Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

MỘT BỮA NHẬU



            Nghe tiếng chặt cây ngoài vườn, anh Tấn quát:
            - Mày làm gì ngoài ấy thế?
Thằng Hùng đáp vọng vào:
            - Dạ, con chặt nhánh ổi làm nạng ná.
Anh Tấn nói với tôi:
            - Từ khi ông Dư về mấy đứa trẻ con thay đổi hẳn.
Tôi tò mò:
            - Có phải cái ông có biệt danh là “cùi” không?
            - Bây giờ không ai gọi ông ấy bằng biệt danh ấy nữa, biệt danh mới của ông ấy là “biết”.
Anh giải thích:
            - Ông Dư ngang tàng, lập dị. Nhưng ngẫm ra ông luôn đúng. Hôm giỗ họ, ông tháo bức thư pháp chữ “Tâm” trên vách nhà thờ, thay vào bức họa thư pháp chữ “Biết” rất đẹp. Ông nói thuê một họa sĩ có tiếng mãi ngoài Hà Nội vẽ. Mấy ông trưởng chi tỏ vẻ bất bình, ông nói: “Chữ nghĩa tôn chỉ cho cả họ là phải theo thời đại; Bác Hồ dạy: “Có Đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, hơn nữa, chữ “Biết” là chữ của Trạng Trình: “Khôn chết, dại chết, biết thì sống”. Các ông nghĩ xem, biết đối nhân xử thế thì được người ta nể trọng, biết làm ăn thì giàu có, biết học hỏi thì thành đạt. Có khi biết trước nhưng không tránh được thì đó là số phận, như vậy người ta bình tĩnh để đón nhận, an nhiên tự tại để rồi lại tự vươn lên…Chỉ có mấy câu nói mà ông Dư thuyết phục tất cả.
            Thằng Hùng vào nhà, mồ hôi dán bết tóc vào trán che đi cái xoáy bò liếm. Nó khoe:
            - Bố với chú Thắng thấy đẹp không?
Anh Tấn hỏi:
            - Có hai cái ná rồi tính làm nữa sao?
Thằng cháu ra vẻ quan trọng:
            - Phải có cái dự phòng chứ bố. Ông cố bảo làm cái gì cũng phải dự phòng.
Tôi nói với cháu:
            - Chơi ná cao su không tốt đâu cháu ạ, mỗi đứa ba cái ná thì chim chóc đâu còn. Cháu thử nghĩ xem không có tiếng chim hót thì buồn biết bao.
            - Bọn cháu không bắn chim đâu chú ạ.
            - Không bắn chim thì các cháu bắn gì?
            - Bắn bọn Tàu chú ạ.
Như biết tôi không hiểu, thằng Hùng giải thích:
            - Hồi xưa ông cố Dư cũng dùng ná cao su đánh Mĩ đấy. Bắn lựu đạn chú ạ. Ông cố bảo bọn Tàu ở ngoài biển, giờ ông già rồi, nhà nước không cần ông nữa, bọn Tàu mà vào đất liền thế nào ông cũng chỉ huy một đội quân đánh chúng. Nhiều đứa muốn xin vào đội quân của ông nhưng không dễ vào. Phải kiểm tra, bầu chọn chú ạ. Chú chơi với bố cháu, cháu đến nhà ông cố Dư đây ạ.
Châm thêm nước cho tôi, anh Tấn cười:
            - Không biết có bùa ngãi, chiêu trò gì, bọn thanh thiếu nhi làng này mê ông Dư như điếu đổ. Ông nói gì chúng cũng nghe, sai gì chúng cũng làm. Cái “đội quân” của ông như thằng Hùng nói, đứa nào cũng phải học khá trở lên, điều kiện thứ hai là bắn ná giỏi hay biết chơi bóng đá, bơi lội. Bây giờ đứa trẻ nào bảo đến nhà ông Dư Biết là bố mẹ yên tâm.
            Tính tôi tò mò, cái gì cũng muốn biết tận gốc ngọn. Anh Tấn hiểu ý, cười:
            - Cứ uống nước đi rồi phụ anh làm mồi nhậu. Chút nữa giỏi thì chú khai thác ông Dư.
            Có tiếng xe máy ngoài cổng. Ngó ra, là Tuấn – chủ tịch xã, học trò cũ của tôi và cô Duyên, bí thư huyện Đoàn. Tuấn chào tôi, giới thiệu thì Duyên đã nhanh nhẩu:
            - Em biết rồi. Em chào thầy ạ! Em học cùng khóa với con trai thầy, cùng làm công tác Đoàn nên em biết nhiều về thầy, anh ạ.
Tôi chào đáp lễ, bắt tay hai người. Mang thùng bia và túi ốc vào nhà, Tuấn nói với tôi:
            - Nghe chú Tấn bảo chiều nay thầy xuống nên bọn em tranh thủ xong việc sớm. Cô Duyên cũng mong gặp ông Dư, thế là bọn em kết hợp “hai trong một”.
            Tuấn xuống bếp phụ anh Tấn làm mồi nhậu. Duyên nói với tôi:
            - Chỉ cần mỗi xã có một người như ông Dư Biết thì kinh tế, an ninh xã hội huyện ta tốt lên ngay thầy ạ. Ông Dư vừa có tài lại vừa có tâm, xứng với cái danh “Dư Biết”.
Giọng nói của Duyên lộ rõ sự khâm phục, thấy tôi chăm chú nghe, cô kể:
            - Có lẽ em sẽ khai thác ông Dư, viết báo cáo kinh nghiệm “Giáo dục thanh thiếu niên bằng dịch chuyển nhận thức, hành động” để phổ biến cho toàn huyện. Cách làm của ông hay và phù hợp lắm.
            Tôi nghĩ, trước khi gặp “nhân vật chính” cũng cần khai thác qua một “nhân vật khác”, vậy nên tôi chọc:
            - Thế lâu nay nhận thức, hành động của thanh thiếu niên không đúng sao mà phải “dịch chuyển”?
            - Dạ, không. Dịch chuyển ở đây là dịch chuyển nhận thức, hành động lệch chuẩn sang chuẩn thầy ạ.
Tôi cười, châm thêm nước cho Duyên. Cô đỡ lấy bình trà, nói” “Thầy để em”. Chờ Duyên rót xong, tôi hỏi:
            - Cô có thể nói cụ thể được không?
            - Dạ đươc, nhiều chuyện hay lắm thầy ạ.
            Thế rồi Duyên kể, hồi ông mới về làng, bọn thanh niên tối tối đua xe, nẹt pô, đánh võng làm bà con sợ chết khiếp. Ông Dư ra xem, bảo với chúng nó đua như thế y chang gà công nghiệp, còn lâu mới thành “đại bàng”. Nghe giọng nói của ông già Nam bộ, bọn chúng ngạc nhiên, chửi: “Ông biết chó gì”. Ông cười bảo chúng chọn đứa nào giỏi nhất đua với ông. Điều kiện là ông thua, ông làm bất cứ việc gì chúng muốn và ngược lại. Thấy ông già có vẻ “lựu đạn”, thằng Cang đại diện cho cả nhóm nhận lời thách đấu. Ông bảo hai người hai xe còn có sự ăn may xe tốt xe xấu, chỉ đua một xe, đua bằng kỹ thuật thôi, có nghĩa là ông làm động tác gì thì thằng Cang phải thực hiện động tác đó. Ngồi lên xe của thằng Cang, có đứa chọc: “Coi rụng răng ông già, xe xoáy nòng đó”. Rịn ga vài cái, xe chạy được vài mét, ông bốc đầu xe, chạy dăm bảy mét rồi ông quay lại mà bánh xe trước vẫn còn ở trên không. Liếc một vòng số tám rồi hạ bánh xe xuống, ngừng lại. Cả bọn há hốc mồm, chúng mắt thấy tai nghe chứ không phải xem phim hành động. Đứa này xuýt xoa tài thật, đứa khác trầm trồ tuyệt ghê. Không biết đứa nào gọi ông là “sư tổ”, cả bọn gọi theo…Chúng hỏi ông muốn chúng làm việc gì, ông chỉ bảo: “Các cháu đừng đua xe nữa. Còn muốn chạy như ông, đến nhà ông dạy cho”. Thế rồi ông dạy đua xe thì ít, dạy sửa chữa, tân trang xe thì nhiều. Tiệm sửa xe Honda Cang Cường đầu ngã ba là của hai đứa từng tham gia nhóm đua xe thầy ạ.
            Chuyện cô Duyên kể khá thú vị. Tôi nghĩ đúng là ông già lựu đạn, đua như vậy lỡ té thì làm trò cười cho thiên hạ, nguy hiểm đến tính mạng, có cần phải làm như thế không? Nghe chuyện của ông cứ như giang hồ thứ thiệt…
            - Lại còn chuyện vận động học sinh bỏ học quay lại trường mới “độc” thầy ạ. Ông Dư kêu mấy đứa bỏ học đến nhà nấu chè cho ăn. Ông nói với chúng ở nhà chán chết, phải đi học để quậy mới vui. Mấy đứa trẻ tròn mắt, không ngờ chúng lại có “đồng minh”. Hỏi chúng từng quậy như thế nào, thế là hết đứa này đến đứa khác thay nhau kể. Nghe xong, ông nói quậy như vậy quá tầm thường, không xứng đáng anh hùng hảo hán, cách quậy đó xưa rồi. Ông hỏi chúng nó có dám quậy như ông chỉ vẽ không, đứa nào cũng hô “dám”. Vậy là kế hoach quậy được đưa ra. Ông Dư Biết nói: “Phải quậy làm sao cho thầy cô giáo sợ. Đứa nào làm được chuyện đó sẽ có thưởng. Vì sao lại gọi là thầy giáo? Vì là người có tri thức. Vậy phải dùng kiến thức quậy mới đã”. Nghe vậy, chúng nhìn nhau ỉu xìu. Ông Dư bảo cứ đưa sách vở đến ông sẽ chỉ. Ông hướng dẫn, kèm cặp chúng, đơn giản hóa các thuật ngữ trừu tượng, bài tập được nâng dần từ dễ đến khó. Có đứa hỏi ông không hiểu sao dễ như thế mà ở trường không làm được. Ông cười, ra một bài tập khó cho chúng giải. Mãi rồi chúng cũng giải được, ông nói: “Mai các cháu đến lớp, im lặng học tập chăm chỉ, khi thầy giáo hỏi: “em nào có ý kiến thắc mắc gì” thì đưa bài tập này nhờ thầy giải. Nếu thầy giáo giải được ông sẽ cho bài khác, đến khi nào thầy không giải được là chúng ta thắng”. Thế rồi từng buổi, từng buổi học chúng lại đến “báo cáo” kết quả cho ông. Một thời gian sau chúng khá hẳn lên, không đứa nào có ý nghĩ bỏ học nữa, ông Dư Biết đãi chúng một chầu kem, bảo: “Ông thua thầy các cháu rồi”.
            Tôi bật cười, Duyên cười theo. Tuấn xách phích nước lên hỏi chúng tôi cười gì nghe vui vẻ thế. “Vẫn chuyện ông Dư Biết, anh à”, Duyên đáp. Pha bình trà mới, Tuấn góp chuyện:
            - Có những việc nhiều khi bọn em nghĩ không ra nhưng với ông Dư Biết lại thật là đơn giản thầy ạ. Kinh phí địa phương eo hẹp, làm chuyện này thì mất chuyện kia, mảng  văn hóa xã hội tiêu tiền ai cũng thấy nhưng mấy ai nhìn ra được hiệu quả của nó. Xây dựng  xã văn hóa mà yếu kém về văn hóa thể thao ai người ta công nhận. Sau một cuộc họp dân chính, ông Dư nói với em sẽ tài trợ cho giải cờ tướng của xã và sẽ duy trì giải này lâu dài. Thế là ông mua cho mỗi thôn hai bộ cờ tướng thật đẹp, cùng với trưởng thôn giao cho nhà ông A, ông B thường hay có người đến chơi cờ, hẹn sau một tháng, thôn  cử hai  đại diện lên xã đấu vòng chung kết. Bốn người vào bán kết được thưởng tiền, giải nhì có cờ, giải nhất có cờ và cúp luân lưu. Ai vô địch ba năm liền mới được giữ cúp vĩnh viễn. Sau giải đấu rất thành công đó, ông Dư xin thành lập câu lạc bộ, kết nạp hội viên, đóng góp hội phí để nuôi phong trào. Thành ra, ông Dư Biết tài trợ năm triệu đồng mà có giải đấu hoành tráng, quan trọng hơn là phát triển được phong trào. Từ mô hình ấy xã em đã có thêm câu lạc bộ bóng chuyền, cầu lông, sắp tới là bóng đá. Nhiều lúc xã muốn vận động nhân dân về một vấn đề gì đó, thông qua các câu lạc bộ vừa nhanh lại vừa có hiệu quả. Tuyên dương ông những việc làm được cho xã, ông nói: “Có đáng gì để tuyên dương, cái chính là xã chưa phát huy triệt để chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm” nên chưa có phong trào mà thôi. Tiền đâu mà năm nào cũng bỏ ra, cái chính là cần một “cú hích”. Biết tiêu tiền quan trọng hơn làm ra tiền các anh à.
            Vừa lúc ấy thằng Hùng chạy về, liến thoắng:
            - Cháu chào chú Tuấn, cô Duyên. Bố ơi cố Dư đến rồi.
            Tôi không ngờ ông Dư Biết còn trẻ thế. Sáu mươi lăm tuổi rồi mà trông cứ như năm mươi. Tóc mới điểm bạc, da dẻ hồng hào, bước đi nhẹ nhàng, nhanh nhẹn. Tôi vừa đứng lên ông đã cất tiếng:
            - Chào chú, chào cô. Tôi xin lỗi vì đến trễ.
            Bàn tay ông nắm tay tôi thật chặt, ấm áp, tràn đầy sinh lực.
           
            Suốt bữa nhậu, tưởng rằng “khai thác” được ông nhưng ngược lại. Ông hỏi tôi về công tác, gia đình; hỏi cô Duyên về những dự định, mô hình thanh niên làm giàu, trao đổi với Tuấn việc xây dựng tủ sách kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt ngay từng thôn. Bia, ông uống từng hớp nhỏ, thỉnh thoảng nhấm nháp chút mồi cho khỏi người ta mời mọc. Một phong cách đĩnh đạc, tự nhiên của bản lĩnh lớn. Hỏi ông về cuộc đời lưu lạc, hoạt động cách mạng, ông cười, nói những điều chúng tôi đã biết: “Cha tôi là hội viên Hội thanh niên Phan Anh rồi trở thành cán bộ cách mạng. Tôi sinh ra ở Huế,  sau đó vào Sài Gòn tham gia cách mạng khi đang học năm nhất Đại học Khoa học. Bị đuổi học, tôi vẫn tiếp tục hoạt động vùng Chợ Lớn. Sài Gòn giải phóng, tôi về công tác ở Quân rồi Thành ủy. Về hưu, tìm về quê cha đất tổ, thế thôi, có gì đáng nói đâu”.
            Cụng li bia với ông Dư, Tuấn nói:
            - Lý lịch của ông cho cháu nhiều thông tin hơn. Nhưng mà có một thời ông là đại ca giang hồ Chợ Lớn có đúng không?
Nhấp ngụm bia, để li xuống chiếu, ông nói:
            - Cháu phải gọi là bác mới đúng vai vế, hôm nào bác giải thích cho nghe. Do quan hệ cả hai phía nội ngoại, nên thằng Tấn gọi cháu bằng anh mới đúng.
Duyên hỏi, có vẻ ngạc nhiên:
            - Ông Dư có biệt hiệu là “biết” không sai. Anh Tuấn, chú Tấn bà con mà không rõ thứ bậc. Sao ông Dư rành rẽ thế?
            - Vai trò tộc trưởng phải thế cô à. Phải cả tháng bác mới làm xong cái cây phả hệ, vất vả hơn cô viết báo cáo tổng kết nhiều.
Ông Dư khéo léo chuyển đề tài, tôi tiếp tục:
            - Còn việc làm đại ca Chợ Lớn ra sao, ông Dư?
            - Tôi có hoạt động ở Chợ Lớn thật, thì cũng là công tác dân vận thôi, nói đúng họ nghe, có lợi cho cách mạng chứ đại ca gì đâu thầy.
Rồi ông nói với tôi nhưng đúng hơn bao hàm cho tất cả:
            - Mấy đứa trẻ hỏi tôi về Tổ quốcNước có khác nhau không, chúng bảo cô giáo nói Tổ quốc là cách nói trang trọng. Chúng thắc mắc vậy tại sao sách giáo khoa không dùng Tổ quốc mà lại dùng Nước?
 Một câu hỏi hay, một trong chúng tôi chưa ai trả lời, ông Dư Biết nói chầm chậm:
            - Không biết tôi trả lời có chính xác không, Tổ quốc  là tên gọi thể hiện lòng yêu nước, thành kính, tôn thờ của mỗi người dân nước ấy. Còn Nước là để phân biệt giữa quốc gia này với quốc gia khác, sử dụng trong văn bản hành chính, ngoại giao…
            Ông lại tiếp tục, hỏi rồi tự trả lời như độc thoại nội tâm:
            - Không biết các nước trên thế giới từ Nước có nghĩa đen là nước hay không? Lịch sử dân tộc ta gắn liền với nước ở cả nghĩa đen. Mất Nước, An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc rẽ nước xuống biển, ngọc trai Mị Châu rửa nước giếng Cổ Loa thêm sáng. Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo cắm cọc nhọn dưới nước đánh trận quyết chiến chiến lược đuổi quân Nam Hán, Nguyên Mông ra khỏi giang sơn bờ cõi. Lê Lợi được Long vương cho mượn gươm đánh giặc và trả lại ở hồ Hoàn Kiếm. Hay cổ tích xưa nói chuyện vua Thủy Tề tặng Thạch Sanh cây đàn đuổi giặc…
            Những điều ông Dư Biết nói mới mẻ, cuốn hút bởi cách nhìn nhận, sắp đặt vấn đề trong một hệ thống mới. Nó thú vị như hằng ngày tôi vẫn leo lên tầng ba dạy học, nhưng một ai đó hỏi tôi phải bước bao nhiêu bậc thang thì đành chịu. Một không gian yên ắng chầm chậm trôi. Rồi cũng chính ông Dư cất tiếng sau quãng lặng suy tư về Đất Nước:
            - Bây giờ đến lượt tôi mời, trăm phần trăm nhé!

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

EM LÀ NÀNG THƠ MÃI MÃI

          Anh muốn biết
          má hồng kia em dành cho ai?
          Một thoáng bóng anh
          trong một giấc mơ dài?
          Có lúc nào cần một bờ vai tựa
          và nhớ nhung ai trong mỗi sớm mai?

          Anh muốn biết
          suối tóc mây em dành cho ai?
          những ngón tay đan
          triền đê cỏ dại
          ánh trăng thượng huyền con thuyền gối bãi
          tiếng gió thì thào ngọt giọng môi xinh...

          Em ơi em
          đẹp quá một dáng hình
          anh mê mẩn
          lưng ong thắt đáy
          câu ca dao xưa ngàn năm vẫn vậy
          ai dìu em trong điệu nhảy cuộc đời?...

          Anh muốn biết
          em ơi
          đừng cho anh biết, 
          bóng hình ai trong đôi mắt em xanh,
          hãy cứ thơ ngây hãy cứ tuyệt trần
          trong trái tim anh
          em là nàng thơ mãi mãi...

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

DIỄN BIẾN TÂM LÍ NHÂN VẬT MỊ TRONG TRÍCH ĐOẠN "VỢ CHỒNG A PHỦ" - VĂN HỌC 12 THPT



            Tiểu thuyết, với dung lượng dài, việc xây dựng nhân vật trong quá trình phát triển của nó không khó, người viết có thể trải ra nhiều chương. Ngược lại, xây dựng nhân vật trong truyện ngắn rất khó, nhất là kiểu nhân vật nội tâm. Chi tiết, câu chữ phải hết sức cẩn trọng, chọn lọc để có sự cân bằng giữa cốt truyện – nhân vật – nhân vật phục vụ cho chủ đề tác phẩm.
            Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, phần viết về Hồng Ngài, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật Mị, kiểu nhân vật nội tâm,  với diễn biến tâm lí hết sức chân thực, tự nhiên, sống động.

            Mở đầu câu chuyện, tác giả cho “một người con gái” xuất hiện trong một liệt kê công việc với tư thế cúi mặt, tâm trạng “buồn rười rượi”. Đó chính là Mị - vợ A Sử, con trai thống lý Pá Tra.
            Làm con dâu một gia đình quyền lực, giàu có nhất vùng tại sao lại buồn? Mị là con dâu gạt nợ, hay nói đúng hơn là nô lệ hợp pháp của nhà thống lý Pá Tra. Mị thay bố trả món nợ truyền đời mà bố mẹ vay để cưới nhau. Mỗi năm phải trả một nương ngô, nhưng bố mẹ Mị, cho dù nghèo đói, vẫn sống được, vẫn có cô con gái xinh đẹp đấy thôi. Có lẽ Pá Tra thấy trả nợ như vậy chưa “thỏa đáng” nên nói với bố Mị:
            - Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.
            Những người đàn bà trong gia đình thống lý Pá Tra nói riêng, nhà giàu ở Hồng Ngài nói chung “Một đời con người chỉ biết đi theo đuôi ngựa của chồng”. Mỗi năm mỗi mùa công việc cứ lặp đi lặp lại: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc xay ngô, lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm lẫn ngày”.
            Vì thế, Mị nói với bố:
            - Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu.
Bố đừng bán con cho nhà giàu” chứ không phải “gả”. Mị ý thức được dù phải trả nợ nhưng vẫn còn đó một khoảng trời tự do, bị bán vào nhà giàu còn khổ hơn con trâu con ngựa.
            Về làm dâu nhà thống lý một thời gian, Mị đã nghĩ đến cái chết. Nhưng Mị không thể chết vì đang phải gánh món nợ của bố, đành cắn răng chịu đựng. Lần lữa năm tháng trôi qua, bố Mị chết, Mị không tưởng đến cái chết nữa vì “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Cái buồng Mị ở chẳng khác gì một phòng giam “kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng cứ ngồi trong lỗ vuông ấy, đến bao giờ chết thì thôi”.
            Cuộc đời Mị trong nhà thống lý Pá Tra là cuộc đời lao tù, bị bóc lột sức lao động, bị đày đọa tâm hồn, không bạn bè, không người thân thích. Những chị em dâu của Mị cũng trong tình cảnh ấy, thậm chí trông còn thảm thương hơn. Người chị dâu cởi trói cho Mị được tác giả miêu tả: “Người chị dâu ấy chưa già, nhưng cái lưng quanh năm phải đeo thồ nặng quá, đã còng rạp xuống”. Hoàn cảnh ấy, môi trường ấy đã biến một cô gái xinh đẹp “nhiều người mê”, có tài “thổi lá cũng hay như thổi sáo”, tràn trề sức sống thành một con người ngày càng không nói, “lùi lụi như con rùa nuôi trong xó cửa”.
            Mỗi cái tết, như một cánh cửa của thời gian, khép lại một năm cũ và mở ra một hy vọng mới. Cái tết đối với bà con đồng bào miền núi lại càng quan trọng, càng được trông chờ vì quãng thời gian ấy người ta có dịp gặp gỡ nhau, người ta hò hẹn, người ta nghỉ ngơi để chuẩn bị cho mùa làm nương mới. Nhưng đã bao cái tết Mị không buồn đi chơi và cũng không được A Sử cho đi chơi. Dường như tâm hồn Mị đóng khép dần với thời gian.
            Đã bao cái tết Mị lén lấy hũ rượu uống ực từng bát để say, để quên đi nỗi buồn. Nhưng cái tết này, tiếng sáo gọi bạn đi chơi đã gợi cho Mị nhớ về những cái tết chưa là con dâu gạt nợ. Mị ngồi lẩm nhẩm lời bài hát của người nào đó đang thổi:
            Mày có con trai con gái rồi
            Mày đi làm nương
            Ta không có con trai con gái
            Ta đi tìm người yêu.
Không khí tết, hơi rượu nồng nàn và những câu hát đã đánh thức tâm hồn Mị bởi vì “Mị trẻ lắm, Mị vẫn còn trẻ”. Nhưng những câu hát ấy làm cho nỗi buồn của Mị thêm đau: “Huống chi, A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!” Đỉnh điểm của nỗi đau, nỗi chán chường là không muốn nhớ lại nữa “nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Mị lại nghĩ đến cái chết. Chết để thoát khỏi kiếp nô lệ. Chết để quên đi số kiếp éo le có chồng, bên chồng mà vò võ cô đơn. Thế nhưng, ý nghĩ đó cũng như bóng mây đen thoáng qua. Tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ ngoài đường phút chốc làm Mị quên đi thân phận. Tâm hồn Mị phơi phới trở lại, Mị muốn đi chơi:
            Anh ném pao, em không bắt
            Em không yêu, quả pao rơi rồi.
            Khát vọng yêu đương lại bùng cháy! A Sử trói Mị nhưng không trói được xúc cảm, tâm hồn: “Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào…”
            Cho đến khi “hơi rượu tỏa”, cảm giác đau nhức khắp mình mẩy vì bị trói, đầu không cúi xuống được, lúc đó Mị mới thấy sợ vì chợt nhớ lại câu chuyện người ta thường kể: “đời trước, ở nhà thống lý Pá Tra có một người trói vợ trong nhà ba ngày rồi đi chơi, khi về nhìn đến thì vợ chết rồi”.  
            Có lẽ, nếu A Sử không bị A Phủ đánh vì phá đám, thì Mị cũng sẽ chết như người phụ nữ đời trước ở nhà thống lý Pá Tra mà thôi. Mị được cứu sống suy cho cùng là nhờ nắm đấm của A Phủ.
            Cái cách mà A Sử đối xử với Mị bằng việc đạp vào mặt khi Mị đau quá thiếp đi khi đang xoa thuốc dấu cho nó, hay đi chơi về, thấy Mị sưởi lửa, lại đánh Mị ngã lăn ra, thêm một lần nữa, chứng thực suy nghĩ của Mị “không có lòng với nhau” mà vẫn phải ở với nhau là xác đáng.
            Cuộc đời của Mị và cuộc đời A Phủ có nhiều nét tương đồng. Cả hai người đều mồ côi, đều là nô lệ - con nợ của nhà thống lý Pá Tra. Mị bị A Sử trói vào cột nhà, quấn tóc vào cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được thì  A Phủ bị Pá Tra trói vào cột ngoài sân, tròng vào cổ một sợi dây thòng lọng, không nghiêng, không cúi đầu được. Đã mấy đêm A Phủ bị trói, Mị vẫn dửng dưng sưởi lửa, Mị biết A Phủ còn sống vì mắt mở trừng trừng. Con dâu Pá Tra chỉ vì muốn đi chơi mà bị trói thì kẻ nô lệ như A Phủ để cọp ăn thịt bò bị trói có chi lạ. Nhưng đến khi dòng nước mắt của chàng trai tài năng “việc gì cũng làm băng băng” chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại, “chỉ đêm mai là chết”, Mị mới thức tỉnh. Lòng trắc ẩn của Mị có sự đối chiếu giữa cuộc đời mình và A Phủ. Mị rút ra kết luận: “Chúng nó thật độc ác”.
            Hành động cắt dây trói cho A Phủ xuất phát từ lòng trắc ẩn. lòng trắc ẩn chỉ có trong tâm hồn của con người biết hi sinh cho người khác (đối với Mị là báo hiếu), khao khát tự do, biết cảm thụ và rung động trước cái đẹp. Cuộc sống đọa đày kiếp con dâu gạt nợ - nô lệ, đã có lúc gần như làm cho Mị đóng khép tâm hồn, vô cảm với cuộc đời. Nhưng khi bắt gặp tiếng tơ lòng nhân loại hay dòng nước mắt đau thương của người khác tâm hồn Mị bừng tỉnh. Sự bừng tỉnh tâm hồn luôn gắn với hành động. Nghe tiếng sáo gọi bạn, tâm hồn Mị đồng điệu, quyết định đi chơi không một chút đắn đo. Thấy dòng nước mắt lấp lánh tuôn trào trên đôi má xám xịt của A Phủ, thoảng chút đắn đo, sợ hãi nhưng Mị vẫn lén cắt dây trói. Sợ vì mình đã bị con ma nhà thống lý Pá Tra nhận mặt, sợ vì "bị đem trói thế A Phủ"...Tâm trạng đắn đo, sợ hãi đó quá nhỏ so với lòng trắc ẩn và nó tan biến đi khi Mị đẩy thống lý Pá Tra, A Sử sang một phía: “Chúng nó thật độc ác”.
            Mị cũng không ngờ giải phóng cho A Phủ là giải phóng cho chính mình. Phản ứng xin theo A Phủ là phản ứng tình thế, không lường trước được của Mị. Hoàn cảnh lúc ấy, Tô Hoài gói gọn diễn biến tâm trạng Mị trong một câu nói với A Phủ hết sức ngắn gọn: “Ở đây chết mất”.

            Đoạn trích Vợ chồng A Phủ trong Sách Giáo khoa 12 THPT, là phần viết về Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, dung lượng không lớn nhưng chi tiết, hình ảnh, cốt truyện, nhân vật có độ nén, kết cấu chặt chẽ chảy trong lối kể hết sức tự nhiên. Có lẽ hạn chế của truyện là nguyên cả phần sau: Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Nhìn từ hoàn cảnh ra đời tác phẩm, tôi nghĩ, Tô Hoài viết thêm phần đó chủ yếu là góp phần cổ vũ công cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà thôi. Thành công của truyện là đã xây dựng nhân vật Mị với diễn biến tâm lí chân thật, tự nhiên, sống động. Diễn biến tâm lí của Mị luôn gắn với hành động, từ việc ném nắm lá ngón đến cắt dây trói cho A Phủ đều xoay quanh căn cốt tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, biết hi sinh vì người khác. Cái hay của tác giả khi dựng nhân vật Mị - nhân vật nội tâm, luôn xuyên suốt trong minh triết: Tâm hồn đánh thức tâm hồn, khổ đau thức tỉnh đau khổ. Nhân vật Mị xứng đáng là một trong những nhân vật kiểu mẫu của nền Văn học Việt Nam hiện đại.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

MỘT TRUNG QUỐC BẦN TIỆN VÀ THAM VỌNG



            Muốn trở thành siêu cường nhưng Trung Quốc (TQ) lại tự hạ thấp tư cách với những hành động bị chi phối bởi tư tưởng lấn lướt và bất chấp trật tự thế giới hiện đại.
            Trung Quốc  đang tận dụng triệt để sức mạnh kinh tế của mình để trở thành siêu cường trên thế giới hoặc ít nhất phải là trong khu vực. Những động thái hung hăng gần đây của Bắc Kinh đối với Việt Nam, Nhật, Philippines trên biển Hoa Đông và Biển Đông là chứng minh rõ rệt cho tham vọng bá quyền này.
            Đáng quan ngại hơn, năm 2003, ngoại trưởng TQ cảnh báo các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Bắc kinh ở Biển Đông rằng họ chỉ là “nước nhỏ” và do vậy, nhất cử nhất động phải nghe theo Bắc Kinh. Động thái hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 rõ ràng, theo nhận định của cộng đồng quốc tế, là khiêu khích và gây bất ổn trong khu vực. TQ cũng trở nên ngạo ngược và hung hăng với Philippines kể từ khi bị Manila kiện ra tòa án quốc tế để phân xử tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.
            Bắc Kinh rõ ràng là một thế lực với nền văn hóa chính trị có từ cách đây 4.000 năm. Nền kinh tế nước này không sớm thì muộn cũng trở thành lớn nhất trên thế giới. Dự trữ ngoại hối của TQ hiện nay là 3.820 tỉ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Mức chi tiêu quốc phòng được chính TQ công khai – và rõ ràng con số thực còn cao hơn nhiều – đã tăng từ khoảng 16 tỉ USD năm 2000 lên 132 tỉ USD năm 2014. Chi tiêu quốc phòng tăng 12,2% so với năm 2013 và rất nhiều chuyên gia phỏng đoán con số thực của năm 2014 cao hơn số liệu công bố  khoảng 40 tỉ USD. Sức mạnh quân sự của Bắc Kinh đang lớn mạnh hơn bao giờ hết.
            Thế nhưng quan niệm về “quyền lực” của TQ vẫn còn ăn sâu tư tưởng của một nước thiên triều từ quá khứ. Thời đó, các nước chư hầu cứ thay phiên nhau triều cống cho các đời hoàng đế Trung Hoa như một sự chấp nhận chủ quyền của Bắc Kinh để đổi lấy quyền tự trị cho nước mình. Đó không phải là cách thế giới ngày nay vận hành. Ngày nay, nền kinh tế TQ đang thống trị nhưng đây cũng là thời điểm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, đặc biệt là hệ thống pháp luật được thành lập sau Đệ nhị Thế chiến, được áp dụng chặt chẽ. TQ cũng như các cường quốc trước đó, muốn thiết lập một trật tự thế giới phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. Nhưng Bắc Kinh không tuân thủ luật chơi.

            Cường quốc thiếu trách nhiệm
           
            Siêu cường có quyền, nhưng cũng phải gánh nghĩa vụ. “Sức mạnh càng cao trách nhiệm càng nặng”. Hãy thử nhìn vào những đóng góp của TQ – với tư cách “siêu cường” như nước này mong muốn – cho thế giới: Bắc Kinh đóng góp chỉ 5,2% vào ngân sách LHQ so với 22% của Mĩ hay 10,8% từ Nhật. Tại Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ đóng góp của TQ là 4,42%, trong khi Đức đã là 4% và Mĩ là 15,85%. Bắc Kinh cũng chỉ đóng góp 5,15% vào ngân sách Tổ chức Y tế thế giới, so với 10,9% của Nhật và 22% từ Mĩ.
            Khi cả thế giới đang chung tay đóng góp cho các nạn nhân của siêu bão Haiyan ở Philippines, một công ty của Thụy Điển là IKEA thậm chí còn chi nhiều hơn TQ để hỗ trợ cho các nạn nhân – IKEA góp 2,7 triệu USD so với 2 triệu USD của Bắc Kinh.
            Ngay cả báo chí TQ cũng không chấp nhận được sự “bần tiện” này và cũng đã lên án chính phủ. Cũng không ai ngây thơ đến mức tin rằng TQ, khi viện trợ cho Myanma và châu Phi, có động cơ nào khác ngoài việc muốn thâu tóm tài nguyên và năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho riêng mình hay lợi ích của các công ty tập đoàn nhà nước.
            Là siêu cường thì phải bảo vệ an ninh trong khu vực, trong khi Bắc Kinh cứ liên tục có chính sách khiêu khích – hết với Nhật ở biển Hoa Đông rồi lại đến các nước ASEAN trên Biển Đông. TQ sẽ chỉ ra mình cũng đóng góp tàu hải quân cho các hoạt động chống cướp biển ở châu Phi, nhưng còn ai khác sẽ hưởng lợi từ tự do hàng hải nơi đó ngoài các tàu buôn TQ? Và những hoạt động chống cướp biển đó cũng giúp chính hải quân TQ có những đợt diễn tập cần thiết.
            Tóm lại, TQ cái gì cũng muốn. Vừa muốn đặc quyền, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của một siêu cường nhưng khi đụng đến những nghĩa vụ siêu cường đó phải thực hiện cho cộng đồng thế giới, Bắc Kinh nếu không cậy đến danh nghĩa vẫn còn là nước “đang phát triển” của mình thì cũng từ chối đóng góp. Rõ ràng, TQ không sở hữu được quyền lực mềm cũng như những hấp lực khác về giá trị và tư tưởng.
            Về mặt lịch sử, TQ có bốn ngàn năm. Thế nhưng, những gì Bắc Kinh đang hành xử không khác gì một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới và chỉ biết bắt nạt bạn bè.

                                                                                     Bài viết của Giáo sư ZACHARY ABUZA