Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

EM LÀ CÔ GÁI CHÂN QUÊ



          Em bé nhỏ giữa cuộc đời cao rộng
          Không xinh tươi, duyên dáng mĩ miều
          Ba má suốt một đời cơ cực,
          Nên học hành cũng chẳng được bao nhiêu.

          Em hạnh phúc bên bếp hồng của má
          (Và đôi  khi làm mồi nhậu cho ba),
          Việc nhà nông cuốc cày trồng tỉa
          Bàn tay em chai cứng theo mùa.

          Em quen với cuộc đời bình dị
          Mặc người ta nhung gấm lụa là
          Áo trễ cổ, khoe lưng, hở rốn
          Tóc nhuộm vàng, tay xách ví da.

          Bạn bè gọi em là “hai lúa”
          Con nhà nông, ừ đích thực chân quê
          Nên chẳng thể tô son, đánh phấn
          Ruộng nương kia khuya sớm đi về.

          Em quen với cầu ao bé nhỏ
          Sau buổi làm khỏa nước rửa chân
          Thương con cò như em lam lũ
          Mưa trắng đồng đôi cánh phân vân…

          Thôi anh đừng trêu em nữa nhé
          Để người ta… thương vụng nhớ thầm
          Quên đi mất mình quê mùa chân chất
          Thẹn thùng khi nghĩ chuyện trăm năm.


Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Nghệ thuật so sánh của Nguyễn Tuân qua đoạn trích "Người lái đò Sông Đà"- Ngữ văn lớp 12


    

            Sau khi đọc tập truyện ngắn đầu tay “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân, nhà văn Thạch Lam đã khẳng định: “Nguyễn Tuân là nhà văn có tài năng đặc biệt, một nghệ sĩ có lương tâm, ở đó chúng ta đặt những hi vọng tốt đẹp nhất về sự nghiệp”.
            Thach Lam quả là có con mắt tinh đời. Nguyễn Tuân đã đóng góp lớn cho xã hội trên hai bình diện: nhân cách cao đẹp của con người và những tác phẩm văn học tuyệt bích, chuẩn mực. Chúng ta tiếc vì vốn sống của Nguyễn Tuân dày, tài hoa nhưng ông viết ít, và tiếc hơn là những trang viết của ông  góp mặt trong chương trình giảng dạy bậc Trung học phổ thông không nhiều.

            Chỉ một đoạn trích “Người lái đò Sông Đà” trong chương trình Ngữ văn 12, chưa đầy 7 trang in khổ 17x24 cm, lượng thông tin rất lớn về lịch sử, địa lý, văn hóa dòng sông chảy trong mạch cảm xúc yêu thương nồng thắm, được thể hiện dưới ngòi bút tinh tế, tài hoa của Nguyễn. Bài viết này chỉ khảo sát biện pháp nghệ thuật so sánh, qua đó nhằm giúp các em học sinh nhận thức sâu hơn về một  "tài năng đặc biệt" .

            Trong đoạn trích, tác giả viết 22 câu có sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh. Câu dài nhất có 45 chữ, câu ngắn nhất có 9 chữ. Phân bố câu so sánh trong những trang viết tùy theo việc chuyển tải nội dung, nhưng nhìn chung khá cân đối. Hình ảnh “con Sông Đà hung tợn” có 13 câu so sánh; “con Sông Đà trữ tình” có 7 câu. Tỉ lệ hai câu liên tiếp có sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh trở lên chiếm gần 1/3 số câu so sánh (7/22).
            Đọc văn Nguyễn Tuân, chúng ta thấy luôn tươi mới. Chỉ 22 câu dùng biện pháp nghệ thuật so sánh nhưng có tới 10 cách so sánh khác nhau, một tỉ lệ rất cao, rất khó đạt được nếu người viết không dày vốn sống và tâm hồn luôn trong sáng, tinh tế, nhạy cảm. Đây là một trong những điểm mạnh tôn lên phong cách độc đáo.
            “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Tác giả sử dụng biện pháp so sánh bằng miêu tả sự vật ít tương đồng, giữa hình ảnh nhà cao tầng, tắt phụt đèn điện với những vách đá dựng đứng của “yết hầu” Sông Đà, nơi có lần con nai, con hổ nhảy qua.
            Cũng có câu văn, mới đọc qua không thấy tác giả dùng biện pháp so sánh, nhưng kỳ thực đây là câu so sánh ẩn ý rất đắt, làm tiền đề cho đoạn văn sau. Hình ảnh “cánh quạ đàn” biểu trưng cho cái chết đang rình rập: “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang lừ lừ những cánh quạ đàn”.
            Để miêu tả tiếng thác nước giữa núi rừng thâm u, Nguyễn Tuân rất tài tình dùng các cung bậc cảm xúc của con người: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Độc đáo hơn, tác giả dùng hình ảnh đối lập, lấy âm thanh của lửa để miêu tả tiếng gầm gào của nước: “ Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Và ở một đoạn khác, hình ảnh ngọn sóng – ngọn lửa được miêu tả rất bất ngờ, tinh tế: “Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng”.
            Miêu tả hình ảnh người lái đò vượt qua sóng thác, Nguyễn Tuân so sánh bằng các thế dánh của võ thuật: “Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá, mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”; “Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”.
            Người đọc cảm nhận rõ hơn sự nguy hiểm khi Nguyễn Tuân dùng nhiều động từ liên tiếp để so sánh: “Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm”
            Cách viết của Nguyễn Tuân hiện đại, giàu sáng tạo nhưng cũng có đoạn ông trích dẫn người xưa  hay dùng cách nói dân gian trong so sánh: “Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”.
            Khi miêu tả “con Sông Đà trữ tình”, cách so sánh của Nguyễn đậm nét tài hoa, tinh tế, giàu vốn sống, hiểu biết sâu sắc: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, hay: “Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.
            Bằng sự chiêm nghiệm tâm lý con người, Nguyễn Tuân có cách so sánh thú vị miêu tả vẻ đẹp của dòng sông: “Chao ôi, trông con sông như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.
            Hình ảnh con Sông Đà tĩnh lặng, thơ mộng, nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn của người đọc được tác giả so sánh bằng mối liên hệ độc đáo với lịch sử, với cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.

            Đọc văn Nguyễn Tuân chậm rãi, nghiền ngẫm mới thấy hết được cái hay, cái đẹp bởi lượng thông tin phong phú, đa chiều. Chẳng hạn, câu văn: “Con Sông Đà tuon dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”, vừa thể hiện tài hoa của Nguyễn vừa chứa đựng một lượng thông tin lớn. Bình thường, viết: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc” đã có hình ảnh rồi, nhưng Nguyễn thổi hồn cho dòng sông mềm mại, lãng mạn hơn bằng cách dùng điệp từ “tuôn dài tuôn dài”, rồi định ngữ “trữ tình” cho “áng tóc”. Chưa hết, con sông được quan sát từ trên cao (máy bay): “đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”. Cái tài của Nguyễn Tuân là ở trên cao nhìn xuống dưới để rồi lại miêu tả độ cao khác: “mây trời Tây Bắc”. Nhưng lãng mạn biết bao, ở xa tít “mây trời Tây Bắc” mà Nguyễn thấy: “bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Câu văn được miêu tả kết hợp giữa thị giác và tâm thức. Động từ “bung” miêu tả sức sống mạnh mẽ hoa ban hoa gạo, còn “cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” cung cấp cho người đọc về thời gian đốt nương làm rẫy của đồng bào Mèo (nay gọi là H.Mông hay Mông)…

            Văn Nguyễn Tuân kén độc giả, bởi suy cho cùng, ông không “chiều” theo số đông  mà dễ dãi trong dùng từ, đặt câu hay sử dụng cẩu thả những biện pháp tu từ như: ẩn dụ, hoán dụ, ngoa dụ, tượng trưng, so sánh…Kho từ vựng của Nguyễn Tuân rất phong phú, ông thỏa sức sử dụng khối tài sản giàu có đó. Vì vậy, khi thưởng thức những tác phẩm của ông, người đọc cần chuẩn bị tâm thế, thời gian. Chỉ xem xét một biện pháp nghệ thuật so sánh trong một đoạn trích ngắn, chúng ta đã phần nào cảm nhận được tài hoa, tinh tế của Nguyễn Tuân. Nhưng để thấy được ánh sáng lấp lánh như kim cương trong từng trang viết của ông, chúng ta không thể không nhìn ở nhiều góc độ khác.

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

ĐÊM TRĂNG MÙA GẶT



          Con thuyền gối bãi dưới trăng
          Gió đưa hương lúa
          Cánh đồng
          Ngọt thơm.
          Đường quê vàng sáng rạ rơm
          Thoảng nghe cuối xóm tiếng đàn vọng xa.
          Sương treo lấp lánh cánh hoa
          Lung linh ánh điện hay là ánh trăng?

          Ngang trời một vệt sao băng
           Em
          Hay tiếng sóng
          Thì thầm
          Ước ao?
          - Muôn ngàn tinh tú trên cao
          Đố anh đoán trúng ngôi nào của em?
          - Sao như đồng lúa chín vàng
          Càng say sưa ngắm
          Anh càng
           Đoán sai.
          (Giá như ôm được đất trời
          Từ lâu em đã là người…của anh!...)
          Đêm trăng ngọt giọng môi xinh
          Ước sau mùa gặt
          Chúng mình…
          …Cưới nhau.

          Hoa cau đượm thắm hương trầu
          Trăng vàng
          Đồng lúa
          Nhuộm màu vàng trăng.
          Em vui chân bước bên anh
          Đêm trăng mùa gặt có thành nhân duyên?

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

HỒNG TRẦN GẶP CUỘI



     Hồng Trần ngã lưng xuống triền đê, thư thái ngắm trăng. Bỗng một luồng sáng từ không trung xẹt xuống bên cạnh. Quay sang, thấy một người mặt trẻ con, dáng vóc cụ già nhưng xem ra rất nhanh nhẹn. Hồng Trần không biết chào sao cho phải phép thì vị thần tiên cất tiếng:
     - Ta là Cuội. Tuổi ta bằng tuổi cao tổ ông nội ngươi, thế nhưng thế gian cứ gọi ta là thằng, lịch sự hơn một chút là chú. Thôi, ngươi gọi ta là Cuội là được!
     Hồng Trần khoanh tay:
     - Con chào Cuội! Chẳng hay Cuội ghé trần gian làm gì ạ?
     - Ta đi học.
Hồng Trần nghĩ “Thần tiên cũng phải đi học? mà Cuội học cái gì nhỉ?”. Như đoán được suy nghĩ của Hồng Trần, Cuội cười, hỏi:
     - Ngươi băn khoăn ta đi học gì, phải không?
     - Dạ, đúng vây!
      - Ta là Cuội không đi học lừa thì học gì đây. Ta không học cho tử tế thì đừng hòng sống ở thiên đình.
     Hồng Trần ngắt một lá cỏ, đưa lên miệng nhấm, hỏi:
     - Sao Cuội không học trên thiên đình mà phải xuống trần gian? Với lại trần gian đâu có trường nào dạy lừa?
Cuội cười ha hả, vỗ vai Hồng Trần:
     - Hồng Trần ơi là Hồng Trần, ngươi vô tư quá đi! Đúng, không có trường nào trương biển dạy lừa nhưng trường nào cũng lừa cả. Cách học của ta là “Đi một ngày đàng học một sàng lừa”. Ta khác ngươi ở chỗ cùng đi trong nhân gian, ngươi chỉ xem cái đang diễn ra, còn ta xem cái đang diễn ra ấy có chỗ nào là lừa lọc không?
     Như chạm phải lòng tự ái, Hồng Trần bực bội:
     - Cuội hãy chỉ cho con trường nào cũng lừa xem nào?
    - Ta hỏi ngươi, khi tiếp thị “Tư vấn mùa thi”, các trường Đại học đều nói với học sinh phổ thông là sau khi ra trường trên 85% có việc làm, đúng không?
     - Dạ, đúng vậy!
     - Thế họ có thống kê những học sinh sau khi ra trường có việc làm rồi công bố trên website của trường không?
     - Dạ, làm gì có!
     - Ta biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Thống kê, hơn 68% sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Vậy ngươi xem, đó có phải là lừa không?
Hồng Trần gãi tai:
     - Cái này thì đúng.
Nhưng có vẻ chưa phục lắm, hắn nói:
     - Đó là ở trường Đại học, còn trường phổ thông thì sao?
Cuội véo tai Hồng Trần, cáu:
     - Thôi ta nói nhanh để khỏi mất thời gian. Ta nói xong nếu không đúng ngươi cứ nhè đầu ta mà nhổ. Ta hỏi ngươi, các trường thực hiện chỉ tiêu Hội nghị cán bộ công chức đầu năm học như thế nào? Nâng cao chất lượng môn học ư? Được thôi, để khỏi ảnh hưởng đến xét thi đua cuối năm, giáo viên nâng khống kết quả học tập học sinh cho ngang hoặc vượt chỉ tiêu. Còn cách an toàn hơn là khi kiểm tra thì lơ đi cho học sinh chép bài nhau, giở tài liệu hay ra đề kiểm tra “sát sàn sạt” bài tập đã chữa khi dạy thêm. Thi cử thì chạy giám thị, chủ tịch hội đồng coi thi…Vậy đó có phải là lừa nhau không?
     Hồng Trần im lặng, bây giờ mới hiểu ra qua lời lẽ của Cuội. Theo cách nhìn ấy thì …đúng thật, đâu cũng lừa đảo. Cuội khai sáng cho hắn, còn Cuội rút ra bài học gì ở trần gian này nhỉ? Nghĩ thế, hắn hỏi:
     - Cuội này, cái gì ở nhân gian Cuội tâm đắc, đem về ứng dụng trên thiên đình?
     Lấy trái bầu đeo ở bên lưng, tu một ngụm nước, thở ra cái bong bóng, Cuội trả lời:
     - Cái ta tâm đắc nhất và vận dụng trên thiên đình thành công nhất là báo cáo thành tích, báo cáo tổng kết.
Ngẫm nghĩ một hồi, Hồng Trần lại hỏi:
     - Như lũ lụt ở miền Trung, chẳng lẽ báo cáo sai về thất thoát tài sản, người chết, người mất tích sao?
     Cuội uống hớp nước nữa, đưa trái bầu cho Hồng Trần.
     - Ngươi chắc khát rồi, uống một hớp đi!
Hồng Trần nhấp một ngụm, vị nước ở thiên đình  ngọt và mát làm sao.
     - Nước giếng tiên có khác, không trách gì thần tiên sống mãi.
     - Ha…ha…ha…nước sông này thôi, ta không lừa ngươi mà ngươi tự lừa mình đấy nhé. Đâu phải cái gì của thần tiên là cũng thần tiên, nhiều lúc còn phàm trần hơn cả phàm trần nữa…
Hồng Trần ngơ ngác đến tội nghiệp, Cuội vuốt tóc hắn, an ủi:
     - Ngươi thật thà quá, giờ ta hỏi lại ngươi rồi từ đó ngươi tự trả lời câu hỏi của mình nhé. Về diện tích lúa, hoa màu bị lũ cuốn, cứ cho rằng năng suất cao nhất, cái đó tính được, đúng không?
     - Dạ, đúng!
     - Diện tích nuôi trồng thủy sản có trên bản đồ rồi, nhưng có chỗ chưa nuôi, có chỗ bỏ hoang, có chỗ mới thả giống, nhưng khi báo cáo cứ quy sắp thu hoạch, điều đó chỉ Hà Bá biết chứ người làm sao biết được, đúng không?
     - Dạ, đúng!
     - Thế theo ngươi, như thế đã đủ cơ sở viết báo cáo láo chưa?
     - Dạ, đúng rồi!
     Cuội thở dài:
    - Ta mang tiếng lừa người suốt mấy ngàn năm, nhưng giỏi lắm ta chỉ lừa chú ta, chục người ngoài xã hội, so với bây giờ thì trình độ của ta còn thua xa lắm. Ngươi có biết miền Trung bão lụt như thế, dân tình đói khổ như thế mà rất nhiều quan chức giàu không?
Hồng Trần lắc đầu:
     - Thú thật con chỉ biết họ giàu nhưng không biết họ làm gì để giàu như thế.
    - Báo cáo thiệt hại gấp nhiều lần thực tế là lừa để xin ngân sách, để nhận hỗ trợ nhiều hơn. Nhận nhiều thì dễ xà xẻo, đúng không?
     - Dạ, đúng!
     - Nhưng những thứ ấy là bề nổi, thiệt hại của cơ quan nhà nước mới lớn. Chưa biển thủ thì nhân dịp này biển thủ, báo cáo lên chứng từ sổ sách bị lũ cuốn trôi, thế là xong!
     Hồng Trần tròn mắt, kinh ngạc. Đúng rồi, nếu không như thế thì mấy lão chủ tịch, giám đốc, trưởng đầu ngành lại giàu như thế. Nghĩ vậy, Hồng Trần hỏi Cuội:
     - Vậy thì Cuội học lừa ở những người quyền cao chức trọng chứ đi đâu cho mỏi mệt?
     - Ngươi nói đúng, kiểu lừa ở chợ búa, dân dã thì chỉ hơn “trình” ta khi xưa một chút. Còn muốn có “trình” cao hơn, thì đúng như ngươi nói. Nhưng ta cũng cho ngươi biết, ta sẽ học cao hơn nữa, với thầy ngoại.
     Hồng Trần ngạc nhiên:
     - Con tưởng học lừa ở Việt Nam mình cũng đủ rồi, cần chi phải thầy ngoại?
     Cuội đặt tay lên vai Hồng Trần, nhìn thẳng vào mặt hắn, nghiêm túc:
      - Ta sẽ sang Tàu. Ngươi không thấy bọn Tàu lừa lấy được cả mồ mả tổ tiên ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh hay sao? Rồi nghe nói sắp tới lừa thuê đất  những 120 năm ở Vân Đồn – Quảng Ninh nữa. Đối với dân, chỉ cho thuê 30 hay 50 năm, còn Tàu thuê 120 năm, thử hỏi đến lúc ấy con cháu dân Việt có đòi được lại không, hỡi ôi…
     Hồng Trần rụng rời chân tay, nước mắt trào ra. Cuội cũng òa khóc, nói trong nước mắt:
     - Những trò lừa của ta khi xưa cốt để cho nhân gian truyền miệng cho vui,  cho bớt mệt nhọc khi lao đông sản xuất. Còn những chiêu trò lừa bây giờ nó an nguy tới vận mệnh quốc gia rồi. Ta nói vậy để ngươi biết phải làm gì rồi chứ?

     Cuội bay lên cung trăng, tà áo phất phơ sáng lấp lánh. Cơ duyên gặp Cuội làm Hồng Trần vỡ lẽ nhiều điều. Đúng rồi, phải tập hợp anh em, bạn bè, chiến hữu nói cho họ hiểu điều mình mới lĩnh hội, từ bỏ lối sống vô cảm để hành động cho đúng. Nghĩ vậy, Hồng Trần như cảm thấy trách nhiệm đang đè nặng lên vai mình…

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

NHỮNG VIÊN SỎI THẦN



      “Tại sao chúng em phải học những điều ngu ngốc này?”
Trong tất cả những câu hỏi và phản đối mà tôi đã nghe từ học trò của mình suốt bao nhiêu năm dạy học đây là câu mạnh nhất. Tôi trả lời học trò bằng một câu chuyện như sau.

     Một đêm, một đám người du mục chuẩn bị nghỉ đêm giữa đường thì bất ngờ họ thấy mình bị bao quanh bởi một luồng sáng. Họ tin là thiên thần đang đến với họ. Họ chờ đợi với niềm tin rằng thiên thần sẽ nói cho họ những điều quan trọng chỉ dành riêng cho họ thôi. Một giọng nói vang lên: “Hãy nhặt tất cả những viên sỏi xung quanh. Bỏ chúng vào trong túi mang theo bên mình. Hãy đi một ngày và đêm mai các anh sẽ thấy vui mừng và cả nỗi buồn”.
     Sau khi thiên thần biến mất, những người du mục ngạc nhiên và thất vọng. Họ chờ đợi một khám phá lớn, những bí mật giúp họ trở nên giàu có và làm chủ thế giới. Nhưng thay vào đấy họ làm một công việc cỏn con không có ý nghĩa gì cả. Dẫu sao, nghĩ đến lời nói của thiên thần, mỗi người cũng nhặt vài viên sỏi bỏ vào túi dù không hài lòng chút nào. Đi suốt một ngày, khi đến lúc dừng chân cắm trại, mở túi ra họ thấy những viên sỏi đã trở thành những viên kim cương. Họ vui mừng vì có kim cương nhưng buồn tiếc vì đã không lấy thêm vài viên sỏi nữa.

     Tôi có một cậu học trò tên là Alan, từ thời kỳ đầu tiên đi dạy học đã chứng minh chuyện trên là sự thực. Khi Alan học lớp 8, cậu bé này rất giỏi “gây chuyện” và hay bị đuổi học. Cậu trở thành một tên “anh chị” trong trường và trở thành bậc thầy về “chôm chỉa”. Mỗi ngày tôi cho học trò học thuộc những câu danh ngôn. Khi điểm danh, tôi đọc đoạn đầu của câu danh ngôn. Để được điểm danh, học trò phải đọc nốt phần còn lại của câu danh ngôn. “Alice Adam – Không có thất bại ngoại trừ…”
     “không tiếp tục cố gắng, em có mặt thưa thầy Sehlatter”.
Như vậy, đến cuối năm, học trò của tôi nhớ được khoảng 150 câu danh ngôn. “Nếu bạn thấy chướng ngại, bạn đã rời mắt khỏi đích đến”. “Người cay độc là người biết giá cả mọi thứ nhưng chẳng biết giá trị của cái gì cả”. Và tất nhiên câu danh ngôn của Napoleon Hill “Nếu bạn nghĩ ra nó, và tin vào nó, bạn có thể đạt được nó”. Alan là người phản đối nhiều nhất về cách học này. Một ngày kia cậu bị đuổi khỏi trường và biến mất suốt 5 năm. Một ngày nọ, cậu ta gọi điện thoại cho tôi. Cậu ta vừa được bảo lãnh ra khỏi trại cải tạo.
     Sau khi cậu ta bị ra tòa và cuối cùng bị chuyển đến trại cải tạo trẻ vị thành niên vì những điều mình đã làm, cậu ta chán ghét chính bản thân mình và cậu đã lấy dao cạo cắt cổ tay mình.

     Cậu kể: “Thầy có biết không, em nằm trong đó mà khi sự sống đang chảy ra khỏi thân thể em, em chợt nhớ đến câu danh ngôn thầy đã bắt em chép đi chép lại 20 lần: “Không có sự thất bại nào trừ việc không tiếp tục cố gắng”. Và đột nhiên em thấy nó có ý nghĩa. Nếu em còn sống, em không thất bại, nhưng nếu em để cho mình chết, em sẽ thất bại hoàn toàn. Vì thế, với sức lực còn lại, em gọi người đến cứu và bắt đầu một cuộc sống mới”.
     Khi cậu bé nghe câu danh ngôn đó, nó là viên sỏi. Khi cậu cần một chỉ dẫn vào thời điểm quan trọng của cuộc đời, nó trở thành viên kim cương. Và khi tôi nói với bạn, hãy tìm cho mình nhiều viên sỏi, và bạn sẽ được những viên kim cương.

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

NGHE CA VE HÁT "KHÚC HÁT SÔNG QUÊ"



          Em đừng hát “khúc sông quê”
          Để anh mong nhớ ngày về cố hương
          Cách xa ngút ngát dặm đường
          Lắng bao kỷ niệm yêu thương ngọt ngào.

          Bồi hồi giọng hát vút  cao
          Như đang hòa tiếng sáo diều vi vu
          Trào dâng bao nỗi ưu tư
          Quê hương thấm đượm lời ru tháng ngày.

          Hát đi em, uống cho say
          Cho quên đi cái kiếp này trầm luân
          Cho dù vẩn đục tấm thân
          Giọng ca em vẫn trong ngần vút cao.

          Nhớ thương bến nước Ninh Kiều
          Em đem tình ấy phổ vào miền Trung
          Môi cười mà mắt rưng rưng
          Để người nghe cũng trào dâng nỗi sầu.

          Em buồn anh có vui đâu
          Đời chưa dâu bể cũng “giàu gió sương”
          Tủi sao thân gái dặm trường
          Sa chân lỡ bước nẻo đường tối tăm…

          Ra về lòng những băn khoăn
          Mai đây em sẽ ôm cầm thuyền ai?
          Nhục vinh cũng một kiếp người
          Em như tôi cũng một thời chân quê!

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

CU BI ĐI HỌC



      Quê tôi chưa có lớp mẫu giáo nhỏ và nhỡ, chỉ có lớp mẫu giáo lớn. Thấy các anh chị hàng xóm mang ba lô con gấu, con gà đi học cu Bi thích lắm. Mới đầu hè đã đòi bố mua ba lô “siêu nhân” để đi học. Ngày mai đi học mà tối nay mười một giờ vẫn chưa ngủ. Bố mó đe: “Con không ngủ thì mai bố không cho đi học đâu!”.

     Ngày đầu tiên đi học về, bà nội hỏi:
     - Đi học vui không cháu?
Cu Bi trả lời:
     - Dạ, cháu cũng không biết nữa.
     Sang ngày thứ ba, bố nó nói: “Cu Bi, đi học kẻo trễ giờ”, cu Bi kéo lết cái ba lô “siêu nhân”, nói với bố:
     - Bữa ni (nay) nắng, nghỉ một bữa được không bố?
Bà nội ở nhà một mình buồn, nên phụ họa:
     - Trời nắng cho cháu nghỉ một bữa đi!
     Một tuần trôi qua, hôm đó trời mát, cu Bi lại nói với bố:
     - Lâu lâu trời nhim (râm mát) cho con nghỉ một bữa, bố.
Bố nó xách lên xe, nạt:
     - Trời nắng đòi nghỉ, mưa đòi nghỉ, trời nhim cũng đòi nghỉ thì nghỉ học luôn đi!
Cu Bi tưởng thật, hỏi lại:
     - Bố cho con nghỉ thật ạ?
Bố nó không nói gì, đét một cái vào mông, chở nó đi.
     Tối, bố nó nói với mẹ nó:
     - Có lẽ phải mua cái xe “lợp tôn” chở cu Bi đi học chứ bữa thì kêu nắng, bữa kêu mưa, bực không chịu được.

     Chuyện cu Bi đi học tôi nghe mẹ tôi kể lại. Hôm ấy, đi học về, thấy tôi, cu cậu mừng lắm. Nó ôm tôi, nói nhỏ vào tai:
     - Bác mới ở “tong” Nam ra ạ. Mai bác nói bố cho cháu nghỉ một bữa chơi với bác.
Tôi ôm hôn nó, hứa sẽ xin bố cho nó nghỉ học một ngày.  Nó mững lắm, nhảy tưng tưng, đùa giỡn với con chó Đốm. mẹ tôi nói:
     - Cu Bi mừng bác về phải không?
Nó hồn nhiên:
     - Mai cháu được nghỉ học bà  ạ.
     Xẩm tối, mẹ nó đi làm về, lôi nó ra tắm, phát hiện phía sau dái tai phải bị xước,  máu chảy đã đông lại.
     - Sao tai con bị xước, chảy máu?
Cu Bi ngập ngừng:
     - Dạ…bạn An…cấu ạ.
Mẹ nó phát cho một cái vào mông, la:
     - Hôm trước mẹ nghe cô nói con nghịch, hay trêu chọc bạn lắm, không lo học hành chi (gì) cả.
Cu Bi im lặng. Mẹ nó hỏi tiếp:
     - Được mấy cờ bé ngoan rồi?
     - Dạ, bốn cờ.
     - Hôm qua con nói được ba cờ kia mà, nói láo chết với mẹ!
     - Thì hôm nay được một cờ nữa là bốn.
Mẹ nó xảnh xảnh:
     - Vô lý, để mai mẹ hỏi cô, trêu chọc nhau răng (sao) mà có cờ.
     Cu Bi im lặng. Đêm nó ngủ với tôi. Tôi kể cho nó nghe chuyện “Sọ Dừa”, “Cô bé quàng khăn đỏ”…Nghe xong mỗi câu chuyện chỗ nào chưa hiểu nó hỏi. Rồi nó cũng đưa ra những nhận xét rất trẻ con nhưng không  phải không đúng. Chẳng hạn, nó nhận xét về cô bé quàng khăn đỏ:
     - Cô bé quàng khăn đỏ chưa thật yêu bà, bác ạ.
     - Sao chưa yêu hả cháu?
     - Bà nội đi đằng xa cháu biết liền. Tiếng bà nội nói cháu biết liền. Cô bé quàng khăn đỏ không nhận ra mặt bà, không nhận ra tiếng nói của bà là không yêu bà, bác ạ. Yêu thì phải biết chứ?
Mẹ nó ở dưới bếp, nghe tiếng cu Bi, nạt:
     - Bi, để bác ngủ, bác đi đường xa về mệt!
Nó im lặng, một lúc rồi nói thầm vào tai tôi:
     - Mai bác xin bố cho cháu nghỉ học nhá.
Tôi cũng ghé vào tai nó, thì thào:
     - Bác hứa rồi, nhưng có chuyện này cu Bi phải nói với bác, vì sao tai cu Bi bị chảy máu?
Nó lại thầm thì:
     - Cô giáo nhéo tai bác ạ.
Tôi hỏi:
     - Sao cháu nói dối mẹ?
Cu Bi nói:
     - Cô giáo dặn nói như vậy bác ạ.
     Tôi thở dài, nó ôm tôi ngủ. Sáng sau bố nó cho nghỉ học một bữa nhưng phải viết mấy dòng chữ số 3. Cu cậu lấy vở ra nhưng xem chừng không thích tập viết lắm.
     - Sao cháu không thích tập viết?
     - Cô giáo nói phải đúng từng ô li nên cháu viết mỏi tay lắm.
     Tôi dạy cháu cách cầm viết, nó thấy thoải mái hơn. Tôi lấy mấy tờ lịch cũ, lật phía sau, bảo cháu:
     - Cu Bi viết số 3 vào đây cho bác, cháu thích như thế nào thì viết như thế ấy.
Tôi uống trà, cu Bi viết, độ nửa tiếng sau nó đưa cho tôi hai tờ lịch đầy số 3 các kiểu. Tôi bảo cháu:
     - Bây giờ bác cháu ta “hóa phép” cho số 3 nhé!
     Trên những số 3 của nó tôi thêm nét thành hình đàn chim bay, ghi đông xe đạp, cái cung, cây đàn ghi ta…Cu Bi khoái chí lắm, tôi hỏi:
     - Còn số 3 này cháu “hóa phép” cho cái gì nào?
Nghĩ ngợi một lúc, nó vẽ được quả bầu.
     - Cu Bi giỏi lắm, thông minh đấy. Giờ cu Bi có viết đẹp năm dòng chữ số 3 bố cho không?
     - Dạ, cháu viết được bác ạ!
     - Nhưng viết phải đúng mẫu nghe cháu.
     Nó “dạ” rồi vui vẻ ngồi viết.
     Chiều. Bố nó về. Nó đưa vở ra khoe:
     - Bố, con viết đẹp không?
Bố nó hỏi lại:
     - Có thật con viết không đó?
     - Thật mà, bác dạy thích hơn cô dạy bố ạ. Hay mai con ở nhà học với bác được không bố?
     - Được chi mà được, nghỉ học luôn răng mà lên lớp một.
Nó tiu nghỉu quay vào, nói với bà nội:
     - Mai cháu phải đi học rồi.
     Ăn cơm chiều, cu Bi ngồi bên tôi ra chiều thân mật lắm. Bố nó mang thùng bia ra uống. Em kế tôi bên Thái Hòa sang, nói với bố cu Bi:
     - Chú mang chai rượu ra cho anh, anh không uống bia. Uống bia chỉ tổ đi đái, mất ngủ lắm.

     Sáng hôm sau, em dâu tôi soạn ba lô cho cu Bi đi học. Cu Bi cầm một lon bia bỏ vào ba lô. Mẹ nó ngạc nhiên:
     - Sao con bỏ lon bia vào đây?
     - Dạ, để con uống.
Như không tin vào tai mình, em dâu tôi quát:
     - Bi, nói lại cho mẹ nghe xem nào!
Nó mếu máo:
     - Vào lớp học cô bắt cả lớp đi đái, con không đái được cô đét một cái. Khi đang học con muốn đi đái cô không cho.
     Tôi chợt hiểu, can em dâu:
     - Được rồi, chuyện này nói sau, sáng nay bác chở cu Bi đi học nhé!
     Tôi chở cháu đến cổng trường rồi kín đáo quan sát lớp cháu học. Chuyện cả lớp đi tiểu đúng như cu Bi nói thật. Tôi vào trường, dạo quanh một vòng. Trường lớp xập xệ, chật chội quá. Mỗi lớp học chừng hai chục mét vuông, không cửa sổ, tường xây nham nhở. Ba chục đứa trẻ, mỗi đứa ngồi trên một cái ghế nhựa thấp, khom mình tô tô vẽ vẽ, ho he một tí là cô giáo quát…
     Tôi  đến chỗ em tôi làm việc, lôi lên xe chở đến trường bắt mục kích một buổi học cháu Bi. Xem chán, em tôi thở dài:
     - May mà quê mình không có lớp mẫu giáo nhỏ và mẫu giáo nhỡ!