
làm ăn phi pháp, nó thấy thù đó rồi cũng thành bạn ngay đó, ân oán sòng phẳng,
dứt khoát. Lời ăn tiếng nói khó nghe nhưng tình nghĩa còn hơn anh em ruột thịt,
không như họ hàng nhà nó…
-
Hai đứa đứng cách ra một chút, buổi học đầu tiên ta dạy các con tư thế bái tổ.
Câu nói của lão Tú Chột cắt ngang
dòng suy nghĩ của thằng Toàn, nó đứng ngay ngắn, chú ý làm theo từng động tác của
sư phụ.
-
Bái tổ là thể hiện sự thành kính tôn sư của người học võ và cũng là tư thế khởi
động, chuẩn bị cho tập luyện hay chiến đấu. Người có võ công cao cường giao đấu
với nhau chỉ nhìn qua cách bái tổ cũng biết được thực lực đối thủ bảy tám phần.
Thế bái tổ nhìn qua không khó nhưng thực hiện cho chuẩn, kết hợp động tác tay
chân và hít thở nhuần nhuyễn, thần thái tự nhiên cũng không phải dễ. Do đó, các
con ngoài tập tư thế này cần phải tập bổ trợ khí công, uốn dẻo, biết chưa!
Lão
Tú Chột hài lòng với tinh thần tập luyện của đệ tử. Chúng nó tiếp thu nhanh, động
tác khá thuần thục nhưng chưa có lực. Lão biết học võ trước tiên cần luyện thể
lực nhưng như thế thì liệu bao giờ mới truyền dạy xong cho thằng Toàn? Chi bằng
cứ dạy chiêu thức rồi chính việc luyện chiêu thức mà nâng cao thể lực, một công
đôi chuyện. Nghĩ thế, lão nói:
-
Lẽ ra hôm nay ta chỉ dạy các con bái tổ nhưng hai đứa học nhanh, ta dạy thêm mấy
thế tấn. Tấn là gì? Là giữ vững thân pháp để phòng thủ, phản đòn hay tấn công.
Tấn không vững thì thủ sơ hở, tấn công không sắc. Trong võ thuật di chuyển phải
nhẹ như mây bay, thuận như nước chảy nhưng khi dừng lại phải vững như núi, ngàn
cân xô không đổ, đó là tấn…
Lão
Tú Chột vừa làm mẫu vừa giảng giải cách thức, động tác, ý nghĩa. Hai đứa hiểu
nhanh nhưng thực hành lại thấy khó quá. Trung bình tấn chỉ là động tác hai chân
rộng hơn vai một chút, như ngồi tưởng tượng trên ghế, hai tay nắm chặt, ngửa
lên để sát bên hông, từ lưng lên tới đầu thẳng. Thế nhưng để thăng bằng được
chúng lại chúi người ra phía trước. khi thẳng được lưng thì nhóm cơ dưới bắp
đùi, bắp chân như bị kéo căng ra sau, đau quá. Mới thực hiện được dăm bảy lần
mà hai đứa đã đổ mồ hôi trán, thở hụt hơi.
Co
một chân lên ghế, nhẩn nha nhả khói, lão Tú Chột nói:
-
Năm xưa, khi ta đã thành thục các kiểu tấn, sư phụ dạy cách tập luyện công phu.
Thế tấn này thay vì hai tay đặt ngang hông mà ôm một cái lu đứng hàng tiếng đồng
hồ, mỗi ngày sư phụ đổ thêm một gáo nước cho đến khi đầy mới thôi. Hay như kim
kê tấn, mỗi tay giang thẳng cầm một viên gạch. Ta khổ luyện mãi mà cũng chỉ
nâng được sáu viên. Sư tổ các con nói là do ta tập võ trễ, người học võ từ khi
năm tuổi có thể nâng được mười viên đó.
Nghe sư phụ nói, thằng Toàn cắn
môi luyện tập. Danh Điếc mỏi quá, muốn nghỉ nhưng thấy huynh trưởng đang luyện
nên phải cố theo. Biết trước học võ phải khổ luyện nhưng nó không ngờ chưa học
đánh, đỡ mà đã khó nhọc thế! Không biết rồi sau này ra sao nữa đây. Nhưng mà,
chậc…kệ, chẳng lẽ Toàn Cò theo được mà nó lại không? Nghĩ thế, Danh Điếc vuốt mồ
hôi luyện tiếp.
Cánh
đồng sáng lên đôi chút khi mặt trang đi qua khỏi đám mây. Không gian vắng lặng, mông lung gợn lòng người cảm giác mơ hồ một
điều gì đấy. Hai cái bóng đứng tấn im lìm, ở xa một chút nhìn vào chắc người ta
nghĩ đó là những gốc cây mồ côi giữa đồng không mông quạnh.
-
Thôi, nghỉ được rồi, tranh thủ thời gian rảnh các con tự luyện nhưng chú ý đừng
để một ai biết.
Lão Tú Chột đứng dậy, Danh Điếc xếp
cái ghế lại tính mang về. Thấy vậy, lão nói:
-
Con để vào trong mộ cũng được, đem về chi cho mất công.
Rồi quay sang hỏi thằng Toàn:
-
Con về nhà ông Đức hay ra ga?
-
Con ra ga thăm đại ca một chút.
-
Ừ, ba bốn bữa nay con không ra thăm nó rồi, có việc gì à?
-
Dạ, con ôn thi học kỳ, với lại phải trông nhà cho bác Đức vào Quảng Trị tìm mộ
bác Tài.
-
Bốn năm nay, cứ vào độ này là ông ấy lại đi tìm. Mong cho ông ấy sớm tìm được mộ
chú Tài, chứ như thế này mãi thì khó khăn, tốn kém cho ông ấy quá.
Rồi tất cả im lặng, lầm lũi đi.
Danh Điếc giữ ý, tụt lại sau, rẽ qua khu tập thể nhà ga, trèo tường về “đại bản
doanh” đường tàu cụt. Thằng Toàn vào quán thấy đại ca nó đang múc nước cho mấy
chú kiểm tu. Nó hỏi:
-
Đại ca ngồi dậy được rồi ạ?
-
Mày bây giờ đâu còn là đàn em tao nữa đâu mà gọi đại ca, cứ gọi Sơn Bạch tạng
là được rồi.
Lão Tú Chột nói:
-
Mày vào nghỉ đi, để tao!
Thằng Toàn theo Sơn Bach tạng vào
ngăn sau, nó rút cái quạt mo lão Tú Chột dắt trên mái quạt cho Sơn Bach tạng.
-
Đại ca thấy trong người sao rồi?
-
Đã bảo rồi, mày đừng gọi tao là đại ca nữa!
-
Dạ, nhưng em quen rồi.
-
Quen gì mà quen, tao cấm! Lão Tú Chột nói hoàn cảnh, tư chất mày chỉ hợp với học
hành khoa bảng. sau này có trở thành luật sư, bác sĩ cho đám bụi chúng tao nhờ.
-
Đại ca…à…anh nằm xuống đi, em xoa bóp cho.
Chiều lòng thằng Toàn, Sơn Bạch tạng
nằm sấp xuống gường. Thằng Toàn giở bài tẩm quất học lỏm được của mấy ông mù
đem ra thực hành. Sơn Bach tạng hỏi:
-
Mày sống với nhà ông Đức ra sao?
-
Dạ, tốt ạ.
-
Có khó khăn gì không?
-
Dạ, sướng hơn hồi ở quê đóng gạch nhiều.
-
Đ…má, sao mày không nói sướng hơn ở tù luôn đi, so với ở đây thế nào?
-
Dạ, thực lòng mà nói, tốt hơn ở đây ạ.
-
Vậy được.
Nói rồi nó đứng dậy, mặc cái áo
thun vào, móc trong túi quần một nắm tiền, đưa cho thằng Toàn:
-
Cầm lấy mà tiêu!
-
Dạ, em không lấy đâu, đại ca…à anh để lại mà bồi dưỡng…
-
Mày làm như tao sắp chết đến nơi rồi. Cầm lấy!
Biết tính đại ca nên thằng Toàn
đành cầm mà nước mắt rơm rớm. Sơn Bạch tạng cười:
-
Ha…ha…lão Tú Chột nói không sai, mày nước mắt nhiều như nước đái…
Tiếng còi tàu từ xa vọng lại, Sơn
Bạch tạng nói:
-
Mày ở đây chơi với lão Tú Chột, tao đi mần ăn.
Thằng
Toàn nhìn theo dáng Sơn Bạch tạng. Nước mắt nó trào ra thành dòng. Nó không hiểu
lắm về đời tư đại ca, chỉ biết nhiều đau khổ, uẩn khúc, từng vào tù, mà là tù
thay cho kẻ khác, sư phụ nói thế. Nhớ lại hồi vào Vĩnh Linh tìm mẹ không được,
đành quay về quê chứ biết đi đâu. Tàu dừng ở ga Đồng Hới, xuống bờ ke tính mua
cái bánh mì ăn cho đỡ đói thì đột nhiên nó bị lôi đi tuồn tuột. Cái thằng tóc
dài ngang vai, mặt rỗ, áo phông chim cò, quần bộ đội lôi nó đi tuồn tuột ấy,
nói:
-
Im mồm theo tao!
Mặt nó tái mét, chân tay run lẩy
bẩy, chân nọ xọ chân kia líu ríu đi theo thằng mặt rỗ một cách vô thức. Đến góc
tường cạnh cây phượng, nó thấy ba thằng tầm lớn hơn nó vài tuổi. Thằng lôi nó đi
nói:
-
Nó đây, đại ca!
Một thằng vóc dáng nhỏ nhất trong
bọn, trắng trẻo, đeo kính trắng hay kính cận không biết nữa, nhìn nó từ đầu đến
chân, hỏi:
-
Đi đâu?
-Dạ,
em đi Vinh.
-
Làm chi?
-
Dạ, em về quê ạ.
-
Vé đâu?
Thằng Toàn móc túi lấy vé xe lửa.
hai thằng đứng cạnh cười hềnh hệch:
-
Mụ nội mày! Giả nai hả?!
Thằng Toàn ngơ ngác. Nìn điệu bộ
của nó, thằng áo cho cò gằn giọng:
-
Mày không biết luật hả mày?!
-
Luật gì ạ?
-
Luật vi phạm lãnh thổ! Nộp tiền vé!
Thằng Toàn chưa kịp hiểu ra điều
gì, hai thằng đứng cạnh thằng kính trắng cặp sát người nó, thò tay móc túi.
-
Chỉ có đồng bảy, đại ca!
Thằng Toàn la lên:
-
Không được lấy tiền của tui! Mấy anh không được lấy tiền của tui!...
Thằng áo chim cò tát cái ‘bốp”. Mắt
nó hoa lên, miệng trào máu.
-
Ai lấy tiền của mày, tiền luật, cút!
Thằng Toàn òa khóc, mấy thằng cướp
tiền của nó bỏ đi. Nó bị trấn lột cách bờ ke sân ga chỉ hơn chục bước chân, nhiều
người thấy nhưng nào ai lên tiếng. Thất thểu bước về phía đoàn tàu, gặp một anh
công nhân kiểm tu, nó nói:
-
Chú ơi, có mấy thằng lấy hết tiền của cháu rồi.
Anh công nhân kiểm tu nhìn kỹ nó,
hỏi:
-
Chúng nó thế nào? Mà cháu đi đâu?
-
Dạ, một thằng tóc dài, mặc áo chim cò, quần bộ đội, một thằng lớn hơn cháu một
chút, trắng trẻo, đeo kính trắng, hai thằng…
-
Biết rồi…anh công nhân thở dài, như nói một mình:
-
Lại là bọn thằng Lạc”giáo sư” ở Huế ra đây mà…
Thằng Toàn có vẻ hy vọng:
-
Chú giúp cháu lấy lại tiền được không ạ?
-
Công an cũng không lấy được nói chi đến chú, bọn này ghê lắm. Mà cháu về đâu?
-
Cháu đi Vinh. Thằng Toàn rầu rĩ.
-
Chú có thể giúp cháu bằng cách gửi cháu ra đó thôi!
-
Dạ, cháu có vé rồi.
-
Thế thì lên tàu đi, tàu sắp chạy rồi đấy!
Thằng
Toàn ủ rũ lên toa. Nó không thể nào vào trong toa được đành đứng ngay chỗ đầu nối
giữa hai toa xe mà vẫn nhức tai vì tiếng trẻ con khóc, tiếng tranh cãi nhau về
chỗ để hàng, tiếng rao bán thuốc lá, nước chè xanh, quà vặt…của đám hàng rong.
Hàng hóa chất nhiều nhưng chủ yếu là những sọt trái cây trứng gà mà trong Nam gọi
là ô ma, những bì sắn lát, những bao dừa khô…Con tàu hú còi hai ba lần rồi mới
ì ạch lăn bánh. Mới chạy được vài trăm mét lại dừng lại, lại hú còi rồi chạy giật
lùi. Không ai hiểu vì sao lại như thế. Thằng Toàn không quan tâm về việc lùi,
tiến của đoàn tàu. Với nó, giờ đây thời gian, không gian dường như không có giá
trị gì cả, chỉ cơn đói càng lúc càng cồn cào, vô cùng khó chịu mà thôi. Tựa
lưng vào những sọt trái cây, nó nhắm mắt lại, hai tay ôm đầu mặc đoàn tàu khi
giật, khi lắc, khi làm cho người ta chúi về trước, nghiêng bên phải, ngả bên
trái. Mặc kệ, muốn ra sao thì muốn, nó cố ngủ để quên đói nhưng không thể nào
ngủ được. Cành cạch…cành cạch…cành cạch…nó đếm theo tiếng bánh sắt lăn qua đoạn
nối giữa hai thanh ray. Không ngủ được nó lại nhớ những bữa cơm mẹ nấu. Mùa hè,
hễ mẹ đi làm đồng về là thế nào cũng có bát canh cua nấu rau đay hay mồng tơi.
Cắn miếng cà pháo muối giòn rụm, húp miếng canh sao ngon đến thế. Hạt cơm gạo
chiêm độn khoai lát có vị bùi bùi, beo béo khi nhai chầm chậm. Nhưng mà nghĩ đến
cái ăn, nó nhớ nhất miếng kẹo lạc mẹ thưởng cho nó khi làm bài kiểm tra môn
toán được điểm mười, nó nhớ mẹ cười mà hai dòng nước mắt cứ chảy dài…Nhớ đến mẹ
nó lại hối hận. Mẹ nói học hết cấp ba vào Vĩnh Linh tìm mẹ. Họ hàng bên mẹ
không còn ai, làng cũng không còn. Bom đạn chiến tranh ác liệt quá nên người ta
tứ tán cả. Hòa bình rồi nhưng đâu phải cứ muốn trở về làng cũ là về được
đâu…chú chủ tịch ủy ban nói thế. Có lẽ chỉ khi nó học xong cấp ba thì mẹ nó mới
về làng cũ? Giờ mẹ ở đâu, có khổ không? Có biết con đang đi tìm mẹ không?...Nước
mắt nó lại trào ra…
-
Ai bánh chưng, trứng luộc đơ…â…y…
Tiếng rao bán hàng rong quái ác
làm cơn đói cồn cào mãnh liệt hơn. Khi nghĩ về mẹ, cơn đói dịu đi đôi chút. Nó
lấy hai tay bóp bụng. Nó từng nghe người ta nói khi đói bóp bụng thì đỡ đói
hơn. Bõng dưng nó ngửi thấy mùi thơm trái ô ma chín. Phải rồi, nó đang dựa lưng
vào mấy sọt ô ma. Lúc này trời đã tối, không khí đỡ ngột ngạt hơn, tiếng cãi
nhau, tiếng trẻ con khóc dường như thưa hơn. Tay nó sờ soạng những cái lỗ bên
hông sọt có những cọng rơm nham nhám. Thọc ngón tay trỏ vào, nó cảm nhận vỏ
trái cây lang láng, ấn thêm một chút thấy mềm mềm, ấn thêm tý xíu nữa trái ô ma
sẽ lủng. Nó chợt nhớ mẹ từng nói dù có đói đến chết cũng không được ăn cắp. Rút
ngón tay ra, nó để vào giữa ngón cái và ngón trỏ bàn tay trái bẻ khớp ngón nghe
tiếng kêu răng rắc. Được một lát, nó nghĩ thế nào trong sọt cũng có quả chín nứt.
Mà nứt rồi thì bán cho ai. Thế là nó lần mò tìm hết lỗ sọt này đến lỗ sọt
khác…mãi đến lỗ thứ chín của cái sọt thứ hai nó mới tìm thấy một quả nứt. Nó
móc từng tí một cho vào miệng. Cứ thế, cứ thế, chỉ một chút nữa thôi là nó móc
được nửa trái còn lại ra khỏi sọt. Bỗng dưng có tiếng chân chạy rần rật trên
nóc tàu, tiếng chửi, tiếng hô cướp…cướp…rồi hình như có tiếng người nhảy xuống
đường tàu. Nó đang dỏng tai nghe thì một cái bóng nhảy lên, chưa kịp nhận ra
dáng người thì giọng nói nhỏ, gấp gáp, sắc lẹm vang lên:
-
Cho mày cái này, còn cái này thì giữ cho tao!
Khi kịp nhận ra trong tay cầm cái
bánh chưng và cái túi vải nhỏ thì người ấy đã nhảy xuống chạy ngược đoàn tàu.
Ba bốn cái bóng vừa chửi vừa chạy theo, nó chợt nhận ra trong đám đuổi theo ấy
có một kẻ tóc dài mặc áo phông, quần bộ đội… Tàu đang chạy mà người ấy nhảy lên, nhảy xuống gọn thế, chắc
là cướp rồi. Mà cướp của quân ăn cướp sao? Nó vuốt mồ hôi trán, chậc..kệ người
ta.
Nhét
cái túi vào túi quần rồi nó bóc bánh. Mẹ nó nói bánh chưng phải gói nhiều lá một
chút bánh mới rền. Cái bánh này lá quá nhiều. Có lẽ người ta độn lá để kiếm
chút lời. Đưa miếng bánh vào miệng nó lại giật mình, ăn có được không? Mẹ nói
ăn, dùng của phi pháp cũng là người phi pháp. Nhưng mà người cho nó có phải người
phi pháp không làm sao mà nó biết được. Với lại muốn gói lại cũng không được nữa
rồi, lá và lạt đều đã vứt xuống đường tàu…Bụng nó lại cuộn lên, cơn đói không
cho nó nghĩ nhiều nữa. Đói, nhưng nó vẫn nhai chầm chậm để thưởng thức vị ngon
của bánh. Đói, kéo dài bữa ăn ra âu cũng là cái cách đánh lừa cảm giác, chị Lài
con bác nói thế, giờ nó cảm thấy đúng…
Tàu
đến ga Vinh tầm khoảng ba giờ sáng. Thằng Toàn xớ rớ chưa kịp xuống thì bị đạp
một cái vào mông.
-
Con mẹ mày, tránh ra để chúng tao đưa hàng xuống. Đứng đấy để ăn cắp hả?!
Bước xuống bờ ke, nó bị nắm tay
lôi đi.
-
Đưa cái túi vải cho tao!
Lúc này thằng Toàn mới biết mặt
người giao túi. Không hỏi lại, nó đưa cho người ấy. Đút cái túi vải vào túi quần,
người đó nói:
-
Vào đây ăn cơm với tao!
Nó bước theo và nó cũng không ngờ
sau bữa cơm ấy cuộc đời nó lại có bước ngoặt như thế.
Lần
tay vào túi cầm nắm tiền Sơn Bạch tạng đưa, nó nghĩ nó nợ đại ca, sư phụ và cả
những người hành khách…bị mất của nhiều lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét