Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Em tưởng nước giếng sâu

          
  Trong cuộc sống, thành đạt nói chung phụ thuộc vào sự lựa chọn. Bà nội trợ khéo chọn mớ rau, con cá thì sẽ có bữa cơm ngon. Người đi học xác định đúng mục đích, lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực bản thân, có phương pháp học tập tốt chắc chắn thu được kết quả tốt…Về phương diện tình cảm, chẳng hạn như tình yêu đôi lứa, việc lựa chọn vô cùng quan trọng, nó quyết định cuộc đời người ta hạnh phúc, đau khổ hay cam chịu và luyến tiếc.
            Ngày xưa, xã hội phong kiến hà khắc, nhất là trong quan hệ khác giới. Hàng loạt qui tắc ứng xử trói buộc: “nam nữ thụ thụ bất thân”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “tại gia tòng phụ, vuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”…Cưới hỏi phải có mai mối. Bà mai ông mối giỏi thì khiếm khuyết của trai gái đều được che lấp, thành đôi thành lứa được cả. Cô gái sứt môi thì cầm bông hoa ngửi, chàng trai thọt thì cưỡi ngựa dạo qua, vậy mới có tích “Cưỡi ngựa xem hoa”. Rồi đêm động phòng hoa chúc mới té ngửa ra, nửa kia của mình không như mình tưởng.
            Cũng lắm khi người con trai, con gái vượt qua những qui tắc, lễ nghi để đến với nhau: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng/ Tre non đủ lá đan sàng nên chăng…”, “Bây giờ mận mới hỏi đào…”. Nhưng phần lớn, đó là những cuộc “gặp gỡ ngẫu nhiên” mà thôi. Thời gian tìm hiểu bạn tình, nhất là phía nữ thường ngắn ngủi, vội vàng bởi một lẽ phải tránh miệng lưỡi thiên hạ. Do thiếu lượng thông tin cần thiết nên sau khi kết hôn, họ sống cuộc sống cam chịu đầy tiếc nuối:
            Em tưởng nước giếng sâu
            Em nối sợi gầu dài
            Ai ngờ nước giếng cạn
            Em tiếc hoài sợi dây.
            Khi đọc bài ca dao này, trước mắt tôi như hiện ra cảnh một chàng trai đi làm ăn xa trở về, gặp lại người con gái mà trước khi ra đi anh đã: “Ra đi anh có dặn rằng/ Nơi hơn thì lấy, nơi bằng đợi anh”. Muốn đợi cũng chẳng được, bởi em với anh có duyên nhưng không có phận. Cha mẹ đặt đâu em ngồi đó:
            Ba đồng một mớ trầu cay
            Sao anh không hỏi những ngày còn không
            Bây giờ em đã có chồng
            Như chim vào lồng, như cá cắn câu
            Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
            Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Trả lời câu hỏi của “người xưa” rất chân thật mà tế nhị, nói về tình duyên mà không có một từ nào thuộc cung bậc xúc cảm yêu thương: mong, nhớ, đợi, chờ, trông, ngóng…Em tiếc nuối một sợi dây gầu, sợi dây cột chặt số phận. Cô thú thật:
            Em tưởng nước giếng sâu
            Em nối sợi gầu dài
“Tưởng” là nghĩ và tin chắc (điều thật ra không phải). Chồng em – “nước giếng sâu” là một ẩn dụ (có thể là học vấn, tài hoa, danh tiếng, giàu có…) không như em nghĩ. Vâng, đúng là em chủ động lựa chọn đấy chứ có phải cha mẹ đâu. Em chọn nên em chịu, nào dám trách ai…Nhưng tôi cứ nghĩ cô gái nhận hết những điều không tốt về mình. Nói cha mẹ ép gả chắc gì anh đã tin. Hơn nữa, việc đã rồi, nói như vậy để hình ảnh em trong anh ‘tầm thường” đi, đừng luyến tiếc gì nữa. có như vậy anh mới mau chóng có tình duyên mới…Vì “tưởng”, em hân hoan nối sợi gầu dài bao nhiêu, khi thả xuống giếng, em lại thất vọng bấy nhiêu:
            Ai ngờ nước giếng cạn
            Em tiếc hoài sợi dây.
“Ngờ” là cảm thấy khó tin và nghĩ là có thể không phải như thế mà là cái gì khác, nhưng không có cơ sở để khẳng định. “Ai ngờ” là sự khẳng định “việc đáng ngờ” là đúng.
            Em tiếc hoài sợi dây là chấp nhận và cam chịu. Chấp nhận và cam chịu, vì như anh biết đấy, các mối ràng buộc gia đình, họ tộc, lệ làng, đạo đức, phẩm hạnh…của xã hội, em không thể làm khác được. Thật lòng, em tiếc mãi sợi dây gầu của em vì “Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người” (Xuân Diệu).
            Nếu như: Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tháo rời sợi dây thì đó là sự tự giải phóng rồi. Điều này sẽ có, nó xảy ra trong một xã hội tiến bộ hơn. Nhìn từ góc độ thời đại, đôi khi Em tháo rời sợi dây chấp nhận được, giải phóng cho nhau ít nhiều chứa đựng tư tưởng nhân văn!
            Bài ca dao là một nỗi niềm, một lời thổ lộ chân thật. Nó là tiếng thở dài nhẹ em đang cố nén lại. Suy cho cùng, đó là sự trách mình, là sự tiếc nuối về một sự lựa chọn.
            Có ý kiến cho rằng bài ca dao Em tưởng nước giếng sâu là lời của cô gái nói với người mình yêu. Khi yêu nhau, chưa có ràng buộc về gia đình, luật pháp, biết “nước giếng cạn” thì hà cớ gì em phải nối sợi dây dài? Chúng ta từng bắt gặp trong ca dao lời nhắn gửi “ai đó” khi người nói ngờ rằng ‘ai đó” tính chuyện “bắt cá hai tay”:
            Đã yêu thì yêu cho chắc
            Cầm bằng trục trặc,  trục trặc đi luôn
            Đừng như con thỏ đầu truông
            Khi vui giỡn bóng, khi buồn giỡn trăng.
            Bài ca dao Em tưởng nước giếng sâu chỉ với bốn câu, hai mươi chữ mà thấm đượm một nỗi niềm. Thời gian trôi qua biết bao nhiêu năm tháng, người đọc trăn trở, thương cảm, xót xa thì người trực tiếp nghe tiếng thở dài cố nén ấy chắc có lẽ cháy ruột cháy gan.
            Về mặt nghệ thuật, bài ca dao sử dụng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ với “nước giếng sâu”, “sợi gầu dài”. Cái thú vị chúng ta biết được “nước giếng sâu” chỉ người chồng của em, bởi tục ngữ có câu: “Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.” Và từ câu tục ngữ ấy, em khéo léo vận dụng để nói về hoàn cảnh của mình! Thông minh, sâu sắc như vậy mà cuộc đời chứa chất cay đắng, tôi nghĩ em trong bài ca dao là một Hồ Xuân Hương trong dân gian.
            Về mặt ý nghĩa, bài ca dao để lại cho hậu thế biết cái giá phải trả trong tình yêu đôi lứa khi quyết định lựa chọn mà không đầy đủ lượng thông tin cần thiết. Thế nhưng, trong thời đại ngày nay, thời đại tự do hôn nhân, điều kiện thông tin quá dễ dàng mà đây đó người ta vẫn lầm tưởng. “Tình yêu là mù quáng” chăng? Chiêm nghiệm vấn đề này, tôi nghĩ đôi khi tình yêu đôi lứa bắt đầu bằng lí trí có thể hạn chế thăng hoa, phiêu du nhưng bền vững.

            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét