Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXVIII

     Ông Tám Cá đi ngược suối cạo rêu đá. Quái lạ, phía trước mặt ông sao sáng bửng như thế? Lâu nay lội suối ở đoạn này không có đồng hồ khó mà biết quãng thời gian nào. Tán cây kín bưng tạo cảm giác thâm u, cô tịch. Lội vào bờ đi cho nhanh, thì trời ơi, hai bên suối cây gỗ bằng bắp vế trở lên bị dốn hàng loạt, mà toàn là gỗ quí. Lên đoạn nữa thì gặp những đoạn hào vương vãi vài ba khúc củi, mấy chục cục than cỡ nắm tay. Thì ra bọn chúng đốt than. Nhảy xuống hào, sờ vào vách thấy còn nóng, ông Tám Cá quyết định trở về lâm trường.
     Vào phòng giám đốc ông thấy Minh Chột, Huy, thằng Cần đang ngồi uống nước trà tán gẫu. Thấy ông, Minh Chột ngạc nhiên:
     - Ủa, sao lạc đến đây anh Tám. Trà mới pha, anh uống chén cho vui.
Cầm tách trà từ tay Minh Chột, nhấp một ngụm, ông Tám Cá nói:
     - Bọn chúng đốt than ở đoạn rừng mới trồng ngược lên.
     - Sao, ai đốt, chúng có còn ở đấy không? Minh Chột hỏi dồn.
     - Không còn, nhưng chắc mới đi, vách hào còn nóng. Giờ các anh đi tuần chắc là sẽ gặp.
Minh Chột quay sang hỏi Huy:
     - Ngày hôm qua các ông đi đâu?
     - Khu vực mấy cây lát bị trộm đợt sau.
     - Mẹ khỉ, ở đó còn gì nữa mà tuần.
     - Ông Trí dẫn đi chứ có phải tự tụi tôi đâu.
     - Thôi, đừng cãi nhau nữa, các ông hãy tập trung lực lượng đi tuần đi, để tôi về nói anh em thằng Quân tiếp ứng.
Uống hết chén trà, đứng dậy ông Tám Cá nói:
     - Tôi bảo anh em thằng Quân chặn dọc sông. Các anh chia hai, một bộ phận kiểm soát ở các cửa suối, một bộ phận theo dấu bọn chúng mà đuổi. Bộ phận nào gặp chúng bắn chỉ thiên để biết mà tiếp viện.

     Ra khỏi cửa suối Lồ, chạy ngược lên chưa được cây số thì bắt gặp hơn chục cái mảng xuôi xuống. Mỗi mảng hai người chống, trên mảng sáu bảy bao tải loại 100 kg lèn đầy than. Thằng Cần cho ca nô áp vào chiếc mảng đầu tiên. Thằng Cơ chĩa súng vào gã đàn ông mắt lác đứng đầu mảng.
     - Đứng im, thả sào xuống!
Gã đàn ông cầm sào chống vào mạn ca nô.
     - Chúng tôi mua bán lâm sản có giấy.
     - Giấy tờ sao không trình báo trước lúc khai thác? Lấy ra xem!
Thằng Cơ vừa chếch mũi súng lên, gã đàn ông nhanh như cắt chống sào xuống nước nhảy vọt sang ca nô, mượn đà nhảy đạp thằng Cơ ngã ngồi xuống. Chân vừa tiếp sàn ca nô, tay phải hắn chụp nòng súng, giật mạnh. Khẩu súng rời khỏi tay thằng Cơ nhưng cũng nhờ cú giật đó thằng Cơ đứng dậy được, nó lao vào ôm gã đàn ông mắt lác. Vứt khẩu súng xuống sông, gã giật chỏ ngược lại thúc vào ngực, thằng Cơ bật ra. Nó đang cố giữ thăng bằng để khỏi té ngữa xuống sông thì bị một thằng đứng đầu cái mảng khác quất một sào ngang lưng làm nó ngã sâp xuống. Sự việc xảy ra quá nhanh, thằng Cần chỉ biết há hốc mồm không một phản ứng. Trước tình thế đó, Huy rồ ga bẻ lái, chiếc ca nô nghiêng về bên phải lượn một nửa vòng tròn chạy xuống. Gã đàn ông mắt lác từng bước tiến lại phía Huy.
     - Đứng lại, bước tiếp bước nữa tao bắn!
Huy rút khẩu súng sau lưng, tay cầm súng để xuôi theo thân mình, nghiêng vai trái về phía gã đàn ông mắt lác. Gã vẫn bước tới, lúc này thằng Cần mới mở được miệng:
     - Bắn đi, anh Huy!
     - Ngon thì bắn đi!
Gã đàn ông gằn từng tiếng, tiếp tục bước tới. Huy vừa giơ súng, gã đàn ông nghiêng mình lướt tới tung cú đá. Khẩu súng trong tay Huy văng xuống sông. Thật kỳ lạ, khẩu súng nổi, trôi theo dòng nước.
     - Ha...ha...Súng gỗ! Kiểm lâm xài súng gỗ...ha...ha... 
Gã đàn ông ngửa mặt lên trời cười sặc sụa. Huy đứng nép vào thằng Cần. Chiếc ca nô vẫn trôi xuôi. Nắm chặt nắm đấm, từ từ giơ trước mặt Huy, thằng Cần, gã quát:
    - Tắt máy, để cho mấy cái mảng kia xuôi trước. Hó hé tao đấm bể đầu.
Huy đưa mắt nhìn, thằng Cần làm theo lệnh của gã mắt lác.

     Ông Tàm Cá về đến xưởng mộc thì trời đổ mưa. Cơn mưa thật lớn, dồn dập, mù mịt. Tiếng máy cưa, tiếng dùi đục chìm trong tiếng mưa. Thấy ông, Ngọc Râu hỏi:
     - Con nghe nói chú Tám đi lấy rêu đá?
     - Đang đi lấy mới phát hiện bọn lâm tặc phá rừng đốt than, mà thằng Quân đâu?
     - Dạ, đang chỉ kiểu để thợ chạm cái bàn đằng kia.
Ông Tám Cá đi tới, Quân đang chỉ vẽ cho ba người thợ ngồi quanh gốc gỗ lũa.
     - Ta cắt mặt bàn ngang đây, phía dưới này ta tạc đầu ông thần tài thì thấy ngay hai tay ông nâng mặt bàn. Cắt cái rễ này đi, chỉ cần chạm một cánh tay nâng mặt bàn là sẽ gợi ngay mọi người đế bàn là bức tượng thần tài. Nếu chạm cả ông thần tài thì mất đi giá trị tự nhiên của gỗ. Khuôn mặt, bàn tay chạm thật tinh xảo, còn ống tay áo như chỗ này chỉ vuốt qua nằng giấy nhám là được. Phương pháp này giới chuyên môn người ta gọi là gợi ý ý tưởng...
     Chờ cho Quân nói xong, ông Tám Cá dặng hắng. Mọi người quay lại chào, gật đầu chào lại, ông nói với Quân:
     - Bọn chúng đốt than gần khu rừng mới trồng, giờ chúng đang tẩu tán. Con gọi mấy đứa đi với cha, để thằng Ngọc ở nhà.
     Quân đứng chèo lái, Chính chèo mũi. Mưa trắng xóa mặt sông, gió tạt như hắt nước vào mặt. Cứ ba bốn nhát chèo lại phải đưa tay vuốt mặt. Ông Tám Cá phụ Dũng Nheo tát nước trong khoang thuyền.
     Ngược nước, ngược gió, ngược mưa, con thuyền chậm chạp nhích từng chút, từng chút. Ông Tám Cá nói:
     - Chèo vào bờ rồi kéo thuyền đi khỏe hơn, kiểu này mất sức lắm.
Mũi thuyền trườn lên bờ, bước xuống cầm dây thừng đầu mũi, Chính nói:
     - Hình như có chiếc ca nô xuôi bên kia sông.
Mọi người nhìn sang, đúng thế thật. Ông Tám Cá ngạc nhiên:
     - Sao không nghe tiếng máy?
Vuốt mặt, nhìn xuôi xuống, Quân nói:
     - Có cả mấy cái mảng xuôi trước ca nô.
     - Hay là bọn chúng? Sao không nghe tiếng súng?
Ông Tám Cá phân vân. Ông đã dặn Minh chột, Huy gặp bọn chúng thì nổ súng báo hiệu kia mà.
     - Có lẽ mưa to quá không nghe rõ tiếng súng chăng?
Quân trả lời ông Tám Cá trong phân vân.
     - Chỉ có trạm kiểm lâm mới có ca nô, đuổi theo!
     Lần này xuôi nước nên thuyền đi nhanh, đến khúc sông ngang xưởng mộc thì thấy rõ người trên ca nô. Bỗng nhiên chiếc ca nô nổ máy, quay ngược đầu hướng về chiếc thuyền lao tới. Huy đang cầm lái, mũi chiếc ca nô đã đến rất gần mũi thuyền.
     - Tránh đi! Sao thế ông Huy!
Chính la lớn. Tiếng la vừa dứt thì mũi ca nô trượt qua mũi thuyền, bất ngờ chiếc ca nô bẻ mũi sang trái làm chiếc thuyền lật úp. Rồi chiếc ca nô như điên loạn, vòng ngược lên quay mũi nhằm những người đang bơi dưới nước mà lao tới. Trên ca nô, gã đàn ông mắt lác đứng sát lưng, bàn tay trái gã đặt lên cổ Huy, mồm gã không ngớt chửi tục và ra lệnh Huy điều khiển ca nô theo ý hắn. Thằng Cần nháy mắt ra hiệu cho thằng Cơ nhưng nó vẫn ngồi tựa lưng vào mạn ca nô không nhúc nhích. Mưa vẫn tạt vào mặt như tát nước, không lách mũi ca nô đi chắc chắn người bơi dưới sông kia sẽ chết thế mà hai tay Huy vẫn cứng đơ. Thằng Cần chụp tay lái bẻ ngoặt lại, chiếc ca nô đâm thẳng vào bờ. Đẩy Huy ngã nhào xuống sàn, gã đàn ông mắt lác chụp lấy tay thằng Cần bẻ mạnh. Còn một tay thằng Cần cố giữ cho chiếc ca nô vào bờ. Một chút, một chút xíu nữa thôi...cố lên...Rồi nó la lớn, nã vật xuống sàn ngất đi...
     Không thể điều khiển ca nô được nữa, gã đàn ông mắt lác nhảy xuống bờ. Không thể bơi ra sông được. Mãnh hổ nan địch quần hồ- hắn nghĩ thế, với lại bơi lội không phải là sở trường của hắn.
     Chính là người đầu tiên lên bờ. Vừa đuổi theo gã mắt lác vừa la lớn:
     - Đứng lại! Mày chạy đằng trời cũng không thoát!
     Gã mắt lác nghĩ cứ để hắn đuổi rồi mấy thằng ở sông lên thì rầy rà to. Chi bằng nhân lúc này ta hạ gục hắn thật nhanh, vừa tiêu hao sinh lực địch vừa dằn mặt chúng. Gã đứng lại.
     Cởi cái áo sũng nước vất xuống đất Chính tiếp cận gã mắt lác. Vờn qua vờn lại thăm dò đối phương rồi bất ngờ Chính nhảy tới đấm như máy vào mặt vào ngực địch thủ. Tấn công dồn dập để gã không kịp trả đòn, buộc phải phòng thủ. Thế nhưng chỉ hai bước lùi, những đòn đấm của Chính bị hắn hóa giải. Biết gặp phải cao thủ nên ngừng tấn công là bị phản công, Chính cố gắng nhập nội để có thể ôm được hắn. Gã mắt lác như đọc được ý đồ của Chính nên bất ngờ trầm mình xuống, bỏ tấn ngược, xoay người tránh gọn những cú đấm đồng thời tung cú đấm móc bằng tay trái. Hự..ư...Chính trúng đòn ngã ngồi xuống bãi. gã mắt lác lao tới với cú đá bạt sơn kinh người. Lăn qua một vòng, tránh được cú đá, Chính ném vốc bùn đất vào mặt hắn, gã mắt lác lùi lại, nhân cơ hội đó Chính đứng dậy được.
     Lúc này Chính không thể tấn công gã mắt lác được nữa mà chủ yếu né tránh chờ mọi người lên. Những miếng đánh của gã mắt lác mỗi lúc một hiểm, tốc độ ra đòn dồn dập, dứ trên đánh dưới, nhá trái đánh phải cứ như ngọn lốc vây lấy Chính.
     Khi Quân tới nơi cũng là lúc Chính dính cú đá xốc của gã mắt lác, anh lao vào chặn được cú đá bồi của gã rồi ngoặc sát đối tấn, khóa luôn bộ ngựa đối phương. Với thế đánh này cả hai chỉ còn dùng tay. Thấy gã mắt lác giở mấy ngón cầm nã nhưng chưa tới độ ảo diệu, Quân quyết định dùng kế "gây ông đập lưng ông". Xỉa bàn tay trái vào mặt khi tầm đánh hơi với, lập tức cổ tay trái Quân bị gã mắt lác gạt qua nắm lại. Hắn chưa kịp vặn ngược cánh tay Quân thì cổ tay trái của hắn bị bàn tay phải của Quân chụp lấy vặn ngược lại đồng thời anh tung cú đá bằng cạnh bàn chân vào bụng hắn. Không phải tay vừa, hắn nhảy lên bung hai chân về phía sau tránh cú đá và xỉa năm ngón tay phải vào mặt Quân. Chỉ chờ có thế, bằng động tác xoay người, Quân dùng lực vai và hai tay quật gã mắt lác xuống đất. Bùn nước văng tung tóe, chặn cạnh bàn chân lên cổ hắn, Quân vuốt nước mưa hỏi:
     - Mày có phải Kiểm Lác?
     Gã mắt lác ứ ự trong cổ họng không nói được. Ông Tám Cá và Dũng Nheo trói xong gã mắt lác thì Huy, thằng Cơ mới tới. Ông Tám Cá hỏi:
     - Thằng Cần sao rồi?
     - Dạ, tỉnh rồi. Huy đáp.
     - Có nặng lắm không?
     - Trật khớp tay. Quai hàm đập vào mạn ca nô gãy mất hai cái răng.
     - Giờ thế này, anh em Quân và thằng Cơ áp tải thằng này đi lên ngang cửa suối Lồ chờ ở đó. Ông Huy và tôi xuống xem thằng Cần ra sao rồi xuôi xuống kiếm cái thuyền của tôi, để mất lấy gì làm ăn.
     Lúc này mưa đã tạnh hẳn, nhặt cái áo, vắt nước, đưa cho Chính, Dũng Nheo hỏi:
     - Đi được không, hay để tao dìu?
     - Không sao, tao đi được
     - Tối nay nhắn cô Diệp vào thoa thuốc cho nhé.
Chính đỏ mặt.
     - Tầm bậy nào, tao với cô ta có quan hệ gì đâu.
Dũng Nheo cười:
     - Được rồi, để đấy rồi biết ngay thôi.
     Chính không nói nhưng thâm tâm cũng nhơ nhớ. Dạo này không có đêm nào không nghĩ về Diệp. Bắt đầu từ cái hôm anh em Quân trồng rừng cho Man Hoa để có thời gian nghỉ đám cưới dài hơn. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà Chính với Diệp được chia thành một cặp. Chính đào hố, Diệp trồng cây, vừa làm vừa nói chuyện. Diệp sắc sảo mà có duyên, Chính bộc trực mà tình cảm. Lúc đầu là chuyện về Man Hoa rồi sau đó về đời tư của hai người lúc nào không hay.
     - Sao anh Chính chưa lấy vợ?
     - Tôi có một đời vợ rồi cô ạ.
     - Xin lỗi, em không biết, vậy chị ấy...
     - Đã lấy chồng nhưng không hạnh phúc, muốn bỏ mà bỏ cũng không được.
Thấy Diệp ngập ngừng có vẻ như muốn hỏi rồi lại thôi, Chính tiếp:
     - Tôi và cô ấy yêu nhau, đã coi nhau như vợ chồng nhưng gia đình cô ấy ép gả đại gia. Thế còn cô sao chưa lấy chồng? Còn kén chọn à?
     - Có ai để ý đâu mà kén với chọn hả anh?
     - Người như cô mà không ai để ý kể cũng lạ.
Chính nói thực lòng. Vóc dáng Diệp mảnh mai, eo thon, làn da bánh mật nhưng bù lại cái miệng cười rất tươi, hàm răng trắng ngà, đôi mắt trong trẻo lắm. Chính chợt nhớ đến câu tục ngữ: "Những người thắt đáy lưng ong/ Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con/ Những người béo trục béo tròn/ Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày" rồi bật cười. Diệp hỏi:
     - Anh vừa chọc em, đúng không?
     - Anh không chọc em đâu.
     - Sao anh lại cười?
     - À, anh chợt nghĩ về câu tục ngữ xem tướng phụ nữ để mà chọn vợ.
     - Anh nói em nghe có được không?
Chính đọc câu tục ngữ. Diệp đỏ mặt, chống chế:
     - Em thuộc vế thứ hai, đúng không anh. Chả thế mà cho đến bây giờ chẳng có ma nào rước.
     - Ma thì không rước rồi. Chỉ người rước thôi. Chỉ sợ có người đòi rước lại tránh như tránh tà.
     - Em mà người nào đòi rước dù là nói đùa em cũng bắt thành thật luôn.
     - Em nói thật chứ?
     - Thật.
     Rồi bỗng nhiên hai người im lặng, lúc gải lao Diệp tháo cái khăn mùi soa buộc làm quai nón đưa cho Chính lau mồ hôi. Một mùi hương thơm tự nhiên làm Chính xốn xang. Diệp lấy từ túi xách chùm dâu da.
     - Anh ăn đi, nó ngọt ngọt chua chua đỡ khát lắm...

     Vừa đi vừa nhớ lại buổi nói chuyện riêng đầu tiên với Diệp, không chú ý nên Chính vấp một cái đau điếng. Dũng Nheo cười:
     - Tâm trí để cả ở lâm trường phải không?
Chính chưa trả lời vì vừa thấy thằng Cơ đi sau nhặt một cái mảnh sành lén bỏ vào túi. Bá vai Dũng Nheo, Chính nói thầm:
     - Tao vừa thấy thằng Cơ nhặt cái mảnh sành bỏ vào túi. Nghi lắm, nó cùng một duộc với thằng Trí Vịt đấy, mày và tao luân phiên để ý kẻo nó nghi. Mày cười lên đi.
Hiểu ý, Dũng Nheo cười thành tràng dài, vừa cười vừa nói:
     - Tao thật hết biết mày...
     Tới ngang cửa suối Lồ, chờ mươi phút thì đã nghe tiếng ca nô chạy lên kéo theo cái thuyền của ông Tám Cá. Nhân lúc mọi người đang nhìn về phía ca nô, thằng Cơ lấy cái mảnh sành đặt vào tay gã đàn ông mắt lác. Hành động đó không qua được mắt Dũng Nheo. Chờ cho mọi người lên ca nô, đến xoa má thằng Cần, Dũng Nheo nói bâng quơ:
     - Bài toán đã có lời giải.

    
 

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXVII

     Nguyên Mạnh chỉ cho Quân cách nhận đường chồn, cheo đi và đặt bẫy như thế nào cho đúng. Loại bẫy treo làm bằng mấy cọng thép và sợi dây dù khá đơn giản, dễ gài. Hồi chiều, khi chuẩn bị đi săn, thấy Nguyên Mạnh mang theo ba mũi tên cho hai cây ná và hai cái bẫy, Quân hỏi sao không mang thêm tên, thêm bẫy, Nguyên Mạnh cười bảo như thế là dư một mũi tên và dư một cái bẫy.
     Không biết quy định hay tục lệ, dòng họ Nguyên Mạnh đi săn, bẫy thú bao giờ cũng không được bắt quá ba con dù lớn hay nhỏ. Săn cũng theo mùa, tuyệt đối không săn, bẫy vào thời kỳ chúng sinh sản. Nguyên Mạnh giải thích cho Quân hiểu "săn bắt như thế để con cháu sau này còn có thú mà săn". Thế nhưng thời gian gần đây, săn thú ngày một khó vì thợ săn "quí tộc" đông quá, họ sử dụng súng hai nòng, đạn ria nên bắn là trúng, có khi bắn một con bị thương nhiều con khác. Họ săn không kể mùa, gặp thú gì bắn thú đó. Có khi bắn chết con nai chửa để lấy cái thai nai ngâm rượu, thịt lấy không hết, thúi inh rừng.
     Gài xong cái bẫy, đi được một đoạn, cách bờ suối chừng chục mét, hai người bắt gặp một cái hào dài hơn chục mét chạy lên sườn dốc. Miệng hào hơn một mét, đáy hai mét, sâu mét rưỡi. Nguyên Mạnh ngạc nhiên:
     - Đất còn mới, ai đào hào làm gì nhỉ?
Quân trả lời nhưng vẫn băn khoăn:
     - Có lẽ họ đào thăm dò quặng chăng?
Đi một quãng nữa lại bắt gặp một cái hào như thế. Rồi cái nữa, cái nữa...sang bờ suối bên kia cũng vậy. Nguyên Mạnh bảo:
     - Về thôi anh Quân, không có thú đâu.
     - Sao vậy?
     - Hơi người như vậy làm sao có thú.
Tháo cái bẫy, Nguyên Mạnh cười:
     - Đây là lần đầu tiên em đi săn mà không có thú.
     Dọc đường về, Quân cứ phân vân mãi, người ta đào thăm dò quặng hay đào vàng? Mà nếu đào vàng thì phải đãi chứ? Nước suối vẫn trong, đất đào lên vẫn y nguyên.
     - Có lẽ phải báo cho lâm trường hay kiểm lâm để họ biết mà xử lý.
Nguyên Mạnh hỏi:
     - Ngộ nhỡ họ đào để làm việc gì đó thì sao?
     - Có mất gì công sức, ghé qua lâm trường nói với họ một tiếng, nếu họ đào thì ta biết họ đào để làm gì, khỏi phải suy nghĩ cho đau đầu.
     Về đến cổng lâm trường gặp Trí Vịt và thằng Cơ mỗi người mang một khẩu súng hai nòng đi ngược ra.
     - Đi săn sao mà về sớm thế? Thằng Cơ hỏi.
     - Biết không có thú thì phải về thôi anh à. Nguyên Mạnh trả lời.
     - Thế còn hai anh đi săn ở đâu?
     - Từ chỗ rừng mới trồng ngược lên.
     - Nếu hai anh đi vùng đó thì ở nhà cho khỏe.
     - Tại sao? Lúc này Trí Vịt mới lên tiếng.
     - Không biết ai đã đào rất nhiều hào ở trên ấy?
     - Hào có gì không?
     - Chỉ hào đất thôi. Mà anh có biết người ta đào làm gì không?
     - Không biết, à...ừ...mình nghe trên khảo sát cái gì đó thì phải.
     Quân, Nguyên Mạnh đi rồi Trí Vịt mới thở ra, bảo thằng Cơ:
     - May mà bọn chúng mới đào hào chứ chưa chặt gỗ. Mày lên đấy bảo chúng đừng đào hào nữa, chặt gỗ gấp đi, chặt loại gỗ tốt than mới chắc, mới nặng cân. À mà khoan, giờ về lấy hai cái cưa máy cho tụi nó làm cho nhanh. Ngày mai thằng Minh Chột về thị xã họp rồi, mốt mới lên.
     - Thế khi đưa cưa về lỡ có ai thấy thì sao?
     - Mày ngu thế, ngày mai, ngày mốt tao điều hết công nhân băm chồi ở tiểu khu mới trồng. Chín giờ ngày mốt mày kêu mệt, xin về rồi vòng lên đấy lấy về cất, có thánh cũng không biết được!
     Có lẽ trời chưa triệt đường làm ăn của hắn nên cho cơ hội này chăng. Khi nghe thằng Cơ báo mất hết số gỗ lát hắn tức đến nghẹn họng. Tìm gặp thằng Hoàng Vẩu để hỏi cho ra lẽ thì bị mắng tới tấp:
     - Tôi tưởng ông một đời láu cá mà giờ sao ngu thế? Giao gỗ cho ông thì ông phải giao ngay cho người ta chứ. Giờ thì biết đâu mà lần, nhưng tôi dám đảm bảo với ông mấy thằng trộm gỗ cho ông không thằng nào làm chuyện đó đâu, chúng sòng phẳng lắm.
     Nghe Hoàng Vẩu chửi Trí Vịt, một gã có vẻ dân anh chị, đôi mắt vằn đỏ tia máu mà như buồn ngủ, cầm chai rượu và cái hai bát sang. 
     - Kệ cha nó, ông với tôi làm một bát. Trước lạ sau quen, ông là dân làm gỗ à, có gỗ, than bán cho tôi, tôi mua tất.
Nhấp mấy ngụm cạn bát rượu, Trí Vịt hỏi:
     - Ông ở đây còn lâu không?
     - Còn tùy thuộc vào việc thu gom. Nhanh lắm cũng khoảng mười ngày.
     - Ông mua than như thế nào?
     - Tùy thuộc than tốt hay xấu, to hay nhỏ nữa chứ.
     - Loại tốt nhất.
Gã đàn ông ra giá. Trí Vịt quay sang hỏi Hoàng Vẩu:
     - Ông có thể điều động cho tôi mươi mười lăm thằng làm việc trong một tuần được không?
     - Được thôi, miễn tiền bạc sòng phẳng.
     - Lần này không có tiền, trả sản phẩm.
     - Như thế nào?
     - Một tấn tôi hai trăm cân.
     - Mẹ kiếp, ông là lợn hay sao mà ăn dày thế!
     - Đúng ra tôi phải 50% kia. Rừng của lâm trường, kỹ thuật của tôi. Tôi chỉ kỹ thuật đốt ít ra sản phẩm cũng gấp ba cách đốt thông thường. Nói thiệt, nếu không gỡ cái vụ gỗ lát chắc chắn không bao giờ tôi chịu cái giá đó.
     Gã đàn ông kêu vợ Hoàng Vẩu cho thêm dĩa mồi. Gã nói với Hoàng Vẩu:
     - Thôi ông giúp ông ta cũng là giúp tôi. Anh lúc này chú mày lúc khác mà.
     - Đây là ông Hải, Hải Gà. Đừng nhìn đôi mắt như gà rù mà coi thường nhé, ác nanh đấy.
Nghe lời giới thiệu của Hoàng Vẩu, Hải Gà cười cười chứ không nói gì.
     - Chào ông Hải, tôi là Trí, trên đời này tôi đã coi thường ai đâu...
     Thật ra kỹ thuật đốt than này hắn biết là do ngành báo cáo tại một lần tập huấn phòng chống cháy rừng. Ở miền Nam người ta đốt bằng hầm, than nguyên cây rất chắc. Không biết khoét hầm, trổ cửa, làm lỗ thông hơi như thế nào cho đúng cách, hắn bảo thằng Cơ cứ đào hào chặt cây đốt thử. Sắp gỗ đứng rồi tấp đất lên, trừ phía đốt nửa mét, phía cuối hào nửa mét. Khi lửa cháy đều, ngọn lửa phía cuối hào bùng lên là lấp đất kín phía đốt. Khi ngọn lửa cuối hào hạ xuống, khói trắng bốc lên thì tấp luôn. Hai ngày sau moi ra hắn không ngờ cây gỗ dài như thế nào than dài như thế ấy, trở sống rựa gõ vào cứ kêu boong boong, phải đập thật mạnh than mới gãy khúc...

     Minh Chột vừa bước chân lên tàu thì thằng Thuộc bước tới bảo:
     - Lúc sáng anh Thắng tới đây dặn là anh đừng lên lâm trường, chiều nay anh về ty làm việc với anh Ngàn bên công an.
Quay lại quán Rừng Chiều, mới thấy bóng, Mĩ Vân đã ngọt ngào:
     - Anh quên gì à?
     - Quên gì mà quên, chiều nay họp với công an.
     - Có chuyện gì thế anh?
     - Không biết.
     - Thôi để em pha càfê, anh em mình nói chuyện.
Tào lao một lúc, Minh Chột buột miệng hỏi thăm Tường Vi. Mĩ Vân nguýt dài:
     - Anh chưa chiếm đoạt được nên hỏi thăm chứ gì? Đàn ông các anh tệ bạc lắm. Em đã bảo nó là người của ông Huy rồi kia mà. Anh tính đoạt "vợ" bạn sao?
Minh Chột chống chế:
     - Không, hỏi để biết dạo này cô ta có khá hơn không, có chuyện liên quan đến cô ta.
     - Có phải chuyện cô ta mối lái gỗ không? Hình như cái vụ lâm trường anh mất gỗ lát cô ta mối lái đấy.
     - Em cũng biết chuyện này à?
Mĩ Vân nhấp ngụm cafê, nhìn thẳng vào mặt Minh Chột.
     - Vụ ấy anh có tham gia không?
     - Không, làm gì có!
     - Làm gì có...Mĩ Vân kéo dài giọng, sợ em xin tiền chứ gì?
     - Không, anh không có thật mà.
     - Thế mà em nghe bọn buôn bè kháo có người của lâm trường đứng đằng sau đấy.
Minh Chột chợt nghĩ hay là thằng Trí Vịt? Bất chợt nghĩ đến việc trước khi đi họp Trí Vịt đã đến nằn nì:
     - Anh ạ, bọn mua gỗ hẹn cuối tuần mới thanh toán tiền, anh chịu khó chờ chút, em mong anh rộng lượng tha thứ, đừng mang việc cưa đã qua sử dụng báo với sếp.
     Ánh mắt Mĩ Vân như chờ đợi câu trả lời, ánh mắt của yêu thương, chân thành, động viên, khuyến khích. Minh Chột nghiệm ra rằng mỗi suy nghĩ, bức xúc, bực bội của hắn dần được giải quyết khi nói chuyện với Mĩ Vân...ở bên cạnh Mĩ Vân hắn cảm thấy thoải mái, yên tâm, thanh thản lạ.
     - Có người lâm trường đứng đằng sau vụ này thật em ạ.
Rồi Minh Chột kể cho Mĩ Vân nghe chuyện tình cờ phát hiện hai cái cưa đã qua sử dụng thế nào, thái độ Trí Vịt ra sao.
     - Anh đã báo chuyện này với sếp chưa?
     - Chưa em ạ.
     - Vì sao anh không báo?
Minh Chột im lặng, Mĩ Vân nói:
     - Có phải anh định ăn chia với nó không?
Minh Chột gật đầu.
     - Không được đâu anh ạ. Anh mà nhận tiền của nó là anh chết chùm với nó luôn đó. Anh thì ẩu nhưng nó quá láu cá.
Nắm lấy tay Minh Chột, Mĩ Vân rơm rớm nước mắt:
     - Em chỉ lo cho công việc của anh thôi. Những gì ai cho em, giúp em em đều ghi trong sổ hết. Em ghi để nhớ mà trả. Chỉ có anh là người thương em nhất, vô tư với em nhất. Cho nên lúc đầu em làm vốn buôn bán, khi có rồi em dồn lại trả cho anh. Em chỉ tiếc là không được làm vợ anh, nhưng em cầu trời khấn phật, anh cho em đứa con, với em thế là đủ...
     Minh Chột bối rối, lâu nay hắn nghĩ Mĩ Vân chiều chuộng hắn là vì cái ví tiền của hắn. Giọng nói, bàn tay, ánh mắt, cử chỉ của Mĩ Vân như khẩn cầu, như thương xót cho chính Mĩ Vân chứ không phải thương xót cho hắn. Nắm chặt tay Mĩ Vân, Minh Chột nói:
     - Được rồi, anh sẽ làm theo lời em!
Mĩ Vân chùi nước mắt.
     - Trưa nay anh ăn cơm với em nhé, em nấu canh rau đay cua đồng.
     Khi Minh Chột bước vào phòng họp đã thấy Ngàn và sếp Kim đang ngồi uống nước trà nói chuyện.
     - Chào sếp, chào anh Ngàn, tôi tới muộn một chút.
     - Được rồi, ta vào việc ngay, cậu Ngàn triển khai vấn đề chúng ta vừa trao đổi.
Đặt tách trà vào khay, Ngàn nói:
     - Vụ việc mất gỗ lát của lâm trường đã có manh mối. Nói thật, có người của lâm trường đứng đằng sau anh Minh ạ.
     - Anh muốn nói vụ trước hay vụ này?
     - Cả hai vụ.
Minh Chột lấy từ cái cặp ra hộp diêm có chữ ký niêm phong.
     - Sáng nay họp không có sếp nên tôi chưa nói, với lại cũng không biết nói thế nào. Hôm anh Trí đem cưa về lâm trường tôi kiểm tra thì trong mang cá  có mùn cưa. Tôi giao mấy anh trên lâm trường niêm phong để các anh xem xét.
Sếp Kim nói:
     - Vụ việc thế là rõ, không có cưa nào qua sử dụng cả. Khi bàn giao kỹ thuật, ngành chỉ lấy ngẫu nhiên một cái để thử. Cái ấy đang ở trong kho của ngành.
Ngàn tiếp:
     - Chúng tôi tin anh không đứng đằng sau vụ này nhưng chỉ đích xác là ai phải thật đầy đủ chứng cứ. Theo nguồn tin chúng tôi có thì nhóm Cường Gấu không còn ở đây nữa. Vụ trộm gỗ lát thứ hai người thực hiện là dân địa phương. Nhưng gần đây có một nhóm lâm tặc từ Yên Bái dạt sang do thằng Kiểm Lác cầm đầu. Do đó, các anh phải tăng cường tuần tra, kiểm tra.
     Cầm cái hộp diêm, sếp Kim hỏi:
     - Cậu khá thông minh đấy, thế khi lấy mùn cưa cậu có xem kỹ là loại gì không?
     - Chết, chuyện ấy em quên mất!
     - Không sao, bằng chứng này chỉ có giá trị khi đối chứng. Còn bên kiểm lâm sếp đã thực hiện kế hoạch như đã bàn chưa?
Nhấp ngụm trà, vê vê cái tách, sếp Kim chậm rãi:
     - Bên chốt kiểm lâm tôi tăng cường thêm ba người nữa. Từ ngày mai tôi điều anh Huy, thằng Cần sang lâm trường phối hợp tuần tra trong cả tháng cao điểm. Bắt được bọn lâm tặc là phải giao ngay cho công an địa phương, cần rút kinh nghiệm vụ Cường Gấu. Nếu phát hiện bọn chúng, cần tăng cường lực lượng, cậu nói với ông Tám Cá một tiếng. Chúng phá hết rừng của lâm trường thì rừng ông Tám chắc gì còn.
     Đưa tờ biên nhận vật chứng cho Minh Chột, Ngàn bảo:
     - Anh ký vào, giữ một bản. Anh trích cho biên bản nghiệm thu cưa máy cầm tay mà anh đã cho lập gửi cho tôi qua anh Thuộc cũng được. Khi phát hiện lâm tặc anh báo ngay cho chúng tôi để phối hợp. Nhược bằng tình huống gấp thì huy động lực lượng tại chỗ, việc này chúng tôi đã thông báo xuống các xã rồi.
     Tiễn Minh Chột ra cửa, sếp Kim động viên:
     - Việc trồng cây lâm trường cũng tạm ổn rồi, nguyên liệu cho nhà máy giấy có vượt chỉ tiêu, nếu không có vụ mất trộm gỗ thì lâm trường cậu nhận được giấy khen đấy. Cố gắng nhé!
     Ra cổng, đang phân vân vì nên về nhà hay đến quán Rừng Chiều thì gặp Thắng cưỡi Símson chạy tới. Vừa gạt chân chống, vừa phanh xe hết sức điệu nghệ, Thắng hỏi:
     - Anh đi đâu em chở?
     - Cho tớ về nhà rồi cậu kiếm thêm đứa nào thì tùy, ta làm con ba ba uống rượu.
Thắng vừa dừng xe trước sân, chị vợ Minh chột đã đon đả:
     - Chú Thắng lâu quá không tới chơi.
     - Em tới chỉ tốn rượu nhà chị thôi.
     - Chú cứ nói vậy, mấy khi rồng đến nhà tôm.
Thấy Thắng quay xe ra, chị ta hỏi:
     - Sao chú không ở lại chơi?
     - Em đi chút quay lại.
Thắng ra khỏi cổng, Minh Chột nói:
     - Bà ít lời đi một chút có được không. Khách khứa đến ra chào một tiếng rồi chế nước pha trà. Thân tình hay không là ở chỗ hành động chứ không phải bô bô cái miệng. Xuống bếp bắc cho tôi ấm nước!
     - Ông khi nào cũng bắt nạt vợ con. Thằng Cường đang đòi mua cái bình bịch như của chú Thắng ấy. Mấy đứa bạn nó đứa nào cũng có cả rồi.
     - Bình bịch cái con khỉ, chiều cho lắm vào, mẹ kiếp cứ về đến nhà là cứ tiền, tiền, tiền.
Mở tủ không tấy hai chai rượu Chivas 18, Martell X.O, Minh Chột hỏi:
     - Hai chai rượu của tôi đâu?
Chị vợ ấp úng:
     - Tôi đưa thằng Cường biếu ông thầy nó dịp lễ, quà cáp cũng phải bằng anh bằng em chứ, năm nay nó thi tốt nghiệp rồi.
Thấy thẩu rượu ngâm cạn hơn nửa, Minh Chột gằn giọng:
     - Con mẹ nó, rượu ông ngâm cũng làm quà biếu à!
     - Mấy hôm trước bạn nó tới đây, có thức ăn ngon cho chúng uống một chút tiêu hóa cho nó tốt.
     Ra vườn, xả nước bắt ba ba, mười mấy con chỉ còn đúng ba con. Bắt hết, tước cái dây chuối buộc miệng bao, Minh Chột thấy hai vỏ chai rượu nằm chỏng chơ dưới gốc. Xách bao ba ba, cầm hai cái vỏ chai vào nhà, Minh Chột ném mạnh. Tiếng vỡ của vỏ chai làm chị vợ giật mình chạy lên thi thấy Minh Chột mặt hầm hầm, cầm cặp, xách túi ba ba đi ra ngõ.

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XXVI

     Cường Gấu vứt ba lô lên bè, mở néo cùm, sợi song neo bè dài hơn tám chục thước giật tung cây néo xuống nước. Thằng Lạch thu dây néo, nói với Cường Gấu:
     - Lên đi chứ, anh Cường.
Bè xa bờ được dăm mét, Cường Gấu cầm cây sào chạy theo, chống xuống nước nhảy lên bè. Thân hình cao lớn là vậy mà khi tiếp bè cứ nhẹ như không. Thằng Lạch xuýt xoa:
     - Tài quá, tài quá!
     - Có gì mà tài, mày đi bè mà không biết nhảy sào à?
     - Em mới đi lần đầu.
     - Hèn gì.
Nói rồi xách ba lô vào lều, hắn ngạc nhiên vì trong lều có ba thằng thanh niên đang nằm ngủ. Rút cây xeo đầu bè lên, Cát Cụt nói:
     - Cho chúng nó ngủ để tối chúng thức, mình ngủ.
     - Có ba thớt bè mà cần gì nhiều người thế?
Lão Cát Cụt cười:
     - Lâu lâu mình phải nhàn chút chớ, bắt ông thức đêm nhiều ông lại bảo tôi bóc lột thì sao.
Kêu thằng Lạch lên đầu bè, Cát Cụt nói:
     - Khúc sông này lặng, chỉ mình mày cầm lái miễn sao cho bè đi thẳng là được.
Cát Cụt vào lều, Cường Gấu mở ba lô lấy ra gói giấy báo bằng viên gạch.
     - Tiền của ông đây!
     - Ông lấy được à? Tài thế!
     - Có gì mà tài, tôi còn lấy cái này nữa.
Vừa nói hắn vừa móc sau lưng khẩu súng K59. Cát Cụt tròn mắt:
     - Chết, ông làm thế là to chuyện đấy.
     - To gì mà to, tôi làm thế cho chúng nghi kỵ nhau, đấu đá nhau chết luôn.
     - Thằng này mất chức thì thằng khác lên, có khi còn ăn dày chứ béo bở gì đâu. Mà thôi, ông kể tôi nghe làm sao ông lấy được?
     - Ông biết rồi đấy, có ai ngờ thằng Huy cho thằng Cần nghỉ tranh thủ, kêu con Tường Vi, Thảo Sương lên để chúng nhậu nhẹt, đú đởn làm tình với nhau. Đêm qua nhậu chúng có muốn ông ở lâu đâu. Nép bên cửa mà bực hết chỗ nói...
     - Nép bên cửa hay nằm dưới gầm gường đấy?
Lão Cát Cụt vừa hỏi vừa cười có ý trêu chọc.
     - Con mẹ nó, lúc đầu nằm dưới gầm gường thật. Khi chúng lên gường tôi mới trườn ra, nép bên cửa chịu trận.
     - Thấy cảnh đó hứng quá phải không?
     - Hứng cái con khỉ, từ khi con vợ theo thằng đội trưởng tôi liệt cái khoản đó ông ạ. Ngủ với đĩ thì sợ bệnh, ngủ với con nào đó thì lại sợ phá vỡ hạnh phúc nhà người ta. Tôi không muốn một ai đó rơi vào hoàn cảnh như tôi để rồi người ta hận mình mà mình không hay biết.
     - Ông mà cũng sợ à?
     - Là con người ai chả sợ. Hồi ở trong trại có mấy thằng bị lậu, giang mai kinh quá. Mấy thằng giám thị biết mà không cho đi chữa, thứ nhất là sợ chúng trốn, thứ hai là chúng ghét, muốn mấy thằng tù tiệt nòi luôn. Thành thử, khi không thể không cho đi chữa thì cứu được mạng sống chứ cái ấy thành "đồ chết tiệt"...
Cường Gấu im lặng, hình như hắn đang hồi tưởng về cái thời xa xăm nào đó. Một lát sau, Cát Cụt gợi:
     - Thế cái vụ thằng Huy với con Tường Vi ra sao?
     - Cuối cùng chúng cũng phang nhau, cái thằng chơi thiệt dai. Muỗi cắn khắp mình mà không dám đập.
     - Ông không mặc áo à?
     - Ăn trộm chuyên nghiệp không mặc áo lỡ chủ nhà có chụp cũng dễ thoát. Bài học đầu tiên của tôi trong trại đấy.
     - Rồi sao nữa?
     - Phang nhau xong thì chúng nằm nói chuyện, cuối cùng chủ yếu con Tường  Vi xin tiền, xin thằng Huy "giúp đỡ" đóng búa cho chuyến bè thằng Hải Gà nào đó. Nó cũng nói chuyện thằng Trí Vịt chưa thấy giao gỗ lát cho mối của nó...Nói chuyện chán chúng lại phang nhau lần nữa, lần này còn lâu hơn lần trước, thôi thì đủ kiểu, xong việc chúng lăn ra ngủ, lúc ấy tôi hành động, thế thôi.
     - Ông lấy bằng cách nào?
     - Còn cách nào nữa, lấy chìa khóa trong túi quần nó, mở tủ mà lấy chứ sao. Lấy xong khóa tủ lại, trả chìa khóa vào chỗ cũ, thế thôi.
Cát Cụt đưa lại gói tiền cho Cường Gấu:
     - Ông làm, ông hưởng, chơi cho chúng một vố tôi hả dạ rồi.
     - Không được, đạo nghĩa giang hồ phải sòng phẳng, rõ ràng. Cưa đôi.
     - Ông nói thế thì tôi giữ, khi nào cần ông cứ nói.
     Ngồi trong lều nhìn thấy đầu bè chếch sang phía hữu ngạn, Cường Gấu định nói câu gì đó với thằng Lạch, Cát Cụt ra hiệu bảo im, lão nói nhỏ:
     - Để cho nó tự xoay xở, âu cũng là cách dạy nó đi bè.
Chừng mấy phút sau, thằng Lạch la toáng:
     - Chú Cát, giúp cháu với!
Cát Cụt im lặng, chờ cho cái bè trở đuôi thành đầu xong, mới nói với thằng Lạch:
     - Giờ mày làm sao trở đầu lại cho tao.
Thực ra việc xuôi bè đuôi trở thành đầu là bình thường, cứ thế mà lái. Những khúc sông lặng, thì chẳng cần chèo chống gì, cứ mặc nó trôi, trở bao nhiêu cũng mặc. Chỉ khi vào lạch, qua ngầm thì phải đi cho đúng luồng của nó. Có những đoạn muốn vào đúng luồng phải lái, chỉnh giữ cho nó đi thẳng cả cây số. Lúc ấy mà sơ sẩy một tí là coi như xong, bè tan, giữ được mạng sống là may rồi, chẳng ai tài giỏi gì được với sông nước. Khi lão Cát Cụt nhóm lửa nấu nước, thằng Lạch vẫy tay ra hiệu cho Cường Gấu tới đầu bè.
     - Anh giúp em trở đầu bè với!
     - Ngu bỏ mẹ, đây là cái gì?
     - Đầu bè.
     - Đã đầu bè rồi thì còn trở gì nữa.
     - Thế để thế này đi cũng được ạ?
     - Được chứ sao. Giờ muốn đổi đầu bè thì mày xeo về phía bên phải.
Nhìn điệu bộ xeo bè của thằng Lạch, Cường Gấu chửi:
     - Mày xeo kiểu ấy thì cha mày cũng chịu. Đồ ngu, mày thả đầu mũi lá xeo xuống nước chừng một mét thôi.
Cầm lấy cây xeo, Cường Gấu bảo thằng Lạch:
     - Coi đây, tao xeo mười cái là bè quay đầu, nếu phải cái mười một tao gọi mày bằng bố.
Mỗi nhát xeo của Cường Gấu đầu bè chuyển thấy rõ, đến lượt xeo thứ tám thì bè đổi đầu.
     - Lão Cát Cụt dạy mày đấy, phải tự làm, khi làm không được nữa mới hỏi. Chỉ cần đi với lão hai chuyến là biết nghề, ba chuyến là thành tài. Giờ mày muốn bè đi thẳng ra sau mà lái.
     Thằng Lạch nghe lời Cường Gấu. Nó nghiệm ra một điều là muốn đầu bè đi về phía bên trái thì xeo về phía bên phải. Đứng ở đuôi bè nhìn thấy đầu bè nên điều chỉnh dễ hơn.
     Qua thị xã Tuyên Quang chừng dăm cây số, Cát Cụt bảo Cường Gấu cho bè sát vào bờ. Cường Gấu chưa kịp hỏi vì sao thì lão nói với thằng Lạch:
     - Mày vào bờ neo bè lại!
Thằng Lạch kéo sợi song lội vào bờ. Cắm cây néo, nó lấy hết sức tì xuống. Sợi song căng ra rồi giật mạnh. Thằng Lạch ngã chúi về trước. Cường Gấu mới mở miệng: "Con mẹ mày, ngu quá..." thì lão Cát Cụt nói nhỏ: "Kệ nó, cho nó ngã ba, bốn lần cho nó nhớ". Đến lúc không thể thực hiện được việc neo bè, hắn nói không ra hơi:
     - Con...không... làm được,... chú... Cát!
Cường Gấu chống sào nhảy lên bờ, cầm cây néo bằng một tay cắm xuống đất rồi đè xuống, chếch so với mặt đất khoảng 30 độ. Sợi song căng dần, căng dần kéo cây néo đi chừng hai mét rồi dừng lại. Bè gỗ từ từ tấp vào bờ. Cắm cây sào sát cây néo, Cường Gấu bảo:
     - Mày lấy sợi dây cột lại!
Cát Cụt cầm sợi dây, bước lên bờ, hỏi thằng Lạch:
     - Giờ mày biết neo bè chưa?
     - Con biết rồi, giờ con hiểu neo bè cũng giống như đi cày; đè tay cày xuống thì lưỡi ăn lên trên, nhắc tay cày lên thì lưỡi ăn xuống. Cắm néo cũng phải có độ nghiêng, cho nó ăn từ từ.
     Nơi Cát cụt neo bè cách đường lộ chưa đầy trăm mét. Có lẽ bãi sông này cách xa khu dân cư nên không ai trồng tỉa gì. Con đường mòn nối với đường lộ lâu ngày không có người đi chỉ còn lại vệt mờ. Bờ sông, bãi sông hoang vu, yên tĩnh, cô tịch. Thi thoảng một cơn gió mồ côi từ sông hất lên, lau sậy xào xạc như làm nền cho tiếng hót của bầy chim ri.
     Chụm bếp, bắc nồi cơm, thằng Hưng hỏi Cát Cụt:
     - Đây là đâu, chú Cát?
     - Bến Ông Hổ.
     - Ông Hổ là người thế nào hả chú?
     - Hổ là cọp, đây là bến sông ngày xưa cọp thường hay ra ngồi nên người ta gọi là bến Ông Hổ.
Nghe Cát Cụt nói vậy, mấy cậu thanh niên tò mò muốn nghe chuyện. Biết ý, Cát Cụt nói:
     - Mấy đứa muốn nghe bảo anh Cường kể cho mà nghe.
     - Có mấy câu mà cũng đùn cho người khác, ông thật là keo kiệt cả lời nói.
Châm điếu thuốc, rít một hơi, Cường Gấu kể:
     - Chuyện này tao nghe thằng Hoàng Vẩu kể. Hôm đó có cả lão Cát Cụt nhà chúng mày nghe. Chuyện là hồi còn trẻ, già Bân trên Yên Sơn thường xuôi khúc sông này đánh cá, bẫy thú ven rừng. Một hôm, trăng sáng già thả thuyền trôi xuống thì nghe mùi khét, mùi của cọp. Già chèo nhẹ, qua doi đất trên kia thì thấy một con cọp đang ngồi ngay mép sông, thỉnh thoảng thọc chân trước xuống nước rồi giơ lên trước mặt. Cứ thế lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Thì ra mùa trăng sáng cọp đói vì không săn  mồi được nên ra sông bắt cá. Thấy bóng trăng in dưới nước nó vớt xem thử cái gì. Thọc xuống thì trăng tan, nước lặng lại có trăng, nó ngồi miết như thế cho đến khi khuất ánh trăng hay giật mình vì cái gì đó. Có lần thăm bẫy ở đoạn này, thấy bẫy bị phá, có vết chân cọp già Bân biết con cọp đã ăn con thú dính bẫy của già. Tháng sau, có hai, ba hộ ở xuôi lên tính khai phá, lập nghiệp ở đây. Chiều tối, người ta về hết, cha con cô Xoan ở lại lán để mai làm sớm. Tối đó, đêm rằm, ông cha ra sông câu cá. Khoảng giờ hợi, đang ở trong lán, cô Xoan nghe tiếng: "Á...tr...ời...", nhìn ra thấy con cọp tha cha cô từ bến nước lên bãi. Cô ngất đi, khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm trong khoang thuyền, trước mũi là xác cha cô. Cô ôm lấy cha cô, nức nở khóc, già Bân an ủi: "Thôi thì sự đã rồi, cô cố gắng chịu đựng, phải đi nhanh khỏi vùng này kẻo nó thể nào cũng quay lại". Sau đó, gia đình già Bân giúp cô Xoan an táng cha. Không nơi nương tựa, cô ở lại nhà già Bân. Mãn tang cha được một năm thì già Bân hỏi cưới cô Xoan.
     Cường Gấu dứt lời, tất cả im lặng. nghe tiếng xào xạc của lau lách, thằng Hưng ngồi xích vào Cường Gấu. Nó thắc mắc:
     - Sao cô Xoan lại lấy già Bân nhỉ?
     - Ai mà biết được, muốn biết mày đi mà hỏi cô ấy.
Cường Gấu nạt.
     - Nó nghe chưa thủng, đấy là chuyện già Bân thời trẻ. Người ta kể chuyện già Bân thời trẻ mà vẫn gọi là già vì tôn trọng, hiểu chưa đầu đất?
Cát Cụt vừa giải thích vừa đỡ lời cho thằng Hưng. Cơm nước xong lão ta nói:
     - Chút nữa chuyển hết số gỗ xẻ lên lộ.
Cường Gấu ngạc nhiên:
     - Sao lại chuyển lên lộ? Ông bán ở đây à?
     - Bán ở đây thì bán cho ai. Chuyển lên để xe chở về xuôi.
Cường Gấu vẫn chưa hiểu, Cát Cụt giải thích:
     - Không giấu gì ông, giấy đi bè được ba chục khối gỗ. Đi như thế lấy gì mà ăn. Tôi đi bảy lăm khối. dừng ở đây là chuyển ba lăm khối lên xe chở, cho chúng cầm giấy qua trạm. Đằng nào cũng chung; giấy ba chục khối đi ba chục khối chúng không tin. Đi ba lăm khối có chung thì cũng vừa pải thôi, hai bên vui vẻ cả. Xe qua hết trạm đường bộ thì một thằng cầm giấy lên cho mình đi đường sông.
     - Thế phải chờ đến lúc có giấy mới đi à?
     - Không, mình cứ xuôi, cách trạm kiểm lâm chừng năm cây số thì dừng lại, đợi giấy ở đó.
     - Ông đúng là Khổng Minh lâm tặc!
Cát cụt cười hề hề:
     - Không vậy lấy gì mà sống, nuôi con ăn học.
Cường Gấu nhẩm tính, chỉ cần mua một giấy khai thác là Cát Cụt đi được hai chuyến, hai chuyến tách hai đường thủy bộ thành bốn, bốn chuyến cộng lại ba trăm khối gỗ, chưa kể nứa; tổng cộng gấp đúng giấy phép khai thác mười lần! Trừ chi phí, chung chi mỗi năm lão có trong tay hai trăm khối gỗ. Chả trách là học trò lão Chày, lão Cối mà về tài sản thì hai lão so với Cát Cụt chẳng thấm ngứa gì...Cường Gấu cay đắng nghĩ về số phận mình, trộm hai bao xi măng thì mất việc, mất vợ; còn như lão Cát Cụt trộm mỗi năm gần ba trăm khối gỗ về quê đóng góp tí chút được vinh danh ông nọ bà kia...Lâu nay, chui rúc trong rừng sâu núi thẳm, mang danh là đại ca, tưởng rằng nghĩa hiệp lắm mà thân mình chưa lo nổi nói gì cưu mang mấy đứa đàn em. Phận hắn, suy cho cùng, thời điểm nào cũng là kẻ làm thuê, chỉ là một nô lệ , lâm tặc, được công an, kiểm lâm lên kế hoạch đối phó, còn đại lâm tặc, ông trùm lâm tặc như Cát Cụt lại ung dung hưởng lạc, trịch thượng với đời. Chả thế, có lẽ vì thương hại hắn, Cát Cụt bảo: "Ông về quê tôi, tôi gả cho đứa em họ, ông làm chân quản lý kiêm bảo vệ xưởng mộc cũng sống được. Năm mười năm sau, hết thời hiệu truy cứu ông lại tung tăng tung tẩy, còn cứ ở quê tôi, tôi bảo kê hết...". Đời hắn sức dài vai rộng mà ngẫm ra không chốn dung thân. Nhận lời Cát Cụt thì hóa ra mình cũng hèn, tự trói chặt đời mình làm tôi tớ cho người...
     Nghe chuyện Cường Gấu kể chưa đến đầu đến đũa, thằng Lạch đánh bạo hỏi:
     - Già Bân làm sao cướp xác cha cô Xoan từ con cọp, không sợ nó tấn công sao?
Cường Gấu vứt tàn thuốc xuống sông, phả khói:
     - Nghe Hoàng Vẩu kể già Bân đến ngay sau cọp vồ ông già cô Xoan một chút. Khi cọp thả ông già tội nghiệp xuống bãi, tính ăn thịt thì già Bân ném một cục đá. Con cọp giật mình bỏ chạy, già Bân đưa cô Xoan và xác ông  già xuống thuyền. Loài cọp có đặc tính là khi giật mình chạy vãi phân, nhưng bao giờ cũng vậy, chừng tiếng sau nó quay lại bằng con đường khác không ai biết được. Già Bân sợ nó trở lại là vì thế.
     Nhấp một ngụm nước trà, Cường Gấu tiếp tục:
     - Hai tháng sau, già Bân làm cái bẫy cọp, con cọp dính bẫy nhưng nó vẫn thoát được. Nó cắn đứt cái chân trước dính bẫy. Già Bân thăm bẫy thấy sợi dây cáp treo tùng teng cái chân cọp, già gỡ về đặt lên bàn thờ cúng vong linh người đã khuất, thề rằng giết bằng được con cọp thọt. Thế nhưng từ thời đó đến nay con cọp thọt vẫn bặt vô âm tín, không biết còn sống hay nhiễm trùng mà chết...Già Bân không sợ nhưng ai cũng sợ, vì thế người ta mới đặt tên là bến Ông Cọp; chẳng ai dám đến khai phá nên nó hoang vu như thời xa xưa vậy.
     - Thôi giờ ta chuyển gỗ cho kịp, thằng Lạch ở lại canh bè.
Cát Cụt nói, thằng Lạch giãy nảy:
     - Ai canh thì canh, tôi chuyển gỗ!
Cường Gấu cười:
     - Ai ăn cắp bè đâu mà lo ông Cát Cụt, thêm một người có đỡ mệt hơn không.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

Ta về


Ta về, về với ta ơi
Ta về, về với một thời dấu yêu
Mái trường xưa đã phong rêu
Hàng cây liễu rũ bóng chiều mênh mang.

Ta về, về với đa đoan
Ta về, về với muôn vàn yêu thương
Bến sông, đồng lúa, mảnh vườn
Mái đình xưa với con đường tương tư.

Ta về, về với lời ru
Tìm người hát lý giã từ ngày xưa
Ta về đội nắng đội mưa
Đội giông...đội bão...ta đưa...ta về.