Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Cơ chi trời đổ mưa ngâu


          Yêu em tim rực lửa hồng
          Em đi lấy chồng tim lạnh giá băng,
          Lỗi thề - bạc phận mong manh
          Đĩa dầu hao khuyết bóng trăng ngậm ngùi...

          Duyên tình đành đoạn thế thôi
          Em mang theo nửa kiếp người - hồn anh,
          Em mang theo mái tóc xanh
          Để cho ai vuốt thay anh canh dài?

          Cánh hồng e ấp làn môi
          Có còn duyên giữa cuộc đời bão giông?
          Có còn khóe mắt rưng rưng
          Trao người ta nỗi nhớ nhung đợi chờ?...

          Em đi mang cả hồn thơ
          Để anh đếm lá bên bờ cỏ lau,
          Cơ chi trời đổ mưa ngâu
          Để anh uống giọt lệ sầu chứa chan. 

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2016

TẢN MẠN THÁNG NGÀY MÙA LŨ

     
          Những người lính
          Hi sinh cho đất nước này
          Linh hồn hòa vào gió vào cỏ vào cây
          Là mây trắng bay giữa bầu trời xanh biếc
          Khi xung trận không một giây hối tiếc
          Dẫu đời xanh như lộc biếc non xanh
          Chiến tranh
          Người lính hi sinh
          Cha mẹ ông bà vợ con họ hi sinh
          Suốt cuộc đời
                                sau mỗi cuộc chiến tranh!
                                   *
          Hòa bình
          Mà sao cuộc sống chẳng an lành
          Thiên tai
          Biết kêu ai
          Lũ ống – lũ quét – đá lăn – đất lở
          Núi không còn rừng đồi chẳng còn cây
          Những ai tiếp tay lâm tặc?
          Thủy điện chiếm đất
          Xã lũ khi lũ dâng cao
          Nhấn chìm quê ta trong sóng nước thét gào
          Người chết
          Nhà trôi
          Ruộng lúa hoa màu mất trắng hết rồi
          Nước cháo cầm hơi
          Họ sống tiếp những ngày chưa thực sống
          Để thờ cúng
          Người trôi lũ cuốn trôi đi
          E vi en (EVN)
                                   nghe được gì
                                                  trong gầm gào của nước?
          Tiếng đếm tiền
          Lãi năm sau to hơn năm trước
          Lậu tăng thưởng lớn ních chặt hầu bao
          (Chẳng bao giờ nghe trong tiếng gầm gào
          Tiếng trăng trối, tiếng nghẹn ngào dân đen con đỏ)
                                           *
          Ôi cuộc đời khốn khó
          Hi sinh trong chiến tranh phận dân đen con đỏ
          Chết trong mùa lũ con đỏ dân đen!...
Mấy lời gửi kẻ cầm quyền
Dân là nước, nước lật thuyền có khi!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

NGƯỜI ĐIÊN ĂN CƠM CHÙA

          Một trưa hè nắng gắt, con đường dầu chạy tới cổng chùa bốc hơi nóng hầm hập, chốc chốc gió lào quạt ngang như táp lửa vào mặt. Những chiếc lá trên cây xoài, cây sa bu chê trong sân co rúm lại. Nhiệt kế treo tường chỉ ba chín độ C. Sư thầy bỏ bữa, ngồi bên chiếc bàn nhỏ dưới mái hiên uống nước, mắt lim dim để giảm bớt cái nắng chói chang phản quang chứ không phải thưởng thức vị chát ngọt của trà, ở lâu trong chùa, chú tiểu biết hết. Xách cái quạt ra, tính cắm vào ổ điện, sư thầy ngăn lại: “Khỏi, mở máy quạt càng nóng con à”.
          Chú tiểu đổi phích nước, “cái này được đấy, uống nước trà vừa đỡ khát vừa đỡ đổ mồ hôi, không như uống nước đá con à” – sư thầy nói, mắt vẫn lim dim. Chú tiểu không trả lời, vội vàng: “Con ra đóng cổng chùa cái đã”. Nhìn ra cổng, sư thầy thấy một người đàn ông tóc tai bờm xờm, áo rách te tua, ngang hông đeo cái bi đông xăm xăm đi vào. Hóa ra là vậy, ông gọi: “Đừng con! Cửa chùa phải rộng mở cho tất cả chúng sinh”.
          Xách cái phích xuống bếp, cầm cái quạt tay lên cho sư thầy, cũng là lúc người đàn ông điên bước tới. Mồ hôi rịn ra trên trán chú tiểu, tay chân lóng ngóng. Chiếc áo rách phơi bày  da lưng da ngực đen đúa, nhớp nháp, vết sẹo trên má người diên kéo xếch khóe miệng lên trông như đang nhếch mép cười đểu. Đôi mắt không hẳn u uẩn, vô thần mà chất chứa một điều gì đó như khinh bạc…Sư thầy chào:
          - Chú ngồi uống nước, đứng đó chi, nắng lắm!
Người điên nói:
          - Sao không Nam mô A di đà Phật? Không đợi nhà sư trả lời, y nói trống không:
          - Cho bát cơm coi!
Sư thầy quay người lại nói với chú tiểu:
          - Con xuống lấy cơm, thức ăn lên cho chú này!
Chú tiểu ngập ngừng:
          - Thưa thầy cơm hết rồi
          - Phần cơm của thầy không còn sao?
          - Dạ còn, nhưng mà…
          - Cứ đưa lên đây, không nhưng mà gì cả.
          Người điên bưng tô cơm điềm nhiên đứng ăn dưới sân nắng. Sư thầy nói:
          - Chú ngồi vào bàn ăn cho mát, ai lại đứng dưới trời nắng khổ sở như thế!
Người điên cau mặt:
          - Ông nói sai rồi, trời mát! Ông nghĩ nắng mới nắng thôi!
          - Thì ngồi xuống ăn cho thoải mái.
          - Đang chào cờ!
Chú tiểu bật cười:
          - Đang ăn cơm, không phải chào cờ.
          - Tui đang chào cờ, cờ của tui là cờ… ơm… cơm. Cờ của người ta là cờ…cờ…
Sư thầy nhíu mày, có đúng là điên không đây, ngẫm ra người này quá thông tuệ là đằng khác, nghĩ thế, ông hỏi:
          - Chú nhớ nhà cửa ở đâu không? Đi lang thang chi cho khổ?
          - Ông khổ, nhiều người khổ, tui không khổ.
Từ tốn, chậm rãi ăn hết tô cơm, đặt xuống sân, y nói:
          - Tui là vua, ăn đâu uống đâu cũng được. Tui ăn không ai giành giật, còn người ta thì khác.
          Nhà sư giật mình, quả đúng thế thật. Trên đời này có ai giận hờn, trách móc, ganh ghét với người điên! Rót chén trà đưa cho người điên, sư thầy nói:
          - Uống chén nước, mà sao lại mang bi đông lủng thế?
Ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch, vừa cười vừa nói:
          - Bi đông lủng không có nước, không có nước mới xin nước, người ta thương người ta cho.
          Nhà sư kinh ngạc về tư duy logic của người điên. Bước tới đặt chén nước lên bàn, y nói:
          - Tui uống nước ở nơi khác cho bằng nhau.
Nói rồi quay đi. Nhà sư móc túi lấy độ chục ngàn tiền lẻ, đứng dậy:
          - Cầm mấy đồng, lỡ khi người ta không cho thì mua.
Người điên cầm nắm tiền tung lên trời, cười hềnh hệch:
          - Tiền mua được nước…tiền mua được nước…xin ông này không cho thì xin bà kia…Có đi xin mới biết được ai thương người điên…
Chú tiểu bây giờ đã bớt sợ, hỏi:
          - Ông cũng biết ông là người điên à?
          - Đó là tên của tui!
          - Làm sao người ta biết ông là người điên?
          - Đeo bi đông lủng. Muốn điên như tui thì ra khỏi chùa, đeo bi đông lủng…

          Nhà sư thở dài, lẩm nhẩm: “âu cũng là duyên nghiệp”, trân trân nhìn theo bước chân người điên. Bóng dáng người điên khuất sau khúc cua, chỉ còn lại mặt đường ngùn ngụt bốc hơi nóng và gió lào quạt ngang qua như lửa táp vào mặt.