Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

CÁI GHẾ MA



            Thi Chương làm Tổng trấn Miêu Lộc được hai mốt năm. Vùng đất cằn cỗi dưới tay cai quản của ngài ngày một trù phú, dân tình no ấm, hội hè thường xuyên. Về sau, con cháu đất Miêu Lộc xa hoa, hưởng thụ, chúng quên đi cuộc sống ấm no do cha anh phá đất, khai thủy đắp thành.  Nhìn rõ mầm loạn, đang trong quá trình chấn chỉnh thì ngài được quan trên điều nhậm chức nơi khác.
            Người thay thế Thi Chương là Tô Phú, phó quan, sinh ra và lớn lên ở địa phương. Tô Phú trắng trẻo, mũi như mỏ chim ó, cổ rụt, dáng người phục phịch. Thi Chương nói với Tô Phú:
            - Con cháu Miêu Lộc bây giờ thích hưởng thụ nhiều hơn làm việc, chúng nghĩ giàu sang, sung sướng là lẽ tự nhiên. Ngài nên tiếp tục công việc chúng ta đang làm, có thay đổi phải từ từ , ví như thay nước bể cá. Cái ghế tổng trấn thần giữ một chân, quỷ giữ một chân, ngài phải cố giữ hai chân, như vậy may ra mọi chuyện mới êm đẹp.
            Tô Phú miệng nói “tôi biết rồi”, nhưng trong bụng nghĩ thầm ghế tổng trấn có quái gì mà ghê gớm. Ta sinh ra ở đây, con cháu họ hàng đông, quen biết nhiều, có gì là khó. Bạn ta là quan phủ, có ý đưa ta ngồi ghế này từ lâu rồi chứ đâu phải đợi đến bây giờ. Ngồi ghế tổng trấn ông làm việc gì đâu, chuyện gì cũng bàn bạc rồi giao cho kẻ này, người khác, chỉ giỏi đàn đúm cưỡi ngựa bắn cung, ngâm thơ hát xướng. mà chơi cũng đếch ra chơi, ai đời ta mới bẹo má ca nhi một cái đã tỏ vẻ khó chịu. Rượu nhạt mà uống vén tay áo cung kính như uống rượu tiên…
            Cả tháng đầu, hết phó Văn, phó Võ, hương chánh, đầu mục thay nhau mời mọc tiệc tùng xun xoe mừng quan lớn. Việc ai nấy làm, phiến trát gửi xuống, sớ tấu gửi lên, cái nào phó Văn, phó Võ bảo ký thì ký. Chỉ tội một điều, phu nhân cứ thẽ thọt:
            - Tướng công nhậm chức cả tháng mà chẳng thấy bổng lộc đâu cả.
Quà cáp quan viên trong trấn cũng chỉ là quà cáp. Ngồi ghế tổng trấn mà chỉ trông chờ vào quà cáp của bọn quan viên thì có hơn gì lúc còn làm phó cho Thi Chương? Phu nhân gợi ý:
            - Cái gì cần nắm là phải nắm, cái gì cần buông là phải buông. Đừng buông cái cần nắm, đừng nắm cái cần buông!
Tô Phú hỏi lại:
            - Phu nhân nói thế nghĩa là sao?
            - Cái gì liên quan tới tiền bạc nhất định phải nắm, vì có như thế mới kiếm được. Cái gì không liên quan tới tiền bạc thì giao cho chúng nó!
            Thế nhưng, có việc giao cũng không xong. Một hôm, nhận công văn quận về việc lập sổ bộ mới, phó Văn trình Tô Phú, xin chỉ đạo. Đọc công văn thấy rối rắm, đau cả đầu về nhiều khoản mục, biết chỉ đạo sao? Ngày trước, trình lên Thi Chương, cứ xem qua là hắn biết phải làm sao, hướng dẫn rõ ràng, rành mạch. Bực bội, cau có nhưng rồi hắn nảy ra một kế, đập bàn quát:
            - Có thế này mà cũng xin chỉ đạo! Không làm được thì đừng ngồi vào cái ghế đó.
            Phó Văn dạ dạ, cúi mặt lui ra. Tô Phú chợt thấy mình thông minh, cao kiến. Sau này cứ thế, giao việc cho chúng tự giải quyết. đứa nào lại không sợ mất ghế. Mất ghế thì mất bổng lộc, nhưng chễm chệ trên ghế mà không kiếm được, không nghĩ ra cách kiếm được bổng lộc mới tức chứ. Mỏi mệt, Tô Phú thiu thiu ngủ. Một người mặt trắng, mập mạp, ăn vận triều phục đi vào, Tô Phú cố nhìn nhưng không rõ cấp bậc phẩm hàm gì. Ông ta cúi đầu chào, vẻ khúm núm:
            - Thưa đại nhân, ngài đang ngồi trên cái ghế tiền bạc sao ngài không lấy mà tiêu. Ngài không nghe câu: “Không thương mình trời tru đất diệt” sao? Tôi chỉ được phép chỉ cho ngài kiếm tiền ba việc, nhưng tôi tin sau ba việc ấy ngài tự khắc biết làm gì. Việc thứ nhất, ngài giở sổ cấp phát quân trang xem bao nhiêu lính, trang bị cho chúng mỗi năm một bộ xem bao nhiêu? Mỗi bộ kiếm được tuy ít nhưng nhiều bộ cũng là món kha khá…
            Một tiếng ngựa hý từ bãi tập vọng vào làm Tô Phú thức giấc. quái lạ, trên bàn có cuốn sổ cấp phát quân trang. Một ngàn năm trăm lính, vị chi là…Vỗ đùi đánh đét một cái, Tô Phú rủa thầm: “Mẹ kiếp, riêng cái khoản cấp phát quân trang gã Liêu Hải cũng kiếm được kha khá. Không biết nó có chia chác gì với lão Thi Chương không?”. Nhưng nắm lại việc này nên như thế nào nhỉ? Như cũ không được…- Đúng rồi, đổi mới có khó gì đâu, cái quân hiệu hình bán nguyệt ở ngực trái cho may sang vai trái, thế là xong… Thế là có cớ để ta nắm lại việc cấp phát quân trang, cứ giao cho phu nhân là hoàn hảo.
            Xong việc ấy, phu nhân cứ hớn hở, cười cười nói nói, ngược lại, Liêu Hải mất đứt hai năm lương. Vợ Liêu Hải uất ức:
            - Lòng tham không đáy, vì chút lợi mà táng tận lương tâm, chuyện này ngươi nhớ lấy!
Than là than với chồng chứ lời nói đó đâu tới tai Tô Phú. Vợ Liêu Hải muốn đưa số quân trang chuẩn bị cấp phát cho lính đến trước cổng nhà Tô Phú đốt. Liêu Hải ngăn lại, đem cho những người chặt củi, đốt than.
            Mới một năm làm Tổng trấn, Tô Phú nhìn đâu cũng có cách xà xẻo, giàu lên trông thấy. Cánh tay phải của Tô Phú là Phạm Bình, một tên sai nha ăn cắp bị Thi Chương giáng cấp. Phạm Bình bày việc cho Tô Phú làm đập nước, mở đường mới, móc ngoặc với cai thầu làm giá, ăn chênh lệch đến con rể hắn làm nha lại ở huyện cũng phải sợ. Rồi đuổi việc những người trước đây có cảm tình với Thi Chương hay những người hắn thấy chướng mắt. Một công hai việc, đuổi người thì lại phải tuyển người. Những người mới tuyển là con cháu họ hàng , phàm là người ngoài thì tùy công việc mà lấy tiền…Đám nha dich mới tuyển ỉ thế, dốt nát nên công việc dần đè nặng lên vai đám chức sắc giúp việc cho Thi Chương trước đây. Bọn Sử Long làm sớ báo quan trên. Hiềm nỗi, Tô Phú làm trái quay quay nhưng quan trên lại là bạn nên bao che, Tô Phú vặc lại, từ đó bọn Sử Long ngậm miệng, tìm cách xin chuyển lên nha phủ hay trấn khác.
            Miêu Lộc ngày một loạn. Trước kia làm gì có cảnh đâm chém, cướp bóc. Bây giờ vụ này chưa rồi đã trồi vụ khác. Tô Phú không xử được vụ nào cho ra hồn cả. Dân tình phản đối ngày một nhiều nên quan trên buộc phải gọi lên đe nẹt. Khổ nỗi, cấp dưới kẻ nào cũng sợ, việc ai nấy làm, Tô Phú không biết làm việc gì cho quan trên vừa lòng. Phạm Bình, cái tên tâm phúc, được dung dưỡng lại ăn cắp của công, bị bọn Tiểu Kỳ bắt tại trận. Tô Phú không dám xử vì sợ Phạm Bình biết quá nhiều chuyện nên khất lần khất lừa kiểu “để lâu phân trâu hóa bùn”. Nhưng cũng từ đó, Tô Phú chỉ lén lút gặp Phạm Bình chứ không như hình với bóng, như chó với chủ nữa.
            Từ khi bị quan trên gọi lên mắng mỏ, hễ cứ ngồi xuống cái ghế đọc công văn là Tô Phú đau nhức mình mẩy, hoa nắt hoa mũi. Phạm Bình xui đổi ghế khác nhưng chứng bệnh không hề giảm mà hình như ngày một nặng hơn. Một hôm, đau quá, Tô Phú muốn đứng lên nhưng mông cứ gắn chặt với ghế không rời ra được rồi thiếp đi lúc nào không hay. Hắn thấy cái người mặc quan phục trắng, mập mạp cùng một người mặt đen, mắt sáng bước vào. Người mặt trắng hỏi:
            - Ông nhất quyết đi sao?
            - Không đi thì ở lại đây làm gì?
            - Ông vẫn giữ một chân ghế mà.
            - Ông nhầm rồi, chân ghế của ta là tài năng đức độ. Người này đâu có tố chất đó để ta phù trợ. Bây giờ ông hãy giữ luôn cái chân ghế phần ta.
            - Không được! Luật Trời đã định con người có đúng có sai, có tốt có xấu. Phần tôi tôi làm, phần ông ông gánh. Ông đi thì ghế đâu còn.
            - Thế sao ông phù trợ hắn?
            - Tôi nghĩ chỉ xui hắn làm bậy ba điều là hoàn thành công việc. Ai dè hắn tài năng quá, mới bày một việc mà hắn đã như vậy. Hóa ra tham lam, tàn nhẫn có sẵn trong căn cốt ông ạ.
Người mặt đen thở dài:
            - Tôi lên thiên đình chịu phạt. Cả năm nay tôi trông hắn có một ý tưởng tốt để vun vào. Càng trông càng thất vọng. Thôi thì con người ta có số; đất nước, địa phương có lúc thịnh lúc suy. Ngẫm ra, tôi cũng sai ông ạ, sai khi cho nó một lá phiếu ngồi vào ghế này. Giờ, ông thấy đấy, chăn dân đâu phải chuyện dễ. Tôi nhận tội với thiên đình để may ra được giữ một chân ghế khác.
            Tô Phú lơ mơ nhớ lại lời Thi Chương. Chết mẹ, lão mặt đen bỏ đi thì mình mất ghế.  Hắn móc trong tay áo ra một nén bạc, đập xuống bàn, hét lớn:
            - Ngươi không được đi!
Rồi hắn hạ giọng:
            - Cứ ở lại, ta hứa kiếm được mười đồng thì ta cho ngươi một.
            Tô Phú dứt lời thì ngã lăn ra đất, tỉnh dậy. Chiếc ghế chỏng chơ chỉ còn lại ba chân. Hắn gọi Phạm Bình và đám con cháu mới tuyển vào tìm cái chân ghế bị mất. Quái lạ, tìm mãi, tìm mãi mà không thấy chân ghế ở đâu.

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

BAO GIỜ GIÁO DỤC NHƯ THỜI...NGÀY XƯA



                        Thằng Bờm nói với thằng Say:
- Mi thấy ngành Giáo dạo này ra sao?
      Say cười: - Mi hỏi tầm phào,
Cái chuyện Giáo dục báo nào chẳng đưa,
      Bạo hành trẻ nhỏ có thừa
Nữ sinh đánh bạn a dua từng bầy,
      Thầy tạt a xít mặt thầy,
Ép học cua…chuyện thường ngày đó mi.
      - Chuyện đó tau hỏi làm chi
Ba tư nghìn tỷ mi thì nghĩ sao?
      Say cười: - Mi hỏi tào lao
Dự án Giáo dục cái nào thành công?
      Vẽ hươu vẽ vượn lòng vòng
Thế mà tiêu sạch từng đồng thuế dân.
      Bờm rằng: - Tau cứ phân vân
Như chuyện thi cử có cần đổi thay?
      Bộ mới dự kiến mới đây
Thế rồi lại quyết đổi ngay tức thì.
      Say cười: - Chuyện đó có chi
Cờ trong tay liệu việc gì phân vân
      Rứa mới đổi mới, cách tân
Không khác tiền nhiệm hóa đần lắm sao?
      Đức trị thì chiến lược cao
Pháp trị thì thuật nào bằng “lanh mưu”.
      Nghe Say nói, Bờm ỉu xìu:
- Giáo dục như rứa thì tiêu mất rồi,
      Còn non còn nước còn người
Bao giờ Giáo dục như thời…ngày xưa?!

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

ĐƠN KIỆN ĐƯỢC VIẾT BẰNG NHỮNG... CÂU KIỀU

            Sự thật chính là câu chuyện xung quanh một lá đơn trình lên quan Án sát Lạng Sơn vào khoảng đầu thế kỷ XX. Đơn viết bằng…những câu Kiều! Tác giả trình bày nỗi oan khuất, cơ cực của mình mong được quan trên soi xét. Chi tiết như sau:

            Nạn nhân là một phụ nữ quê quán ở Ninh Bình, cha mẹ mất sớm, nhưng gia tư cũng có đồng ra đồng vào. Nhiều người dạm hỏi, nhưng chưa nhận lời với ai thì một bà tên gọi là Điều đã thuyết phục được cô. Đơn kể rõ:
                        Lần thâu gió mát trăng thanh
                 Bà Điều Ngoan ở bên thành sang chơi
                        Ngọt ngào nói nói cười cười
                 Nghe xong thì cũng ra người bao dong
            Vì cái bao dong  giả dối ấy mà cô bị mắc lừa, cô nghe theo, về làm vợ lẽ trong gia đình bà này. Cuộc sống ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài đã làm cho thân cô nhục nhã:
                        Đêm thâu vằng vặc năm canh
                 Gió đưa chiếc bách lênh đênh giữa dòng.
                        Người vào chung gối loan phòng,
                 Con ra tựa bóng đèn chong canh dài.
                        Ngày ngày dở tỉnh giở say,
                 Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.
                        Bề ngoài thơn thớt nói cười
                 Mà trong nham hiểm giết người không dao.
            Quả thật, vợ chồng mụ Điều này nham hiển vô cùng. Sau một thời gian, chúng tìm cách chiếm đoạt gia tài của vợ lẽ, đẩy chị lên Lạng Sơn, nói là cho chị buôn bán, kì thực để chị bơ vơ, còn chúng thì giành cả cái gia tài của chị mà không bị dư luận bàn tán:
                        Con sinh ra phận má đào,
                 Sa cơ nên phải lụy vào tôi ngươi.
                        Xui con vò võ phương trời,
                 Bán buôn thành Lạng kiếm lời cầu may.
                        Xem gương ba bốn năm nay,
                 Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già.
                        Lừa con lấy sạch cửa nhà,
                 Một mai đất khách làm ma không chồng…
            Rồi cô kết luận, xin quan trên cứu xét:
                        Cúi đầu quỳ trước cửa công,
                 Dám xin cho lá phiếu hồng thôi tra.

            Quan Án Lạng Sơn vô cùng cảm động trước lá đơn của người phụ nữ. vừa cảm động, vừa thán phục trước những lời mượn Kiều mà nói rất đúng thân phận của mình, nên quan Án lập tức cho làm hồ sơ, tư về Ninh Bình, xin quan tỉnh này cho các bị cáo đến tòa Lạng Sơn đối chất. Bằng lý lẽ xác đáng của nguyên đơn, thủ đoạn của vợ chồng mụ Điều bị vạch trần. Quan xử cho người phụ nữ này lấy lại được gia tài, li dị với tên chồng kia để lập cuộc đời mới. Chị vô cùng cảm ơn quan Án sáng suốt bao dung, đã cứu được một người đàn bà đau khổ. Nhưng qua Án mỉm cười trả lời: - Không phải tôi cứu cô đâu. Chính nàng Kiều đã cứu cho người bạn trong sổ đoạn trường của nàng ấy!
           

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VỀ VĂN HỌC BÁC HỌC CÓ XU HƯỚNG ĐƯỢC DÂN GIAN HÓA



            Văn học bác học (Văn học viết) hình thành và phát triển trên nền Văn học dân gian. Ngoài đặc điểm riêng phù hợp với quá trình vận động và phát triển, Văn học bác học có nhiều điểm chung với Văn học dân gian như tư tưởng nhân đạo, thẩm mĩ…Văn học dân gian còn là nguồn tư liệu, đề tài, cảm hứng phong phú cho Văn học bác học khai thác.
            Văn học dân gian do nhân dân sáng tác (tập thể), phổ biến bằng phương théc truyền miệng nên thường sử dụng thủ pháp nghệ thuật phiếm chỉ; dung lượng ngắn gọn; tính khái quát cao. Được sàng lọc qua thời gian, cho nên mỗi tác phẩm Văn học dân gian như một viên ngọc long lanh trong đời sống dân tộc.
            Văn học bác học mang đậm phong cách cá nhân. Văn học bác học cũng có sáng tác mang tính tập thể nhưng phạm vi hẹp, chẳng hạn trường hợp Hoàng Lê nhất thống chí của dòng họ Ngô Thời.

            Những tác phẩm nổi tiếng của bộ phân Văn học bác học đều có chung đặc điểm mà người đọc dễ nhận dạng, đó là phản ánh chân thực, khách quan, sâu sắc đời sống xã hội, phản ánh vấn đề lớn xã hội quan tâm, ngôn ngữ diễn đạt tinh tế mà đại chúng, mới lạ mà tryền thống, bố cục chặt chẽ, lối kể chuyện tự nhiên.
            Đánh giá như thế nào là tác phẩm văn học lớn, về phương diện lý luận còn nhiều vấn đề để bàn, bài viết này  nhìn nhận những tác phẩm Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa là những tác phẩm lớn. Bởi một lẽ rất đơn giản, tác phẩm ấy rất cần thiết trong đời sống, tần suất sử dụng cao.

            Tác phẩm Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa cao nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Người ta dùng Truyện Kiều để bói toán, để  đối đáp thử tài, trêu ghẹo nhau và cũng đã có người vận dụng một số câu Kiều để làm…đơn kiện! Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần lẩy Kiều. Câu thơ: “Còn non còn nước còn người/ Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” trong  Di chúc là câu:
            Còn non còn nước còn dài
       Còn về còn nhớ những người hôm nay.
Hay khi nữ sĩ Hằng Phương tặng cam, người đã viết bài thơ Cảm ơn người tặng cam:
            Cảm ơn bà biếu gói cam
       Nhận thì không đúng, từ làm sao đây.
            Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
       Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.
Bài thơ viết năm 1946. Cái hay của bài thơ là dùng thủ pháp đối giữa “khổ tận” với “cam lai”; hai câu cuối, một câu dùng nguyên câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một câu sử dụng gần như trọn vẹn ý một câu Kiều “Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Câu thơ Bác vận dụng là:
            Tẻ vui bởi tại lòng này
      Hay là khổ tận đến ngày cam lai.
            Trong cái kết bài Mừng tết nguyên đán như thế nào? cho báo Nhân Dân, năm 1960, Bác viết:
            Trăm năm trong cõi người ta
        Cần kiệm xây dựng mới là người ngoan
            Mừng Xuân, Xuân cả thế gian
       Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân.
Chắc chắn, những ai đã đọc Truyện Kiều, biết ngay hai câu thơ Bác lẩy là:
            Trăm năm trong cõi người ta
      Chữ tài chữ mệnh khéo đà ghét nhau.

            Trước đây, sách giáo khoa Văn học 10, phần Văn học dân gian, có bài:
            Rủ nhau xuống bể mò cua
      Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
            Em ơi chua ngọt đã từng
       Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Bài ca dao hay về ý tứ, đẹp về ngôn từ, rất dễ thuộc, dễ vận dụng trong đời sống tình cảm lứa đôi. Cho mãi đến sau này, đọc được trên báo, kiểm chứng lại mới hay rằng bài ca dao là của Á Nam Trần Tuấn Khải! Hoặc như câu ca dao cha tôi viết cho em tôi luyện chữ:
            Tháp Mười đẹp nhất bông sen
       Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.
Hỏi câu ca dao của ai, cha tôi không rõ tác giả. Mãi khi tốt nghiệp Đại học, tôi mới biết câu ca dao đó của nhà thơ Bảo Định Giang.

            Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, ở miền Bắc, cổng chào, bảng tin đâu đâu cũng có khẩu hiệu: “Tất cả để chiến thắng giặc Mĩ xâm lược”, “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”. Những chàng trai tân binh ngoài việc được rèn kỹ năng chiến đấu lại được lên lớp rất nhiều về “Tình quân dân”, “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, “Nghĩa vụ và trách nhiệm tuổi trẻ”…Sau ngày chiến thắng, những người lính sống sót lành lặn hay thương tật trở về, nói chuyện lý tưởng cách mạng, họ cười bảo các bài lên lớp của các chính trị viên làm họ phát chán, buồn ngủ…Có người còn diễn lại chính trị viên lên lớp làm trò cười: “Quân với dân như cá với nước. Cá không có nước thì cá chết, nước không có cá thì nước buồn (!)”. Sức thuyết phục mạnh mẽ nhất đối với họ là những câu thơ hào hùng, thách thức:
            Trường Sơn đông nắng tây mưa
        Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.
Chẳng khác nào “Bất đáo trường thành phi dũng dã”. Hay những câu thơ cuồn cuộn lạc quan, căng tràn nhiệt huyết cách mạng, hào hùng mà lãng mạn, ra trận – đến với khó khăn gian khổ, thiếu thốn chết chóc mà cứ như đi tới chốn bồng lai:
            Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước
       Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
Hay:
            Đường ra trận mùa này đẹp lắm
       Trường Sơn đông nhớ Ttrường Sơn tây.
Những câu thơ đã nêu của Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, thế nhưng rất nhiều chiến binh nào cần biết của ai. Cái tôi của tác giả hòa cùng cái ta của dân tộc, của vận mệnh đất nước, của thời đại nên hào sảng mang dáng dấp sử thi.

            Trong lao động sản xuất, nói về ý chí vượt khó, tự hào về thành quả lao động của mình, có lẽ hai câu thơ sau là tiêu biểu nhất:
            Bàn tay ta làm nên tất cả
       Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Rất nhiều nông dân, công nhân đã đọc câu thơ đó nhưng họ có cần biết đâu là câu thơ trong Bài ca vỡ đất của Hoàng Trung Thông. Do vậy, suy cho cùng, nhà thơ lớn chưa hẳn là nhà thơ in nhiều tác phẩm mà tác phẩm của nhà thơ lớn phải sống trong đời sống nhân dân.
           
            Một thói xấu cần lên án của người Việt chúng ta là quan hệ vụ lợi “Được thời thân thích chen chân đến”, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử/ Hết cơm hết rượu hết ông tôi”, nên để lánh xa chốn quan trường, tránh nịnh bợ, tâng bốc, được sống với chính mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết:
            Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
            Người khôn người đến chốn lao xao.
Rất nhiều người được hỏi sao không xin chuyển công tác vào thành phố để có điều kiện con cái học hành, bản thân dễ thăng tiến, cuộc sông dễ chịu hơn đã trả lời như vậy mà không biết đã mượn lời của ai.
            Trong sinh hoạt hàng ngày, đôi khi người ta cần mượn ly bia, chén rượu để mở lòng. Có được bữa nhậu trọn vẹn cần ba yếu tố. Thứ nhất, những người đối ẩm phải tâm đầu ý hợp; thứ hai không gian cho bữa nhậu phải sạch, đẹp, thoáng mát, không ảnh hưởng tới người khác; thứ ba là rượu ngon, đồ nhắm ngon. Xin lưu ý một chút, đồ nhắm ngon không phải là cao lương mĩ vị mà là những món nhậu đúng cách, hợp mùa. Về yếu tố thứ nhất, Nguyễn Khuyến đã có câu thơ để đời:
            Rượu ngon phải có bạn hiền
      Không mua không phải không tiền không mua.
Chứng kiến nhiều người uống say, móc điện thoại ra gọi bạn tâm sự,  tôi nghĩ, Nguyễn Khuyến đã đưa đời thực vào thơ, và chiều ngược lại câu thơ  đã nêu thi vị hóa cuộc sống. Hạnh phúc và vinh dự biết bao những nhà thơ có những tác phẩm, có những câu thơ sống mãi trong đời thường dân tộc, cho dù số đông không nhớ nổi tác giả là ai. Tôi nghĩ điều đó chính là Văn học bác học có xu hướng được dân gian hóa.

            Bước đầu tìm hiểu xu hướng dân gian hóa Văn học bác học, dễ thấy nhất ở thi ca. Thể thơ lục bát, thất ngôn, theo thống kê có số lượng lớn vì bản thân nó là thể thơ Văn học dân gian thường dùng. Vần, điệu cũng là yếu tố quan trọng trong truyền khẩu, nó làm người ta dễ thuộc, dễ nhớ. Rất khó dân gian hóa khi không có vần điệu.
            Khi viết những dòng này, bất chợt tôi thay đổi ước muốn Ước muốn có được câu thơ sống trong đời sống dân tộc hơn là xuất bản được một tập thơ.