Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

CÓ AI VÔ LÝ NHƯ THI SĨ



Gần làng Uy Viễn có bến Giang Đình trên bờ sông Lam, là một trong “Nghi Xuân bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Nghi Xuân), trên bến có khu chợ nổi tiếng với những đặc sản miền quê và cũng là nơi thường lượn lờ, gặp gỡ của trai thanh gái tú. Và một điều thú vị là trên con đường dẫn vào chợ, nơi ngã ba, có một mảnh đất nhỏ không hiểu sao mọi bàn chân đều không dẫm lên, đi vòng qua, nên chỗ đó cỏ xanh bốn mùa, những bụi cây nở hoa đẹp tươi và duyên dáng.
Một chiều xuân nọ, Nguyễn Công Trứ vừa thơ thẩn đến ngã ba đó thì thấy từ đằng xa một cô gái cũng đang đi lại. Chàng trai làm ra vẻ đang mê mải ngắm hoa, nhưng thực ra là câu giờ để đợi giai nhân đến. Biết tỏng chàng Nho sinh kia là ai và vốn không lạ gì những mẹo vặt kiểu đó, khi đến gần cô gái mỉm cười đọc, như bâng quơ:
Có ai vô lí như thi sĩ,
Hoa nở giữa đường cũng vấn vương.
Cô gái ấy vốn là một nghệ sĩ dân gian làng nghệ thuật Ca Trù Cổ Đạm, tài sắc có thừa. Biết đã gặp “đối thủ” cao tay, chàng thi sĩ dù vô lí vẫn không hề bối rối, mà lại buông giọng ỡm ờ như nói với bông hoa ven đường:
Trời đà cho sắc cho hương,
Hoa kia nỡ để gió sương đãi đằng.
Chuyện đến đây, có người nói cô gái tự biết mình không phải là “kì phùng địch thủ” của chàng “thi sĩ vô lí” kia nên e thẹn bước đi, kéo theo cái nhìn xao xuyến của kẻ đa tình; nhưng cũng có người kể, sau một phút lúng túng, nàng đã trả đòn ngoạn mục:
Sắc hương là của đất trời,
Phận ai ai giữ, ai người phải lo!
Rồi không đợi chàng thi sĩ kịp đáp lời, sắc hương đã nhẹ gót xa dần với tiếng cười khúc khích…

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỜI


CHƯƠNG IV

            Nghe tiếng gọi cửa, bác sĩ Cận bước ra cổng, Hoàng Hói dắt xe đạp vào, vừa nói vừa cười:
            - Lâu quá không gặp bác sĩ, lại có việc nhờ ông đây.
            - Lúc nào gặp mặt mà ông chẳng nhờ, người nhà bị bệnh hả?
            - Không phải người nhà nhưng quan trọng như người nhà.
            - Vào uống nước đã, tôi mới nghỉ trực.
Hoàng Hói dựng xe, mở ba ga, đặt xuống thềm nhà túi đậu xanh và cái rọ đựng cặp gà mái ghẹ.
            - Có chút quà quê biếu ông, phải chở người nên tôi không mang được nếp, mai mốt tôi gửi lên, hợp tác xã tôi cấy hơn ba ha nếp rồng, ngon lắm.
            Y sĩ Liêm, vợ bác sĩ Cận, từ dưới bếp lên, chào Hoàng Hói:
            - Anh Hoàng lúc nào lên chơi cũng quà cáp, ngại quá. Trưa nay ở đây ăn cơm với vợ chồng em đấy.
            - Có gì đâu chị. Anh chị giúp chúng tôi nhiều, chút quà có thấm vào đâu. Trưa nay tôi mời anh chị ra nhà hàng Tấn Lợi, lâu không ghé cũng nhớ.
Bác sĩ Cận đùa:
            - Nhớ đặc sản hay nhớ bà chủ đấy?
            - Cả hai – Hoàng Hói cười hinh hích, chỉ sợ đi nhậu về đùi bác sĩ Cận không dưng mà tím thôi.
Liêm cũng cười, nụ cười có chiếc răng khểnh, rất có duyên:
            - Có anh Hoàng làm chứng, ông Cận nhà tôi ai muốn tôi thảy cho.
            - Úi giờ ơi, tôi thảy cho -  Cận kéo dài giọng, hễ có cô em nào nói chuyện với tôi, dù là công việc bà cũng nhìn với đôi mắt mang hình viên đan đấy thôi…

            Về chuyên môn, vợ chồng Cận giỏi, đối với bệnh nhân chu đáo, tận tình. Trong cuộc sống gia đình, họ cứ như mới cưới, luôn luôn giữ ngọn lửa tình. Đi đâu, làm gì cũng có đôi có cặp. Chỉ riêng việc ăn uống nhà hàng, có mời mọc đến mức năn nỉ Liêm cũng không đi. Mãi sau, người ta mới biết lý do, mà biết qua cô Phượng, con ông Tảo, bệnh nhân có thâm niên nằm bệnh viện huyện. Phượng nói chị Liêm bảo, thứ nhất, đàn bà con gái đến nơi quán xá là không hay lắm, thứ hai, phải để cho chồng “thở” một chút, quản quá không được, thứ ba, người ta mời, dù là ai cũng tốn tiền bạc, thêm người thêm tốn, nhà hàng nào mà chả cắt cổ mổ bụng. Cận cũng thường hay từ chối người ta mời mọc. Nhiều lần, Cận lấy cớ đi trực, vào bệnh viện thăm khám bệnh nhân như ca trực thật sự. Cận thân Hoàng Hói là thấy Hoàng Hói nhiệt tình với bà con hợp tác xã trong lúc đau ốm như chị Thoan, ông Tính…giờ lại là ông Bạc. Cô Nghĩa, con ông Tính từng nói với Cận: “Nhờ bác sĩ, nhờ anh Hoàng mà bố em mới được cứu sống” đó sao…
            Rót chén rượu nếp cho Hoàng Hói, bác sĩ Cận nói:
            - Ông Bạc suy nhược cơ thể, có bệnh tim. Chỉ cần bồi bổ sức khỏe, lao động nhẹ là khỏe. Tôi kê thuốc ra cửa hàng dược mua, điều trị tại nhà cũng được.
Hoàng Hói nói chậm rãi, có vẻ ưu tư:
            - Không được ông à. Ông Bạc mà về nhà đâu có chịu ngồi yên. Công việc nhà nông bác sĩ biết rồi đấy, có công việc gì đáng gọi là nhẹ đâu.
            - Chị vợ ông ấy nói nhà neo người, với lại ở bệnh viện tốn kém, tôi nghĩ điều trị ngoại trú cũng được.
            - Ít ra bác sĩ cũng để ông ấy nằm đây một tuần. Riêng khoản viện phí tôi chịu bảy mươi phần trăm. Khi ông ấy ra viện kê cho ông ấy cái đơn thuốc tốt nhất là được.
            Cận cụng chén với Hoàng Hói, trong lòng vui vui. Hoàng Hói tốt quá, vô tư quá, quan tâm đến xã viên như vậy thử hỏi có mấy người.
            Bà chủ quán bê lên một tô ốc bươu hấp lá gừng, con nào con nấy đen bóng, lớn bằng cái chén trà, đều chằn chặn. Hai đầu lá gừng nơi miệng ốc thòi ra cỡ đốt ngón tay, xanh mướt. Tô ốc bốc hơi, tỏa mùi thơm đặc trưng khiến Hoàng Hói ứa nước miếng. Nhặt một con ốc, cầm hai đầu lá gừng kéo ra, ruột ốc bọc gia vị trông thật bắt mắt. Dùng lá gừng nhúng vào bát nước chấm, phết lên ruột ốc, bà chủ quán cười tươi rói:
            - Mời anh!
Hoàng Hói cầm tay bà chủ quán kéo lại:
            - Ngồi xuống đây nhậu với bọn anh.
            - Để em làm xong món lươn ám đã. Vừa nói bà chủ quán vừa gỡ tay Hoàng Hói, đi xuống bếp.
            Nhấp một chút rượu nếp, gắp miếng ốc hấp thong thả nhai, lim dim đôi mắt hưởng thụ dư vị nồng cay ngòn ngọt của rượu, giòn béo, thơm mùi gia vị đặc trưng của ốc, Hoàng Hói nói:
            - Tôi cam đoan ai đã một lần nhậu món ốc hấp nhà hàng này không bao giờ quên được ông ạ. Mụ vợ tôi cũng tập tọe làm món này nhưng nuốt không trôi.
Bác sĩ Cận cười cười:
            - Có lẽ ngon hơn là do bà chủ quán chăm sóc chứ gì?
Không có món nhậu nào thì bà chủ quán cũng ngon quá rồi. Dáng vẻ hơi múp máp, săn chắc, cân đối, làn da mịn màng với nụ cười mê hồn thằng đàn ông nào mà không “chết”. Nhưng “được chết” không phải là dễ. Ác một nỗi, thân thiện lắm, cũng trêu chọc, cũng đầu mày cuối mắt mà khi Hoàng Hói lấn sâu hơn nữa thì khéo léo từ chối. Nhiều lúc Hoàng Hói nghĩ không ra, Diệp có cảm tình với mình thật hay hay đó là nghệ thuật bán hàng?...
            - Ăn đi chứ, sao thần người ra vậy?
            - Anh Hoàng quen được chiều như ở nhà rồi, không có người phục vụ thì ăn sao nổi. Với lại nhà hàng em quay đi quay lại cũng chỉ chừng đó món nên chán phải không anh?
Diệp lại lôi ruột ốc bỏ vào bát cho Hoàng Hói, giục:
            - Món này mà nguội là mất ngon, hai anh ăn đi, em đem món mới.
            - Bây giờ vắng khách, cô ngồi nhậu với chúng tôi một chút được không? Cận hỏi.
            - Em không dám từ chối, chỉ sợ chị Liêm tra tấn anh thôi.
Cận cười:
            - Thì đôi lúc cũng cần được “tra tấn” cho tỉnh người. Mà này, ngồi xuống đây nói cách thức làm món này cho anh nghe coi.
            - Có gì đâu anh, ốc ngâm sạch bốn năm ngày, đánh trứng đổ lên mâm cho nó ăn, sau đó luộc qua, khêu lấy ruột ốc đem bọc gia vị, lót lá gừng, hấp chín.
Diệp lấy ốc cho Cận, rót rượu cho Hoàng Hói:
            - Món này dễ làm nhưng khâu nào cũng phải cẩn thận kể từ khâu lựa ốc. Ốc phải cùng lứa, cùng độ lớn thì miếng ốc nào ăn cũng như nhau không “chỏi”. Nói tóm lại em thà làm ít, bán ít, không bao giờ làm láo. Bán hàng là để kiếm lời nhưng cái gì cũng đúng mức phải không anh?
Hoàng Hói nắm tay Diệp:
            - Ốc ngon, lời nói ngọt ngào nhưng bà chủ không ngon.
Cận cười hỏi:
            - Sao không ngon?
            - Thì có được nếm đâu mà biết ngon.
Diệp cũng không vừa:
            - Một món nhậu ngon phải đảm bảo bốn giác quan: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng và ngon cả tai nữa. Như anh Hoàng nói, thì anh đã thưởng thức bà chủ bằng tai nghe mắt thấy rồi. Anh có dám bỏ quê lên đây làm ông chủ quán không? Anh dám thì tất nhiên ngon cả mũi cả miệng nữa, còn không thì chịu khó chút đi.
            - Có bác sĩ Cận làm chứng, là em nói đấy nhé.
            - Em nói thật, chả như ai nói kiểu quân tử.
Cẩn thắc mắc:
            - Nói thật với nói kiểu quân tử có gì khác nhau?
Diệp cười, vỗ vai Hoàng Hói:
            - Khác chứ, anh Hoàng nhỉ. Quân tử nói đúng là quân tử dại, quân tử nói đại là quân tử khôn.
Hoàng Hói che đậy vẻ lúng túng bằng nâng chén rượu mời Diệp:
            - Người ta nói uống rượu nói mới linh, anh mời em một chén.
Bà chủ quán cầm chén rượu uống cạn, đặt chén xuống bàn, rót đầy lại cho Hoàng Hói.
            - Đấy là người ta nói, còn anh thì sao? Thông minh như anh mà phải mượn lời người ta sao?
            Đối đáp giữa Hoàng Hói và Diệp người ngoài như Cận không hiểu. Nhẹ nhàng, sâu sắc trong từng từ, câu nói của Diệp như đá xoáy, vạch mặt chân tướng Hoàng Hói. Diệp không hiểu vì sao mà bác sĩ Cận lại chơi thân với Hoàng Hói được, chả lẽ bác sĩ Cận không hiểu bản chất của Hoàng Hói sao? Hay là bác sĩ Cận cùng duộc? Không, không thể nào như thế. Có chăng cái vỏ bọc bên ngoài của Hoàng Hói qua mắt bác sĩ Cận chăng? Tiếp xúc với con bệnh nhiều nên bác sĩ Cận nhìn đâu cũng đáng thương nên không để ý? Còn Diệp tiếp xúc nhiều với giới có máu mặt nên dễ nhìn ra tính cách của họ. Cái vẻ nông dân của Hoàng Hói không che lấp hết tính cách ranh ma, đểu giả. Với Hoàng Hói, Diệp đủ sức vờn nhưng đưa hắn vào thòng lọng chắc khó. Khó nhưng không phải là không thể, vì thế, lưới mảnh muốn bắt cá lớn phải vây nhiều lớp…
            - Sao đơ người ra thế kia, có vấn đề gì hả?
Hoàng Hói cười cười:
            - Đơ người vì lần đầu tiên trong đời có người đẹp khen thông minh. Tôi thì tôi không dám nhận đâu, nếu được xin bà chủ cho thêm cái dấu sắc.
            - Là sao? Cận hỏi.
            - Thì là “thông mích”.
Hoàng Hói vừa dứt lời, bác sĩ Cận cười nghiêng ngả. Diệp chưa hiểu ra chuyện gì, có vẻ ngạc nhiên, Bác sĩ Cận nói:
            - Bà chủ nói lái chữ “thông mích” xem. Ý lão này là “thông mích” bà chủ đấy..
Diệp bật cười, đỏ rân mặt. Được rồi, “hãy đợi đấy”. Thích và thực là một khoảng cách xa lắm. ông Hói ạ.

            Chở bác sĩ Cận về đến cổng nhà, Hoàng Hói nói:
            - Ông nói với bà xã tôi gửi lời chào. Gia đình ông Bạc có hỏi về bệnh tật, ông cứ nói nặng, để cho ông ấy nghỉ ít bữa. Dăm hôm nữa có cuộc họp, tôi ghé.
            - Được rồi, yên tâm, chắc ông về dưới đó tối quá.
            - Xe có đèn mà, với lại còn sớm chán, tôi quen rồi.
            Quay lại bệnh viện, Hoàng Hói đến trước phòng điều trị. Thấy bóng Hoàng Hói, bà Mùi đi ra. Tới góc đầu hồi nhà, Hoàng Hói hỏi nhỏ:
            - Chị có về không?
Bà Mùi ngần ngừ:
            - Con Lài chưa lên, tôi về không biết có sao không?
            - Tôi hỏi bác sĩ rồi, bệnh ông ấy cần thời gian điều trị. Ở đây có hộ lý, y tá phục vụ từ ăn uống đến giặt giũ, họ tính trong viện phí cả. người nhà phục vụ tiền viện phí vẫn thế.
            - Để tôi hỏi bác sĩ đã. Mà đi nhờ xe, rồi bắt anh chờ, ngại quá.
            - Chị vào hỏi đi, có gì đâu mà ngại.
            Bà Mùi đi vào, Hoàng Hói bước lại ghế đá ngồi, tính lấy gói thuốc ra hút nhưng nhìn thấy tấm biển cấm to tướng nên lại thôi. Mấy dãy phòng điều trị người ra người vào vội vã, liên tục. Người đông nhưng ai nấy đều lặng lẽ. Mùi thuốc, mùi cồn, mùi fóc môn, mùi âm ẩm, mùi bệnh…và không biết mùi gì nữa, nói chung là mùi bệnh viện khiến con người ta nực nội, ngột ngạt, khó chịu. Lắm lúc, bệnh nhân đông, hai người một giường, Hoàng Hói nghĩ không bệnh cũng thành bệnh. Ở ngoài sân mà còn cảm giác ấy huống chi là ở trong phòng điều trị. Có đến bệnh viện mới thấy sức khỏe là quí. Ngay cả mấy luống cỏ hàng ngày vẫn được tưới nước mà sao trông sắc màu vẫn cứ rầu rĩ, ua úa. Ngước mắt nhìn những tán cây Hoàng Hói cảm giác như thiêu thiếu một cái gì đó. Nghĩ mãi, nghĩ mãi…phải rồi, không một tiếng chim. Người ta ở bệnh viện không đông bằng trường học, bọn học trò phá phách thế mà trên những đọt cây chim vẫn làm tổ đấy thôi. Ông thầy hiệu trưởng nói đúng, ở đâu dương khí mạnh ở đấy cây cối tốt tươi, chim muông làm tổ, con người có cảm giác thoải mái, yêu đời. Có lần nói chuyện, thầy hiệu trưởng hóm hỉnh: “Anh khen tôi trẻ ư? Có gì đâu, tôi dạy cha mẹ chúng: thưa thầy, em; đến bây giờ dạy con cái của học trò vẫn: thưa thầy, em! Tiếp xúc với tuổi trẻ, tuổi trẻ nó níu cái tuổi mình lại. Còn tại sao mới tốt nghiệp Đại học Y đã được gọi là bác sĩ? Tiếp xúc với bệnh nhân mạt mày lúc nào cũng nhăn nhó, đau đớn, cau có nên “nhiễm trùng”. Với lại, cho thuốc trật một cái là chết, luôn luôn sống trong sợ hãi, phấp phỏng nên người ta cáu gắt, bản tính như người già nên gọi là “bác”. Môi trường ảnh hưởng cả đấy…”

            Bà Mùi đi ra, cái dáng đi như thế ai dám bảo là nhà nông chính gốc. Tay cầm cái túi cói, tay cầm cái nón trắng hờ hững, bước đi nhẹ nhàng, khoan thai ai dám nghĩ là người đi chăm bệnh? Dáng người đẹp, bộ đồ cắt vừa vặn tôn lên vẻ quí phái, kiêu sa. Mùi nếu là dân thành phố, có điều kiện một chút không biết bao nhiêu thằng đàn ông “chết”. Tự nhiên, như có nước bọt trong cổ họng, nuốt khan, Hoàng Hói hỏi:
            - Thế nào chị, bác sĩ bảo sao?
            - Bác sĩ bảo ở đây đã có y tá, hộ lý chăm sóc, ở lại chật chội chứ được cái gì. Bác sĩ bảo ông ấy phải nằm viện dăm bảy ngày nữa mới xuất viện được.
            - Tốt rồi, thôi ta đi.
            Xem đồng hồ, mới bốn giờ chiều, hơn ba chục cây số, đi mất hai tiếng chứ mấy. Còn sớm chán. Hoàng Hói chở bà Mùi đến quán phở cuối phố.
            - Ta vào ăn bát phở rồi hẵng về chị ạ.
Bà Mùi ngần ngại, Hoàng Hói nhanh nhẩu:
            - Mấy khi lên phố, tôi mời, không có chi mà phải ngại.
Hoàng Hói chọn cái bàn trống sát cửa sổ, kéo ghế cho bà Mùi, gọi hai tô phở bò. Khách trong quán chưa đông lắm, hầu hết là có đôi có cặp. Bà Mùi nhìn ra ao sen đã nở rộ cả, hầu như không còn búp. Con chuồn chuồn ngô sà xuống nhấp nước độ hơn chục lần rồi bay hẳn lên đậu trên cánh hoa sen. Một cơn gió thoảng qua, một cánh hoa rơi xuống nước trông như chiếc thuyền bé tí. Con chuồn chuồn ngô chao cánh rồi đỗ lại. Bà Mùi nghĩ đời mình cũng như bông hoa sen kia thôi, bắt đầu qua thời rực rỡ, dang từ từ tàn lụi. Mà bà có thời nào rực rỡ đâu, cha mẹ gả cho ông Bạc là hợp duyên nhưng không hợp tình, hợp số. Ngày xưa bà mong được trở thành cô thợ may, mưa nắng không đến mặt, tha hồ cắt may những kiểu áo quần mà mình thích…
            - Mời anh chị.
Tiếng cô phục vụ cắt ngang hồi tưởng của bà Mùi về thời con gái. Hoàng Hói đưa cho bà đôi đũa, cái thìa rồi gắp thịt từ tô của mình bỏ sang tô phở của bà Mùi, nói nhỏ:
            - Tôi vừa nhậu với bác sĩ Cận xong.
Bàn bên cạnh, cô gái bóp tay chàng trai, nói khẽ:
            - Anh xem chồng người ta ga lăng chưa kìa, còn anh thì lúc nào cũng cùn, cũng cộc.
Chàng trai trả lời đủ cho cô gái nghe nhưng cũng vừa lọt tai bà Mùi và Hoàng Hói:
            - Đẹp thì người ta ga lăng, em đẹp như thế xem.
Cô gái nguýt dài, chàng trai biết mình đùa quá đà, cười hì hì, chữa lại;
            - Người ta đẹp kiêu sa, em xinh xắn, có duyên ngầm. Mà người có duyên ngầm thì ghét ga lăng, giả tạo. Em mà thích ga lăng thì làm vợ thằng Phương lé rồi còn gì.
Cô gái đấm vào lưng chàng trai thùm thụp. Bà Mùi giấu giếm vẻ thích thú bằng việc từ tốn thưởng thức bát phở. Nước lèo trong, ngọt, dậy mùi hành hoa, thịt bò mềm, chín tới, sợi bánh phở trắng, dai được cắt đều điểm hành phi vàng non cánh gián, thỉnh thoảng ăn thêm lá rau húng, tất cả tạo dư vị ngon khó tả. Trông kiểu cách ăn của bà Mùi, Hoàng Hói nghĩ có lẽ vẻ đài các tiểu thư con nhà quí phái cũng đến thế mà thôi. Hoàng Hói nháy mắt, nói với bà Mùi vẻ sành đời:
            - Ông bà ta nói đúng, món ngon phải nhấm nháp mới ngon. Ăn kiểu Trư Bát Giới ăn đào tiên thì đúng là “thực bất tri kỳ vị” phải không em?
            Bà Mùi nghe tiếng “em” từ miệng Hoàng Hói thích hơn tiếng “chị”. Có lẽ nơi quán xá, người lạ nên anh ấy đóng kịch thôi.
            - Đúng vậy anh ạ. Nhưng như kiếp nông dân mấy khi có món ngon. Ăn qua bữa, sống qua ngày, đợi qua đời mà thôi.
            - Vậy thì có dịp tiếc gì không thưởng thức. Hôm nào anh đưa em đi ăn món ốc bươu hấp quán Tấn Lợi, ngon lắm.
            - Anh cũng ăn đi, phở nguội không ngon đâu.

            Ra khỏi quán, Hoàng Hói liếc đồng hồ, mới năm giờ. Vừa đạp xe vừa nói chuyện loáng cái đã đến ngã rẽ về xã. Hoàng Hói dừng xe, bà Mùi hỏi:
            - Gì thế anh?
            - Vào uống nước đã, cứ từ từ, vội gì.
Thực ra thì Hoàng Hói không khát, không mệt, chùng chình tí để đợi trời tối. Mấy khi có cơ hội như hôm nay; không biết rồi sự tính toán, sắp đặt của Hoàng Hói có như ý muốn hay không mà thôi.
            Đường quê vắng vẻ. Giờ này là quãng thời gian các gia đình nhà nông quây quần bên mâm cơm. Hoàng Hói lên tiếng:
            - Lúc ở quán phở cái cặp ngồi bàn bên tưởng tôi và chị là vợ chồng nên tôi diễn luôn, chị có bực mình không?
            - Có gì mà bực hả anh. Tôi nghĩ ở đời đôi lúc cũng phải đóng kịch mà.
            - Vậy bây giờ diễn tiếp nhá.
Vừa nói Hoàng Hói vừa cầm tay bà Mùi vòng qua hông. Sợ bỏ tay ra bà Mùi rụt lại, nên Hoàng Hói một tay giữ, một tay lái xe.
            - Anh lái xe một tay khéo ngã đấy.
Hoàng Hói buông tay, bà Mùi vẫn để yên vòng tay. Cả hai yên lặng theo đuổi ý nghĩ riêng. Lẽ ra trời tối không nên đi đường tắt, gần hơn vài cây số nhưng đường vắng vẻ, khó đi – bà Mùi nghĩ thế. Thôi thì đi theo xe người ta, người ta đi đâu mình đi đấy, đằng nào cũng về tới nhà.
            Tới bờ sông, Hoàng Hói dừng xe, nói:
            - Xuống kia một quãng sông cạn hơn. Đoạn này nước trên đầu gối đấy.
Hoàng Hói dắt xe, bà Mùi đi sau. Cách bến chừng dăm chục mét, Hoàng Hói gạt chân chống xe đứng lại.
            - Em đứng đây, tôi vác xe qua rồi tôi quay sang tôi cõng.
Nhưng rồi bất ngờ Hoàng Hói ôm chặt bà Mùi, hôn tới tấp lên má lên môi. Bà Mùi để yên rồi hé miệng đón nhận đôi môi mạnh bạo của Hoàng Hói. Ngưng lại một chút, Hoàng Hói nói trong hơi thở gấp gáp:
            - Anh chờ đợi giây phút này đã lâu lắm rồi!
Bàn tay hoàng Hói vuốt nhẹ lưng bà Mùi xuống đến ngang eo rồi đỡ bà nằm xuống. Đất phù sa xốp, mát rượi. Nhìn lên bầu trời bà Mùi thấy những vì sao nhấp nháy y hệt cái nháy mắt của Hoàng Hói với bà lúc chiều nơi quán phở.

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

CỎ



                             Người ta là trúc là thông
                             Còn anh – đám cỏ trên đồng mà thôi,
                             Người đời dẫm đạp tơi bời,
                             Mùa xuân, cỏ vẫn xanh ngời sắc xuân
                             Hạn hán, lũ lụt bão giông
                             Đi qua, cỏ lại nảy mầm mà lên
                             Thương em anh hóa cỏ mềm
                             Cho em êm bước yêu thương cuộc đời!