CHƯƠNG XXVI
Cường Gấu vứt ba lô lên bè, mở néo cùm, sợi song neo bè dài hơn tám chục thước giật tung cây néo xuống nước. Thằng Lạch thu dây néo, nói với Cường Gấu:
- Lên đi chứ, anh Cường.
Bè xa bờ được dăm mét, Cường Gấu cầm cây sào chạy theo, chống xuống nước nhảy lên bè. Thân hình cao lớn là vậy mà khi tiếp bè cứ nhẹ như không. Thằng Lạch xuýt xoa:
- Tài quá, tài quá!
- Có gì mà tài, mày đi bè mà không biết nhảy sào à?
- Em mới đi lần đầu.
- Hèn gì.
Nói rồi xách ba lô vào lều, hắn ngạc nhiên vì trong lều có ba thằng thanh niên đang nằm ngủ. Rút cây xeo đầu bè lên, Cát Cụt nói:
- Cho chúng nó ngủ để tối chúng thức, mình ngủ.
- Có ba thớt bè mà cần gì nhiều người thế?
Lão Cát Cụt cười:
- Lâu lâu mình phải nhàn chút chớ, bắt ông thức đêm nhiều ông lại bảo tôi bóc lột thì sao.
Kêu thằng Lạch lên đầu bè, Cát Cụt nói:
- Khúc sông này lặng, chỉ mình mày cầm lái miễn sao cho bè đi thẳng là được.
Cát Cụt vào lều, Cường Gấu mở ba lô lấy ra gói giấy báo bằng viên gạch.
- Tiền của ông đây!
- Ông lấy được à? Tài thế!
- Có gì mà tài, tôi còn lấy cái này nữa.
Vừa nói hắn vừa móc sau lưng khẩu súng K59. Cát Cụt tròn mắt:
- Chết, ông làm thế là to chuyện đấy.
- To gì mà to, tôi làm thế cho chúng nghi kỵ nhau, đấu đá nhau chết luôn.
- Thằng này mất chức thì thằng khác lên, có khi còn ăn dày chứ béo bở gì đâu. Mà thôi, ông kể tôi nghe làm sao ông lấy được?
- Ông biết rồi đấy, có ai ngờ thằng Huy cho thằng Cần nghỉ tranh thủ, kêu con Tường Vi, Thảo Sương lên để chúng nhậu nhẹt, đú đởn làm tình với nhau. Đêm qua nhậu chúng có muốn ông ở lâu đâu. Nép bên cửa mà bực hết chỗ nói...
- Nép bên cửa hay nằm dưới gầm gường đấy?
Lão Cát Cụt vừa hỏi vừa cười có ý trêu chọc.
- Con mẹ nó, lúc đầu nằm dưới gầm gường thật. Khi chúng lên gường tôi mới trườn ra, nép bên cửa chịu trận.
- Thấy cảnh đó hứng quá phải không?
- Hứng cái con khỉ, từ khi con vợ theo thằng đội trưởng tôi liệt cái khoản đó ông ạ. Ngủ với đĩ thì sợ bệnh, ngủ với con nào đó thì lại sợ phá vỡ hạnh phúc nhà người ta. Tôi không muốn một ai đó rơi vào hoàn cảnh như tôi để rồi người ta hận mình mà mình không hay biết.
- Ông mà cũng sợ à?
- Là con người ai chả sợ. Hồi ở trong trại có mấy thằng bị lậu, giang mai kinh quá. Mấy thằng giám thị biết mà không cho đi chữa, thứ nhất là sợ chúng trốn, thứ hai là chúng ghét, muốn mấy thằng tù tiệt nòi luôn. Thành thử, khi không thể không cho đi chữa thì cứu được mạng sống chứ cái ấy thành "đồ chết tiệt"...
Cường Gấu im lặng, hình như hắn đang hồi tưởng về cái thời xa xăm nào đó. Một lát sau, Cát Cụt gợi:
- Thế cái vụ thằng Huy với con Tường Vi ra sao?
- Cuối cùng chúng cũng phang nhau, cái thằng chơi thiệt dai. Muỗi cắn khắp mình mà không dám đập.
- Ông không mặc áo à?
- Ăn trộm chuyên nghiệp không mặc áo lỡ chủ nhà có chụp cũng dễ thoát. Bài học đầu tiên của tôi trong trại đấy.
- Rồi sao nữa?
- Phang nhau xong thì chúng nằm nói chuyện, cuối cùng chủ yếu con Tường Vi xin tiền, xin thằng Huy "giúp đỡ" đóng búa cho chuyến bè thằng Hải Gà nào đó. Nó cũng nói chuyện thằng Trí Vịt chưa thấy giao gỗ lát cho mối của nó...Nói chuyện chán chúng lại phang nhau lần nữa, lần này còn lâu hơn lần trước, thôi thì đủ kiểu, xong việc chúng lăn ra ngủ, lúc ấy tôi hành động, thế thôi.
- Ông lấy bằng cách nào?
- Còn cách nào nữa, lấy chìa khóa trong túi quần nó, mở tủ mà lấy chứ sao. Lấy xong khóa tủ lại, trả chìa khóa vào chỗ cũ, thế thôi.
Cát Cụt đưa lại gói tiền cho Cường Gấu:
- Ông làm, ông hưởng, chơi cho chúng một vố tôi hả dạ rồi.
- Không được, đạo nghĩa giang hồ phải sòng phẳng, rõ ràng. Cưa đôi.
- Ông nói thế thì tôi giữ, khi nào cần ông cứ nói.
Ngồi trong lều nhìn thấy đầu bè chếch sang phía hữu ngạn, Cường Gấu định nói câu gì đó với thằng Lạch, Cát Cụt ra hiệu bảo im, lão nói nhỏ:
- Để cho nó tự xoay xở, âu cũng là cách dạy nó đi bè.
Chừng mấy phút sau, thằng Lạch la toáng:
- Chú Cát, giúp cháu với!
Cát Cụt im lặng, chờ cho cái bè trở đuôi thành đầu xong, mới nói với thằng Lạch:
- Giờ mày làm sao trở đầu lại cho tao.
Thực ra việc xuôi bè đuôi trở thành đầu là bình thường, cứ thế mà lái. Những khúc sông lặng, thì chẳng cần chèo chống gì, cứ mặc nó trôi, trở bao nhiêu cũng mặc. Chỉ khi vào lạch, qua ngầm thì phải đi cho đúng luồng của nó. Có những đoạn muốn vào đúng luồng phải lái, chỉnh giữ cho nó đi thẳng cả cây số. Lúc ấy mà sơ sẩy một tí là coi như xong, bè tan, giữ được mạng sống là may rồi, chẳng ai tài giỏi gì được với sông nước. Khi lão Cát Cụt nhóm lửa nấu nước, thằng Lạch vẫy tay ra hiệu cho Cường Gấu tới đầu bè.
- Anh giúp em trở đầu bè với!
- Ngu bỏ mẹ, đây là cái gì?
- Đầu bè.
- Đã đầu bè rồi thì còn trở gì nữa.
- Thế để thế này đi cũng được ạ?
- Được chứ sao. Giờ muốn đổi đầu bè thì mày xeo về phía bên phải.
Nhìn điệu bộ xeo bè của thằng Lạch, Cường Gấu chửi:
- Mày xeo kiểu ấy thì cha mày cũng chịu. Đồ ngu, mày thả đầu mũi lá xeo xuống nước chừng một mét thôi.
Cầm lấy cây xeo, Cường Gấu bảo thằng Lạch:
- Coi đây, tao xeo mười cái là bè quay đầu, nếu phải cái mười một tao gọi mày bằng bố.
Mỗi nhát xeo của Cường Gấu đầu bè chuyển thấy rõ, đến lượt xeo thứ tám thì bè đổi đầu.
- Lão Cát Cụt dạy mày đấy, phải tự làm, khi làm không được nữa mới hỏi. Chỉ cần đi với lão hai chuyến là biết nghề, ba chuyến là thành tài. Giờ mày muốn bè đi thẳng ra sau mà lái.
Thằng Lạch nghe lời Cường Gấu. Nó nghiệm ra một điều là muốn đầu bè đi về phía bên trái thì xeo về phía bên phải. Đứng ở đuôi bè nhìn thấy đầu bè nên điều chỉnh dễ hơn.
Qua thị xã Tuyên Quang chừng dăm cây số, Cát Cụt bảo Cường Gấu cho bè sát vào bờ. Cường Gấu chưa kịp hỏi vì sao thì lão nói với thằng Lạch:
- Mày vào bờ neo bè lại!
Thằng Lạch kéo sợi song lội vào bờ. Cắm cây néo, nó lấy hết sức tì xuống. Sợi song căng ra rồi giật mạnh. Thằng Lạch ngã chúi về trước. Cường Gấu mới mở miệng: "Con mẹ mày, ngu quá..." thì lão Cát Cụt nói nhỏ: "Kệ nó, cho nó ngã ba, bốn lần cho nó nhớ". Đến lúc không thể thực hiện được việc neo bè, hắn nói không ra hơi:
- Con...không... làm được,... chú... Cát!
Cường Gấu chống sào nhảy lên bờ, cầm cây néo bằng một tay cắm xuống đất rồi đè xuống, chếch so với mặt đất khoảng 30 độ. Sợi song căng dần, căng dần kéo cây néo đi chừng hai mét rồi dừng lại. Bè gỗ từ từ tấp vào bờ. Cắm cây sào sát cây néo, Cường Gấu bảo:
- Mày lấy sợi dây cột lại!
Cát Cụt cầm sợi dây, bước lên bờ, hỏi thằng Lạch:
- Giờ mày biết neo bè chưa?
- Con biết rồi, giờ con hiểu neo bè cũng giống như đi cày; đè tay cày xuống thì lưỡi ăn lên trên, nhắc tay cày lên thì lưỡi ăn xuống. Cắm néo cũng phải có độ nghiêng, cho nó ăn từ từ.
Nơi Cát cụt neo bè cách đường lộ chưa đầy trăm mét. Có lẽ bãi sông này cách xa khu dân cư nên không ai trồng tỉa gì. Con đường mòn nối với đường lộ lâu ngày không có người đi chỉ còn lại vệt mờ. Bờ sông, bãi sông hoang vu, yên tĩnh, cô tịch. Thi thoảng một cơn gió mồ côi từ sông hất lên, lau sậy xào xạc như làm nền cho tiếng hót của bầy chim ri.
Chụm bếp, bắc nồi cơm, thằng Hưng hỏi Cát Cụt:
- Đây là đâu, chú Cát?
- Bến Ông Hổ.
- Ông Hổ là người thế nào hả chú?
- Hổ là cọp, đây là bến sông ngày xưa cọp thường hay ra ngồi nên người ta gọi là bến Ông Hổ.
Nghe Cát Cụt nói vậy, mấy cậu thanh niên tò mò muốn nghe chuyện. Biết ý, Cát Cụt nói:
- Mấy đứa muốn nghe bảo anh Cường kể cho mà nghe.
- Có mấy câu mà cũng đùn cho người khác, ông thật là keo kiệt cả lời nói.
Châm điếu thuốc, rít một hơi, Cường Gấu kể:
- Chuyện này tao nghe thằng Hoàng Vẩu kể. Hôm đó có cả lão Cát Cụt nhà chúng mày nghe. Chuyện là hồi còn trẻ, già Bân trên Yên Sơn thường xuôi khúc sông này đánh cá, bẫy thú ven rừng. Một hôm, trăng sáng già thả thuyền trôi xuống thì nghe mùi khét, mùi của cọp. Già chèo nhẹ, qua doi đất trên kia thì thấy một con cọp đang ngồi ngay mép sông, thỉnh thoảng thọc chân trước xuống nước rồi giơ lên trước mặt. Cứ thế lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Thì ra mùa trăng sáng cọp đói vì không săn mồi được nên ra sông bắt cá. Thấy bóng trăng in dưới nước nó vớt xem thử cái gì. Thọc xuống thì trăng tan, nước lặng lại có trăng, nó ngồi miết như thế cho đến khi khuất ánh trăng hay giật mình vì cái gì đó. Có lần thăm bẫy ở đoạn này, thấy bẫy bị phá, có vết chân cọp già Bân biết con cọp đã ăn con thú dính bẫy của già. Tháng sau, có hai, ba hộ ở xuôi lên tính khai phá, lập nghiệp ở đây. Chiều tối, người ta về hết, cha con cô Xoan ở lại lán để mai làm sớm. Tối đó, đêm rằm, ông cha ra sông câu cá. Khoảng giờ hợi, đang ở trong lán, cô Xoan nghe tiếng: "Á...tr...ời...", nhìn ra thấy con cọp tha cha cô từ bến nước lên bãi. Cô ngất đi, khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong khoang thuyền, trước mũi là xác cha cô. Cô ôm lấy cha cô, nức nở khóc, già Bân an ủi: "Thôi thì sự đã rồi, cô cố gắng chịu đựng, phải đi nhanh khỏi vùng này kẻo nó thể nào cũng quay lại". Sau đó, gia đình già Bân giúp cô Xoan an táng cha. Không nơi nương tựa, cô ở lại nhà già Bân. Mãn tang cha được một năm thì già Bân hỏi cưới cô Xoan.
Cường Gấu dứt lời, tất cả im lặng. nghe tiếng xào xạc của lau lách, thằng Hưng ngồi xích vào Cường Gấu. Nó thắc mắc:
- Sao cô Xoan lại lấy già Bân nhỉ?
- Ai mà biết được, muốn biết mày đi mà hỏi cô ấy.
Cường Gấu nạt.
- Nó nghe chưa thủng, đấy là chuyện già Bân thời trẻ. Người ta kể chuyện già Bân thời trẻ mà vẫn gọi là già vì tôn trọng, hiểu chưa đầu đất?
Cát Cụt vừa giải thích vừa đỡ lời cho thằng Hưng. Cơm nước xong lão ta nói:
- Chút nữa chuyển hết số gỗ xẻ lên lộ.
Cường Gấu ngạc nhiên:
- Sao lại chuyển lên lộ? Ông bán ở đây à?
- Bán ở đây thì bán cho ai. Chuyển lên để xe chở về xuôi.
Cường Gấu vẫn chưa hiểu, Cát Cụt giải thích:
- Không giấu gì ông, giấy đi bè được ba chục khối gỗ. Đi như thế lấy gì mà ăn. Tôi đi bảy lăm khối. dừng ở đây là chuyển ba lăm khối lên xe chở, cho chúng cầm giấy qua trạm. Đằng nào cũng chung; giấy ba chục khối đi ba chục khối chúng không tin. Đi ba lăm khối có chung thì cũng vừa pải thôi, hai bên vui vẻ cả. Xe qua hết trạm đường bộ thì một thằng cầm giấy lên cho mình đi đường sông.
- Thế phải chờ đến lúc có giấy mới đi à?
- Không, mình cứ xuôi, cách trạm kiểm lâm chừng năm cây số thì dừng lại, đợi giấy ở đó.
- Ông đúng là Khổng Minh lâm tặc!
Cát cụt cười hề hề:
- Không vậy lấy gì mà sống, nuôi con ăn học.
Cường Gấu nhẩm tính, chỉ cần mua một giấy khai thác là Cát Cụt đi được hai chuyến, hai chuyến tách hai đường thủy bộ thành bốn, bốn chuyến cộng lại ba trăm khối gỗ, chưa kể nứa; tổng cộng gấp đúng giấy phép khai thác mười lần! Trừ chi phí, chung chi mỗi năm lão có trong tay hai trăm khối gỗ. Chả trách là học trò lão Chày, lão Cối mà về tài sản thì hai lão so với Cát Cụt chẳng thấm ngứa gì...Cường Gấu cay đắng nghĩ về số phận mình, trộm hai bao xi măng thì mất việc, mất vợ; còn như lão Cát Cụt trộm mỗi năm gần ba trăm khối gỗ về quê đóng góp tí chút được vinh danh ông nọ bà kia...Lâu nay, chui rúc trong rừng sâu núi thẳm, mang danh là đại ca, tưởng rằng nghĩa hiệp lắm mà thân mình chưa lo nổi nói gì cưu mang mấy đứa đàn em. Phận hắn, suy cho cùng, thời điểm nào cũng là kẻ làm thuê, chỉ là một nô lệ , lâm tặc, được công an, kiểm lâm lên kế hoạch đối phó, còn đại lâm tặc, ông trùm lâm tặc như Cát Cụt lại ung dung hưởng lạc, trịch thượng với đời. Chả thế, có lẽ vì thương hại hắn, Cát Cụt bảo: "Ông về quê tôi, tôi gả cho đứa em họ, ông làm chân quản lý kiêm bảo vệ xưởng mộc cũng sống được. Năm mười năm sau, hết thời hiệu truy cứu ông lại tung tăng tung tẩy, còn cứ ở quê tôi, tôi bảo kê hết...". Đời hắn sức dài vai rộng mà ngẫm ra không chốn dung thân. Nhận lời Cát Cụt thì hóa ra mình cũng hèn, tự trói chặt đời mình làm tôi tớ cho người...
Nghe chuyện Cường Gấu kể chưa đến đầu đến đũa, thằng Lạch đánh bạo hỏi:
- Già Bân làm sao cướp xác cha cô Xoan từ con cọp, không sợ nó tấn công sao?
Cường Gấu vứt tàn thuốc xuống sông, phả khói:
- Nghe Hoàng Vẩu kể già Bân đến ngay sau cọp vồ ông già cô Xoan một chút. Khi cọp thả ông già tội nghiệp xuống bãi, tính ăn thịt thì già Bân ném một cục đá. Con cọp giật mình bỏ chạy, già Bân đưa cô Xoan và xác ông già xuống thuyền. Loài cọp có đặc tính là khi giật mình chạy vãi phân, nhưng bao giờ cũng vậy, chừng tiếng sau nó quay lại bằng con đường khác không ai biết được. Già Bân sợ nó trở lại là vì thế.
Nhấp một ngụm nước trà, Cường Gấu tiếp tục:
- Hai tháng sau, già Bân làm cái bẫy cọp, con cọp dính bẫy nhưng nó vẫn thoát được. Nó cắn đứt cái chân trước dính bẫy. Già Bân thăm bẫy thấy sợi dây cáp treo tùng teng cái chân cọp, già gỡ về đặt lên bàn thờ cúng vong linh người đã khuất, thề rằng giết bằng được con cọp thọt. Thế nhưng từ thời đó đến nay con cọp thọt vẫn bặt vô âm tín, không biết còn sống hay nhiễm trùng mà chết...Già Bân không sợ nhưng ai cũng sợ, vì thế người ta mới đặt tên là bến Ông Cọp; chẳng ai dám đến khai phá nên nó hoang vu như thời xa xưa vậy.
- Thôi giờ ta chuyển gỗ cho kịp, thằng Lạch ở lại canh bè.
Cát Cụt nói, thằng Lạch giãy nảy:
- Ai canh thì canh, tôi chuyển gỗ!
Cường Gấu cười:
- Ai ăn cắp bè đâu mà lo ông Cát Cụt, thêm một người có đỡ mệt hơn không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét