Giới
văn nghệ sĩ nó chung, nhà phê bình văn học nói riêng khi viết về Nguyễn Tuân
đều dành cho ông những tán dương mà thành kính, say mê mà trăn trở. Bởi lẽ, vốn
văn hóa sâu rộng, tài năng sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn dồn nén vào từng câu
từng chữ trong tác phẩm khi đồ sộ như núi, khi lắng sâu như biển, khi ung dung
như nước chảy mây trôi, thoắt ẩn thoắt hiện hương thơm gió thoảng. Nguyễn say
cái đẹp nhưng đó phải là cái đẹp cứu rỗi tâm hồn con người đang phải sống trong
đống cặn bã, trong xã hội hỗn loạn xô bồ.
Đi qua “Vang bóng một thời”, chúng ta cảm ngộ rõ hơn tấm lòng tha thiết với
đời của Nguyễn cùng với báu vật Chữ người
tử tù.
Cảm nhận trực giác làm người ta thích
thú trước tiên là tình huống truyện. Rồi sau đó từng bước, từng bước kết cấu,
chữ nghĩa, chi tiết, nhân vật, Nguyễn tẩm ướp gia vị văn hóa cộng với bí quyết
nghệ thuật độc nhất vô nhị mê hoặc độc giả vị cay đắng của thời thế, xã hội;
chua chát của số phận con người và ngọt bùi của tình tri âm tri kỉ.
Về tình huống truyện, đã có rất nhiều
bài viết sâu sắc đăng trên các báo, tạp chí, kỉ yếu hội thảo, nếu muốn, độc giả
dễ dàng tìm kiếm. Tựu trung, cốt lõi vấn đề có thể cô đúc bằng một câu: Truyện
xoay quanh một cuộc gặp gỡ oái oăm giữa những người thực chất là tri kỉ nhưng
lại ở vị thế đối nghịch, đối địch nhau.
Về mặt kết cấu, đây là truyện ngắn
giàu tính kịch, kết thúc có hậu. Quản ngục có được chữ của Huấn Cao, người tử
tù không “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. “Phương tiện” mở nút thắt của tình
huống chính là cái ĐẸP, mà đó là cái đẹp gắn liền với cái THIỆN.
Khi chưa đọc Chữ người tử tù, dưới góc độ lí luận sáng tác truyên ngắn, tạo
“phông” để cho nhân vật trung tâm xuất hiện chiếm khoảng 20% dung lượng tác
phẩm, người ta đã cho rằng mất cân đối trong kết cấu. Nhưng ở đây, Nguyễn “mất”
gần 40% dung lượng! Cụ thể truyện có 2665 chữ, Huấn Cao xuất hiện với câu nói:
“Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi thôi” đã là 1064 chữ!
Điều đặc biệt, với 1064 chữ ấy, Nguyễn
vung bút “vẽ mây nẩy trăng”, nhấn nhá
những chi tiết đối lập, tô đậm nội tâm Quản ngục và kín đáo bày tỏ nỗi lòng
mình.
Ngày xưa, tướng lĩnh, quân sư giỏi
“trên thông thiên văn dưới tường địa lí”. Nhìn sao để biết thời tiết hay vận
mệnh con người. Khổng Minh đã khóc khi thấy chủ tinh Quan Công rơi; Tư Mã Ý
mừng vui khi “ngôi sao to như cái đấu sa xuống trại Thục”. Nguyễn cũng đã xót
thương Huấn Cao một cách thầm kín: “Lướt
qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ làng xa đưa lại mấy tiếng chó
sủa ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen lên nền trời lốm
đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống chân giời không
định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên
nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng
đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”.
Nhiều ẩn ngữ thay hai từ “ngôi sao
chính vị”! Huấn Cao là tên của ông Huấn thụ họ Cao. Ngày xưa, kính trọng người
ta gọi nhau bằng chức tước, ví như “quan Trạng”, “cụ Nghè”, “cụ Cử” hay gắn
thêm tên quê như “cụ Tam nguyên Yên Đổ”…Thứ đến, dùng họ để gọi kèm theo mĩ từ
“tiên sinh”. Chỉ riêng đặt tên cho nhân vật, người đọc đã thấy được tâm ý
Nguyễn.
Chữ
người tử tù nhân vật không nhiều: Huấn Cao, Quản ngục, thầy thơ lại, tên lính,
bọn lính. Trừ Huấn Cao, tất cả tên nhân vật đều là phiếm chỉ. Phải chăng sử dụng thủ pháp này, chủ ý của
Nguyễn tôn nền cho nhân vật trung tâm?
Đối nghịch với Huấn Cao là “tên lính”,
“bọn lính”; xem Huấn Cao là thần tượng là viên Quản ngục, thầy thơ lại. Huấn
Cao không chút để tâm đến “tên lính”, “bọn lính”, coi thường, “khinh bạc đến
điều” với Quản ngục:
- Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.
Thái độ ấy của Huấn Cao xuất phát từ
định kiến, cứ quản ngục thì đều tàn bạo, thị oai với tù nhân. Ông đâu ngờ
Quản ngục này là “một thanh âm trong trẻo”. Nguyễn khéo léo chen vào những suy
tư của Quản ngục với bình phẩm, thấu hiểu ngắn gọn: “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính
cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi
ngục này là một thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn
xô bồ.
Ông trời nhiều khi chơi ác,
đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có
tâmđiền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với một lũ quay quắt”.
Hai đoạn văn ngắn ngủi với những cụm từ “lòng biết giá người”, “biết
trọng người ngay”, “thanh âm trong trẻo”, “những cái thuần khiết” đủ khái quát
“thiên lương” quản ngục. Với thiên lương ấy, mặc dù học vấn chỉ mới ở mức “đọc
vỡ nghĩa sách thánh hiền”, ông vẫn khao khát có được đôi câu đối do tay ông
Huấn Cao viết, treo ở nhà riêng và xem đó là “báu vật trên đời”. Cái sở nguyện
của viên quản ngục gắn liền với sinh mạng chính mình. Chế độ phong kiến không
bao giờ dung thứ bất cứ ai yêu quí di vật của “phản nghịch”, cho dù đó chỉ là
thú vui văn hóa!
Truyện Chữ người tử tù ra đời khi chữ Hán đã đi vào thời mạt vận.
Trước đó, khi “đất nước quê hương lộp cộp
móng lừa tây, vó ngựa lai, giày đinh sắng đá, và đì đoành ca nông chấm câu cho
những vần thơ yêu nước…”, Tú Xương thừng than thở: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co/ Phen này tớ
quyết làm thông phán/ Sáng rượu sâm panh tối sữa bò”. Chữ Nho mai một như thế,
sĩ tử quay sang học tiếng Pháp để vinh thân, Nguyễn lại đề cao thú chơi chữ
Hán, phải chăng tâm nguyện muốn giữ mãi, nâng tầm vẻ đẹp văn hóa dân tộc? Rồi
sau này, trong những ngày kháng chiến chống Mĩ ác liệt, Nguyễn lại say mê viết
“Phở”, “Giò lụa” làm chảy nước miếng cả những người ngồi trên mâm pháo. Người
ta thấy ở Nguyễn cái gì đó “ngược ngược”, lắm khi gán cho một chữ “ngông” mà
đâu biết đằng sau cá tính “khoảnh” ấy là một tấm lòng tha thiết với đời.
Tha thiết với đời là làm cho đời đẹp hơn. Cái đẹp mà Nguyễn hướng đến
bao giờ cũng phải tuyệt mĩ nhưng không xa lạ. Đọc Nguyễn, cho dù truyện
ngắn đấy nhưng vẫn đậm chất tùy bút, nguyên mẫu Huấn Cao chắc chắn là Cao Bá
Quát. Giữa Huấn Cao và Cao Bá Quát có rất nhiều điểm tương đồng về tài năng, tính
cách. Cao Bá Quát “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, nên ngay cả câu giáo huấn
trên bức bình phong điện Cần Chánh, vua Tự Đức nổi tiếng hay chữ, tâm đắc lắm
cũng bị sổ toẹt. Khi dòng chữ “Tử năng
thừa nghiệp phụ/ Thần khả báo quân ân” đập vào mắt, Cao Bá Quát liền lấy
hòn son ghi: “Tốt hảo, tốt hảo! Cương thường điên đảo!”. Chuyện đến tai vua,
Cao Bá Quát được triệu vào cung. Ông giải trình: “Con không được đứng trước
cha, thần không được đứng trước vua”. Được lênh, Cao Bá Quát sửa lại, tạm dịch
như sau:
Ơn
vua, thần phải báo
Nghiệp cha, con phải theo.
Rất nhiều giai thoại về Cao Bá Quát không thể Nguyễn không biết.
Có những chi tiết nhỏ chúng ta có
thể lướt qua, có thể không nhận thấy nhưng vô cùng quan trọng trong tác phẩm.
Đọc Nguyễn phải thật chậm rãi, suy ngẫm kĩ càng. Chẳng hạn, Huấn Cao cho Quản
ngục chữ gì? Nguyễn không nói. Đó không phải là đôi câu đối, không phải bộ tứ
bình, càng không phải là bức trung đường. Nguyễn chỉ nói đó là một bức châm.
Đây chính là dụng ý của Nguyễn và nó logic với tài năng, tính cách nhân vật
Huấn Cao.
Trước khi cho chữ Quản ngục, Huấn Cao chỉ viết hai bức tứ bình, một bức
trung đường cho ba người bạn tri kỉ. Tranh chữ tứ bình có thể là “Ngư, Tiều,
Canh, Mục” hoặc “Tùng, Cúc, Trúc, Mai” hay “Mai, Lan, Trúc, Cúc”…Tứ bình là
những đề tài có sẵn, tùy sở thích của bạn mà viết tặng thôi. Riêng cho chữ bức
trung đường lại khác. Bức trung đường được treo sau bàn thờ gia tiên hay nơi
trang trọng nhất trong phòng khách. Bức trung đường thường chỉ ba, bốn chữ, thể
hiện một tín niệm nào đó của chủ nhân, ví như: “Văn vũ trung hiếu”, “Kính như
lai”, “Phúc Mãn đường”…Do vậy, những con chữ viết trên bức trung đường bao giờ
cũng là lời ca tụng công đức, đề cao chí hướng hay ghi lại lời giáo huấn tổ
tiên. Tự mình cho chữ, viết bức trung đường là khấu đầu trước một dòng họ. Một
con người nổi tiếng như Huấn Cao, cúi đầu trước dòng họ bạn thì dòng họ đó phải
nổi tiếng tài hoa, đức độ lắm lắm.
Như vậy, Huấn Cao cho chữ không nhiều, tuyệt nhiên không bao giờ ép mình
viết câu đối cho dù vàng bạc hay quyền thế. Với sở nguyện của Quản ngục có được
đôi câu đối của Huấn Cao lại càng không thể. Huấn Cao cho chữ nhưng nhất định
không phải là câu đối, Nguyễn không nói nhưng theo logic, có thể lí giải như
sau.
Thứ nhất, câu đối treo trong nhà dùng để ca ngợi đức độ, tài năng dòng
họ hay chí khí, hoài bão của gia chủ. Người tặng câu đối phải hiểu tài năng,
đức độ của người được tặng. Ở đây, Huấn Cao mới chỉ biết Quản ngục có thú chơi
chữ, “biết giá người”, chừng ấy là chưa đủ.
Sinh thời, Huấn Cao chưa viết câu đối cho ai bao giờ. Nguyên mẫu Huấn
Cao – Cao Bá Quát cũng vậy, lúc làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai, ông có viết đôi
câu đối, tự nhạo, hài hước:
-
Nhà trống ba gian, một thầy,
một cô, một chó cái.
-
Học trò dăm đứa, nửa người,
nửa ngợm, nửa đười ươi.
Thứ hai, tặng câu đối cũng là khích lệ, gửi gắm niềm tin cho người được
tặng. Viên quản ngục “đầu đã điểm hoa
râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của bộ mặt tư lự…”, trên dưới
năm mươi rồi, độ tuổi “tri thiên mệnh” rồi, “sự nghiệp” như vậy rồi, thử hỏi
nên được tăng đôi câu đối gì đây? Nguyễn rất khéo khi giới thiệu quản ngục mới
“Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”,
cho nên mới “sở nguyện” đôi câu đối
chính tay Huấn Cao viết không có gì phải chê trách.
Phù hợp với Quản ngục, Huấn Cao viết bức châm. Về cách treo bức châm
cũng giống như treo bức trung đường. Bức châm có thể là một bài thơ ngắn hàm ý
sâu xa, tỷ như Xuân hiểu của Mạnh Hạo
Nhiên, Cáo tật thị chúng của Mãn Giác
thiền sư, Thượng sơn của Hồ Chí
Minh…hay là lời khuyên của cổ nhân về đạo đức phẩm hạnh, Huấn Cao vừa để “không
phụ một tấm lòng trong thiên hạ”, phù hợp với con người Quản ngục, lại vừa giữ được
nguyên tắc sống của chính mình.
Quản ngục xin đôi câu đối, được bức châm nhưng không vì thế mà thất
vọng, trái lại, ông hiểu ra sau lời khuyên của Huấn Cao, câu nói: “Kẻ mê muội
này xin bái lĩnh” là lời khắc cốt ghi tâm chắc chắn biến thành hành động.
Chữ người tử tù là một khối ngọc bích không tì vết. Tất cả các chi tiết, chữ nghĩa bổ
sung, gắn kết logic, chặt chẽ. Để làm nổi bật cái tài viết chữ nhanh và đẹp của
Huấn Cao, Nguyễn đã sử dụng thủ pháp “tá khách hình chủ”. Đó là lời thán phục
lan truyền trong dân gian. Chữ đẹp không thiếu gì người viết được, song cho có
hồn, mạnh mẽ, khoáng đạt thì được mấy người? Đời Đường cả ngàn nhà thơ nổi
tiếng chỉ có “trên dưới chục người thành danh từ thư pháp”. Cái khoáng đạt,
mạnh mẽ trong từng nét bút Huấn Cao được Nguyễn cài đặt bổ sung bằng các chi
tiết: “Thầy có nghe thấy người ta đồn
Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục nữa
không”; hay hành động dỗ cái gông nặng bảy, tám tạ…Rồi ngay cả Quản ngục
cũng ý thức được: “Y cũng thừa hiểu những
người chọc trời khuấy nước, đến trên đầu người ta, người ta cũng chẳng có biết
ai nữa, huống chi cái thứ mình chỉ là một kẻ tiểu lại giữ tù”.
Bấy nhiêu thôi cũng đã rõ cái ý chí tự do, không chịu sống trong xã hội
tù túng chật hẹp. Đọc những dòng Nguyễn miêu tả suy nghĩ của quản ngục, bất
giác hình tượng Từ Hải hiển hiện trước mặt:
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu
có ai.
(Kiều – Nguyễn Du)
Chỉ có những người có sức khỏe, tài năng, tâm hồn phóng khoáng mới phóng
được những con chữ “nhanh và đẹp”, để chúng trở thành “báu vật trên đời”.
Khắc họa Huấn Cao chỉ bằng mấy câu nói, vài cử chỉ mà vẫn lồng lộng một
con người hiên ngang lẫm liệt, ung dung làm chủ ngục tù, lung linh vẻ đẹp thiên
lương, minh chứng cho tài năng xây dựng nhân vật của Nguyễn.
Phải chăng thành công của Chữ
người tử tù là sự cộng hưởng cái tâm, cái tài giữa nhân vật, nguyên mẫu
nhân vật và tác giả?
Mặt khác, hấp dẫn của truyện không thể không nói đến cái tài sắp xếp các
chi tiết đối lập, tương phản. Đó là đối lập giữa sở nguyện của Quản ngục với
“khinh bạc đến điều” của Huấn Cao. Đối lập ngay trong cảnh cho chữ mà “xưa nay
chưa từng thấy”. Người ta cho chữ khi tâm trạng thư thái, có rượu, có hoa nâng
thêm cảm hứng, có mùi hương trầm gợi không khí trầm mặc, thanh tao…Còn đây,
người đang phóng những con chữ “vuông lắm, đẹp lắm”, cổ lại mang gông, chân
vướng xiềng trong gian buồng giam chật hẹp, ẩm ướt đầy phân chuột, phân gián.
Rồi những hình ảnh tương phản giữa ánh sáng ngọn đuốc và bóng đêm, mùi mực
thơm, tấm lụa trắng tinh với nền đất ẩm, tường đầy mạng nhện tô đậm ý nghĩa
hiện thực và gợi cho người đọc liên tưởng mang tính biểu tượng sâu xa.
Một thành công khác của truyện không thể không nói đến là cách sử dụng
từ ngữ. Trong truyện, hai lần Nguyễn dùng chữ “trời”, một lần dùng chữ “giời”.
Chữ “giời” là tiếng địa phương của Nguyễn. Đây chắc chắn không phải là sự nhầm
lẫn của tác giả hay của nhà in. Nhà văn chỉ sử dụng từ địa phương khi miêu tả
văn hóa vùng miền, xây dựng nhân vật hay thể hiện tình cảm của mình. Ở
đây, cách dùng chữ “giời” thuộc khía
cạnh thứ ba.
Để tạo không khí cổ xưa của truyện, Nguyễn chọn từ “phiến trát” thay cho
“công văn”, “kiểng” thay cho “kẻng”, “thằng thập” thay cho “đội trưởng”…khéo
léo dùng từ Hán – Việt: “tập bản đóng dấu son ti Niết”, bộ mặt tư lự,
hay những ngữ gợi cảm hoặc tượng hình: “nền trời lấm tấm tinh tú”, “tiếng dội
chó sủa ma”, “một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ”…
Từ chọn tình huống, kết cấu truyện, xây dựng nhân vật cho đến cách kể,
cách dùng từ ngữ… Nguyễn rất thành công trong thông điệp gửi tới độc giả, đó là
cái đẹp phải gắn liền với cái thiện, cái đẹp có thể nảy sinh trong cái xấu, môi
trường xấu nhưng không bao giờ chung sống với cái xấu. Cái đẹp có sức mạnh cảm
hóa, cái đẹp là bất tử. Huấn Cao nhận cái chết về thân xác nhưng tư tưởng, cảm
xúc về cái đẹp là bất tử.
Quan điểm thẩm mĩ của Nguyễn hướng tới cái khác thường, cái phi thường:
đẹp phải ở mức tuyệt mĩ, tài phải ở mức siêu phàm. Cái tuyệt mĩ, siêu phàm
không phải thần thánh hóa, nó gắn chặt với đời thường, bởi Nguyễn biết “khơi
mạch nguồn chưa ai khơi”, chắt lọc “thanh âm trong trẻo” trong bản đàn cuộc đời
mà “nhạc luật hỗn loạn xô bồ”. Nguyễn tha thiết với đời, cổ vũ cho suộc đời tốt
đẹp hơn - dù ở thời khắc lịch sử nào –
cũng đều bằng những trang viết tài hoa và trách nhiệm của người nghệ sĩ.
Mùa hè 2018