Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

THÚ VỊ TIẾNG TA

1. Đang lai rai ở trại cá chú Năm Ngọc nghe Hường ( cháu của Hồ Kim Lân, tên gọi ở nhà là Mốc) kể chuyện quậy thời học trò thì Phạm Thái Hòa cùng Bảy Bình đến.
     - Đi đám cưới có vui không anh Năm?
     - Vui viếc gì. Nốc cho lắm vào rồi cãi lộn, ghét quá, tôi kéo Bảy Bình ra đây.
Nghe Năm Hòa nói, Mốc chuyển đề tài:
    - Vui vẻ chứ sao lại vui viếc hả thầy?
    - Cái gì thêm "iếc" là có chiều hướng xấu, không bằng lòng . . .
    - Đúng rồi, ví như "làm liếc", "yêu iếc", "nói niếc". . .Hồ Kim Lân bổ sung. Phạm Quang Nghiêm phát hiện:
    - "Nói niếc" thì viết được, chứ "yêu iếc" viết như thế nào? Không ngờ Năm Hòa lên tiếng:
    - Hai chữ cùng phát âm "i" thì bỏ đi một chữ. không thể viết "y" rồi cộng thêm "iếc" được.
    - Nếu như thêm "iếc" là có xu hướng xấu thì thêm gì là có xu hướng đẹp hả thầy? Mốc hỏi.
Tôi trả lời là thêm "ắn". Ví dụ "đỏ đắn", "xinh xắn", "thẳng thắn", "vuông vắn", "ngay ngắn". . .  

2. Câu chuyện về tiếng ta đến cao trào, đề tài chuyển sang từ láy không biết từ lúc nào. Bia hết, Phạm Quang Nghiêm "sáng kiến":
    - Thầy Thắng làm trọng tài, còn mỗi người đưa ra một từ láy tư, ai không đưa ra được phải phạt mua bốn lon Heineken. Phạm Thái Hòa lên tiếng:
    - Tôi chịu thua một thùng nhưng đề xuất ngược lại là ai không tìm được thì phải uống thêm một lon ngoài ly tua. Tất cả nhất trí, bắt đầu từ Mốc:
    - Lanh cha lanh chanh. Bảy Bình tiếp theo:
    - Lừ đà lừ đừ.
Phạm Quang Ngiêm nói.
    - Đủng đà đủng đỉnh. Hồ Kim Lân cười cười . . .Cứ như thế xoay tua, nào là Xí xa xí xọn, Lủng cà lủng củng, Vớ va vớ vẩn. . .
Nhẩm theo những ví dụ đưa ra, tôi chợt nghĩ đến cấu tạo từ láy tư. Có phải bắt đầu từ từ láy đôi, lấy phụ âm đầu của chữ thứ hai cộng thêm "a" hoặc "à" là có được từ láy tư; hai chữ cuối của từ láy tư chính là từ láy đôi, cái gốc của từ láy tư Muốn khẳng định được điều này chắc chắn phải khảo sát, đối chiếu nhiều. Cảm nhận ban đầu của tôi nếu sai vì chưa có căn cứ xác đáng mong bạn đọc đừng chế giễu.

3. Đang lan man với cấu tạo từ láy, sự phong phú, đa dạng, hàm súc của tiếng ta với nghệ thuật điệp, đối, chơi chữ, nói lái . . .giật mình khi Mốc ấn vào tay tôi ly bia còn Hồ Kim Lân tuyên bố:
    - Hai tua rồi chưa phạt được ai, giờ chơi luôn từ láy ba, bắt đầu từ tôi: "lơ tơ mơ". Chuyển ly sang cho Nghiêm, Bảy Bình lên tiếng: "khỏe khòe khoe".Từ Phạm Quang Nghiêm trở đi đều bị phạt, đến lượt tôi, Phạm Thái Hòa cười cười: 
    - Thầy có chịu phạt không?
Tôi cười: - Bốn tua nữa tôi cũng không bị phạt.
Nói đến từ láy ba, cách đây hơn 30 năm, anh Nguyễn Khắc Luận sau đợt tham quan Hà Nội về có đọc cho tôi nghe bài thơ của một cậu bé năm tuổi về "Cầu Thê Húc". Bài thơ bốn câu, câu nào cũng sử dụng từ láy ba rất đúng với cảm xúc, tâm trạng lứa tuổi nhi đồng. Tiếc rằng tôi không biết tên tác giả nhưng bài thơ mãi mãi lung linh trong tôi về vẻ đẹp tiếng ta:
    Cầu Thê Húc đỏ đỏ đỏ
    Cây ven hồ xanh xanh xanh
    Đứng trên cầu thích thích thích
    Nhìn xuống nước sợ sợ sợ.
Nghe xong bài thơ tôi đọc, Kim Lân nâng ly, uống cạn một hơi, vẻ mặt hân hoan:
    - Tiếng ta thú vị thật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét