Năm 2000, tại Sydney, nữ võ sĩ Taekwondo Trần Hiếu Ngân đã xuất sắc giành tấm huy chương bạc Olympic, tấm huy chương đầu tiên của ngành thể thao Việt Nam.Và từ đó đến nay, đã 3 kỳ Olympic trôi qua, chúng ta chưa có thêm một tấm huy chương nào nữa, cho dù trước những trận đấu lớn nhiều chuyên gia, nhà báo nhận định vận động viên Việt Nam có những người ở trong tốp tranh chấp huy chương.
Trong thời gian dạy Taekwondo ở Trường cấp II-III Phan Chu Trinh ( Xuân Lộc, Tx Sông Cầu, Phú Yên , cũng là quê ngoại Trần Hiếu Ngân) từ năm 2008 - 2010, võ sư Nguyễn Ngọc Hùng, thầy của võ sĩ Trần Hiếu Ngân rất tự hào khi nói về học trò cưng: "Hiếu Ngân rất đam mê võ thuật, có thể lực tốt vì vừa tích cực tập luyện võ thuật vừa lao động giúp gia đình sản xuất bánh kẹo, một công việc đòi hỏi phải có sức khỏe. Hiếu Ngân dịu dàng, ít nói nhưng trong các trận đấu, kể cả đấu tập, rất dũng mãnh, thông minh, cách đánh biến ảo, linh hoạt. Bao giờ cũng vậy, sau mỗi trận đấu đều cùng bạn bè, huấn luyện viên phân tích cái hay, cái dở, do đó Hiếu Ngân trưởng thành trên mọi phương diện". Tôi rất tâm đắc về câu nói của thầy khi tàn câu chuyện: "Võ thuật nói riêng, thể thao nói chung khi đạt tới đỉnh cao thì trở thành nghệ thuật. Chiến thắng trong thể thao, yếu tố tiên quyết nhất vẫn là trí tuệ".
Olympic London 2012, lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn là niềm hy vọng huy chương của thể thao Việt Nam. Thế nhưng niềm hy vọng ấy lại trở thành nỗi thất vọng. Nếu không sai sót, theo lời Toàn, thì anh "chạm tay vào chiếc huy chương bạc". Lịch sử không có chữ "nếu". Chúng ta không trách Toàn, anh đã làm hết khả năng của mình. nhưng đằng sau thất bại của anh, vai trò huấn luyện viên ở đâu khi đối thủ của anh chưa ai khởi động anh đã khởi động, lại khởi động quá nhiều mất sức một cách không cần thiết? Rồi việc đánh giá đối thủ phiến diện, không lường hết khả năng của họ . . .Vận động viên Triều Tiên Yun Choil Om giành được huy chương vàng ở hạng cân của Toàn có sự tiến bộ vượt bậc khi nâng trọng lượng lên đến 26 kg so với một năm trước đó. Trả lời phỏng vấn báo chí anh nói có được thành tích ấy là khát khao chiến thắng khi được vinh dự đại diện cho màu cờ sắc áo tổ quốc.
Đấu trường thể thao Olympic còn là đấu trường ngoại giao và chính trị. Mọi sự việc lớn, nhỏ đều được thông tin khắp thế giới; có khi những câu chuyện bên lề lại ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia, của ngành sản xuất kinh doanh nào đó. Còn nhớ Olympic Bắc Kinh 2008, trước bao vận động viên, nhà báo trên thế giới Trung Quốc đã tiêu hủy một số lương rất lớn chè đen Việt Nam mà theo họ là chè bẩn. Nhưng chính loại chè đó, thương lái Trung Quốc hướng dẫn cho các hộ cá thể các tỉnh miền núi phía Bắc sản xuất rồi mua với giá cao. Sau vụ tiêu hủy ấy, ngành chè Việt Nam lao đao khốn khó trong việc xuất khẩu, thiệt hại về kinh tế không biết bao nhiêu mà tính.
Chúng ta biết bất cứ sự thành công nào muốn bền vững phải có nền tảng tốt. Học sinh Việt Nam dự thi Toán học Olympic quốc tế thường đứng trong tốp 10. Việc giành được huy chương vàng hầu như năm nào cũng có. Thành công ấy khá bền vững vì chúng ta có nền tảng tốt. Đó là ý thức học tập của học sinh, sự chăm lo của phụ huynh, của ngành giáo dục, của các cấp lãnh đạo và của . . .nhu cầu xã hội khi phần lớn các ngành học đại học, cao đẳng khi thi tuyển đều thi môn toán. Trái lại, bộ môn thể dục trong nhà trường ít được quan tâm, nhiều trường học không tổ chức dạy dỗ bộ môn thể dục đến nơi đến chốn. Mấy năm trước đây giáo viên thể dục thiếu, nhà trường cử những thầy giáo "biết thể dục một chút" đứng lớp. Mục đích là cân bằng mặt bằng lao động tránh dư tiết và 'dạy đầy đủ các bộ môn".Thể dục thể thao động tác sai thì làm gì có thành tích, thậm chí còn gây hại cho người luyện tập. Như thế, thà đừng dạy còn hơn.
Việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường nhiều lúc tổ chức lấy lệ, cho có để khi báo cáo tổng kết năm học đã "hoàn thành chỉ tiêu đề ra". Thậm chí, có hiệu trưởng tuyên bố: "Tham dự Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh có huy chương thì đi, không có thì thôi"(!) Các bộ môn khác tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chỉ cần đạt một số điểm nhất định là có giải. Giải nhất có khi tới cả chục em, còn giải khuyến khích thì khỏi nói. Trong khi đó giải cho bộ môn thể thao chỉ có một giải nhất, một giải nhì, một giải ba và không bao giờ có giải khuyến khích!
Một khía cạnh khác là cơ sở vật chất để phục vụ cho thể thao học đường quá thiếu thốn và ít được quan tâm. Thử hỏi toàn quốc có có bao nhiêu trường THPT có sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu đa chức năng? Quĩ đất dành cho thể thao học đường quá ít trong khi quĩ đất dành cho môn thể thao "quí tộc" - sân golf lại quá nhiều - một vấn đề đáng để cho các vị lãnh đạo tầm chiến lược suy nghĩ lại.
Và để có nền tảng rộng, vững chắc làm bệ phóng cho thể thao nước nhà phát triển, để có những tấm huy chương Olympic thể thao nên chăng phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp, xây dựng phong trào luyện tập thể dục thể thao sâu rộng toàn xã hội và giao nhiệm vụ đào tạo vận động viên cho ngành giáo dục và đào tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét