Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

CÀFÊ CHÉM GIÓ



        Sáng chủ nhật, Hùng tới rủ tôi đi uống càfê. Vào quán đã thấy anh Tuấn, Đức Râu ngồi ở cái bàn quen thuộc. Bắt tay tôi, anh Tuấn hỏi:
- Ông chuyển công tác rồi phải không, đi làm ngày nào chưa?
Tôi nói mới đi học chuyên đề Văn hóa Nghị quyết TW9, có điều lạ là lãnh đạo đúng giờ còn giáo viên phần lớn đi trễ mà lại còn lờn tơn. Báo cáo viên tế nhị nhắc lại Chỉ thị của huyện ủy về chế độ hội họp, học tập trước khi đi vào vấn đề chính. Mấy thầy cô đi đúng giờ có vẻ ngượng ngập, số còn lại vẫn xì xầm tán chuyện như không có vấn đề gì.
Gạt tàn thuốc, anh hỏi lại:
            - Học sinh đi học trễ dăm ba phút thì thái độ giáo viên thế nào nhỉ?
Đức Râu phụ họa:
            - Làm thầy cô giáo riết quên đi vai trò người học của mình rồi!
            - Trường làng lâu nay nó vẫn thế, quen nếp rồi. Trường anh là trường chuẩn đấy nhưng nhiều việc phải chỉnh – Hùng tiếp lời.
            - Nói thật ông đừng buồn, tôi không tin vào cái mác chuẩn ấy đâu. Tôi biết nhiều giáo viên trên chuẩn nhưng chưa chuẩn.
Tôi hỏi là sao, anh Tuấn cười, hỏi lại:
            - Tốt nghiệp Cao đẳng dạy cấp II là chuẩn, đúng không?
Tôi trả lời đúng, anh tiếp:
            - Nhiều người có bằng Đại học từ xa dạy cấp II thế là trên chuẩn. Trên chuẩn nhưng dạy sai thì chưa chuẩn chứ còn gì.
Tôi im lặng, Đức Râu sợ tôi nghĩ anh Tuấn nói quá nên bổ sung những câu chuyện một số giáo viên dạy sai kiến thức qua xem xét vở ghi, bài chữa của mấy đứa con cháu. Tôi nghĩ nếu đúng thật như vậy thì đúng là dù có “trên chuẩn cũng cần phải chỉnh”. Hùng than thở:
            - Chuyện kiến thức có thể là nhầm lẫn, còn chuyện ứng xử có vấn đề mới đáng trách, rồi Hùng kể:
            - Tuần trước tôi đến xin chuyển trường cho đứa cháu, ngồi uống nước với chú Kiểm bảo vệ, thầy An, thầy Thạch và hai cô giáo trẻ thì thầy Quỳ đến, buông một câu: “Chào cả nhà”. Nói thật, lúc đó tôi muốn tát cho thầy Quỳ một cái.
            Dường như để cho tôi rõ chuyện Hùng nói, Đức Râu giải thích:
            - Thầy gì mà thầy, gọi là thằng Quỳ mới đúng. Nó mới ra trường được dăm năm nay, mới được bầu vào chức Phó Bí thư chi bộ nên mới mất dạy thế. Nó là học sinh cũ của thầy An, thầy Thạch, cùng lắm là bằng tuổi con của hai thầy và chú Kiểm. Cái vị thế nào mà nó chào kiểu ngang hàng vậy chứ. Người ta chào nhau là thể hiện sự thân mật, tôn trọng. Còn câu chào đó của nó là láu cá, sặc mùi bề trên.
            Nhấp ngụm càfê, anh Tuấn quay sang tôi, trầm giọng:
            - Chán quá ông ạ. Thì đấy, thằng Kim làm Chủ tịch huyện trước đây làm đội phó cho tôi, chuyện gì cũng anh anh em em. Sau này tôi bỏ nhà nước lập công ty riêng, nó theo con đường chính trị. Khi leo được lên ghế Phó Chủ tịch nó thay đổi cách xưng hô với tôi là “ông – tôi”. Bữa trước, nghiệm thu công trình xong, ra nhà hàng nó còn mày tao với tôi đấy…
            Anh Tuấn nói tôi mới nhớ lại mình cũng từng gặp những chuyện như thế. Quen được cấp dưới xu nịnh cứ kiểu “anh ba chị bảy” nên người ta phải tao mày với những người lớn tuổi hơn mới tỏ rõ uy quyền chăng?
            Rồi chuyện xoay sang văn hóa vùng miền, anh Tuấn nói:
            - Thời đại kinh tế thị trường, hội nhập mà xem ra quê mình vẫn là vùng văn hóa khép. Bao nhiêu năm đổi mới, tỉnh bạn phát triển ầm ầm, còn nhìn lại mình, ông thấy đấy, có khác gì ba mươi năm trước đây không? Không – đúng không! Khác làm sao được khi tư tưởng cục bộ to như trái núi…
            Hùng nhấp ngụm trà đá, chép miệng:
            - Các anh nhìn xem, ở cái huyện này những vị trí chủ chốt không con cháu ông này lại anh em thúc bá ông kia. Không nói các anh cũng biết, có tay trưởng phòng chuyên môn một ngành mà chưa bao giờ học qua một ngày về chuyên môn. Đọc công văn không hiểu lấy gì triển khai với chỉ đạo. Chức tước là để hưởng lương, kiếm bổng lộc, thể hiện quyền uy. Lãnh đạo như thế làm sao địa phương phát triển được. Tai hại hơn, lớp trẻ, những người tài năng được đào tạo chính quy, bài bản lại không được dùng…
Đức Râu cướp lời:
            - Người ta cảnh giác với người tài, tìm cách này hay cách khác chèn ép người tài nên người tài không bất mãn cũng tìm đường đi nơi khác. Anh Năm đang là trưởng phòng kinh tế xin chốt sổ bảo hiểm xã hội chờ sáu mươi tuổi lĩnh sổ hưu. Nhiều người tiếc vì năng lực, đạo đức của anh. Hỏi, anh chỉ nói nghỉ vì hoàn cảnh gia đình. Cho đến hôm trước, nhậu với anh, lúc ngà ngà, anh mới hé lộ bàng câu nói: “Một cánh én không làm nổi mùa xuân”.
            Chờ cho tôi nhấp xong ngụm càfê, anh Tuấn nói tiếp:
            - Ông Năm hài hước mà sâu sắc lắm. Tôi nhớ trước lúc chốt sổ hưu, uống càfê với tôi, ông nói đọc tài liệu thấy các trường học châu Âu người ta ngại nhất là cái từ gì tôi quên mất, đại thể dịch sang tiếng ta có nghĩa là “cận huyết”. Nếu học trò cùng dạy một trường với thầy giáo cũ thì khó có sự phản biện. Giáo viên sinh ra ở đấy, rồi thì công tác ở đấy thì khó có thể truyền tải cho học sinh những tinh hoa vùng khác, bởi vì người ta có lĩnh hội được đâu. Địa phương đã là vùng khép về văn hóa, trường học cũng khép nốt thì còn lâu mới đào tạo con người năng động!
            Tôi chống chế:
            - Thế giới bây giờ là thế giới phẳng, chỉ cần nhấp chuột một cái thì muốn tìm hiểu văn hóa vùng miền nào chẳng có.
            - Nhưng mấy ai đọc, mà có lên mạng thì để đọc cái tào lao hay vào facebook, thật vô bổ. Tôi là tôi cấm tiệt vợ con vào mạng kiểu ấy.
            - Anh đi suốt ngày thì cấm làm sao? Hùng hỏi.
            - Có gì đâu, mỗi khi nói chuyện gì liên quan tới máy tính, mạng là tôi tỏ thái độ ghét facebook, tôi nói chỉ có kẻ rỗi hơi mới fay. Có lẽ vì thế mà bà vợ tôi lên mạng chỉ đọc báo và học nấu ăn.
            - Hèn chi lâu lâu nhậu ở nhà anh Tuấn thường có món lạ, bí mật bây giờ bật mí rồi đấy.
            - Nói thật, bà vợ tôi sợ đi quán xá không “quản’ được, nhất là cái khoản karaoke.
            Chuyện vợ anh Tuấn hay ghen, bạn anh ai cũng biết. Có tôi đi nhậu cùng là chị an tâm, bởi lẽ tôi là thầy giáo, nói như chị thì “mần ăn chi được”.
            Cô bé chạy bàn chế thêm trà đá, động tác thật khéo léo, nụ cười tươi trên gương mặt thân thiện. Đức Râu tính tiền. Cô bé đưa hai tay trả tiền thừa, cảm ơn chúng tôi. Đức Râu rút thêm tờ giấy bạc hai chục ngàn nhập chung vào số tiền thừa tặng cô bé nhưng cô bé từ chối rất văn hóa:
            - Cảm ơn chú! Cảm ơn các chú đã ủng hộ quán nhà cháu. Có thời gian các chú đến uống càfê thì đó là niềm vui và phần thưởng lớn cho cháu rồi.
            Chúng tôi đứng lên, anh Tuấn nói:
            - Nhất định có thời gian rảnh các chú lại đến!

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

CHIỀU



          Tiếng chim buồn gọi bạn
          Trầm đục một góc trời
          Cơn giông chiều ập tới
          Vẳng tiếng gọi: đò ơi…

          Sông chảy về hoàng hôn
          Bóng núi chiều cô đơn
          Vương vấn sầu nhân thế
          Lẻ loi tiếng gọi đàn.

          Lãng tử chiều Tràng Giang
          Ngậm ngùi Qua Đèo Ngang
          Nhớ nhà châm điếu thuốc*
          Đốt nỗi sầu miên man!...
--------------------
* Tên bài thơ của Huy Cận, Bà huyện Thanh quan và câu thơ của Hồ Dzếnh.

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

CHE MIỆNG THẾ GIAN!




Cuối cùng Cụ Trứ cũng được về trí sĩ! Trước khi từ giã kinh thành Huế để về với quê Hồng Lam non xanh nước biếc, Cụ ngất ngưởng ngồi trên cỗ xe bò cái kéo, cổ bò lại đeo nhạc ngựa, long nhong đến từng nhà từ giã những người quen.
Khi đến nhà Hà Tôn Quyền - vị đại thần trước kia đã từng dèm pha gây cho ông nhiều bước thăng trầm lận đận, Nguyễn Công Trứ lấy một cái mo cau, chép một bài thơ buộc vào phía sau đuôi bò, che... lại. Thiên hạ xúm lại xem, rúc rích cười khiến họ Hà thêm tò mò. Nguyễn Công Trứ gạt mọi người và úp sấp mo cau lại. Hà Tôn Quyền đòi coi cho kì được, sấn lại, lật ngửa tấm mo cau lên. Hoá ra trên mo cau có bài thơ:
Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn
Lợm mùi giáng chức với thăng quan
Điền viên dạo chiếc xe bò... cái
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.
Hà Tôn Quyền đỏ ngay mặt, hiểu ra là Nguyễn Công Trứ xỏ mình, “miệng thế gian” hay dèm pha có khác chi miệng họ Hà.
Về hưu nhưng cụ Thượng Trứ không ở lại làng Uy Viễn, mà vào ở một cạnh ngôi chùa trên núi Cảm Sơn, thuộc xã Đại Nại gần tỉnh lị Hà Tĩnh bây giờ, và thường cưỡi bò vàng đạc ngựa đi chơi đây đó. Người đời truyền tụng, để diễu và răn dạy những kẻ hay đàm tiếu những chuyện thị phi ganh ghét, cụ viết thơ lên chiếc mo cau rồi buộc sau đít bò. Có người còn nhớ hai câu sau:
Miệng thế khó đem b­ưng nó lại.
Lòng mình chưa dễ bóc ai coi.
Thiên hạ thấy vậy lại đua nhau bàn tán, kẻ bảo Cụ chán đời, người bảo Cụ ngạo thế; Cụ chỉ ngất ngưởng cười, nghêu ngao thơ, bất tận chơi mà chẳng bận lòng.­

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG - LỜI TRẦN TÌNH CỦA NHO TƯỚNG NGUYỄN CÔNG TRỨ

      Nguyễn Công Trứ là nhà nho đích thực, có tư tưởng tích cực nhập thế dù ở địa vị, hoàn cảnh nào. Tâm đức, chí khí, tài năng lớn của người con làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nói như Văn Thiên Tường là: “lưu lại lòng son với sử xanh”.
      Mở đầu Bài ca ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ viết: “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”, nghĩa là: Mọi việc trong trời đất đều là của ta. Phận sự của người quân tử phải là “trí quân trạch dân”, bởi lẽ trung vua là yêu nước, yêu nước thì phải làm sao cho quốc gia hưng thịnh. Làm được điều ấy phải có tài, mà với Nguyễn Công Trứ thì:
      Trời đất cho ta một cái tài
      Giắt lưng ngày tháng để dành chơi.
Nguyễn Công Trứ ý thức được muốn làm nhiều việc lớn giúp dân phải có chức tước, địa vị cao trong xã hội. Muốn có được điều ấy, dưới thời phong kiến không cách nào khác ngoài con đường thi cử. Người đời, ít ai dám mạnh miệng tuyên bố trước khi đi thi, Nguyễn Công Trứ thì khác, ông nói: “Đi không há lẽ trở về không? Cái nợ cầm thư phải trả xong.” Rồi ông đỗ Thủ khoa, điều ấy minh chứng cho sự tự tin vào tài năng của bản thân mình. Chính vì thế, câu thứ hai, Uy Viễn tướng công viết:
      Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng
Có lẽ dùng ngôi thứ nhất không khách quan, tác giả chuyển dùng ngôi thứ ba: “ông Hy Văn”. Cách dùng này độc đáo, mới lạ, tách “mình” ra để nói về bản thân mình!
      Làm quan, với ông là ‘vào lồng”, cái lồng ở đây, suy cho cùng là chữ ‘lễ” trong hệ thống tư tưởng Nho giáo. Đó là sự tôn trọng, hòa nhã khi cư xử với người khác, mở rộng ra là tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc đạo đức xã hội và pháp luật. Nói cách khác, ông chấp nhận đội cái “vòng kim cô” để làm quan. Ông biết nhiều kẻ hàm phẩm, chức tước cao hơn mình nhưng tài năng, đức độ có là bao. Chốn quan trường thị phi, mưu sâu kế độc của lũ vô tài bất tướng, không thể dung hòa được, ông chọn cho mình lối sống ‘ngất ngưởng”.
      ‘Ngất ngưởng’ theo Từ điển Tiếng Việt là: ở tư thế không vững, lắc lư nghiêng ngã như chực ngã. Có lẽ định nghĩa ây chưa thuyết phục lắm. “Ngất ngưởng”- từ láy tượng hình, chỉ độ cao, luôn có sự chuyển động qua lại, lên xuống, hiểu như vậy mới hợp với lô gíc bài thơ. Nghệ thuật hoán dụ (lấy bộ phận để chỉ toàn thể) của tác giả là bất ngờ, thâm ý sâu sắc. Thông thường, người ta chỉ nói tay chơi, tay lái lụa hay tay kiếm cung…còn : “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” chỉ duy nhất Nguyễn Công Trứ.
      Tổng kết quãng đời làm quan của mình, “Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng” là xương sống, là trục giữa xuyên suốt những chức vụ, trọng trách mà Uy Viễn tướng công gánh vác. Giá trị vị trí câu thơ là ở chỗ đó!
      Năm 1847, đời vua Tự Đức, Nguyễn Công Trứ về hưu. Không cáng, không kiệu, không xe, không ngựa, Uy Viễn tướng công cưỡi con bò vàng đeo đạc ngựa. Đánh giá việc làm này có nhiều ý kiến khác nhau, người cho lập dị kẻ nói ngông. Ai nói gì mặc, thoát khỏi vòng cương tỏa việc gì thích thì làm, với Nguyễn Công Trứ “Khen chê phơi phới ngọn đông phong”. Có ai nghĩ rằng việc làm ấy có là gì mà đưa vào bài thơ tổng kết sự nghiệp, cuộc đời mình khi những biến cố khác lại không nhắc đến?
      Đạc ngựa là chuông ngựa, làm bằng đồng, giống cái lục lạc trẻ con chơi. Đạc ngựa có loại một cái, có loại nhiều cái kết lại. Ngựa chạy trong phố, đạc rung lúc đó là tín hiệu báo tránh đường. Đi đường xa, tiếng đạc ngựa vui tai làm quên đi mỏi mệt. Trong chiến trận, tiếng rung của đạc ngựa, tiếng trống trận, tiếng gươm khua, tiếng la hét góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu tướng sĩ…Phải chăng mang theo đạc ngựa, Uy Viến tướng công mang theo kỷ vật trong những năm tháng cầm quân đánh dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành (1827), Nông Văn Vân (1833), giặc Khách và chiến tranh Việt – Xiêm những năm 1841-1845?...Làm tướng cưỡi ngựa, làm dân cưỡi bò, thế thôi có gì lạ. Có phải Nguyễn Công Trứ dùng việc làm của mình nhắn gửi những viên quan đang ở trong triều: các ông hãy nhớ, hết quan hoàn dân, ai cũng vậy mà thôi, lẽ đời không có gì tồn tại mãi…Có nghĩ mình sẽ là dân mới biết thương dân. Về hưu rồi, hoàn thành trách nhiệm của đấng nam nhi với quốc gia, tài thao lược không còn dùng đến nữa, bỏ lại hình ảnh thanh gươm yên ngựa oai phong lẫm liệt sau lưng, về với quê hương, Nguyễn Công Trứ “đồng bộ” cho “phương tiện” của mình:
      Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
      Vấn đề đặt ra là thương dân sao ông lại cầm quân đánh dẹp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, và ông tự hào về điều đó? Nhìn lại lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân nhưng có cuộc khởi nghĩa nào lật đổ được chính quyền? Phần lớn những cuộc khởi nghĩa ấy chỉ xuất phát từ lợi ích cục bộ địa phương hay vì quyền lợi của người cầm đầu mà thôi. Xét trên phương diện quốc gia đó là bạo loạn. Từ xưa đến nay, chính thể nào cũng tiêu diệt bạo loạn bằng cách này hay cách khác mà thôi. Đánh dẹp khởi nghĩa là để đem lại sự yên bình cho đất nước. Dân có an cư mới lạc nghiệp.
      “Bần cùng sinh đạo tặc”, quá hiểu nguyên nhân sâu xa của mầm loạn, Nguyễn Công Trứ đã tổ chức cho dân khai khẩn lập ấp, mở rộng diện tích canh tác, công lao ấy cho đến bây giờ và mai sau người dân Ninh Bình, Thái Bình và Hà Tĩnh quê ông bốn mùa hương khói.
      Phần hai của Bài ca ngất ngưởng hoàn toàn nói về việc “vui thú điền viên”. Đó là ghé thăm thắng cảnh quê hương, chùa chiền với những cô hầu gái xinh đẹp:
      Kìa núi nọ phau phau mây trắng
      Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
      Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
      Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
      Chỉ Bụt mới hiểu Nguyễn Công Trứ, từ “tay ngất ngưởng” trước kia giờ đã là “ông ngất ngưởng”. Sự biến đổi từ “tay kiếm cung” đến “nên dạng từ bi” là do địa vị xã hội, hoàn cảnh sống thay đổi. Ở triều đình, bọn tiểu nhân ganh ghét tài năng, thậm chí còn vu oan giá họa khiến Nguyễn Công Trứ bị cách chức làm lính thú, có lúc bị giam chờ án chém. Về quê, cũng không ít kẻ ưa lối sống “ngất ngưởng”, nhưng với ông chẳng là gì cả:
      Được mất dương dương người thái thượng
      Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
      Khi bị biếm chức làm lính thú, có vị quan ái ngại thương xót xin ông cởi bộ đồ lính khi còn ở trong địa hạt cai quản của mình, ông cười nói:
      - Làm tướng tôi chẳng thấy gì là vinh nên làm lính tôi không thấy nhục!
Chức tước với ông chỉ là điều kiện để giúp đời, tiền bạc chỉ là phương tiện sống, quan niệm này của Nguyễn Công Trứ thể hiện rất rõ trong bài thơ Cầm kỳ thi tửu:
      …Sách có chữ “nhân sinh thích chí”
      Đem ngàn vàng chác lấy chuyện cười,
      Chơi cho lịch mới là chơi
      Chơi cho đài các, cho người biết tay…
Vậy nên mặc người đời khen chê, ông vui thú với sở thích của mình:
      Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
      Không Phật, không Tiên, không vướng tục
      Lối sống ‘ngất ngưởng” được khẳng định rõ ràng ông không xuất thế: không đọc kinh Phật, không tu Tiên nhưng chắc chắn không vướng tục! Nghĩa là không vướng vào lối sống bon chen, xu nịnh, cầu lợi hám danh.
      Tưởng rằng về hưu “hạ cánh an toàn” nhưng nợ đời chưa hết, Nguyễn Công Trứ lại phải lai kinh theo lệnh vua. Uy tín quá lớn của ông trong nhân dân khiến nhiều kẻ tiểu nhân ganh ghét, tung tin đồn Uy Viễn tướng công làm phản! Biết được điều đó, Nguyễn Công Trứ ung dung vào kinh, Tự Đức – ông vua tự cho mình hay chữ, hỏi:
      - Về hưu, khanh làm gì?
      - Muôn tâu bệ hạ, thần chơi hát đố.
      - Có câu nào hay không?
      - Muôn tâu bệ hạ, có câu:
      Thẳng lòng với nước non nhà
      Người mà không biết Trời đà biết cho.
Vua hỏi là gì, Nguyễn Công Trứ trả lời là “cái máng nước”. Hỏi có câu nào hay nữa không, ông lại đọc:
            Đem thân cho thế gian ngồi
            Rồi ra lại nói là người bất trung.
Vua nói “cái phản phải không?”, ông đáp ‘phải”. Hiểu được thâm ý của Nguyễn Công Trứ gửi gắm qua hai câu hát đố, nhà vua thưởng tiền, lụa cho về quê với lý do “nhớ Uy Viễn tướng công quá nên gọi vào”.
            Ba câu thơ cuối vừa làm nhiệm vụ kết lại bài thơ vừa nói lên chí hướng, tư tưởng, lối sống của mình. Với ông, quan trọng nhất đối với đấng nam nhi là trách nhiệm ‘kinh bang tế thế” và giữ trọn đạo vua tôi. Những điều ấy Nguyễn Công Trứ đã thực hiện một cách xuất sắc, ông tự tin so sánh với danh sĩ thời xưa:
            Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
            Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
            Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
            Viết bài thơ tổng kết cuộc đời mình nhưng Nguyễn Công Trứ không hề nói đến những lần bị giam cầm, biếm chức, có lẽ sợ triều đình hiểu nhầm bất mãn. Ông chỉ nêu “tài bộ” và đó cũng chính là lý do lối sống ngất ngưởng. Bốn lần dùng từ “ngất ngưởng” trong bài thơ thì lần đầu, lần cuối ông tự nhận. Lần thứ hai ông trao “ngất ngưởng” cho “phương tiện” đồng hành của mình. Lần thứ ba là Phật – biểu tượng tâm linh, quyền năng vũ trụ đánh giá!
            Bài ca ngất ngưởng được sáng tác theo thể hát nói, từ khi ra đời cho đến nay sống trong đời sống tình cảm nhân dân tuy rằng chủ ý sáng tác của Nguyễn Công Trứ là nhằm trần tình – giải bày tấm lòng mình đối với triều đình nhà Nguyễn. Thế mới thấy những tác phẩm văn học – những đứa con tinh thần của con người vì dân vì nước sống mãi trong tâm hồn dân tộc, bởi một lẽ việc lưu giữ cũng là thể hiện lòng quý trọng, biết ơn.