Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

TRÀNG GIANG - BÀI THƠ HAY NHẤT CỦA HUY CẬN

        
  Tràng Giang in trong tập Lửa thiêng của Huy Cận, xuất bản năm 1940. Tràng Giang là một trong những bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, thể hiện nỗi cô đơn, bơ vơ, lạc lõng của con người ngay trên đất nước mình.
          Huy Cận có nhiều bài thơ hay, có nhiều đóng góp cho Văn hóa nghệ thuật nên chính vì thế, tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Hàn lâm thơ thế giới.

          Bài thơ Tràng Giang của Huy Cận tiếp thu nhiều thi tứ thơ cổ, tác giả “hiện đại” những thi tứ ấy, làm nó mới mẻ hơn; cách dùng từ, miêu tả đặc sắc, logic trong ý tứ, chi tiết nhỏ để làm nổi bật cái tôi lớn: “nỗi buồn thế hệ, nỗi buồn thời đại”.

          Mở đầu bài thơ, cảnh sông nước mênh mông bất tận nhưng nó không thể hiện lòng tự hào dân tộc, có tâm trạng hào sảng trước dòng sông lịch sử như Trương Hán Siêu, trái lại, một nỗi buồn mênh mông, tê tái của sông, sầu trăm ngả của nước:

          Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
          Con thuyền xuôi mái nước song song
          Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
          Củi một cành khô lạc mấy dòng.

          Câu đầu bài thơ tả sông mà nói nỗi buồn, cách ngắt nhịp cũng góp phần nhấn mạnh điều đó:
          Sóng gợn tràng giang/ buồn/ điệp điệp
“Sóng gợn tràng giang” cho người đọc cảm giác mênh mông. Cảm giác ấy do từ “tràng giang” mang lại, thành ngữ Việt khi nói về bao la rộng lớn của sông nước thường dùng “tràng giang đại hải”. Cái mênh mông của sông nước không mở ra tâm hồn thư thái mà nó khép lại với “buồn”, nỗi buồn đó như trĩu nặng xuống tận đáy với từ láy “điệp điệp”. “Điệp điệp” diễn tả sự liên tục; xét về mặt ngữ âm nó đối rất chỉnh với “tràng giang”. Âm vực thấp của “điệp điệp” kéo xuống, chìm xuống để dòng sông mênh mông là thế chỉ có “sóng gợn”.
          Về mặt từ ngữ, cái tài của Huy Cận là vận dụng phép tách từ hết sức độc đáo (dùng “tràng giang” trong “tràng giang đại hải”, dùng “điệp điệp” trong “trùng trùng điệp điệp”) kết hợp với nhau diễn tả tâm trạng một cách đầy đủ, chính xác, trọn vẹn.
          Con thuyền được dùng với ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, vô định. Ở đây con thuyền gác mái chèo trôi theo dòng nước. Không bóng người, không hoạt động của con người ở con thuyền ấy, thành ra không có sức sống, mặc nước nước chảy, mặc thuyền thuyền trôi, từ láy “song song” diễn tả rất hay ý thơ đó.
          Dõi mắt theo con thuyền cho đến khi khuất bóng, tác giả không thấy “sông chảy bên trời” như Lý Bạch, mà chỉ thấy sự chia ly, sự chia ly cận cảnh: “nước lại sầu trăm ngả”. Câu cuối của khổ thơ tô đậm thêm nỗi buồn lạc lõng, vô định, như kiếp người nô lệ:

          Củi một cành khô lạc mấy dòng.

          Những đường nét “buồn điệp điệp”, “nước song song”, “sầu trăm ngả”, “lạc mấy dòng” vẽ nên bức tranh không có điểm chung, hội tụ mà rời rạc, lẻ loi, gợi cho người đọc nỗi buồn vô định.

          Khổ thơ thứ hai nối tiếp xúc cảm, tâm trạng của khổ đầu:

          Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
          Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
          Nắng xuống trời lên sâu chót vót
          Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

          Một cái cồn nhỏ giữa mênh mông sông nước, trong cảm nhận người đọc, từ láy “lơ thơ’ là điểm nhấn của sự lẻ loi, càng thêm buồn bã với ngọn gió đìu hiu. “Đìu hiu” chỉ sự vắng vẻ, “hiu hiu” chỉ cơn gió nhẹ, ở đây tác giả dùng từ láy “đìu hiu” kết hợp với “gió” rất độc đáo, tô đậm vẻ cô quạnh vắng vẻ như bị cuộc sống lãng quên.
          Năm 1980, khi Huy Cận và Xuân Diệu về thăm quê Hà Tĩnh, có ghé trường Đại học Sư phạm Vinh, nói chuyện với sinh viên khoa Văn. Khi được hỏi về bài thơ tâm đắc nhất của mình, Xuân Diệu đọc bài thơ Tứ tuyệt tương tư, còn Huy Cận đọc bài Tràng Giang, ông nói trong bài thơ ông học được cách dùng từ “đìu hiu” trong câu thơ Chinh phụ ngâm: “Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”
          Âm thanh của cuộc sống thoảng vọng lại của làng quê rất xa vắng càng tăng thêm cảm giác vắng vẻ bị lãng quên. Chợ chiều thường không đông người, vãn có nghĩa là tan, là kết thúc. Chợ chiều ít ồn ào náo nhiệt, “vãn chợ chiều” vẳng lại tiếng được tiếng mất của “Đâu tiếng làng xa” là nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”. Hội tan, chợ vãn, chiều buông thường là những khoảnh khắc gợi cho người ta tâm trạng buồn, nhớ nhung, khắc khoải, luyến tiếc những cái gì đã qua.

          Nếu như ở khổ thơ đầu và hai câu đầu của khổ hai miêu tả chiều ngang của không gian thì hai câu sau hoàn thành bức tranh không gian ba chiều:

          Nắng xuống trời lên sâu chót vót
          Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Cái tinh tế, nhạy cảm của Huy Cận trong quan sát đã “chụp” được khung hình đẹp của thiên nhiên. Khung hình đẹp mà buồn như chính tâm hồn thi sĩ vậy. Ánh nắng chênh chếch buổi chiều chiếu xuống dòng sông để ta nhìn rõ sông dài, bến cô liêu và phía trên của ánh nắng chênh chếch đó là bầu trời thăm thẳm. Từ “chót vót” chỉ độ cao, chiều đi lên, từ “sâu” chỉ chiều ngược lại. Lần đầu tiên trong thi ca, người đọc ngạc nhiên với cách dùng từ tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất. Làm được điều đó, tác giả đã gợi cảm giác liên hệ “sâu” -> xanh -> thăm thẳm trước khi kết hợp với “chót vót”. Nếu dùng “cao chót vót” thì bầu trời sáng lắm, không có sự phân biệt thành hai nửa, nửa dưới ít hơn, sáng mà thấp, nửa trên tối mà cao.

          Sự rời rạc, buồn tẻ của sự vật được trải rộng hơn trong khổ thơ thứ ba:

          Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
          Mênh mông không một chuyến đò ngang
          Không cầu gợi chút niềm thân mật
          Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

          Cùng là các sự vật trôi xuôi trên sông nhưng nó không xảy ra cùng một lúc. Từ con thuyền khuất bóng đến củi lạc mấy dòng và cuối cùng là: “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. Điểm lại để thấy sự vật cũng “xuống cấp” giá trị!
          Thường thì bèo trôi thành mảng, thành đám, có lẽ do sóng xô, nước xoáy mà tan ra thành hàng nối hàng chăng? Bèo trôi như một vệt thẳng song song với dòng chảy tràng giang, là chủ ý mở rộng, liên kết sâu hơn của tác giả với câu cuối khổ thứ hai nhằm nhấn mạnh “sông dài”, từ đó, một lần nữa, thể hiện sự mênh mông, hoang vắng, cô đơn đến tội nghiệp.
          Một dòng chảy, hai bờ cách biệt không một sự liên hệ, kết nối cho dù là một con đò ngang bé nhỏ, thế nên bờ này bờ kia dửng dưng với nhau; màu sắc bờ xanh, bãi vàng của hình ảnh này, nói như ngôn ngữ hội họa là những gam màu chết:

          Không cầu gợi chút niềm thân mật
          Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

          Khổ thơ cuối, hai câu đầu chỉ hai hoạt động, một của mây, một của chim. Nếu như “mây cao đùn núi bạc” khuất lấp đi ánh nắng chiều, cho chiều buông nhanh hơn thì cánh chim nghiêng như cảm nhận sức nặng vô hình đè xuống, gợi cho người đọc một cảm giác tù túng, ngột ngạt. Thường thì hình ảnh cánh chim trong thơ tượng trưng cho sự tự do, bay bổng nhưng cánh chim nhỏ của Huy Cận dưới bóng chiều này thật thảm hại, đáng thương.

          Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
          Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

          Hai câu cuối của khổ thơ: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” mượn ý của nhà thơ Thôi Hộ đời Đường:

          Quê hương khuất bóng hoàng hôn
          Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Thôi Hộ nhớ quê khi hoàng hôn, khói sóng gợi, còn Huy Cận, đẩy nỗi buồn ấy lên cao hơn ngay cả khi không hoàng hôn, không khói sóng.
          Lòng quê là nỗi nhớ quê, từ “dợn dợn” có nghĩa là gợn lên, chuyển động liên tục của tâm trạng nao nao, thắc thỏm. Tâm trạng này xảy ra khi tác giả “vời con nước”. Vời có nghĩa là trông, trông xa, tỉ như: “Trông vời cố quốc biết đâu là nhà?”.

          Tràng Giang là một bài thơ buồn, khổ nào, câu nào cũng buồn. Bài thơ có sự vật, có âm thanh, màu sắc, hoạt động nhưng sự vật riêng rẽ, không một chút gắn kết. Tác giả gói sự vật, âm thanh, màu sắc, hoạt động ấy vào một từ “tràng giang”. Tràng giang vì thiếu tình người, thiếu hoạt động của của con người, vậy nên đây là nỗi buồn nhân bản. Nỗi buồn ấy sâu xa chính là nỗi buồn mất nước. Vì thế, khi bắt gặp lý tưởng cách mạng, chàng trai – nhà thơ lãng mạn Huy Cận sớm trở thành chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, là một trong những thành viên của Đoàn đại biểu Ủy ban Giải phóng vào Huế tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại.
           Đọc lại bài thơ, bốn khổ, mười sáu câu, cũng cần nói thêm một chút, tác giả đã sử dụng đến chín từ láy, từ nào cũng được dùng hết sức tinh tế, gợi cảm. Có được điều ấy ngoài tài năng còn là một sự học hỏi, tìm tòi đáng trân trọng. Tràng Giang là một bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới và cũng là bài thơ hay của nền Văn học hiện đại Việt Nam.

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

XUÂN MUỘN

                   
                                Xuân nay mai nở muộn
                                Vàng trời cuối giêng hai
                                Nghe tháng giêng rét đài
                                Nghe tháng hai rét lộc.

                                Tháng ba rét nàng Bân
                                Trĩu giọt sương long lanh
                                Cánh hoa sót rời cành
                                Đếm nhịp mùa xuân chín.

                                Mắt lá phơn phớt tím
                                Ngơ ngác trời xanh mơ
                                Triền đê cỏ non tơ
                                Nằm nghe dòng sông hát.

                                Sóng nhẹ hôn bờ cát,
                                Gợn lòng chút hờn ghen
                                Đêm vị ngọt môi em
                                Anh say mùa xuân muộn.  

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

TIẾU LÂM VỀ NHẬU


VỢ NHẬN KHÔNG RA CHỒNG

            Hai người bạn rất lâu rồi mới gặp lại nhau. Một người nói:
            - Đi nhậu một tý chứ?
            - Tớ cũng muốn đi với cậu nhưng sợ rằng lúc về vợ tớ nhận không ra.
            - Làm gì có chuyện đó, cứ đi nhậu với tớ rồi tớ đưa cậu về xem vợ cậu có nhận ra không.
Tàn cuộc nhậu, đưa bạn về nhà, vừa tới cổng đã nghe tiếng quát:
            - Thằng chó! Đi đâu mà giờ mới vác mặt về.
Người bạn hốt hoảng quay lui, chỉ kịp nói một câu:
            - Đúng là nhận không ra chồng nhưng may là còn nhận ra giống đực.

LẤY GÌ MÀ CHIA

            Xỉn đến nhà Say chơi. Say đưa bia ra tiếp. Nhận ra nhậu ở nhà thiếu “không khí” nên Say cất hai lon bia còn lại vào tủ lạnh, nói với Xỉn:
            - Mình đi nhà hàng cho nó mát mẻ.
            Cho đến khi nhà hàng đóng cửa cả hai mới khoác vai nhau ra về nhưng vẫn có cảm giác chưa đã. Xỉn chợt nhớ:
            - Nhà mày còn hai lon bia!
            Cả hai về nhà Say, vào nhà rón rén vì sợ vợ Say tỉnh giấc. Chợt Xỉn bấm vai Say chỉ tay, trên giường vợ Say và gã hàng xóm đang ôm nhau ngủ. Sau đưa ngón tay trỏ lên miệng:
            - Su…ỵt! Im đi, lỡ nó thức giấc, có hai lon bia lấy gì mà chia.

TAO UỐNG MÀY GẮP

            Cò rủ Thỏ sang bên kia sông nhậu. Thỏ bảo:
            - Mày bay được chứ tao làm sao sang sông?
            - Thì tao dùng mỏ kẹp mày bay qua.
Đang bay trên sông, Cò thấy con ruồi bay qua, quên mình đang gắp bạn, bay theo mổ làm Thỏ rơi xuống sông. Thỏ uống no nước, Cò bay xuống gắp bạn, năm sáu lần mới được. Thỏ cáu:
            - Tao uống mà mày cứ gắp gắp…

CHÓ CHỈ BIẾT ĂN MỒI

            Đang nhậuvới bạn, hết mồi Xỉn bảo thằng con đi mua mồi. Lại hết mồi, rượu gần cạn nên lại sai con đi mua cả mồi và rượu. Một lát sau thằng con về mặt lấm lét, đưa mỗi gói mồi. Xỉn hỏi:
            - Rượu đâu?
            - Dạ, con chó nó đuổi con ngặp mất chai rượu.
Xỉn quát:

            - Chó chỉ biết ăn mồi chứ làm gì biết uống rượu.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

NGÀY XUÂN SUY NGẪM CHỮ "CHƠI"

       
     Chơi là hoạt động giải trí, nghỉ ngơi hay có khi là thưởng thức. Chơi là nhu cầu không thể thiếu của con người, và qua cách chơi thể hiện nhận thức, vốn sống, văn hóa giao tiếp ứng xử.

            Hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, thưởng thức của con người rất phong phú nên chơi khó thống kê hết. Điểm sơ qua chúng ta đã có: chơi xuân, chơi chim, chơi cá, chơi cây cảnh, chơi đèn kéo quân, chơi diều, chơi ô ăn quan, chơi đàn, chơi bóng, chơi cờ, chơi đu, chơi chữ, chơi tem, chơi ảnh, chơi đồ cổ, chơi xe, chơi game…

            Chơi say sưa, toàn tâm toàn ý là đam mê. Có người chơi do sở thích, có người vừa là sở thích vừa muốn khẳng định mình trong giới làng chơi cho nổi danh, cho “đẳng cấp”. Có người chơi vì phong trào, a dua, học đòi. Mà chơi theo kiểu học đòi, ở Việt Nam ta bất luận thứ gì cũng chiếm số đông.

            Nhàn tản đem cờ ra chơi vài ván vừa giết thời gian vừa vận động trí tuệ, gắn kết tình bè bạn thì còn gì vui bằng. Nhưng cũng hoạt động ấy đem ra thi đấu, có giải thưởng thì không còn nghĩa là chơi nữa, phải gọi là “đấu” hay “đánh” rồi. Tương tự, một điều khá thú vị, trong một trận đấu bóng đá nảy lửa, khi nói về hoạt động của một cầu thủ nào đó, bình luận viên lại nói anh ta chơi tròn vai, nghệ sĩ sân cỏ hay làm xiếc với trái bóng…thay bằng nói anh ta “đấu” rất hay.

            Chơi nhiều hơn làm, ham những trò tiêu khiển có hại thì được gọi là chơi bời lêu lổng. Hành động gây hại cho người khác, kiểu như truyện cười dân gian “Nói có đầu đuôi” là chơi khăm. Có hành động ngang ngược được gán cho từ chơi ngang. Loại người có quan hệ không bình thường với người ở địa vị cao hơn thì được tập thể cộng đồng nhìn nhận chơi trèo. Bao giờ cũng tỏ ra hơn hẳn những người xung quanh trong ứng xử, sinh hoạt được gọi là chơi trội. Tâm địa xấu, lợi dụng sơ hở của người khác để làm cho người ta bẽ mặt thì đó chính là chơi xỏ. Chơi vụ lợi riêng cho mình, lợi dụng người khác, kiểu thường xuyên nghe điện thoại, về trước vì “vợ gọi”, “có việc đột xuất” trong lúc gần tàn cuộc nhậu được gán cho mác chơi bẩn. Chơi vượt quá khả năng của mình (nhưng ai cũng biết) thì đích là chơi sang hay nói chơi hoang cũng không sai. Bày trò dại dột, đối đầu với quyền thế khác nào chơi với lửa. Chơi với loại đầu trộm đuôi cướp, loại “mặt tiền án, trán hình sự”, lợi dụng chúng thì thể nào chơi dao cũng có ngày đứt tay. Chơi với những kẻ nhân cách thấp kém không sớm thì muộn danh dự, nhân phẩm mình bị bôi bẩn, chẳng thế ông cha ta đã nói: Chơi với chó chó liếm mặt

            Với hoạt động giao tiếp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, lợi dụng các từ đồng âm, đa nghĩa, nói lái…trong ngôn ngữ gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước…) là chơi chữ. Ví như:
            - Trai làng Cốc leo dốc bắn đứng lăm le cười khanh khách.
            - Nửa đêm gà gáy canh ba
Thân em con gái đàn bà nữ nhi.
- Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
Ngày xưa, các nho sĩ, văn nhân có thú chơi thơ. Người cầm cái đưa ra câu thơ để thiếu chữ đầu hay chữ cuối, người chơi tự điền vào rồi giảng nghĩa vì sao lại dùng chữ đó. Oái oăm ở chỗ, người hay chữ, học vấn tinh thâm lại thường là những người điền sai với bản gốc nhất! Chuyện Chơi thơ, Thả thơ của người xưa, nhà văn Nguyễn Tuân có những tác phẩm đặc sắc, đọc xong những áng văn ấy, người có tâm không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối cái tài hoa, tinh tế của thú chơi tao nhã đã mai một.
Chơi trống bỏi, chơi tràn cung mây, chơi hết năm tày tháng tận…là những thành ngữ chỉ sự say của chơi sự sướng của chơi, nhưng có lẽ chơi lên đỉnh là cách chơi Tú Bà dạy Kiều:
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời.

Một điều đáng buồn hiện nay là giới trẻ ít biết chơi những trò chơi dân gian đượm hồn dân tộc, những trò chơi rèn luyện trí tuệ, sức khỏe mà thay vào đó là cứ cắm mặt vào màn hình với game online bắn súng, đua xe, giết chóc…để rồi biết bao tệ nạn xã hội đau lòng xảy ra. Thiết nghĩ, ngành Giáo dục, chính quyền các cấp nên quan tâm hơn đến cái chơi cho xã hội nói chung, nhà trường nói riêng, đó cũng là điều lành mạnh hóa, văn hóa hóa xã hội.

Ăn, chơi, làm việc, nghỉ ngơi đúng mực giúp con người khỏe khoắn, thanh thản hơn trong cuộc sống. Ngày xuân, suy ngẫm  chữ chơi âu cũng là cách nhìn nhận cái gì đúng, cái gì chưa đúng để khi chơi ta chơi cho có ý nghĩa hơn.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

XUÂN NGẬP NGỪNG


            Tết là cái mốc của trời
            Để ta ngẫm lại một thời đã xa…

            Xuân sang rạo rực sắc hoa
            Cho ai hò hẹn
            Để ta ngập ngừng
            Chuyển mùa,
            Mắt lá rưng rưng
            Lá đi về cội
            Cành bừng lộc non
            Sắc đào
            Hàm tiếu môi son
            Tuổi em mười sáu
            Trăng tròn tháng giêng

            Dịu dàng
            Chiếc nón che nghiêng
            Em như cô Tấm
            Về miền cỏ hoa
            Để ta
            Thương dáng mẹ già
            Trông theo bóng núi
            Đường xa
            Ghập ghềnh…

            Mùa xuân
            Thì nở hoa xuân
            Tuổi xuân em
            Chỉ một lần mà thôi!
            Ngập ngừng
            Là lỗi của tôi
            Em đi
            Tôi cũng qua rồi
            Tuổi xuân

            Bóng câu cửa sổ qua nhanh
            Tương tư thương nhớ… mùa xuân ngập ngừng.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

EM BIẾT XUÂN NÀY

         
            Em biết xuân này em vắng anh
            Dẫu đào, mai khoe sắc trên cành
            Dẫu rét nàng Bân hồng đôi má
            Dẫu cánh đồng làng lúa mướt xanh

            Em biết xuân này anh nhớ em
            Thức cùng ngọn lửa đêm cao nguyên
            Viết vội dòng thư trong giá buốt
            Vó ngựa tuần tra nghiêng đêm

            Em biết thời gian ta xa nhau
            Chỉ nhớ nhiều thôi, chẳng buồn đâu
            Vó ngựa anh vang vào nhịp phách
            Đồng quê em lúa thắm xanh màu

            Em nhớ bài thơ của Xuân Quỳnh
            Sóng biển hòa reo với sóng tình
            Cho đến giờ đây em mới hiểu
            Nhớ nhung âu cũng là hy sinh

            Em biết tuổi xuân của mùa xuân
            Sống sao cho trọn vẹn nghĩa tình
            Nhớ nhau cũng góp thành xuân sắc

            Xây đời hạnh phúc phải không anh?

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

NGÀY THƠ VIỆT - NGHĨ VỀ EM

     
            Ráng vàng kéo cơn giông sắp tới
            Ta lạnh mình lo lắng về em
            Lúc mưa nguồn chớp bể đêm đen
            Ta nóng lòng cầu mong đừng bão giông phía ấy!

            Đời em khổ. Và ta cũng vậy
            Em chai tay, ta chai sạn tâm hồn
            Hoa nở theo mùa thơm ngát tóc em thơm
            Những trang viết của ta như mưa nguồn gió bấc.

            Bàn tay em làm nên màu sắc
            Màu sắc tặng cho em hoa trái hương thơm
            Em san sẻ bướm ong và những giọt sương đêm
            Cho rộn ràng xuân cho đời thêm thắm mãi.

            Giọt mồ hôi em làm nên hoa trái
            Nên ta ăn như vị mặn đầu môi,
            Trang viết của ta tô vẻ đẹp cho đời
            Mà sao cứ như ruộng đầy cỏ dại!

            Có thật không em? Xin em đừng nói dối
            Em đọc thơ ta: thấy ấm áp trong lòng
            Thấy cuộc đời tươi nắng mai hồng
            Vui cuộc sống tràn đầy nhựa sống…

            Ta vẫn biết dẫu đời không phẳng lặng
            Như trời kia lúc nắng lúc mưa,
            Thương nhớ về nhau trong giấc mơ hoa

            Em đã nhặt giùm ta những trang đời cỏ dại
.

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

TIẾU LÂM "CẤP 1"


“XỜ” VÀ “SỜ”

            Học trò lớp 2 viết bài thường hay mắc lỗi khi sử dụng âm S và X. Nghĩ ra một cách giúp học trò viết cho đúng, cô giáo ghi chữ s lên bảng rồi nói với học sinh:
- Đây là âm “sờ”, các con thấy nó giống cái gì?
Cả lớp đồng thanh:
            - Thưa cô giống cái mỏ con chim ạ!
Cô giáo mở ngoặc đơn sau chữ s viết chữ “chim”rồi chấm hai chấm, ghi ví dụ chữ viết sử dụng âm “sờ” là “sung sướng”.
            Học trò chép vào vở xong, cô lại viết chữ x, lại mở ngoặc đơn ghi chữ bướm, vì chữ x giống con bướm, cô chấm hai chấm, lấy ví dụ bằng từ láy “xấu xa”.
            Tối, học trò mang vở ra học, đọc toáng lên:
            - Sờ chim sung sướng, xờ bướm xấu xa…
     Bà mẹ nghe, la: “Học gì tầm bậy thế?”. Ông bố lẩm bẩm: “Thật không công bằng!”. Còn đứa trẻ dõng dạc:
            - Cô giáo dạy đấy!

KHI HỌC SINH LÀ CHỦ THỂ SÁNG TẠO
           
Thầy Trưởng phòng Giáo dục dặn đi dặn lại cô giáo dạy lớp hai trường điểm: “Dạy gì thì dạy, phải làm sao khi chuyên viên sở dự giờ thấy được học sinh là chủ thể sáng tạo, có như vậy người ta mới đánh giá phát huy tính tich cực học tập của học sinh.”
            Để chuẩn bị cho việc dự giờ của đoàn thanh tra Sở, cô giáo đã “gà” cho học sinh trước:
            - Cô sẽ cho các con tìm hai vần theo thứ tự, hễ xong “con” vần tiếp theo là cái “cái”. Ví dụ cô cho vần “ông” thì các con đọc là “con sông”; cô cho vần “è” thì các con đọc là “cái bè”…
            Các cháu có vẻ hứng thú với cách học này.
Hôm đó, thanh tra Sở dự giờ tiết học vần, mấy phút đầu các cháu còn im lặng, khi cô giáo dạy, chúng lại như mỗi buổi học thường ngày khác, lại trêu chọc nhau, lại ồn ào. Cô giáo nhắc nhở:
- Nào các con, im…
Cả lớp đồng thanh:
            - Con chim.
Rồi chúng cười ngặt nghẽo, cô giáo bất ngờ, bực mình, không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng:
            - Ồn!
            Lập tức cả lớp:
            - Cái …ồn…


Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA - TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC CỦA NGUYỄN MINH CHÂU

      
   Nguyễn Minh Châu là nhà văn được đông đảo độc giả yêu thích. Những trang viết của ông làm say lòng những cô công nhân đến những nhà nghiên cứu phê bình văn học. Có được điều ấy, ngoài vốn sống phong phú, trải nghiệm, ở ông, là tài năng lớn trên cái nền học vấn uyên thâm chất chứa trong trái tim nhân hậu luôn hướng về cuộc sống thực tại.
          Trong chương trình giảng dạy bộ môn Văn học bậc THPT, khi Chiếc thuyền ngoài xa được đem vào thay thế Mảnh trăng cuối rừng, tuy cùng một tác giả nhưng không ít người tiếc vì không còn được dạy, được thăng hoa với mối tình lãng mạn của anh bộ đội lái xe và cô công nhân giao thông trên tuyến đường miền tây trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Thế rồi khi đọc kỹ tác phẩm, mới thấy người viết sách có lý, Chiếc thuyền ngoài xa quả là truyện ngắn thành công về mọi mặt.

          Về tính triết lý, Nguyễn Minh Châu đã khéo léo sắp xếp, sáng tạo các chi tiết từ đầu đến cuối truyện gọn gàng trong quy luật âm – dương của triết học phương Đông. Trong âm có dương, trong dương có âm, cho nên chuyện gì cũng có thể xảy ra.
          Chi tiết đầu truyện là ông trưởng phòng luôn có những ý nghĩ độc đáo, cử Phùng đi thực tế chụp bổ sung một tấm ảnh lịch với cảnh biển buổi sáng có sương mù. Oái oăm ở chỗ là chụp vào tháng bảy, đỉnh điểm cái nắng của mùa hè. Hơn thế nữa, từ Hà Nội vào chiến trường xưa, nơi Phùng từng chiến đấu, theo suy luận, đó lại là mảnh đất Quảng Trị - gió lào cát trắng. Trong cái tưởng chừng như không thể ấy, Phùng đã có được những tấm ảnh trong một khoảnh khắc “trời cho”:  “Trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng vào bờ. Tất cả những khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa vẻ đẹp, đẹp một vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì như đang bóp thắt vào. Chẳng biết ai đólần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức? Trong những giây bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong người của tâm hồn”
          Người đọc còn đang say sưa bức tranh ấy cùng tác giả thì một cảnh tượng phản cảm diễn ra sau đó ít phút. Hai vợ chồng trên cái thuyền vó ấy vào bờ để một người hành hạ và một người chịu sự hành hạ. Khi Đẩu – chánh án tòa án huyện nói: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có người chồng nào như hắn. Tôi chưa hỏi tội của hắn mà tôi chỉ muốn nói ngay với chị: Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu!”. Người đọc hiểu ngay cách xử án sẽ là thế nào. Sẽ bất ngờ nếu chánh án không hòa giải mà “xúi giục” người đàn bà li hôn nếu không có câu: “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Khi Đẩu nói câu ấy nếu bạn đọc nào đã đọc qua Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hẳn nhớ chuyện Tào Tháo đối đãi với Quan Công: ba ngày yến nhỏ, năm ngày tiệc lớn, lên ngựa thưởng bạc, xuống ngựa thưởng vàng. Vì sao người đàn bà bị hành hạ triền miên như vậy? Vì làm không ra ăn, thiếu đói quanh năm. Người đàn bà không chịu “được giải phóng”, trái lại, ý thức được bản thân, hoàn cảnh, trái tim lại bao dung, nhân hậu nên chị đã tự nguyện chịu đựng. Chị coi việc bị hành hạ là “lỗi” của chị, cũng như bao phụ nữ làng chài khác mà thôi: “Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làn ăn nuôi đặng một sấp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi sống cho con chứ không thể sống cho mình như trên đất liền được! Mong các chú lụy tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! – Vả lại, ở trên chiếc thuyền này cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.”

          Hòa trong dòng chảy âm – dương theo triết lí phương Đông là dòng chảy cuộc đời. Cái “phông” của truyện là mảnh đất chiến trường còn ngổn ngang xác xe tăng. Những người lính đi qua chiến tranh với những ngã rẽ khác nhau. Cuộc sống của người dân vẫn trôi nhưng không phẳng lặng. Giải phóng được đất nước nhưng không giải thoát được đói nghèo thì cách mạng có ý nghĩa gì. Do vậy, cuộc chiến mới, mặt trận mới – mặt trận an sinh dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu vô cùng khốc liệt. Kẻ thù nằm trong nhân dân, trong mỗi người dân từ già đến trẻ. Giải quyết trận chiến này không phải bằng súng đạn mà phải bằng “quan hệ sản xuất” mới, môi trường mới.
          Chính quyền cấp đất cho dân nhưng dân không ở vì: “Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng cấp đất cho không chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được”. Tòa án muốn giải phóng người phụ nữ khỏi cảnh hành hạ thì chính người bị hành hạ xin cho họ được yên – nghĩa là cứ để họ sống cuộc sống bấy lâu nay.
          Đọc những dòng này của Nguyễn Minh Châu, suy ngẫm, người đọc vỡ ra một điều nhà văn gửi gắm: Muốn mọi điều tốt đẹp cho dân thì chính quyền, cán bộ lãnh đạo phải gần dân, sâu sát với dân, hiểu cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của dân. Xa rời dân, quan liêu là căn bệnh của chính quyền. Rất nhiều trang báo, phóng sự phản ánh sự việc di dời dân để qui hoạch làm thủy điện, sân golf, khu công nghiệp này nọ…không quan tâm đến điều kiện sống, nghề nghiệp, thành ra, người dân đã khổ càng khổ hơn.
          Cũng xin lưu ý một điều rằng, truyện được viết vào tháng 8 năm 1983, khi mà đất nước ta chưa đổi mới, thì mới thấy giá trị dự báo của nhà văn là rất cao.

          Một thành công không thể không nói đến là nghệ thuật xây dựng nhân vật. trong truyện ngắn này Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật sống động, tự nhiên, mỗi nhân vật có một “nhiệm vụ” chuyển tải cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở khác nhau của nhà văn. Có những nhân vật chỉ vài nét phác họa nhưng người đọc hình dung khá rõ tính cách như ông trưởng phòng của Phùng, người đàn ông làng chài. Điều đặc biệt là để cho nhân vật có tính “phổ thông” hơn, tiêu biểu hơn Nguyễn Minh Châu dùng nghệ thuật phiếm chỉ, không gán tên cho một số nhân vật.
          Đọc kỹ đoạn đối thoại giữa người đàn bà làng chài với Đẩu và Phùng, người đọc thấy rõ tính cách nhân vật. Qua lời kể của người đàn bà ấy, người đọc nguôi ngoai phần nào về hành động của người đàn ông vũ phu: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu…Giá mà lão uống rượu…thì tôi còn đỡ khổ…”. Trước kia, cũng theo lời người đàn bà: “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Thì ra, việc đánh đập vợ cũng là một cách giải stress! Vấn đề Nguyễn Minh Châu đưa ra ở đây phải chăng càng cơ cực người ta càng dễ hành hạ nhau và hoàn cảnh sống làm thay đổi tính cách con người?
          Về nhân vật Phùng, người nghệ sĩ nhiếp ảnh, anh không có những tuyên ngôn về nghệ thuật, nhưng qua cảm xúc và hành động của anh đã khẳng định với người đọc một điều: Nghệ thuật đích thực phải phản ánh cuộc sống, người nghệ sĩ phải theo sát cuộc sống, va đập với cuộc sống mới có những tác phẩm để đời.

          Gấp trang sách lại, đồng cảm với tác giả về một kết thúc truyện có hậu về tương lai tươi sáng của người đàn bà làng chài, người đọc giật mình sao tác giả lại lấy tiêu đề truyện là Chiếc thuyền ngoài xa chứ không phải là Chuyện về một bức ảnh hay Kỷ niệm về một bức ảnh?..
          Quay lại thời điểm tác phẩm ra đời, chúng ta biết đất nước chưa đổi mới; việc kiểm duyệt xuất bản khắt khe và nhiều khi người kiểm duyệt lại cứng nhắc về nhận thức, cho nên nhà văn phải hết sức khéo léo, vừa nói được điều mình muốn nói lại không “động chạm”. Thời điểm tác phẩm ra đời kéo dài cho đến tận bây giờ là “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Quá là qua, độ là bến, từ bến này sang bến khác. Viết về đề tài này, Nguyễn Huy Thiệp cũng khá thành công với truyện ngắn Sang sông. Trong truyện ngắn ấy, để cứu đứa trẻ, tên cướp đã đập vỡ một cái bình cổ của kẻ khác. Thông điệp của Nguyễn Huy Thiệp ở truyện ngắn ấy là: “Muốn đến được bờ bến mới đôi khi phải phá vỡ cái cũ”. Khuôn mẫu của cái cũ (miệng chiếc bình cổ) trói buộc thế hệ trẻ (cổ tay đứa trẻ), vì vậy, muốn giải phóng cần phải phá bỏ (đập bể).
 Đưa được chiếc thuyền vó cập bến bờ hạnh phúc phải trải qua giông bão, khó khăn, phải đấu tranh quyết liệt chứ không phải muốn là được. Tiếp cận với bến trước tiên vẫn là thế hệ trẻ (thằng Phác), và chỉ có thế hệ trẻ mới giải quyết được mâu thuẫn nội tại của thế hệ, môi trường sinh ra nó. Mong muốn chiếc thuyền cập bến còn biểu hiện qua ánh mắt đau đáu của ông lão ngoài sáu mươi, ánh mắt mong muốn con cháu đổi đời.

          Thông qua câu chuyện đời thường với ngôn từ giản dị, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu gợi cho người đọc biết bao điều suy nghĩ. Chắc chắn, đối tượng phục vụ nhắm đến của tác giả khi viết tác phẩm này không phải là những người như vợ chồng người đàn bà làng chài mà là những người lãnh đạo các cấp. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của Văn học Việt Nam thời kỳ hậu chiến, góp phần định hướng nhân sinh quan thời kỳ đổi mới.

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

THÁNG GIÊNG






            Tháng giêng
            Non tơ chồi lộc
            Ríu rít
            Tiếng chim sẻ đàn
            Tóc liễu mơn man
            Nghiêng nghiêng làn gió nhẹ.

            Tháng giêng
            Thơm mùi hoa huệ
            Thơm mùi hương trầm
            Bãng lãng chiều bình an
            Em đi chùa lễ Phật.

            Tháng giêng
            Cỏ mượt triền đê
            Hơi thở em
            Nép vào ngực anh
            Lắng nghe tiếng trống hội làng
            Lần đầu hò hẹn
            Trăng lên.

            Tháng giêng
            Ăn nghiêng bồ lúa
            Tháng giêng
            Ngày rộng tháng dài
            Tháng giêng
            Đỏ má em tôi
            Tháng giêng
            Mưa bụi đầy trời
Tháng giêng…