Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Chuyện nọ xọ chuyện kia (4)



1.Sáng nay, vợ dạy buổi cuối cùng trước lúc nghỉ hưu, tiết trả bài viết số 1. Đúng chương trình thì tuần sau mới trả, đôn lên trả bài trước, như lời bà xã: ‘cho trọn vẹn công việc, ba mươi năm còn cố được thì một tuần, vài buổi có là chi”.
Vợ mình sinh đầu tháng 9 nên phải công tác trọn tháng, đúng 1/10 mới nghỉ hưu. Các ngành khác ít ra cũng được nghỉ từ 3 đến 6 tháng, thậm chí cả năm, hưởng 100% lương, còn ngành Giáo dục “vắt cho sạch giọt nước cuối cùng”, nghĩ cũng bạc!
 Ấy vậy mà có người đòi tăng tuổi nghỉ hưu của phụ nữ cho “bình đẳng” với nam giới. Mình nghĩ những người đòi quyền ấy thuộc loại “ngồi mát ăn bát vàng”, chứ trực tiếp giảng dạy, trực tiếp lao động thử xem. Có lần uống cafê “tám” về đề tài ấy, mình nói: “Cứ cho những người ấy xuống cuốc mỏ thử thách 10 ngày. Làm được như công nhân thì cho tại vị đến 60 tuổi”. Nguyệt, cô giáo dạy mầm non mới ra trường, nói: “Em nghĩ nếu những người ấy làm nghề cuốc mỏ e rằng chưa đến 40 tuổi đã đòi nghỉ hưu”.
Buổi trưa, vợ mình đang nấu cơm thì hai đứa con ở thành phố gọi điện về hỏi mình “tâm trạng má như thế nào?”. Mình bảo “trên đời này có phải mình má về hưu đâu, ai chẳng thế”. Chúng nó phân bua vì hỏi như vậy là thấy nhiều người về hưu có “tâm trạng”. -“Đó là những người có bổng lộc, không trực tiếp lao động, còn nói như má các con từ giờ trở đi buổi trưa được ngủ thẳng giấc, tối thoải mái xem phim, khỏi lăn tăn gì về giáo án và những xấp bài chưa chấm”.
Thời gian rảnh vợ mình thường lên mạng đọc báo. Cách đây mấy hôm, vợ mình nói: “Em về hưu thế là còn may mắn, được hưởng 75%, mỗi năm công tác dư ra được tính nửa tháng lương, quan trọng hơn là Bảo hiểm xã hội chỉ lấy trung bình cọng 5 năm cuối làm căn cứ tính tỷ lệ lương hưu, còn anh như cách tính mới của Bảo hiểm xã hội đang trình Quốc hội thì thiệt thòi nhiều”.
2. Nói đến lộ trình cải cách lương hưu Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề xuất Quốc hội bắt đầu thực hiện từ năm 2018, mình băn khoăn mấy lẽ sau:
- BHXH trình Quốc hội nguy cơ “vỡ quỹ lương hưu”. Sao thế nhỉ? Từ khi đất nước thống nhất cho đến nay tỷ lệ nộp tiền bảo hiểm như vậy, trả lương hưu như vậy sao lại “vỡ quỹ lương hưu’? Không thể nói “thu ít chi nhiều được”,  quyết sách chiến lược về BHXH cấp Nhà nước là dài hạn, vậy những chuyên gia về BHXH rồi Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội trước đây tính toán ra sao? Thiết lập công thức thế nào mà “có nguy cơ vỡ”? Rồi tiền đóng bảo hiểm xã hội chẳng lẽ nằm im trong két sắt 100%? Hay việc “đầu tư” của ông BHXH vào lĩnh vực nào đó bị thua lỗ dẫn đến vỡ quỹ lương hưu? Chuyện này có “trời” mới biết, cái loại cóc nhái mới nhảy lên làm người như mình thì chỉ biết nghiến răng, kêu ộp oạp khi ngứa họng vì thời tiết chuyển mùa mà thôi.
- Kể ra cái anh BHXH cũng lắm mẹo. Trình Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động không xong vì vi phạm luật thì anh ta lách luật. Và theo cách tính của BHXH thì chắc chắn đời sống của người hưởng lương hưu từ năm 2018 có bước thụt lùi rất lớn; theo như tính toán của một số đại biểu Quốc hội là khoảng 10% trong khi nền kinh tế nước ta tăng trưởng đều, lạm phát được khống chế?!
Mấy lẽ thắc mắc mình cố tìm lời giải mà không thể. Đọc báo in, báo mạng vẫn không rõ nguyên nhân. Mà rõ sao được khi ông BHXH cố tình bưng bít. Để chống tiêu cực, tham nhũng, xây dựng xã hội công bằng, văn minh Đảng ta đã nêu khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nếu được, có lẽ cũng cần bổ sung thêm : “Công chức biết, công chức bàn, công chức làm, công chức kiểm tra”. Không biết ngọn ngành thì đành ấm ức, nghe theo phán quyết Quốc hội thôi!

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

ANH VẪN ĐỢI EM



            Anh  đợi em trên chiếc xuồng ba lá
            Hết ngắm trăng rồi lại đếm sao
            Hương đồng nội ngỡ em đang đến
            Gió trêu anh, gió thổi lá xạc xào.

            Anh đợi em trên chiếc xuồng ba lá
            Trăng lẩn vào mây, mây là tóc của trăng
            Sao Vược băng qua thì thầm nháy mắt:
            “Hẹn hò ai mà đẹp thế chị Hằng?”

            Anh vẫn đợi trên chiếc xuồng ba lá
            Nước sông ròng xuồng gối bến nghiêng nghiêng
            Trăng đã đến nơi trăng hò hẹn
            Bến cùng anh đón ánh mặt trời lên.

            Anh vẫn đợi trên chiếc xuồng ba lá
            Nhìn bèo trôi dòng nước phù sa
            Giật mình tiếng cụ bà hú gọi:
            “Ông đò ơi! Có khách xin qua!”.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

BÀN VỀ CHỮ DANH



            Từ xưa tới nay, về định nghĩa, chữ DANH không thay đổi nhưng người ta nhìn nhận, đánh giá, phấn đấu để đạt được rất khác nhau. Sự khác nhau đó từ vốn liếng nền tảng văn hóa mà người ta có được.
            “Danh chính ngôn thuận”, nghĩa là có chính danh, chức danh nói ra người khác mới nghe theo. Chẳng hạn, thầy giáo cấp nào giảng dạy cấp ấy, môn nào dạy môn ấy, nếu trái đi chắc chắn dạy chẳng trò nào nghe.
            Ở đời, ai cũng muốn lời nói, hành động của mình được người khác nghe, biết, làm theo hay đồng cảm, số lượng người nghe, biết càng nhiều càng thể hiện “giá trị”, vị thế của mình trong xã hội, thế là có DANH! Để có được cái danh ấy người ta phấn đấu, hành động, ứng xử… tựu trung là đi trên những con đường:
            - Tu dưỡng đạo đức, luôn đặt mình trong khuôn phép xã hội.
            - Cố công học tập, rèn luyện đễ đỗ đạt, thành tài.
            - Làm giàu.
            - Chạy chức chạy quyền.
            - Sống ngoài vòng cương tỏa luật pháp.
            - Theo đạo giáo, đảng phái.
            - Các hoạt động liên quan đến công chúng.
            Người chân chính xem chữ DANH là cống hiến, là phải làm được những điều tốt đẹp cho đất nước, nhân loại. Chữ DANH chỉ đúng nghĩa, hoàn hảo với một người khi nó là kết quả của “công thức”: TÂM + TÀI + TẦM => DANH. Trong đó TÂM ở vị thế số một, TÀI và TẦM ngang nhau.
            Có Tâm, có Tài nhưng đặt vị trí không đúng Tầm sẽ không phát huy được hiệu quả. Người có Tài cao đặt ở vị trí thấp là lãng phí, ngược lại, Tài không xứng Tầm, cho dù có Tâm đấy, nó vẫn cản trở sự phát triển của địa phương, đơn vị hay lớn hơn là quốc gia. Như vậy, chữ DANH, suy cho cùng, ngoài sự phấn đấu của từng cá nhân còn có sự “ban phát” của một tổ chức, đảng phái, tôn giáo… nào đó hay tư tưởng cục bộ địa phương.
            Dưới thời phong kiến, chữ DANH rất được coi trọng, nhất là với đấng nam nhi:
            Làm trai đứng ở trong trời đất
            Phải có danh gì với núi sông!
                                  (Nguyễn Công Trứ)
            Công danh nam tử còn vương nặng
            Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ  Hầu.
                                   (Phạm Ngũ Lão)
 Chữ DANH ấy gắn với lập công chống giặc cứu nước, với mở mang bờ cõi, làm cho dân no ấm, đấy đích thực là Công Danh. Còn những kẻ dùng chức, có quyền của mình vụ lợi cho gia đình, dòng tộc thì đó chính là Lợi Danh. Có người, chưa bằng lòng với sự giàu có của mình, bỏ tiền mua phẩm tước sánh với đời thì chữ Danh đó phải đứng sau chữ Hư. Cũng chuyện mua quan bán tước nhưng ngày xưa và ngày nay khác nhau xa. Vì lợi mà người ta làm hoen ố đi hình ảnh của mình, thậm chí của một ngành, như thế gọi là Ố Danh. Xin kể một câu chuyện có thật mà ngỡ như đùa:
            Có hai cha con, người cha lái, người con phụ xe đang chạy tuyến Thanh Hóa – Nghệ An thì công an giao thông tuýt còi. Xe tải mới mua, chở không quá tải, giấy tờ hợp lệ, chẳng vi phạm luật giao thông nhưng cảnh sát giao thông vẫn đòi làm “luật”. Thôi thì mua sự cầu toàn đường xa, làm ăn còn gặp nhau nhiều, người cha đành kẹp tờ giấy bạc 100.000đ trong tờ giấy làm “luật”. Tay cảnh sát giao thông giở ra xem, lắc đầu, giơ hai ngón tay. Người cha năn nỉ: “Tội quá sếp ơi, cha con tui phải vay mượn, cắm sổ đỏ ngân hàng mới có con xe ni kiếm cơm đấy sếp ạ!”. Tay cảnh sát trả lời: “Cha con mày vay mượn, cắm sổ đỏ còn có cái xe, tao cũng vay mượn, cắm sổ đỏ mà chỉ có cái ni” – vừa nói vừa giơ cái dùi cui lên. Người cha đành kẹp thêm tờ giấy bạc nữa cho xong chuyện. Lên xe, người cha nói với con: “Tau tưởng tau đã lì mà hắn còn lì hơn!”.
            Làm giàu bất chính, để tạo cái vỏ bọc cho mình nhiều kẻ bỏ ra ít tiền làm từ thiện thì gọi là Mua Danh. Cái khác nhau của người làm từ thiện chân chính và Mua Danh là dù bỏ ra số tiền lớn đến bao nhiêu, vẫn giấu danh tính của mình.
            Trong cuộc sống, tôi gặp không ít người hễ giới thiệu người này với người khác, đều là bạn của mình, nhân cuộc nhậu hay gặp mặt gì đó thường gắn với chức tước: “anh T. hiệu trưởng…”, “Chú B. giám đốc..”, “còn anh X. là đại gia vật liệu xây dựng…”. Có lẽ người giới thiệu hãnh diện vì điều ấy lắm, vì mình quan hệ toàn những người có địa vị  trong xã hội. Đấy là biểu hiện của bệnh Háo Danh. Ai không biết, còn tôi “được” giới thiệu như thế cảm giác rất khó chịu. Gặp mặt lần đầu, nên khiêm nhường một chút. Chức Danh có là gì trong mối quan hệ được gọi là thân mật, bè bạn? Đối với kẻ Háo Danh cần cảnh giác vì họ có thể dựa hơi, mượn Danh người khác để trục lợi cho mình.
Háo Danh có quan hệ mật thiết với Hám Danh. Không ít kẻ đi xa có dịp nào đó về quê hương lại lòe chức này tước nọ. Nói ra xấu hổ, tôi có cậu học sinh tốt nghiệp Đại học KHXHNV, xin làm hợp đồng ở bộ phận hành chính trường Đại học B.D, sau đó mở trung tâm môi giới dạy ngoại ngữ, thế mà in cacvidit là tiến sĩ, “Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ngôn ngữ quốc tế” (!) Thế nhưng vẫn nhiều người tin, lý giải chuyện này không khó: thứ nhất là thiếu thông tin, không ưa suy luận hoặc giả cũng có bệnh Háo Danh nên Hám Danh nó làm cho mờ mắt!  
            Thỉnh thoảng, trên các trang báo viết, báo mạng lại đưa tin vụ xì căng đan ca sĩ này, người mẫu nọ sex, lộ “hàng” khoe thân hay phát ngôn nhảm nhí. Họ làm như vậy là để tự “lăng xê” mình khi tài năng chưa được công chúng công nhận. Những việc làm như vậy gọi là Ô Danh. Chuyện Ô Danh thì thời đại nào cũng có, câu chuyện sau đây vừa xếp được trong tiêu chí Ô Danh lẫn Hám Danh, tự điển chưa có nên tạm gọi là Ác Danh vậy:
 Herostratos, một kẻ vô danh tiểu tốt đã tuyên bố sẽ làm cho tên tuổi hắn nổi danh thiên hạ. Ngày 21 tháng 7 năm 356 tr.CN, hắn đã đốt ngôi đền thờ Nữ thần săn bắn Artemis (ở Ephensus – phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Đốt xong, hắn đầu thú và chờ được xét xử công khai. Quan tòa biết nếu đem xét xử công khai sẽ đúng với mong ước của hắn nên đã xét và xử tử hắn trong ngục tối. Thế nhưng một nhà viết sử đã ghi lại sự kiện đó nên tên tuổi hắn đúng thật đã tồn tại trong lịch sử loài người.
           Ngày xưa, nhiều người hiểu chữ DANH luôn gắn liền với chức tước, lợi lộc nên đã xa lánh nó bằng cách ở ẩn như Sào Phủ, Hứa Do, Đào Tiềm, Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử…Lánh đời xuất thế, giữ được tiết tháo của mình, nhưng nói gì đi nữa, đó là con đường tiêu cực. Lánh đời nhưng tên tuổi họ vẫn sáng cùng sử sách, hóa ra “mai danh ẩn tích” lại là một phương thức Quảng Danh?!
            Con người, già hay trẻ, nam hay nữ đều có một chữ DANH gắn liền với thân phận mình. Hiểu được chữ DANH nhưng sống sao cho đúng chữ DANH viết hoa cần có thêm TRÍ, DŨNG và luôn là sự phấn đấu không ngừng.                  
           

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

VUI BUỒN NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG

 

            Cứ trăn trở mãi nên viết hay không nên viết về Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập trường THPT Phan Chu Trinh, bởi vì dẫu gì mình cũng đã 28 năm gắn bó. Không viết, trong lòng cứ bực bội, còn viết ra ai là người đồng cảm? Thôi đành sống thực với mình vậy.
            Cảm xúc về dự ngày lễ vui buồn lẫn lộn. Vui vì trường lớp khang trang, vui vì những tiết mục văn nghệ chào mừng của học sinh mới, cũ, của thầy cô giáo hết sức ấn tượng. Vui vì gặp lại một số đồng nghiệp cũ nhưng cũng buồn vì những thầy cô giáo những ngày đầu thành lập trường về dự đếm chưa hết trên mười ngón tay. Buồn hơn, tên những thầy cô giáo ấy không được nhắc đến dù chỉ một lần trong diễn văn kỷ niệm của thầy hiệu trưởng.
            Lễ đài buổi lễ trang trí hoàng tráng nhưng tiếc thay tên buổi lễ lại ghi thiếu chữ. Đúng ra phải là “Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Trường PT cấp II-III Quang Trung – THPT Phan Chu Trinh”. Mình nghĩ chẳng lẽ nào Ban Giám hiệu nhà trường lại sơ suất đến như thế.
            Nếu như ngày lễ kỷ niệm ngày thành lập trường là Hội diễn văn nghệ thì chắc chắn ai cũng nghĩ rằng đó là một thành công rực rỡ, tiếc thay, khi phần biểu diễn văn nghệ chào mừng kết thúc, đi vào chương trình chính thì nắng bắt đầu đổ lửa. Ngồi dưới mái che mình nhìn những em học sinh đối diện mặc áo dài mà không khỏi xót xa. Không biết đại biểu, học sinh có nghe hết những bài diễn văn từa tựa như nhau, dài dằng dặc hay không? Toàn những thành tích, những lời ngợi ca mà buồn thay 30 năm xây dựng và trưởng thành ấy không có được lá cờ thi đua xuất sắc nhân Ngày kỷ niệm thành lập trường, mà đúng ra phải là Huân chương lao động hạng ba!
            Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường là dịp để ôn lại truyền thống, để tỏ lòng tự hào với danh nhân trường được mang tên, lẽ ra phải có bàn thờ Quang Trung và bàn thờ Phan Chu Trinh để thầy cô, học sinh, đại biểu dâng hương, tưởng niệm, nhưng không, tất cả chỉ gói gọn trong một bài diễn văn của thầy hiệu trưởng! Về phần phát biểu của đại biểu, thầy Đoàn Ngọc Thành thay mặt cho thầy cô giáo cũ nói ngắn gọn, xúc cảm nhưng vẫn đầy đủ ý tứ. Theo giới thiệu của Ban tổ chức buổi lễ, “tiến sĩ”ngôn ngữ – Viện trưởng VNCPTNNQT T., đại diện cựu học sinh cũ phát biểu. Vị “tiến sĩ” phát biểu xong, tiếng vỗ tay của đại biểu và một số thầy cô giáo cũ vang lên. Nhiều tiếng khen “tiến sĩ viện trưởng” trẻ quá. Nếu đúng là thế thật có lẽ người “nổ’ to nhất là mình, vì cậu ta là một học sinh mình trực tiếp giảng dạy! Mình thật xấu hổ khi có một cậu học sinh dám lừa thầy cô giáo và các em học sinh như thế. Biết được sự thật, các em học sinh sẽ nghĩ gì nếu xem “tiến sĩ” T là thần tượng thành đạt trong con đường học vấn?
            Có lẽ vì nắng quá nên phần trao học bổng cho học sinh của một số tổ chức, cá nhân được rút gọn lại. Thầy hiệu phó thay mặt học sinh nhận học bổng, mỗi lần nhận học bổng lại một khúc nhạc vang lên. Học bổng của ‘tiến sĩ’ T trao cho thầy Tùng dưới nền nhạc “Chiêu hồn tử sĩ”! Thầy Nguyễn Văn Khôi, đã nghỉ hưu nói với mình sau cái lắc đầu: “Chuẩn bị thiếu chu đáo quá.”. Mà cũng đúng thật, khi nhìn thầy Sơn, áo cổ cồn thắt cà vạt lau cái trống trên lễ đài, trước “bàn dân thiên hạ”, chuẩn bị cho thầy hiệu trưởng đánh trống khai trường, đột nhiên mình lại nhớ đến chú Tư bảo vệ đã được trường cho nghỉ việc. Mình tin rằng có chú Tư, những việc đại loại như vậy làm gì xảy ra. Nhìn quanh, cố tìm nhưng không thấy chú Tư đâu, không biết trường có nhớ mời không nhỉ?
            Rồi buổi lễ cũng kết thúc. Mình đến gần một nhóm học sinh nữ mặt đỏ phừng phừng đang dùng ống tay áo quệt mồ hôi trán dưới bóng đào, hỏi: “Lễ hội có vui không mấy em?”, một em không trả lời vào vấn đề mình hỏi mà nói: “Nắng quá thầy ạ!”
            Vào thăm “Phòng truyền thống”, giật mình vì hình bốn ông hiệu trưởng từ ngày thành lập cho đến nay, được fotosoop ‘tút” lại thật bảnh bao, treo nơi trang trọng nhất! Không biết ai chỉ đạo treo như vậy? Phía đối diện là tủ thờ cụ Phan Chu Trinh chỉ ngang tầm ngực. Lúc đó, vì người tham quan đông quá, mình chỉ kịp nói với thầy Tùng, phó hiệu trưởng: “Sao ông không để bát hương dưới mấy tấm hình”. Tùng cười, có lẽ nghĩ mình nói đùa. Thắp cây hương cho cụ Phan Chu Trinh mình khấn thầm: “Cụ có bẻ cổ thì bẻ cổ đứa treo, còn mấy ông được treo ảnh không biết gì đâu”. Mình nghĩ, những tấm hình ấy có treo thì treo ở phòng hiệu trưởng, như thế hợp hơn. Nhìn mãi, tìm mãi không thấy hình một cựu học sinh thành đạt. 30 năm, 30 khóa học sinh ra trường, mỗi khóa chỉ cần treo một tấm hình một học sinh thành đạt trong học tập, lao động sản xuất thì giá trị giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều, có ý nghĩa hơn rất nhiều.
            Khi lãnh đạo nhà trường mời đại biểu về căng tin liên hoan, mình lặng lẽ rời ngôi trường yêu dấu. Một số bạn bè tìm cụng ly không thấy, gọi điện, mình nói dối đau bụng nằm nhà. Tha lỗi cho mình nhé, mình không muốn bạn bè hiểu nhầm về nét mặt không được vui trong ngày vui. Lúc ấy, một mình bên ly cafê, mình cứ phân vân mãi vì sao không có học sinh cũ tham dự, sao thế nhỉ?...Ai biết cho mình biết với…