Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

TÔI VIẾT "HẠT GẠO LÀNG TA"

            Tôi viết “Hạt gạo làng ta” vào năm 1969. Khi đó, tôi 11 tuổi, đang học lớp 5 trường làng. Bài thơ ra đời đã lâu, lại viết trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Bây giờ đọc lại nó trong hòa bình, ở một thời điểm khác, một bầu không khí khác, liệu có còn đủ sức rung động trái tim độc giả hôm nay không? Đó là việc tôi xin nhường các nhà phê bình, các thầy cô giáo, các em học sinh phán quyết. Còn tôi, tôi chỉ xin nói những điều xung quanh hạt gạo mà thôi.
            Tôi là cậu bé sinh ra ở làng quê, lớn lên cũng ở làng quê. Nhà tôi mấy đời làm ruộng. Nghề nông là nghề vất vả cực nhọc, đầy baasrt trắc, rủi ro. Ca dao nói:
            Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề                                                  
            Trông trời, trông đất, trông mây
            Trômg mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
            Thiên nhiên đầy bí ẩn với những tai họa khôn lường trước được. Nghề nông là nghề phụ thuộc vào thời tiết. Mà thời tiết ở nước ta lại khắc nghiệt, tráo trở. Mưa nắng đều dữ tợn, áo mẹ mưa bạc màu – đầu mẹ nắng cháy tóc. Rồi cái rét tê tái, cái rét cắt thịt tháng ba.  Mưa tháng ba khủng khiếp, bởi nó là mưa phùn đi với cái rét. Rét tháng ba bà già chết cóng. Rồi bão giật tháng bảy. Sau trận bão, cả cánh đồng chỉ còn bã trấu. Cũng có khi lúa đã chín vàng đồng tưởng bội thu rồi, qua một đêm mưa, cả vựa lúa đã chìm dưới nước trắng. Sau hai ngày không cứu kịp (mà cứu làm sao được!). Thóc nảy mầm rồi thối ủng trong nước. Tôi đã thấy nhiều bác nông dân, trong đó có cả bố mẹ tôi khóc vật vã trên cánh đồng mồ hôi nước mắt của mình. Bát cơm đã đưa lên miệng, ông trời lại hắt đi!
            Làm ra hạt gạo trong những ngày bình thường đã vất vả, trong chiến tranh còn cực khổ gáp bội. Trai tráng và đàn ông trong làng, những người có sức lực đương đầu với thiên nhiên, thời tiết, đều theo cây súng ra trận cả. Công việc nặng nề của nhà nông dồn hết xuống vai phụ nữ và trẻ con. Lúc đó hậu phương cũng là tiền tuyến. Công sự, đào giao thông hào cho người gặt lúa. Nơi ấy thực sự là mặt trận nóng bỏng, khốc liệt. Và trong chiến trường ấy, trẻ con cũng phải xung trận. Trong bài, còn có một đoạn không in trong sách giáo khoa, nhưng tôi cũng xin chép ra đây để các thầy cô giáo và các em tham khảo, ấy là đoạn ghi công lao của trẻ con những năm chiến tranh trong việc làm ra hạt gạo:
            Hạt gạo làng ta
            Có công các bạn
            Sớm nào chống hạn
            Vục mẻ miệng gầu
            Trưa nào bắt sâu
            Lúa cao rát mặt
            Chiều nào gánh phân
            Quang trành quết đất…
            Lúa cao rát mặt và quang trành quết đất là những chi tiết cụ thể, sát thực tả trẻ con. Những em bé này còn bé lắm, không cao hơn cây lúa, nên bắt sâu, lá lúa mới táp rát mặt. Vậy mà các em bé ấy đã phải gánh những công việc rất nặng nhọc của người lớn, chống hạn đến vục mẻ miệng gầu, còn gánh thì quang tràng quết đất. Quang trành là tên của một loại quang làm bằng bốn rảnh dây thừng, dưới buộc cái sảo tre. Đây là loại quang dành riêng cho gánh phân. Gánh lúa người ta dùng quang tre, gánh rạ, gánh rơm thì chỉ cần hai sợi dây thừng. Đấy là những dụng cụ của nghề nông việc gì thứ nấy. Thoạt đầu, có một bác biên tập có lẽ không sống ở nông thôn, tưởng tôi viết nhầm hoặc nói ngọng nên muốn chữa thành: Quang chùng quết đất. Quang chùng là quang gì? Muốn diễn đạt cái quang dài, quá dài so với tầm vóc người gánh ư? Thì cái quang đã…quết đất rồi, nghĩa là rất dài, rất chùng rồi, việc chi phải thêm chữ cùng nữa. Câu thơ hóa ra thừa chữ, rườm lời mà ít ý.
            Hạt gạo làm ra, người nông dân chẳng dành cho mình đâu. Những người làm ra hạt gạo thì quanh năm đói. Trừ ba ngày tết và những ngày cúng giỗ ông bà, họ thổi cơm trắng còn thì độn khoai, độn sắn, một hạt cơm đến mấy hạt ngô. Gạo dành hết cho chiến trường, và còn xa hơn nữa, gửi về phương xa. Phương xa là ở đâu? Đấy là Lào, Căm-pu-chia, những nước đang cùng chúng ta đánh giặc đấy. Hạt gạo nhỏ nhoi của làng mình mà gánh quá nhiều sứ mệnh. Làm ra nó thật vất vả cực nhọc. Bởi thế, ở mỗi hạt gạo có bao mồ hôi, nắng mưa, sương gió, bão giông, bom đạn và cả nỗi đắng cay nữa:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi đắng cay…
            Câu thơ thực sự của tôi là như thế. Nhưng hồi đó, có một bác biên tập bảo tôi: Tại sao cháu lại viết thế? Xã hội ta là xã hội không có bi kịch. Làm gì có chuyện cay đắng. Và bác ấy cầm bút chữa lại:
            Có lời mẹ hát
            Ngọt bùi hôm nay…
            Đấy là câu thơ của bác biên tập, không phải của tôi…

                                                                                                                     TRẦN ĐĂNG KHOA

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

ĐÊM NHỚ

                       
                         Đêm đưa em vào mộng hay mộng về em trong đêm?
                        Dòng sông quê vẫn êm đềm chảy dài nhung nhớ,
                        Muôn vàn vì sao vẫn lung linh khi đôi ta cách trở
                        Thắp sáng vòm trời những đôi lứa đang yêu…

                        Bờ vai anh không em – giống bờ vai đứa trẻ mồ côi
                        Trời không lạnh vẫn run run trước dòng người xa lạ,
                        Được làm kẻ chở che cho anh thêm mạnh mẽ
                        Đời ý nghĩa hơn làm điểm tựa cho đời.

                        Khi không em anh thành kẻ mồ côi
                        Lang thang giữa dòng đời chẳng biết nơi dừng, điểm đến
                        Rượu bia cuối ngày làm nơi hò hẹn
                        Mượn cơn say để khỏa lấp nỗi buồn.

                        Nhưng say rồi buồn lại buồn hơn
                        Muốn quên đi càng trào dâng nỗi nhớ
                        Khoảng trống không gian vời xa cách trở
                        Thăm thẳm chân mây chín đợi mười chờ!

                        Thêm một đêm anh thức đếm sao khuya
                        Liệu có gặp ánh mắt em nhìn sao trời lấp lánh?
                        Bỗng dưng bến sông quê hanh hao giá lạnh

                        Bất chợt rùng mình xanh một ánh sao xanh!...

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

CHIẾC ÁO LÔNG NGỖNG

          
        Canh ba. Ngoài trời mưa rả rích. Triệu Đà vẫn đi đi lại lại không nói nửa lời. Bồ Can -  cận vệ, xắn thêm miếng mỡ trâu cho thêm vào dĩa đèn rồi lặng lẽ khoanh tay đứng bên cánh cửa. Đã hai ngày nay chủ tướng vẫn không ăn, bỏ cả rượu. Theo hầu chủ tướng từ thuở tóc còn xanh, bây giờ mái đầu đã bạc, chưa bao giờ Bồ Can thấy như thế. Hồi đánh nhau với Đột Quyết, bị vây ở Nham Đình, quân sĩ mười phần còn ba, chủ tướng vẫn ăn thịt, uống rượu, cười nói như không có chuyện gì xảy ra. Thần tướng ấy tạo cho Bồ Can và những tướng sĩ còn lại vững niềm tin lật ngược thế cờ. Sau trận đại chiến ấy, Bồ Can ngẫm ra rằng quân đông tướng nhiều nắm giữ lợi thế địa hình vẫn chưa thể đảm bảo cho thắng lợi, cái quan trọng nhất là ý chí, tinh thần, mưu lược.
            Yên ắng đến lạ thường, đứng trong trướng nghe rõ tiếng lửa lật phật, nổ lép bép của ống đuốc đại trước sân, xa hơn tiếng bước chân nặng nề của đội lính tuần tra, tiếng giọt nước chầm chậm nhỏ lộp bộp ngoài hiên như một nốt lặng trầm,
            Có tiếng ngựa phi gấp gáp rồi đột ngột dừng lại phía cổng trại. Triệu Đà nói với Bồ Can:
            - Ngươi đem năm vò rượu ra đây.
Bồ Can lặng lẽ đi lấy rượu. Y thầm phục thính lực chủ tướng, nghe tiếng chân ngựa mà biết bao nhiêu người đến. Chủ tướng đã từng nói người này hơn kẻ khác ở chỗ biết quan sát, biết lắng nghe, biết suy ngẫm. Bồ Can trở lại thì đã thấy mưu sĩ Giản Cơ, thần toán Lý Khắc, mãnh tướng Triệu Hồ - con trai chủ tướng,  hai tiểu tướng Lý Toàn, Triệu Tuấn. Giản Cơ đỡ vò rượu, hỏi khẽ Bồ Can: “Chủ tướng có việc gì mà khí sắc kém quá?”. Bồ Can chưa kịp trả lời, Triệu Đà nói:
            - Các ngươi uống hớp rượu cho đỡ khát rồi vào việc.
Bát rượu thứ nhất đã cạn. Không gian yên lặng. Cái khoảnh khắc im lặng làm bọn người mới đến ngứa ngáy, khó chịu nhưng không một ai dám lên tiếng. Triệu Hồ tính đứng dậy nhưng nghe tiếng hắng giọng của cha nên lại thôi. Một lúc sau, Triệu Đà nói:
            - Lão thần toán Lý Khắc, trước khi hành binh đánh Thục Phán,  ngươi nói ta sẽ thắng,  giờ thì ngươi biết rồi đấy!
Lý Khắc đứng dậy, chắp hai tay trước ngực, vái Triệu Đà một cái, nhỏ nhẹ:
            - Bẩm chủ tướng,  Lý Khắc này chỉ dám nói những điều chắc chắn. Chủ tướng sẽ thắng nhưng không phải ở trận đầu, lúc ấy thiên cơ bất khả lộ nên lão không dám nói.
            - Vậy trận chiến tới thì sẽ như thế nào khi Thục Phán có thành cao hào sâu, lại có loại nỏ bắn tên đồng sức công phá thần khiếp quỷ kinh?
 Nói rồi, lấy mũi tên đồng trên bàn đưa cho Lý Khắc. Cả bọn đứng lên chuyền tay nhau xem. Mũi tên được đúc bằng đồng, dài khoảng ba thốn, khá nặng. Phải có sức bật thật mạnh mới bắn mũi tên đi được, cách gần hai mươi trượng, mũi tên xuyên qua giáp giết chết tiểu tướng hộ vệ chủ tướng thì quả kinh khủng. Giản Cơ cầm mũi tên, đập đập vào lòng bàn tay, nói với Triệu Đà:
            - Muốn thắng An Dương Vương chỉ còn cách phá được thứ vũ khí lợi hại này của y.
            - Ta cũng nghĩ vậy, nhưng ai làm được việc này? Thời gian gấp gáp lắm rồi. Nếu như lúc này Lưu Bang đánh xuống, Thục Phán đánh lên thì Nam Việt ta nguy mất.
Lý Khắc bấm đốt ngón tay, suy nghĩ một lúc, nói với Triệu Đà:
            - Lưu Bang mới lập nước, công việc còn ngổn ngang, năm nay chưa nhòm ngó Nam Việt được, chỉ sợ An Dương Vương dốc sức đánh lên thôi. Theo quẻ lão tính, trong vòng ba tháng An Dương Vương khởi binh thì chúng ta lâm nguy. Qua được mùa thu, hết đại hạn, chủ tướng dần đại cát nhưng…
            - Ta biết rồi, ngươi đừng nói. Điều này trước đây ngươi từng bóng gió với ta rồi, đành chấp nhận thôi. Ngươi hãy tìm giúp ta người có thể phá được vũ khí Thục Phán?
Lý Khắc đưa mắt, Triệu Đà nói với Triệu Hồ:
            - Bây giờ con cùng Lý Toàn, Triệu Tuấn đi nghỉ, sáng mai vào nhận việc.
Bọn Triệu Hồ theo Bồ Can ra khỏi trướng. Triệu Đà nói:
            - Ý ngươi muốn nói  Triệu Hồ con ta sao?
Lý Khắc ngần ngừ:
            - Công việc đó rất nguy hiểm, đòi hỏi phải dũng lược. Vào nơi vực rồng hang cọp khó có người đảm đương được lắm!
Triệu Đà uống một hớp rượu, nói với Lý Khắc, Giản Cơ:
            - Con người có chí hướng, số mệnh. Triệu Hồ con ta phải chịu mưu sự của ta. Năm xưa Lưu Bang bảo ta theo, ta đã nói ta chỉ trung thành với chí hướng của ta thôi chứ không thể trung thành với kẻ khác. Con ta, các ngươi phò trợ ta vì chí hướng hiện tại nhỏ hơn chí hướng của ta. Số mệnh có đủ thời gian để đồng hành cùng chí hướng hay không lại là chuyện khác.
Giản Cơ chắp tay trước ngực, cúi đầu:
            - Thưa chủ tướng, tiên sinh Lý Khắc từng nói với chủ nhân áo mặc không qua khỏi đầu. Bọn tiểu nhân chọn chủ tướng để thờ bởi chủ tướng có chí hướng lớn, có chân mệnh thiên tử, quan trọng hơn bao giờ cũng thẳng thắn! Tình thế bây giờ, tiểu nhân có kế này không biết chủ tướng có dùng không?
            Triệu Đà tự tay rót một bát rượu, đem đến cho Giản Cơ:
            - Uống cạn rồi hãy nói!
Giản Cơ đỡ bát rượu, uống từng ngụm nhỏ, đặt bát rượu xuống bàn:
            - Bẩm chủ tướng, thưa tiên sinh, tiểu nhân nghĩ việc đầu tiên  cử sứ giả đến thành Cổ Loa cầu hòa, để an toàn cho Triệu tướng quân thì không gì bằng cầu hôn con gái An Dương Vương cho tướng quân. Mặt khác kén một bọn tướng sĩ trung thành, ăn nói khéo giả làm thương hồ vào thành tiếp ứng, rồi phiền Lý tiên sinh vào Âu Lạc tìm cách trấn long mạch An Dương Vương.
Triệu Đà cười vang như chuông, nói với Giản Cơ:
            - Khà…khà…ngươi vừa nói ta thẳng thắn mà lại chơi trò thất tín với Phán sao?
Lý Khắc cũng cười, đưa tay vuốt chòm râu bạc:
            - Diệu kế, diệu kế! Không phải chủ tướng thất tín với An Dương Vương, chỉ vì chí hướng, số phận của người lớn hơn  thôi!...
            Câu nói của Lý Khắc làm cả ba không nhịn được cười. Rót một bát rượu, Giản Cơ dâng lên Triệu Đà, rót tiếp một bát khác mời Lý Khắc. Cả ba uống cạn, ánh mắt của Lý Khắc sáng lên, giọng nói của lão vừa đủ cho Triệu Đà, Giản Cơ nghe:
            - Tiếp ý Giản mưu sĩ, lão nghĩ trong ba tháng tới chủ tướng lệnh Triệu tướng quân về thành Phiên Ngung, nạp ba người thiếp, lệnh phải có con trước khi đi làm rể Âu Lạc.
            Giản Cơ nghĩ thầm thần toán Lý Khắc thật tinh quái, gần như lão đọc được ý nghĩ người khác. Triệu Đà gật gù, Giản Cơ lên tiếng:
            - Triệu tướng quân là người trọng tình nghĩa. Đôi khi tình nghĩa lỡ việc lớn, do đó chủ tướng chọn đặt cho Triệu tướng quân một cái tên mới, mỗi khi người ta gọi tên luôn nhắc tới công việc đang làm.
Lý Khắc không chịu kém:
            - Bẩm chủ tướng, theo ngu ý của lão, ngoài việc đặt tên nên ban tước thái tử cho tướng quân. Giờ thìn tới rất tốt nên làm luôn thể.
Triệu Đà đưa mắt nhìn Giản Cơ như dò hỏi. Giản Cơ không dám nói như thế có ngược hay không khi chủ tướng chưa đăng cơ. Việc cai quản Nam Việt, về danh nghĩa, Triệu Đà vẫn là tướng của Tần.
Như hiểu được khúc mắc của chủ tướng và Giản Cơ, Lý Khắc rành rọt:
            - Làm như vậy ngầm nói với An Dương Vương trước sau Nam Việt cũng là một quốc gia, chuyện đăng cơ của chủ tướng chưa chọn được năm tròn tháng đẹp mà thôi. Như thế vừa tạo sự tương xứng thông gia, vừa cũng cố niềm tin đối phương, lại mặc cho Triệu phò mã một cái áo giáp bảo vệ vô hình. Lão Lý này sẽ bí mật vào Âu lạc theo kế của Giản mưu sĩ, vừa tìm cách trấn long mạch An Dương Vương vừa trợ giúp thái tử khi cần thiết. Thái tử về Phiên Ngung chọn ba người thiếp thì nhất định trong đó phải có con gái của Hòa An Kỳ.
Triệu Đà nhíu mày, Giản Cơ hỏi;
- Có phải tiên sinh nhắm đến tài sản của ông ta không?
Lý Khắc mỉm cười:
            - Đúng, đúng! Hòa An Kỳ phú gia địch quốc, ông ta chỉ có một người con gái. Khi làm thông gia với chủ tướng, trước mắt có sự ủng hộ lớn ở Phiên Ngung. Gắn cho ông ta chức tước vừa đủ có tiếng ở Nam Việt thì giao việc gì ông ta chẳng làm? Làm nhưng không cần ngân khố thì đó chính là sự tích lũy ngân khố cho chủ tướng. Thứ hai, khi Hòa Khánh Thi làm thiếp của Triệu thái tử thì chủ tướng có được một báu vật để chiếm Âu Lạc.
            - Báu vật gì vậy? Triệu Đà hỏi dồn.
            - Trước khi nói báu vật này xin chủ tướng cho lão tắm gội, đốt trầm mới được.

            Mùi trầm trong đêm gợi nỗi buồn man mác. Không biết tự khi nào khói trầm hương là sự giao cảm giữa thế giới âm và dương, huyền bí và thực tại. Giọng nói của Lý Khắc rõ ràng, chậm rãi, trầm đục.
            Lão bồi hồi kể lại cái thời còn trai trẻ làm nghề câu cá ở Ngũ Hồ. Lão thường chọn nơi cô tịch để giăng câu. Một sớm vào gỡ câu thì bắt được đôi ngỗng trời. Con ngỗng mái vướng câu, kỳ lạ thay khi kéo dây câu con ngỗng đực bơi theo. Sẵn cái chỉa đâm cá lão phóng ra giết chết con ngỗng đực. Con ngỗng cái bỗng nhiên mang cả dây câu bay lên rồi lao xuống mũi thuyền giãy đành đạch. Cặp ngỗng đem đổi ngô cũng ăn đủ nửa tuần trăng, lúc ấy lão nghĩ thế. Vừa định quay về thì có một chiếc thuyền nan nhỏ đi qua. Người chèo đội nón trúc che nửa mặt, chỉ thấy chòm râu trắng muốt rất dài phất phơ bay. Ông lão vừa chèo vừa hát, âm điệu rất thê lương:
            Uyên ương hề uyên ương
            Ngũ Hồ hề quê hương
            Chung tình hề chung tử
            Xót thương hề xót thương…
            Như một lực hút vô hình, lão chèo theo chiếc thuyền nhỏ. Ông lão trên thuyền cứ như không biết có người theo, tiếp tục hát:
            Đệ tử duyên tiền kiếp
            Phò tá Triệu Việt Vương
            Chỉ đường lông ngỗng trắng
            Âu Lạc ngày tang thương…
Lão theo chiếc thuyền ông lão ngược con suối, nước trong vắt. Qua ba khúc ngoặt tới một cái bến cạn, theo ông lão vào cái hang sâu hút. Rồi một cơn gió lạnh làm lão giật mình tỉnh lại thì hóa ra đang đứng dưới tảng đá lớn, ông lão chèo thuyền lúc nãy ngồi xếp bằng bên trên. Ông lão không hé miệng mà lão nghe rất rõ: “Lý Khắc, đệ tử cuối cùng của ta. Số trời an bài, ta không nhận đệ tử cũng không được!”
            Rồi như có tiếng thở dài rất khẽ, ông lão tiếp tục: “Vận số tại thiên, không cải được. Tu tỉnh của con người ta chỉ kéo dài hay thu ngắn vận số thôi. Thuật pháp ta dạy cho ngươi đến ngày hạ sơn ngươi sẽ tinh thông nhưng hiểu được thiên cơ phải chiêm nghiệm lấy. Ta không nói nhiều nhưng chuyện này không thể không nói.”
            Ông lão kể cho lão về loài ngỗng trời ở Ngũ Hồ: “Ấy là loài ngỗng uyên ương không nơi nào có. Gốc lông cánh, lông đuôi khi nhổ ra có màu đen như mới nhúng vào mực, cuối rìa lông có màu hồng như vành trăng khuyết là con mái, con trống có chấm tròn đỏ trông như mặt trời. Đôi ngỗng ngươi giết là đôi cuối cùng. Trước khi ngươi vào chốn đó giăng câu ba năm có đàn uyên ương bốn bốn cặp. Nghe lời xúi của hoạn quan Tống Nhược, Tần Thủy Hoàng sai người tìm cách bắt hết đàn ngỗng dùng lông cánh, lông đuôi kết thành áo khoác đem tặng để lấy lòng Khương Thị. Nhận được chiếc áo trắng muốt như tuyết, từ cổ đến tà, cứ ba thốn một đường chỉ lượn sóng màu hồng chen chấm đỏ rất đẹp. Khương Thị ngửa mặt lên trời than: “Ngỗng uyên ương tuyệt diệt vì ta, ở trong tay người khó lòng thủ tiết. Chỉ có cái chết mới giúp ta trọn đạo phu thê. Ta nguyền rằng kẻ nào mặc chiếc áo này vợ chồng mãi mãi biệt ly”. Nói rồi cầm cái kéo đâm cổ tự vẫn. Con hầu Khương Thị đem chuyện kể lại với Tần Thủy Hoàng, ông ta sai táng Khương Thị cạnh mộ chồng, cho con hầu Khương thị chiếc áo. Con hầu không dám mặc đem bán cho bọn thương lái ở Yên Kinh. Qua ba bốn chủ cuối cùng sẽ đến tay Hòa phú gia. Họ Triệu có được chiếc áo đó mới mong đại nghiệp thành…”
            Tiếng trống báo canh năm, mảnh trầm hương cũng vừa cháy hết. Triệu Đà sai trang trí long trướng, bày lễ rồi cho gọi bọn Triệu Hồ, Bồ Can vào. Lý Khắc cúng tế, Triệu Đà vái xong, Triệu Hồ, Giản Cơ cùng bọn Bồ Can, Lý Toàn, Triệu Tuấn vào hành lễ. Chờ mọi người đứng đúng vị trí của mình trước long trướng, Triệu Đà ban lệnh:
            - Nay ta lập Triệu Hồ làm thái tử, ban tên Trọng Thủy với ý nghĩa đi đâu, làm gì cũng đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ta gọi Trọng Thủy vì Âu Lạc, đất phong sau này của thái tử, tiếng nói ở đó Thủy có nghĩa là nước. Ngày mai thái tử về thành Phiên Ngung nghỉ ngơi ba tháng, nạp thiếp hay phi thì tùy, miễn  có cháu cho ta là được.
            Triệu Hồ lĩnh mệnh, trong lòng không vui nhưng không dám cưỡng. Trước khi đến đây thần toán Lý Khắc nói nhận việc quan trọng, tưởng rằng được dẫn quân đọ sức với danh tướng của An Dương Vương, thế mà chuyện lại ra thế này đây…
            - Mưu sĩ Giản Cơ thay ta phụ giáo thái tử. Triệu Tuấn, Lý Toàn lên Tượng Quận giúp cháu họ ta đang trấn giữ ở đó!
Triệu Tuấn, Lý Toàn vâng mệnh lui ra, lén đưa mắt nhìn Triệu Hồ. Triệu Hồ lại càng rầu rĩ trong lòng, xưa nay bọn chúng như thủ túc, nay mai chúng vùng vẫy nơi biên ải còn mình lại bị mưu sĩ Giản Cơ giám sát. Chưa hết, “thay cha phụ giáo” thì còn bao chuyện bực mình nữa đây?...

            Năm nay đào nở sớm, mới mùng mười tết mà chẳng còn mấy cánh hoa trên cành. Mưa phùn lất phất nhưng không lạnh. Mị Châu muốn trời lạnh mãi để nàng khoác chiếc áo lông ngỗng ấm áp, dù mưa gió thế nào cũng không hề ướt. Chiếc áo ấp áp, tình cảm Trọng Thủy dành cho nàng càng nồng nàn, ấm áp hơn. Mỗi sáng, chàng vào điện vấn an phụ hoàng, chiều uống rượu đàm đạo việc trị quốc. Những đêm trăng chàng đưa nàng lên mặt thành ngắm trăng, thổi sáo. Ngoài xa kia, dưới chân thành, ánh trăng như dát vàng lên mái tranh, mái rạ. Có hôm, Trọng Thủy thổi cho nàng nghe khúc Dạ lý tương tư. Nỗi lòng nàng trĩu nặng dần theo tiếng sáo cho đến khi chàng ngưng thổi.
            - Chàng nhớ nhà lắm sao?
Trọng Thủy âu yếm nhìn nàng:
            - Cũng có lúc nhớ chứ. Hồi chinh phạt Đột Quyết có đến mấy năm nhưng không nhớ bằng lúc này.
            - Thời gian như nhau nhưng chàng nhớ nhà hơn, vậy chàng không yêu thiếp rồi.
Kéo nàng vào lòng, Trọng Thủy thì thầm:
            - Ta nhớ là do rỗi rãi quá. Ngày trước chinh phạt hành binh tính kế, vượt sông phá núi nên không còn thời gian để nhớ. Không có nàng thì ta đã trốn về rồi.
Mị Châu bật cười:
            - Không có thiếp thì làm gì có chàng ở đây để phải trốn. Ngày kia phụ vương đi săn chàng có đi theo không?
            - Ta rất muốn đi nhưng phải xin phép phụ vương đã. À, phụ vương săn thú bằng cung hay bằng nỏ?
            - Bằng cung mới thể hiện được tài nghệ, bắn nỏ thì ai cũng thế cả.
            - Vì sao vậy?
            - Nỏ của vua cha bắn hàng loạt tên, mỗi lần bắn thú nào thoát khỏi.
            - Vậy mà ta chưa bao giờ thấy nỏ của phụ vương đấy!
            - Chàng muốn xem không, bây giờ thiếp dẫn chàng đi.
            - Thôi để lúc khác cũng được, nhưng phải xin phép phụ vương đã chứ. Lỡ nàng đưa ta xem, phụ vương quở phạt nàng, ta buồn lòng lắm.
Mị Châu ngúng nguẩy:
            - Chàng không tin thiếp, các tướng xem được, bắn được, chàng là phò mã há chẳng bằng các tướng sao? Thiếp đưa chàng đi xem rồi chàng báo với phụ vương xem người có trách thiếp không?
Trọng Thủy cười xòa:
            - Ta chịu nàng rồi, ta sẽ làm theo sự sắp đặt của nàng…
            Tiếng tù và đồng của tướng quân Cao Lãm lanh lãnh báo hiệu cho lính canh mở cổng thành. Phụ vương đi săn về. Không như mọi năm nàng ra cổng thành đón để xem săn được bao nhiêu con thú. Giờ đây, nàng chờ Trọng Thủy của nàng thôi.
            Cao Lãm sánh ngựa cùng Trọng Thủy, thấy Mị Châu ra đón, Lãm nhảy xuống ngựa thi lễ:
            - Kính chào công chúa! Phò mã thật thiện xạ.
Trọng Thủy cũng xuống ngựa:
            - Nàng chớ nghe Cao tướng quân nói quá, Cao tướng quân không nhường thì ta không săn được con thú nào đâu.
An Dương Vương ngồi trên con Ô long thần mã cười ha hả:
            - Bây giờ con gái ta quên ta mất rồi.
Mị Châu phụng phịu:
            - Con chưa kịp chào phụ vương đã bắt lỗi rồi…

            Đêm thượng huyền. An Dương Vương sai bày tiệc tại hoa viên sau điện. Sau tuần rượu chúc An Dương Vương, Cao Lãm mang bầu rượu đến bàn Trọng Thủy.
            - Ta uống với phò mã một bát. Tài cung tiễn của phò mã thật đáng nể. Nếu được bệ hạ truyền dạy chắc chắn sẽ trở thành cung thủ số một thiên hạ.
Mị Châu thầm nghĩ khi Trọng Thủy mới ở rể, Cao Lãm có ý xét nét chứ có vui vẻ như dạo này đâu. Âu cũng do chàng phóng khoáng, coi bạc vàng châu báu là vật ngoài thân. Đồ dùng của chàng, ngoại trừ cái dây đeo cổ có cái khóa khắc chữ Trọng Thủy, tướng sĩ nào thích, chàng cho. Chiếc tù và đồng đúc rất tinh xảo của tướng Đột Quyết, chàng đoạt được khi đánh trận năm xưa, Cao Lãm vừa trầm trồ chàng đã tặng ngay. Từ khi có cái tù và ấy, Cao Lãm dùng nó để hiệu quân chứ không dùng chiêng như trước nữa…
            - Cao tướng quân nói quá rồi, Trọng Thủy tôi sao sánh được với tướng quân.
            - Muốn giỏi phải luyện – lão tướng Cao Lỗ nói, luyện mắt, luyện tay một thì phải luyện thần trí mười. Mọi người xem, ngoài bệ hạ ra có ai bắn được thú trong đêm?
Trọng Thủy rót một bát rượu đến trước bàn Cao Lỗ:
            - Hậu sinh kính mời Cao tiền bối một bát. Tài nghệ bắn cung của tiền bối vang tận phương bắc, thiên hạ nói người là Dị nhân xạ tiễn.
            - Phò mã sai rồi, Dị nhân xạ tiễn chính là bệ hạ đó. Người bắn bốn tên hạ năm tướng giặc!
Trọng Thủy ngạc nhiên:
            - Bốn tên hạ năm tướng?
            - Hồi Đổng Thư dẫn binh xuống Lĩnh Nam, bệ hạ dẫn năm bộ tướng đi do thám. Tiền quân Đổng Thư phát hiện, đuổi theo. Bệ hạ lệnh cho năm bộ tướng chạy trước về cấp báo, còn người đi sau chặn hậu. Thanh gươm bệ hạ vung lên diệt mấy chục tên. Đuổi hơn chục dặm, bọn chúng thấy khó lòng bắt sống nên đem cung ra bắn. Bệ hạ bắn trả, bốn tên hạ bốn tướng giặc. Bọn chúng vẫn đuổi theo. Hết tên nên vừa chạy người vừa lắng nghe tiếng cung bật để tránh. Một lần, vừa nghiêng mình thì mũi tên bay tới, bệ hạ chụp được mũi tên, quay lại bắn hạ tên tướng gần nhất. Lúc ấy tiền quân ta cũng vừa tới, lão dùng nỏ hạ mấy tiểu tốt, đuổi chúng về trại…
            Trọng Thủy thầm nghĩ uy vũ của An Dương Vương và cha mình khó biết ai hơn ai. Có chăng, An Dương Vương gần gũi, tình cảm hơn với tướng sĩ mà thôi.
            Qua năm tuần rượu, khi mọi người bắt đầu ngà ngà. Mị Châu nói nhỏ với Trọng Thủy:
            - Chàng uống ít thôi, ngày mai chàng về thăm cha rồi, thiếp muốn nói chuyện với chàng.
            - Nàng về cung trước đi, lát nữa ta về.
Nhìn dáng đi khoan thai, nhẹ nhàng của Mị Châu, Trọng Thủy nao lòng. Nàng xinh đẹp, trong trắng, hồn nhiên quá, như một nàng tiên lạc bước xuống cõi trần. Mới ngỏ lời muốn đem nàng về thăm cha, phụ thân nàng đã gạt phắt. Những người thiếp của chàng, Khánh Thi nổi bật hơn cả, đài các, kiêu sa nhưng so làm sao được với Mị Châu. Nàng là người vợ biết an ủi, sẻ chia, động viên, khuyến khích. Lẽ nào nàng lại phải chịu sự chia lìa, nhớ nhung biết khi nào gặp lại? Chàng về, chắc chắn chiến tranh sẽ xảy ra, Lý thần toán mật báo mọi việc đã sẵn sàng. Đưa Mị Châu theo chắc chắn không xong. Chàng mới bóng gió Lý Khắc đã nghiêm giọng: “Thái tử nên nhớ cái tên Triệu Vương đã ban cho!”. Việc công dễ làm, việc tư khó tính. Thiên hạ cho rằng chàng dũng lược tài hoa, có chí khí trượng phu, thế mà người mình thương yêu sẽ ra sao đây khi chiến tranh xảy ra? Biết cách gì bảo vệ? Lòng dạ rối bời, ruột gan thắt lại. Tại sao tài hoa dũng lược lại không đồng hành cùng hạnh phúc? Tại sao cứ phải chiến tranh? Cha ở phương bắc, An Dương Vương ở phương nam, mỗi người một cõi, tranh dân chiếm đất làm gì? Hòa bình như bây giờ có phải hơn không, sao cứ phải chiến tranh…
            Trọng Thủy bưng bát rượu đến từ biệt nhạc phụ, An Dương Vương nói:
            - Con về thăm cha cho ta gửi lời thăm hỏi. Ta đã sai Mị Châu chuẩn bị cho con sản vật phương nam. Con đi ta nhớ lắm, Mị Châu càng nhung nhớ nhiều. Mau trở lại con của ta nhé!
Nói rồi uống cạn. Bưng bát rượu lên, Trọng Thủy gai người, ánh trăng thượng huyền pha ánh đuốc lóng lánh màu máu.