Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

CÓ NHẤT THIẾT PHẢI LÀ ĐẠI HỌC?

1. - Đố các ông mùa nào ảnh hưởng tới xã hội nhiều nhất? Hoan "bọ ngựa" hỏi sau khi hết ly bia đầu tiên.
- Mùa hạ, vì nó nóng quá, mọi người đi ra đường che kín từ đầu đến chân, giống như một quốc gia theo đạo Hồi. Đức râu xoa cằm trả lời.
- Cậu Hoan giờ cũng láu nhé, đố mẹo cơ đấy. Anh Tuấn cười cười. Theo mình, đó là mùa thi đại học. Này nhé, gia đình có con cháu thi thì phấp phỏng lo âu, có người cầu cúng khắp nơi. Trước và sau ba bốn ngày thi xe cộ vận tải hành khách lên giá ào ào chẳng khác gì dịp tết nguyên đán. Sĩ tử, phụ huynh phấp phỏng chờ đợi kết quả sau kỳ thi cả tháng. . .
     Tôi nghí anh Tuấn nói đúng. Làm công tác quản lý giáo dục nên tôi hiểu trên 50% học sinh không có khả năng thi vào đại học nhưng vẫn dự thi một đến hai trường, giống như việc thi vào đại học là cứu cánh duy nhất. Hơn 20 năm làm công tác quản lý giáo dục tôi chưa hề thấy em nào mùa tuyển sinh đăng ký học nghề hay đăng ký tuyển sinh vào một trường trung cấp nào đó trong khi xã hội rất cần thợ, kỹ thuật viên có tay nghề đã qua đào tạo.
     Việc "quyết vào đại học" là tâm lý chung của xã hội bắt nguồn từ chữ "sĩ". Ở đây tôi muốn nói đến sĩ diện chứ không phải chữ sĩ ở khía cạnh hiểu biết. Gia đình có con đỗ đại học trở nên "danh giá" hơn so với phần còn lại. Có nơi thành phong trào. Cách đây hơn 20 năm, ở xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An có câu đối tự hào về sự đỗ đạt: "Sáng khoai, trưa khoai, khoai ba bữa / Cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà".
     Thời ấy, đỗ đại học đương nhiên ra trường có việc làm, và đương nhiên thoát khỏi cảnh cơ cực, nghèo khó của nghề làm nông cho dù cuộc sống không mấy sung túc. Bây giờ, thời kinh tế thị trường nhưng tâm lý của thời bao cấp hình như vẫn còn nguyên giá trị. Nhiều người nghĩ rằng có tấm bằng đại học, vào biên chế nhà nước, sau này về hưu có lương, cuộc sống về già được đảm bảo. . .Cho nên, nhiều gia đình lo nuôi con có tấm bằng đại học rồi lại lo "chạy chọt" có khi đến mấy trăm triệu đồng để có một suất biên chế nhà nước. Tiêu cực từ đó mà ra, sức ì của xã hội cũng ở chỗ đó. Với trí tuệ "đại học" và số vốn mấy trăm triệu mà sao các ông cử, bà cử không tự lập nghiệp được? Xin thưa, giáo dục đại học ở ta thiên về lý thuyết, kỹ năng thực hành kém. Không xuất phát từ thực tế cuộc sống, thực tế lao động, chỉ với một mớ lý thuyết thì làm gì có sáng tạo, làm gì có năng động.
2. Anh Tuấn bảo tôi:
- Vừa rồi, có hai cử nhân đến làm việc chỗ mình. Nhận họ làm mà không vui một chút nào. Một cậu là cháu một quan chức gửi trong lúc chờ sắp chỗ. Không nhận không được. Học đại học theo kiểu liên kết do Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh mở, bằng giỏi hẳn hoi thế mà đọc bản vẽ thua mấy tay đội trưởng của mình.
     Còn một cậu học Đại học Nông lâm, nhà nghèo, ra trường chẳng xin được việc ở đâu cả nên đành xin mình làm công nhân. Thật tội, làm công nhân thì phải ăn lương công nhân thôi . . .
     Trường hợp thứ hai anh Tuấn nói tôi biết. Em là con thứ hai trong một gia đình có 6 anh chị em, mồ côi cha. Nhà nghèo, may nhờ chính sách cho vay để học đại học của nhà nước cộng với quyết tâm của cả dòng họ em mới được học đại học. Học xong phải trả nợ ngân hàng. Không xin được việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo, đành phải đi làm thợ.Chủ nhật tuần trước, em tới nhà thăm tôi: "Biết như thế này học xong 12 em đi học công nhân kỹ thuật sướng hơn. Học nghề không phải đóng học phí, thời gian lại ngắn, đỡ tốn tiền gia đình". Ba năm làm công nhân, với tính tình  em, tôi tin em có một số tiền kha khá. Đằng này, mất ba năm nữa chắc gì đã trả hết nợ ngân hàng nói chi đến chuyện giúp gia đình.
     Cũng theo lời em kể, mấy đứa bạn cùng lớp thời phổ thông, tốt nghiệp đại học không xin được việc làm, sợ "quê" nên không dám về quê, bám trụ thành phố, đứa phụ việc nhà hàng, đứa làm tiếp thị, may mắn hơn là làm nhân viên bán xe máy. Chao ôi! Cái nghề phổ thông lại sử dụng lao động cử nhân, có nước nào "sang" như Việt Nam không?
3. "Ôn cố tri tân", Đức râu "hoài cổ":
- Thời ông Thắng và em thi đỗ đại học đúng nghĩa vượt vũ môn. Mỗi học sinh chỉ được dự thi một trường, đại học thì khỏi cao đẳng. Tính đi tính lại cả nước có bao nhiêu trường đại học đâu. Tỷ lệ chọi vì thế rất cao. Tự hào thật nhưng cuộc sống sinh viên hồi đó quá đói, quá thiếu thốn. Đói quá nên ăn cái gì cũng ngon. Mười sáu kg lương thực thì độn hết mười một kg. Cái gì cũng thiếu nên rốt cuộc không biết thiếu cái gì. . .Chục năm gần đây trường đại học mọc lên như nấm sau mưa.
Anh Tuấn cười:
- Quy luật thị trường mà. Thời nay kinh doanh đào tạo cử nhân là có lãi nhất. người ta đâu cần biết số phận của sinh viên ra sao sau khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp.
     Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm đúng chuyên ngành có được bao nhiêu? Trong một lần tư vấn mùa thi ở trường tôi, một cán bộ tuyển sinh ở trường đại học X dõng dạc trả lời câu hỏi của một em học sinh khối 12: "Tỷ lệ có việc làm của trường X sau tốt nghiệp là 98%". Tôi giật nẩy người nhưng không thể cải chính ngay lúc đó vì trường đại học X khi đó mới thành lập có 2 năm (!), còn 2 năm nữa mới có học sinh tốt nghiệp khóa đầu tiên sao biết trước sau khi tốt nghệp có 98% có việc làm? Hay là lại lao động phổ thông với tấm bằng đại học? Giờ đây, ngẫm lại tôi thấy trường nào quảng bá nhiều nhất, tích cực tư vấn mùa thi nhiều nhất thì trường đó kết quả đào tạo lại có vấn đề nhất.
     Những học sinh ưu tú bậc THPT mới đỗ vào các trường có danh tiếng. Nhưng khi cầm tấm bằng đại học chính quy ấy đi xin việc có khi không bằng mảnh bằng đại học hệ tại chức, từ xa. Thành phố Đà Nẵng mấy năm trước đây đưa ra quyết định chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy thì một số báo chí phê phán "không đúng luật", bởi vì, đã tốt nghiệp đại học hệ gì cũng có giá trị như nhau (!). Nói thế là cào bằng tất cả, tôi nghĩ người viết bài báo ấy có khi là chủ nhân của mảnh bằng tại chức hay từ xa cũng nên. Có lẽ, xuất phát từ hiện thực cuộc sống về chuyện xin việc làm, người ta đúc kết thành câu "ranh ngôn": " Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ".
4. Một tín hiệu đáng mừng là Luật Giáo dục đại học đã ra đời; việc chấn chỉnh, rút chỉ tiêu tuyển sinh của một vài trường đại học được thực hiện. Giáo dục đại học rồi sẽ đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu xã hội, tôi tin thế.
     Tuy nhiên, việc cần làm ngay trong giáo dục THPT là phải chỉ cho các em và phụ huynh thấy không phải vào đại học là cứu cánh duy nhất cho cuộc đời. Có biết bao nhiêu người sáng chế phát minh khoa học làm thay đổi cuộc sống không có tấm bằng đại học và có biết bao nhiêu người không có bằng đại học mà rất giàu có được xã hội tôn trọng, ngưỡng mộ. . .
     Nâng cốc chia tay, anh Tuấn nói:
- Hẹn dịp khác bàn sâu hơn về vấn đề này. Nói chuyện nãy giờ tôi chợt nhớ câu chuyện ngụ ngôn Trung Quốc dến nay vẫn còn nguyên giá trị: " Chu Bình Man học thuật giết rồng của Chi Li. Ba năm khánh kiệt cả gia sản, có đến nghìn vàng. Thành tài, không biết dùng làm gì cả".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét