Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XVIII

     Mở đầu cuộc họp toàn thể cán bộ, công nhân lâm trường Minh Chột yêu cầu mọi người bàn bạc cách giải quyết ba việc mà sếp Kim đã giao. Một không khí trầm lặng, nặng nề, người nọ nhìn người kia, chờ đợi một ai đó lên tiếng. Minh bắt đầu sốt ruột. Bản thân Minh từ sau cuộc họp kiểm điểm tới giờ cũng chưa nghĩ ra một phương cách gì cả. Phải rồi, phải để thằng Trí Vịt nói trước để xem nó "trí tuệ" hay 'trí vịt". Nó nói đúng thì anh em người ta bổ sung, mình chốt lại là xong, trí tuệ tập thể cả. Ngược lại, nó không tìm ra giải pháp gì thì nó xứng danh Trí Vịt cả về hình dáng lẫn trí tuệ.
     - Trong lúc mọi người đang suy nghĩ, đề nghị đồng chí Trí phát biểu đề xuất giải pháp trước. Là người phụ trách kỹ thuật, tôi tin đồng chí sẽ đem ra giải pháp hợp lí.
Trí Vịt đứng dậy:
     - Ý kiến tôi thế này, như cuộc họp với lãnh đạo ngành, Ban lãnh đạo chúng ta cần phát huy trí tuệ tập thể, do đó, tôi xin được lắng nghe ý kiến của anh chị em trước. Tôi sẽ phát biểu sau.
Mẹ kiếp! Mày cũng còn láu cá gớm. Ở cái lâm trường này ai không hiểu mày đâu. Nếu mày có giải pháp thì đã thao thao: "tôi cho là...", "tôi tin chắc chắn là..." rồi. Thôi được, nếu có giải pháp, tao chốt luôn ý kiến để mày câm mồm luôn. Được lắm, mày né thì xem đệ tử mày có chạy tội được không. Hãy để thằng Cơ làm đẹp mặt nhé.
     - Đề nghị anh Cơ nói suy nghĩ của mình về việc trồng lại diện tích cây chết ở tiểu khu 1a.50.
Cơ ngập ngừng:
     - Cây chết thì phải trồng lại thôi, tôi cũng có muốn thế đâu.
     - Có muốn thế đâu - Minh giằn giọng, vậy hôm kiểm tra tôi nói phải trồng đúng kỹ thuật, vậy đội anh có trồng đúng kỹ thuật không? Tại sao trên cùng một tiểu khu mà đội cô Man Hoa trồng số cây chết dưới định mức cho phép, còn đội anh gần như chết trắng?
Cơ nín thinh, Minh Chột sẵng giọng:
     - Không trả lời được chứ gì? Vì không bóc bao bầu ra, thanh tra đã kết luận như vậy! Anh tính tiền đâu, người đâu mà trồng lại diện tích cây chết đó?
Diệp giơ tay xin phát biểu, Minh Chột gật đầu.
     - Tôi có ý kiến như thế này, đúng ra nhiệm vụ lâm trường chúng ta là khai thác nứa nguyên liệu và trồng mới diện tích khai thác ấy. Việc trồng lại diện tích cây chết ở tiểu khu 1a.50 là trách nhiệm của đội cậu Cơ.
     - Ai trồng lại chứ tôi thì không, Mộc - một đội viên trong đội của Cơ đứng dậy, số cây tôi trồng tôi cam đoan có chết cũng dưới chỉ số cho phép. Chỉ riêng tôi là bóc bầu, tất cả còn lại thì không. Khi trồng tôi nói với anh Cơ là bóc bầu có chậm một chút nhưng đảm bảo. Anh Cơ trả lời năm ngoái bọn tao trồng không bóc bầu anh Trí có nói gì đâu.
 Minh Chột đắc ý nhưng không để lộ ra giọng nói:
     - Thế ra đồng chí Trí chỉ đạo kỹ thuật như vậy hả. Tôi cũng không ngờ đồng chí Trí cũng góp phần làm chết cây ở tiểu khu 1a.50 cơ đấy!
Trí Vịt đắng họng, thằng Cơ ngu hơn bò. Năm ngoái trồng cây bầu là trồng trễ, ngay những ngày mưa đầu của mùa mưa thì làm sao cây chết được. Trồng như thế không đúng kỹ thuật cũng không sao. Cái vụ ấy Trí kiếm được cơm thằng Cơ kiếm được cháo. Cái vụ này thì ngược lại vì Trí nghỉ phép nhưng xem ra nuốt phải cục hạch rồi. Người Trí cứ rân rân như kiến bò. Không thể để chuyện này lan ra nữa, Trí đứng dậy:
     - Thưa các đồng chí, đừng chuyện năm này nói chuyện năm xưa. Trước mắt phải trồng lại diện tích cây chết. Chuyện này tôi nghĩ giao cho tổ anh Cơ. Ta bàn là bàn làm sao trong một thời gian mà xử lý tốt đẹp các công việc như anh Minh đã nói.
     - Đồng chí Trí nói như vậy thì lấy đâu ra người khai thác nứa và trồng mới diện tích vừa khai thác. Đồng chí rõ nhân lực lâm trường rồi còn gì?
Phòng họp lại im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, đã hơn tiếng đồng hồ trôi qua mà chưa có giải pháp khả thi. Hơn ba chục con người nếu cứ ngồi bàn bạc kiểu này thì chắc chắn công việc không hoàn thành được. Suy đi nghĩ lại, Man Hoa đứng dậy:
     - Thưa các đồng chí trong Ban lãnh đạo, các anh chị! Tôi có suy nghĩ như thế này. Thứ nhất, việc trồng lại diện tích cây chết giao lại cho tổ anh Cơ. Cứ trồng đã, định mức công việc có rồi, sau đó lãnh đạo và tổ anh Cơ họp riêng để giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Thứ hai, việc khai thác nứa nguyên liệu ta thuê dân kết hợp với anh chị em lâm trường. Có khai thác thì mới có diện tích đất trồng. Tôi nghĩ việc khai thác trắng nên cũng dễ. Sau khi khai thác được một nửa diện tích, anh em lâm trường tập trung trồng, số diện tích còn lại dân khai thác đến đâu ta trồng đến đó. Phải để dân tham gia vào mới xong.
Chi Thoa nói:
     - Ý kiến của cô Man Hoa hay đấy, cô nói rõ hơn việc huy động dân là như thế nào?
     - Dạ, việc này cũng dễ thôi, nhà máy hiệp đồng với chúng ta việc mua nguyên liệu, vậy thì ta cho dân khai thác nhưng phải theo yêu cầu của ta rồi bán lại cho chúng ta, đương nhiên giá thấp hơn giá nhà máy đưa ra một chút. Số tiền chênh lệch đó thu lại chỉ cần đủ trả công cho người thu mua, làm sổ sách quyết toán của lâm trường là được.
     - Thế còn việc kết hợp với anh em lâm trường là làm sao? Minh Chột hỏi.
     - Tôi nghĩ thế này, trước tiên bộ phận kỹ thuật thống nhất cách khai thác và dọn thực bì cho toàn anh em lâm trường một buổi. Sau đó chia anh em hướng dẫn lại cho dân một hai buổi là được. Các buổi sau anh em công nhân khai thác theo định lượng ngày công lao động. Ai làm vượt thì được trả như dân, ai không đạt thì trừ tiền lương theo tý lệ.
Mọi người vỗ tay, người thì: "nhất trí", người thì: " Hoan hô cô Man Hoa", 'có học có khác"...Đợi không khí lắng xuống, Minh Chột kết luận:
     - Tôi hoàn toàn nhất trí với phương án của cô Man Hoa. Chị Thoa lập kế hoạch thuê nhân công, cùng với kế toán tính định mức cho phù hợp. Đồng chí Trí tập huấn cho công nhân kỹ thuật khai thác và dọn thực bì. Ngày hôm nay, trừ bộ phận bảo vệ, còn lại nghỉ. Để tăng cường công tác bảo vệ, từ nay tôi giao đồng chí Trí trực tiếp phụ trách công việc này. Hết!
     Minh Chột châm điếu thuốc, rít một hơi thật sâu. Cuối cùng bài toán cũng có lời giải. Phải công nhận là Man Hoa giỏi. Cũng đúng thôi, dòng dõi nhà chúa lại thực học thì giỏi có chi lạ. Hay là cái đội thằng Cơ phải trồng lại rừng, vừa không được tham gia khai thác vừa phải trừ tiền giống, tiền ngày công. Nhưng trừ bao nhiêu? Chắc chắn là phải trừ. Đúng rồi, cái này giao hẳn cho thằng Trí Vịt và cô Thoa giải quyết, mình vừa tránh được tiếng vừa được xem kịch hay chúng tự cắn mình. . .À, phải điều thằng Mộc tăng cường cho đội Man Hoa. Một công ba việc, vừa làm yếu đi nhân lực đội thằng Cơ, vừa thưởng cho cái thằng dám nói vỗ mặt Trí Vịt, vừa tăng cường nhân lực cho đội Man Hoa, tổ lao động xuất sắc làm nòng cốt cho việc hoàn thành nhiệm vụ của lâm trường. . .
     Man Hoa về trại, thấy cô mấy con gà nhiếp quấn lấy chân đòi ăn. Cô cho chúng nắm ngô xay. Đàn gà lớn lởn vởn xung quanh tính nhào vào cướp. Cô xua chúng chỉ giãn ra một chút rồi lại quây lại. Canh cho mấy con gà con ăn thì mất thì giờ quá. Cô kêu: "Mực, Mực", con Mực nghe tiếng gọi của cô chạy ra. Man Hoa bảo: "Mực đuổi mấy con gà đi xem nào". Con chó nhe răng, gừ gừ mấy tiếng rồi nằm xuống cạnh mấy con gà con đang mổ bắp. Đàn gà tản ra, con gà trống nhảy lên cành ổi vỗ cánh gáy rồi nhảy xuống tục đàn gà mái tản đi chỗ khác. Cứ thấy bóng con Mực là đàn gà lẩn tránh.
     Man Hoa cầm cuốn sổ Quân để lại, ngần ngừ tính giở ra đọc rồi lại thôi. Cuốn sổ trong tay cô đã là ngày thứ năm rồi, cô ôm nó vào ngực rồi lại đặt xuống. Trở về trại cái ngày Quân về quê Man Hoa tính đọc ngay để biết Quân viết những gì trong đó. Nhưng rồi cô sợ đọc xong rồi thì lấy gì mà đọc. Cô biết chỉ đọc qua một lần những gì anh Quân viết cô sẽ nhớ mãi, nên phải cố gắng để dành. Cô biết đọc ngay từ trang đầu tiên rồi sẽ không dừng được. Thế là ngày thứ nhất cô để dành được. sang ngày thứ hai cô nghĩ: "anh Quân giờ chắc mới về tới nhà", thôi cố lên Man Hoa, đọc xong thì khổ lắm. Chưa đọc nhớ anh đã ứa nước mắt, huống chi trong đó nếu viết những lời yêu thương sao chịu cho nổi. Ngày thứ ba cô lại ngập ngừng, mới ngày thứ ba thôi Man Hoa ơi. Ôm cuốn sổ vào ngực cô thì thào: "Anh ơi, em đọc xong liệu có phép màu nào đưa anh đến ngay với em không?". Ngày thứ tư rồi, cô không thể không đọc, cô không giữ nổi ý chí mình nữa. Thôi hôm nay mày được đọc, tao không chịu nổi nữa rồi Man Hoa à. Cô nói với mình như tâm tình với "mình" nào khác. Thôi cho mày đọc ba trang, chỉ ba trang thôi nhé, không được quá. . .Sợ không thể dừng được Man Hoa đếm trang từ cuối cuốn sổ. Cô sợ đọc từ đầu không dừng nổi ở trang thứ ba.
     Cô mở cuốn sổ, không phải chữ của Quân. Là một bức thư...Anh Quân dặn rồi, mình được phép đọc tất cả kia mà.
     Rừng Tuyên Quang, ngày...tháng...năm...
     Đằng nớ vợ ơi!
     Mình nhớ đằng nớ lắm, nhớ không chịu nổi, nhớ thật nhiều là cái buổi tối đầu tiên mình chở đằng nớ ra chơi ngoài đê mà thật tiếc, chốc chốc đằng nớ lại giục về vì sợ bố mẹ mắng. Lúc ấy mình ước có một cái đồng hồ để xem giờ. Khi chở đằng nớ về, mình về tới nhà, nghe đài mới biết mới có mười giờ đêm. Mình tiếc hùi hụi vì về sớn quá. Cũng chỉ vì đằng nớ giục thôi. Mà bây giờ ở trong rừng nghĩ lại mới thấy mình ngu, nhà đằng nớ cũng không có đồng hồ, còn cái đài O ri ông tông thì hỏng đưa lên hiệu sửa chưa xong.
     Dạo này đằng nớ ở nhà chắc nhiều việc lắm. Đằng nớ bảo nhớ tôi mà không dám viết thư thì nghỉ một bữa về bên ngoại viết thư cho thoải mái. Ở trên này mình cũng bình thường, chú Tám Cá tốt lắm, giúp đỡ cho mấy anh em nhiều. nhà chú tám có cô Man Hoa xinh lắm, xinh thì phải nói xinh thôi, nói để đằng nớ đừng nghĩ lung tung, cô ấy đoan chính lắm, không biết có phải lòng sư phụ không nữa. Mình cũng mong cho sư phụ và cô Man Hoa yêu nhau, mấy anh em ai cũng nghĩ thế.
     Không biết anh Ngọc Râu và thằng Dũng Nheo có nhớ vợ không, còn mình nhớ đằng ấy nên trốn để viết thư này đây. Mà không hiểu sao lại cứ nhớ buổi tối ngoài đê ấy, mình ôm đằng nớ thì đằng nớ cứ đẩy ra, cũng chỉ cho hôn một cái trên má. Sau này đằng nớ là vợ thì không nói làm gì, sao mà cứ nghĩ lại lại tiếc cái đêm ấy không biết.
     Thôi mình viết lá thư này cũng mất hai buổi đấy. Nhận được thư thì đằng nớ viết thư cho mình nhé, địa chỉ như cũ ấy.
                                                                                             Ký tên: Trần Đình Nam.
     Dưới bức thư có mấy dòng:
     Sư phụ đừng trách tôi chép lại bức thư này của thằng Nam Cuội vào cuốn sổ này nhé. Cái hôm xẻ gỗ mình làm lán ở trên hai hòn đá bàn ấy. Buổi trưa thấy thằng Cuội cầm cuốn vở đi xuống lán tôi nhìn theo thấy hắn kê vở viết thư trên hòn  đá ngay dưới sạp lán thế là tôi nằm sấp xuống đọc. Thấy hay hay tôi lấy chép trộm vào cuốn sổ này. Bữa nào buồn thì đọc vài câu chọc thằng Cuội chơi. Sư phụ đừng nói tôi chép nhé. Dũng Nheo.
     Đọc bức thư của Nam Cuội cô vừa thấy thương vừa tức cười pha chút thèn thẹn. Thế ra mọi người đều vun đắp cho cô và anh Quân. Cái anh Dũng tẩm ngẩm mà cũng nghịch đấy chứ. Lá thư của Nam cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đi chơi ngoài đê cô chợt nhớ câu chuyện anh Nam kể khi cô phơi áo anh Quân. Ai đặt biệt danh "Cuội' cho anh Nam thật khéo. Bề ngoài tếu táo là vậy mà cũng tình cảm nồng nàn ghê. . .
     Hôm qua chưa đọc một dòng nào của anh Quân viết, hôm nay cầm cuốn sổ cô lại đắn đo, suy nghĩ, nhớ nhung. . .khi hiểu lầm anh Quân với Việt Thảo cô đã sống như người mộng du, giờ đây cô tin anh là của cô thì lại cách trở xa xôi quá. Cứ ngưng công việc là nhớ nhung, tìm một việc làm cho khuây khỏa nhưng  làm việc cũng chẳng đâu vào đâu cả. . .Lại lật cuốn sổ, ba trang thôi nhé Man Hoa, cô nói với lòng mình, "nhấm nháp" anh Quân từ từ thôi. . .Một cái gì đó cồm cộm. Thì ra lá thư của Việt Thảo gửi cho anh. Anh kẹp trong cuốn sổ cho cô đọc đây mà. Lá thư mà tháng trước cô phải đấu tranh tư tưởng lắm mới không xem. Đọc thư của người khác ngại quá. Anh muốn cô đọc, nhắc cô đọc hết "những gì trong cuốn sổ ấy nhé" kia mà. Không phải em đổ lỗi đâu, em nghe lời anh đó thôi. Nghĩ vậy, cô lấy lá thư ra khỏi cuốn sổ.
     Khe Đổ, ngày...tháng...năm...
     Anh Quân thương mến nhiều!
     Lâu rồi em không nhận được thư anh nhưng em biết sức khỏe, công việc của anh qua bác, em cũng yên tâm.Cứ nghĩ đến anh là em lại cầu Trời khấn Phật phù hộ cho anh sức khỏe, còn mọi việc khác em tin ở anh.
     Có lẽ sau lá thư này em sẽ không hoặc nếu có thì cũng rất ít viết thư cho anh bởi lẽ tháng sau người ta cưới em. Thế là chấm dứt mơ mộng, ước ao, chấm dứt đời con gái hồn nhiên, vô tư, trong sáng, đẹp đẽ để bước vào cuộc sống đầy lo âu, tính toán và ngập tràn nghĩa vụ. Em xác định dứt khoát rồi nên cũng không buồn nhưng chưa được vui. Đám cưới của em vui được một nửa thôi, một nửa ấy thuộc về D, người đã theo đuổi em suốt mấy năm trời. Người ta nói "làm cho người khác hạnh phúc là mình hạnh phúc", thế mà hạnh phúc ở đâu chưa bay tới với em. Em khô khan, lý trí quá chăng? Ngày em lấy chồng anh về dự nhé, anh nói "chỉ xem em như em gái", thế thì em gái lấy chồng lẽ nào anh trai lại vắng mặt phải không anh? Em có làm khó cho anh không khi thực lòng em muốn như vậy.
     Anh thương mến! Giờ đây em có nói thật thì cũng chẳng hại gì, cho dù lá thư này ai đó thương anh đọc được. Ngày trước chị Hoài yêu anh, em phản đối. Chị nói với em: "Chị lớn hơn Quân hai tuổi nhưng xét về hiểu biết Quân lớn hơn chị nhiều. Chị yêu Quân không phải vì Quân đã cứu chị thoát khỏi mấy thằng cầu đường sàm sỡ đâu. Chị yêu Quân vì tính cách rất mực đàn ông, vị tha, khoan dung. Tiếc rằng Quân chỉ xem chị là chị, sau này chị lấy chồng có chăng chỉ là nghĩa vụ với đời thôi. . .". Thế rồi, không hiểu tự bao giờ em lại bước tiếp vệt bánh xe của chị, lại được anh coi như là em gái. Một gia đình, hai chị em lại đem lòng yêu thương một con người mà chị em em không phải Thúy Vân, Thúy Kiều nên anh cũng chẳng thể là Kim Trọng. Em thú thực lòng mình với anh để trước ngày lấy chồng em thanh thản hơn. D. chồng tương lai của em cũng biết em yêu anh đấy. Em nói với D. là em không giấu giếm điều gì, nếu sau này dù chỉ một lần xúc phạm tới tình cảm của em dành cho anh là em chia tay ngay. D. bảo với em là "ngưỡng mộ anh" và cố gắng không làm em thất vọng.
     Chi Hoài vẫn thường sang chơi với bác, chị biết em yêu anh, chị chỉ nói bây giờ em hiểu chị rồi chứ. Nói xong chị thở dài, chị nói với em mà như nói với chính mình: "Đừng để ước mong thành ảo vọng"
     Anh thương mến! Chị Hoài có nói với em chị biết chuyện qua chuyện trò với bác là bác Tính thương binh hồi điều trị ở Đoàn 200 có cô con gái xinh đẹp lắm. Không biết cô ấy có hạnh phúc hơn chị em em hay lại thêm một người ở "bên kia bờ ảo vọng". Anh sẽ thật thà chuyện này khi về dự đám cưới em chứ?
     Em dừng bút đây. Hẹn gặp anh nơi quê nhà. Em: Việt Thảo.
     Gấp lá thư lại, kẹp vào cuốn sổ Man Hoa bâng khuâng. Đời con gái mười hai bến nước, mấy ai làm chủ được ước mơ. . .
     Tiếng còi tàu, rồi tiếng người dưới bến vọng lên. Con Mực vọt ra cổng, lao xuống nhà bè, mặc cho Man Hoa gọi nó cũng không dừng lại, 

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XVII

     Việc gì cũng vậy, cứ phải chờ đợi một chút là Minh Chột bực bội. Mẹ kiếp, họp hành gì thì họp đến cho xong, cứ bắt phải chờ. Cái trò mèo vờn chuột đây mà. Hẹn tám giờ, bây giờ đã chín giờ mà chưa thấy sếp Kim đâu, hỏi cô văn thư thì cô bảo sếp đang hội ý. Gỗ mất thì mất rồi, số lượng gỗ bán, diện tích cây trồng chết đã báo cáo cụ thể rồi, cứ phán, cứ quyết là xong, hội ý hội tứ cái con mẹ gì nữa cơ chứ. Chỉ việc bán gỗ không biết có lòi ra manh mối gì không, chứ hai việc kia ông chấp. Từ trước đến nay có lúc nào cấp trên kiểm tra như thế này đâu. Giỗ chạp, tết nhất chung chi đều đều. ngoài ra, kiếm được cái gì tốt có hưởng một mình đâu, cung tiến đâu vào đấy cả. Chuyện xảy ra vào dịp thằng Trí Vịt nghỉ phép mới oan chứ. Giờ đây, mình thì tường trình, báo cáo, kiểm điểm còn nó cứ phởn phơ. Nhìn cái bản mặt thấy đáng ghét.
     Trong lúc chờ họp, Thoa đọc báo. Trang ba tờ báo có tin viết về việc lâm trường Bình Minh quản lí rừng không chặt để bọn trộm khai thác gỗ quí hiếm. Cuối bài báo có dòng "Lãnh đạo ngành và công an đang điều tra làm rõ". Cô tính đưa tờ báo cho Minh Chột xem nhưng nhìn thấy sếp đi đi lại lại, hút thuốc liên tục nên lại thôi. Trí Vịt có vẻ thản nhiên xem các hình ảnh hoạt động của ngành, các biểu đồ thành tích. Ngoài sân, Huy và Trọng Hói hút thuốc và tán gẫu, bình phẩm về phụ nữ, thỉnh thoảng lại điểm cái điệu cười "75".
     Chín giờ mười lăm phút, sếp Kim, Thắng, chị Hồng - Chủ tịch công đoàn ngành cùng một đồng chí thượng úy công an bước vào phòng họp. Sếp Kim giới thiệu:
     - Đây là đồng chí Ngàn, công an hình sự Tỉnh phối hợp với ngành ta trong việc bảo vệ rừng và phòng chống tội phạm. Lẽ ra đồng chí làm việc riêng với các đồng chí sau cuộc họp này nhưng tôi mời đồng chí họp luôn.
     Sau khi làm thủ tục, công bố nội dung cuộc họp, Thắng - trưởng phòng Tổ chức cán bộ, yêu cầu:
     - Theo như sự chỉ đạo của lãnh đạo, trong cuộc họp này đề nghị đồng chí Minh kiểm điểm các sự việc như lãnh đạo đã yêu cầu, tập trung nhấn mạnh về công tác quản lý, nguyên nhân chủ quan, khách quan của sự việc. Đồng chí Huy kiểm điểm trách nhiệm liên đới. Sau đó các đồng chí tham dự cuộc họp chất vấn, các đồng chí được chất vấn giải trình. Cuối cùng Lãnh đạo kết luận cuộc họp. Việc xử lý hay không xử lý kỷ luật đồng chí Minh, Hội đồng kỷ luật ngành sẽ thông báo sau.
     Chị Hồng đề nghị:
     - Có ba vụ việc, tôi nghĩ chúng ta nên kiểm điểm từng vụ việc một để khỏi phát biểu chồng chéo, dễ đánh giá, dễ ghi biên bản. Việc quan trọng làm trước, vụ việc ít quan trọng làm sau.
Minh Chột đứng dậy:
     - Thưa các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí tham dự cuộc họp, tôi có ý kiến như thế này: bản tường trình, kiểm điểm tôi đã gửi các đồng chí rồi, các đồng chí đã đọc, giờ tôi đọc lại thì lâu lắm. Các đồng chí hỏi gì tôi trả lời nấy cho nhanh.
Sếp Kim ghé tai chị Hồng nói nhỏ: "Tính thằng này thế, thôi làm như nó đề nghị cũng được".
Chị Hồng hỏi:
     - Đồng chí trình bày vì sao rừng trồng ở tiểu khu 1a.50 lại chết tới 50%, mà tỷ lệ chết ở đội cô Man Hoa có 6% trong khi ở đội anh Cơ hơn 44%?
     - Khi tập kết cây để trồng đội cô Man Hoa để cây dọc bờ suối, dưới bóng mát nên cây không bị ảnh hưởng. Đội cậu Cơ để cây ngay nơi bãi trồng nên cây bị nắng, với lại khi trồng không không bóc bì bọc bầu ra, cứ để thế trồng.
Sếp Kim hỏi:
     - Thế đồng chí có đi kiểm tra không? Chỉ đạo thế nào?
     - Thưa sếp, tôi có đi kiểm tra một lần, tôi nói với cậu Cơ: "Ông chỉ huy trồng cho đúng kỹ thuật, cây chết là ông chết với tôi đó".
     - Sao đồng chí thấy đội anh Cơ trồng cây không bóc bầu lại không có ý kiến gì?
     - Dạ, lâu nay việc kỹ thuật do anh Trí phụ trách, trước kia anh Trí kiểm tra cũng thấy vậy nhưng có bảo họ xé bầu ra đâu. Với lại tổ của anh Cơ phần lớn công nhân hợp đồng theo thời vụ.
Chị Hồng hỏi Thoa:
     - Đồng chí Thoa cho biết tại sao một số công nhân lâm trường có ý thức làm việc tốt lại nghỉ việc?
Thoa trình bày vì thời gian thử việc quá lâu, trả công không xứng đáng với năng suất, công sức người ta nên họ nghỉ việc.
     - Đồng chí suy nghĩ sao về vấn đề này khi lâm trường đang cần người? Đồng chí đã tham mưu cho đồng chí Minh như thế nào? Chị Hồng hỏi Trí Vịt.
     - Dạ, tôi làm theo sự chỉ đạo của anh Minh.
     - Thế Ban lãnh đạo lâm trường không bàn bạc gì sao?
     - Dạ, người quyết định cuối cùng là giám đốc ạ.
Trí Vịt lập lờ không trả lời câu hỏi "ban lãnh đạo không bàn bạc gì sao" mà đẩy vấn đề sang "người quyết định cuối cùng". Giọng nói hắn như có vẻ có lỗi mà độc hơn nọc rắn hổ chúa. Minh Chột đỏ bừng mặt. Mẹ kiếp! Mới chuyện này thôi mà hắn đã như vậy thì những chuyện sau không biết rồi hắn sẽ nói những gì. Được thôi, trâu chết bò cũng lột da, hãy đợi đấy. Không chừng đi đêm bấy lâu nay với sếp, nhân cơ hội này hắn hất mình chăng. Thôi thì cứ chuẩn bị tinh thần trước. Phải bình tĩnh, hết sức bình tĩnh. Minh Chột chợt nhớ lời khuyên của Mĩ Vân hôm nào: "Đối phó với những kẻ như Trí Vịt anh phải hết sức bình tĩnh, tránh rơi vào bẫy giăng ra của nó. Nhược điểm lớn nhất của anh là tin người".
     - Quản lý nhân sự là việc của đồng chí Minh nhưng giúp việc cho đồng chí Minh là đồng chí  Trí. Dẫu trách niệm cuối cùng là đồng chí Minh đi chăng nữa thì đồng chí Trí cũng có phần trách nhiệm ở trong đó. Còn đồng chí Thoa, với tư cách là Chủ tịch công đoàn cơ sở chưa làm tròn nhiệm vụ giám sát, chưa là chỗ dựa cho anh em công nhân. Tôi có cảm tưởng cung cách quản lý của lãnh đạo lâm trường vừa gia trưởng vừa thờ ơ. Lãnh đạo không quan tâm đến đời sống anh chị em công nhân thì không bao giờ lâm trường hoàn thành nhiệm vụ, tôi tin chắc thế. . .
     Trí Vịt nghĩ thầm trong bụng Minh Chột phen này chết về vụ việc bán gỗ và để mất gỗ nhưng không ngờ việc đó lãnh đạo ngành không đặt nặng trách nhiệm. Về vụ việc Minh Chột bán gỗ, sếp Kim chỉ nói:
     - Chủ trương bán gỗ của lâm trường Bình Minh lãnh đạo ngành đã thông qua, đã cho phép. Số lượng gỗ bán và tiền nong đã kiểm tra không có ván đề gì. Vấn đề ở đây là không phân loại gỗ để định giá bán, như vậy có thất thoát cho lâm trường. Việc này lỗi một phần ở lãnh đạo ngành không chỉ đạo cụ thể, nhưng nếu thấy sơ hở của lãnh đạo ngành mà trục lợi cá nhân thì đáng trách. Tôi tin anh Minh trong chuyện này trong sạch. Chúng ta rút kinh nghiệm.
Thắng hỏi sếp Kim:
     - Em có thể coi đây là kết luận được không ạ, để em chốt biên bản?
Sếp Kim bực mình:
     - Thế tôi nói chơi à?
     - Dạ, em xin lỗi.
Hỏi là hỏi vậy thôi chứ Thắng biết vụ việc này cũng chỉ dừng ở mức độ ấy mà thôi, lúc nãy hội ý trong Ban lãnh đạo sếp Kim cũng đã che chắn cho Minh Chột rồi còn gì. Không che chắn cũng không được, bao nhiêu gỗ lạt "giúp đỡ" các sếp trên đều qua tay Minh Chột cả. Nó có lợi dụng tí chút cũng bù cho những khoản tiếp khách tiệc tùng thâu đêm đó thôi. Biết bao lần lâm trường bán gỗ, hình thức cũng như vậy mà có thấy chỉ đạo rút kinh nghiệm gì đâu. Có chăng dưới bàn tay đạo diễn của Trí Vịt nó kín kẽ hơn, trơn tru hơn. Trí Vịt muốn ngoi lên nhưng với những sự vụ như thế này chưa thể đánh ngã Minh Chột. Với lại Trí Vịt có khôn thì sếp Kim còn là người đẻ ra cái khôn ấy. Ở lâu với sếp, Thắng càng thấy sếp thừa cơ trí để leo lên chức vụ cao hơn. Có lần dư luận râm ran sếp sẽ được đưa lên làm phó chủ tịch tỉnh, hỏi chuyện ấy, sếp cười:
     - Tớ tài năng đâu mà ngồi vào ghế ấy. Với lại tuổi cũng đã lớn rồi. Hay cậu mong tớ đi để lên thay? Lên đó có danh nhưng tôi muốn phải gắn với thực. Danh hão thì cũng chẳng làm gì!
     Trước lúc xử vụ này sếp đã nói thẳng với Thắng là phải bảo vệ Minh Chột. Vì vậy, với cương vị trưởng phòng Tổ chức cán bộ, trong cuộc họp lãnh đạo mở rộng Thắng đã cố gắng trình bày sự việc khách quan nhưng có lợi cho Minh Chột để từ đấy sếp Kim dễ định hướng dư luận, dễ "quyết" hơn. Cho nên, nhìn bề ngoài nhiều người lầm tưởng Trí Vịt thân thiết với sếp Kim nhưng kỳ thực không phải thế. Trí Vịt cống nạp, sếp nhận. Nhưng nhận là một chuyện, cất nhắc là một chuyện. Sếp rất ghét chuyện cấp phó cài bẫy, kéo bè kéo cánh, dùng mọi thủ đoạn để diệt cấp trưởng. Quan điểm của sếp phải là:
Cấp phó là cấp ăn chơi
Chờ cho cấp trưởng lên đời lên theo!
Chứ "Chờ cho cấp trưởng qua đời lên thay" là không bao giờ sếp chấp nhận. Có lần sếp đùa: "Cấp phó mà mong cấp trưởng qua đời, khó đấy, có khi chết nhăn răng, sang cát rồi mà cấp trưởng vẫn còn tại vị". Cái trò cấp phó đâm sau lưng cấp trưởng là phải diệt. Mà cách diệt của sếp còn ngọt hơn kẹo bọc đường. Cái lần mua nhà ở Hà Nội xong, nhậu với Trí Vịt, sếp khen: "So với Minh, cậu là người có năng lực, biết điều". Thế là cái "biết điều" ấy cứ chạy từ túi Trí Vịt sang túi sếp Kim. Lâu quá, Trí Vịt muốn ướm hỏi thì sếp đã khéo léo kể chuyện "làm người phải biết kiên nhẫn", "dục tốc bất đạt", nên Trí Vịt đành phải "kiên nhẫn biết điều". . .
     Khi nghe thông báo triệu tập cuộc họp Trí Vịt đã khấp khởi mừng thầm. Họp tại thị xã, đầy đủ các ban bệ, có lẽ sếp Kim đã quyết cất nhắc mình chăng. Nhưng diễn tiến cuộc họp lại  không như vậy. Sếp Kim không nói nhưng bà Hồng cứ luận tội Minh Chột là cột luôn mình vào. Cái con mẹ chết tiệt. Phải chi trước đây mình "biết điều" với mụ một chút thì cờ đã đến tay mình rồi. Mụ lại còn khuyến khích con Thoa đấu tố luôn cả mình nữa chứ. Không biết vụ mất mấy cây gỗ lát mụ có ý kiến gì nữa đây, có giỏi thì cột chung mình với thằng Minh Chột về trách nhiệm! Chà, kỳ nghỉ phép thật tuyệt, tiền bỏ túi, nói gì thì nói mọi chuyện xảy ra đều không có mình. Cái ngữ Minh Chột không có mình mới ngoạm được một miếng phải nôn ra ba, bốn miếng cho coi.
     - Đề nghị anh Minh cho biết mấy cây gỗ lát mất vào thời điểm nào? Ngàn hỏi.
     - Chiều thứ sáu.
     - Sao anh khẳng định chiều thứ sáu?
     - Thì chúng tôi đã phục kích để bắt nhóm thằng Cường Gấu vào chiều thứ sáu.
     - Ngoài cấy lát bị đốn hạ ở gần vực Cây Sung, hai cây khác theo anh mất vào thời điểm nào?
     - Cùng ngày.
     - Sao anh khẳng định cùng ngày?
     - Vì sáng hôm sau tôi cho đội bảo vệ đi kiểm tra đã thấy mất rồi.
     - Thế theo anh mấy cây lát mất có cùng một đối tượng?
     - Tôi nghĩ là nhóm thằng Cường Gấu.
     - Hai khú gỗ lát mang về mất khi nào?
     - Chắc chắn sau khi anh em ông Chày xuôi bè.
     - Cảm ơn anh, còn một vài việc tôi trao đổi với anh sau.
     Trí Vịt giật mình, thì ra việc làm của nhóm Cường Gấu đã bị phát hiện. Vậy mà hôm sau lên lâm trường không ai nói gì hết, kể cả thằng Cơ. Cũng không trách thằng Cơ được vì mấy hôm có gặp nó đâu, nó và thằng Long Sẹo đang khảo sát khu vực khai thác nứa nguyên liệu trong rừng. Chết, chuyến này mà công an điều tra ra thì chết, thằng Cường Gấu bị bắt có thể không khai nhưng mấy thằng đàn em thì có khi chưa hỏi đã khai. Thôi rồi, phải làm cách nào báo nó và bọn đàn em lánh đi nơi khác. Lại phải tốn tiền nữa đây. Cứ tưởng vào cầu ai dè văng cùi bắp. Chỉ con Tường Vi là được lợi, buôn nước bọt mà chắc ăn. Móc đầu này, nối đầu kia rồi ăn cả hai đầu. Bên bán lì xì, bên mua cũng tính phần trăm. . .
     Sếp Kim hỏi Huy:
     - Anh đóng búa cho bè gỗ ông Chày bao nhiêu khối?
     - Dạ, đúng như giấy phép.
     - Đóng búa vào thời điểm nào?
     - Dạ, khi chuẩn bị kết bè.
     - Anh nghĩ gì về vụ mất mấy cây gỗ lát?
     - Dạ, em nghĩ bọn trộm táo tợn quá, lại đông nữa.
Sếp Kim bảo Thắng:
     - Sau cuộc họp này anh làm thông báo gửi các lâm trường về tình hình trộm cắp gỗ quí, chỉ thị tăng cường tuần tra, kiểm tra chặt. Chốt lại vấn đề này là phê bình lực lượng kiểm lâm chưa có kế hoạch phối hợp tốt với lâm trường trong việc bảo vệ rừng. Phải cố gắng vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Mặc dầu gỗ đã mất nhưng anh cũng làm đề nghị gửi đồng chí phó chủ tịch phụ trách nông lâm gửi thư khen anh Tám Cá. Tôi thật tiếc những người công nhân như cậu Quân, để họ phải bỏ lâm trường thì các đồng chí trong Ban lãnh đạo phải kiểm điểm sâu sát, rút kinh nghiệm, không được để chuyện này tiếp diễn. . . Bây giờ khoan nói chuyện kỷ luật, tôi muốn hỏi các đồng chí trong Ban lãnh đạo lâm trường Bình Minh là làm sao giải quyết mấy vấn đề sau. Một là, trồng lại diện tích cây chết ở tiểu khu 1a.50? Hai là, sao kịp giao nứa nguyên liệu cho nhà máy? Ba là, xử lí trồng mới ở khu khai thác nguyên liệu như thế nào?
     Giá mà có Man Hoa ở đây, Thoa nghĩ, việc gì đưa ra cũng có lời giải. Đúng ra, với năng lực như Man Hoa phải làm giám đốc lâm trường mới đúng. Nghĩ vậy, cô giơ tay xin phát biểu.
     - Xin mời chị Thoa! Chị Hồng lên tiếng.
     - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo! Tôi nghĩ rằng giờ đây Ban lãnh đạo lâm trường có ý kiến cũng chưa chắc là giải pháp tốt nhất. Chi bằng cho chúng tôi về họp toàn thể cán bộ công nhân lâm trường rồi làm luôn. Tôi nghĩ trí tuệ chắc chắn tìm ra lời giải ạ.
     Ý kiến của Thoa có lý, nếu bắt mình giải quyết ba câu hỏi của sếp Kim lúc này chắc chắn không va đằng này cũng vấp đằng kia. Thằng Trí Vịt những lúc như thế này nó cũng nói dựa mà thôi, chứ có chủ ý giải quyết được nó đã nói rồi. Còn cơ hội nào tốt hơn lúc này để nó thể hiện năng lực lãnh đạo đối với cấp trên. Cái con Man Hoa cứng đầu nhưng ngẫm lại nó quá được việc. Ý kiến của Thoa lóe lên trong đầu Minh Chột giải pháp - đó là giải pháp hoãn binh.
     - Thưa các đồng chí lãnh đạo! Thú thực với các đồng chí tôi chưa nghĩ ra giải pháp tốt nhất. nếu trình bày chắc còn nhiều điều các đồng chí phải bổ khuyết. Hơn nữa phải tại đơn vị, tính toán cụ thể thì giải pháp mới hợp lý. Vì vậy, tôi nhất trí ý kiến cô Thoa. Tôi chỉ nói là cố gắng giải quyết ba vấn đề sếp Kim đặt ra trong thời gian sớm nhất.
     Anh em thường nói Minh cộc tính, nói năng văng mạng nhưng trong cuộc họp này chị Hồng thấy cậu ta cũng chững chạc đấy chứ. Ý kiến cũng hợp lý. Quay sang sếp Kim, thấy sếp Kim như có vẻ tán đồng với ý kiến của Minh, chị Hồng nói:
     - Việc cấp bách nhất của lâm trường là trồng rừng. Phải đặt nhiệm vụ trồng rừng lên trên nhiệm vụ khai thác rừng. Ba vấn đề đặt ra của đồng chí Kim là nhiệm vụ cốt lõi của lâm trường, các đồng chí phải bàn bạc, lập phương án giải quyết sao cho có hiệu quả. Tôi đồng ý với ý kiến anh Minh. Có gì cần nhắc đồng chí Kim sẽ nhắc thêm.
     - Thôi ta dừng cuộc họp tại đây. các đồng chí về lâm trường triển khai công việc, tôi sẽ lên thăm lâm trường trong thời gian sớm nhất.
Mọi người đứng dậy, chị Hồng bảo Thoa:
     - Từ giờ tới sáng mai em ở nhà chị, chị em mình trao đổi công việc, tâm sự.
Trí Vịt loay hoay nửa muốn chờ Thắng, nửa muốn bước ra. Biết ý, Thắng cười:
     - Anh Trí có gì muốn nói à. Muốn nói gì với sếp thì nói, có gì mà ngại.
Được lời, Trí Vịt nói với sếp Kim, với Ngàn:
     - Cũng đã trưa rồi, em mời sếp, các anh ra quán Rừng Chiều dùng bữa với tụi em.
     - Mấy khi cậu Trí mời, đi nhé Ngàn.
     - Dạ, anh ra trước, em muốn hỏi thêm anh Minh một số chi tiết rồi ra sau.
Minh Chột kể lại diễn biến việc phục kích Cường Gấu, việc Cường Gấu thoát đi như thế nào. Ngàn hỏi:
     - Anh nghĩ có ai trong ngành đứng sau vụ này không?
     - Cũng có thể lắm.
     - Vì sao anh cho là "cũng có thể"?
     - Nó trùng thời điểm lâm trường đang tập trung đóng bè cho anh em ông Chày, hơn nữa, anh biết đấy, bè nào giã bãi mà anh em không làm vài chén. Ngày hôm sau mệt, đội tuần tra có đi thì cũng tìm chỗ nào đó ngủ, hôm sau nữa chủ nhật rồi. Nó căn thời gian như thế là dễ tẩu tán gỗ.
     - Nhận định của anh có lý. Anh biết vậy, không nói suy nghĩ này với ai nhé. Thôi ta ra quán kẻo các anh ấy chờ.
     Ngàn gấp cuốn sổ cho vào cặp. Có lẽ phải gặp chú Tám Cá, Quân một chuyến. Anh hình dung ra phá vụ án này cần phải có sự giúp sức của hai con người ấy.

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XVI

     Man Hoa xếp quà tặng bác Tính gái vào cái túi dết. Trái bầu đựng mật ong rừng xếp ở giữa, xung quanh chèn măng khô, mộc nhĩ, mấy kg nếp than. Chín thang thuốc khớp cô nhờ già Bân lấy được sao tẩm gói trong lá chuối hơ mềm, vuông vức như bánh chưng, phía ngoài bọc thêm bằng vỏ bao xi măng để Quân dễ xếp vào ba lô. Còn món quà cưới của cô được gói cẩn thận bằng mấy tờ họa báo Liên Xô như một chiếc hộp, buộc bằng sợi dây len hồng thắt rít, kết lại ở giữa như một cái nơ. Ưng ý với món quà, Man Hoa cầm  ngắm nghía rồi đặt lên một nụ hôn mà nước mắt muốn trào ra. Thở dài nhè nhẹ, cô đặt nó lên bàn rồi đi nấu cơm. Sáng nay cô phải vào trại cây giống nhận cây sớm, không chờ tàu xuôi tiễn anh Quân và anh Chính được. Mọi việc xong đâu đấy, cô tính xuống nhà bè gặp Quân dặn dò việc sắc thuốc cho bác Tính gái, quà cáp đám cưới. . .thì con Mực sủa ăng ẳng, vẫy đuuôi tít mù, Quân đã mở cổng đi vào. Bỗng dưng cô đỏ bừng mặt, tim đập gấp, cô vừa nói vừa thở:
     - Anh Chính đâu anh?
     - Đang đi thu lưới cùng sư phụ. Anh cũng tính đi nhưng sư phụ bảo lên đây em nói chuyện sắc thuốc gì đấy.
     Man Hoa chỉ dẫn cách sắc thuốc, uống thuốc cho Quân. Cô dặn kĩ những diễn biến có thể xảy ra trong lúc uống thuốc y lời già Bân. Sau đó, cô chỉ quà của bác Tính gái, của Chính.
     - Quà cưới của cha em là cái chăn con công, em bỏ nó trong cái túi thổ cẩm. Cái túi để Việt Thảo đựng đồ nhẹ đi làm, đi chơi đều hợp. Còn đây là quà của em - vừa nói cô vừa đưa gói quà cho Quân, có điều nó chưa trọn vẹn lắm, phải nhờ anh thì mới hoàn chỉnh.
     Quân cầm gói quà, nhìn Man Hoa như không hiểu ý cô muốn nói gì.
     - Em nhờ anh mua bông bỏ vào ruột gối. Bông ở đây có nhưng nhồi vào nó thêm cồng kềnh, mà anh đường thì xa.
Quân ngạc nhiên:
     - Em cũng có quà tặng Việt Thảo à?
     - Đây là món quà tự tay em làm, em chúc anh và Việt Thảo mãi mãi hạnh phúc!
     - Sao? Em nói sao?
Man Hoa nói chầm chậm, cố nén xúc động:
     - Em chúc anh và Việt Thảo hạnh phúc!
     - Trời đất! Tầm bậy nào, là đám cưới việt Thảo thôi chứ!
Đến lượt Man Hoa ngạc nhiên:
     - Sao tháng trước anh bảo "tháng sau cưới". Thế Việt Thảo cưới ai?
Quân nhớ lại câu chuyện tháng trước.
     - Anh chưa nói hết với em là về dự đám cưới Việt Thảo, cô em tinh thần của anh.
Man Hoa trào nước mắt, cô không thể kìm nén cảm xúc của mình, cô không cần giấu Quân, cần gì phải giấu? Với Quân, cô yếu đuối, ủy mị có sao đâu.
     Quân chợt hiểu. Lòng anh xốn xang lạ thường. Thời gian gần đây anh cảm nhận Man Hoa gầy và xanh hơn nhưng anh không dám hỏi. Cứ nghĩ công việc lâm trường, việc nhà bận rộn man Hoa ít có thời gian nghỉ ngơi. Giờ đây Quân hiểu tình cảm Man Hoa đối với mình là như thế nào. Nhẹ nhàng, Quân dùng ngón tay cái chùi nước mắt cho Man Hoa.
     - Sao em khóc?
Man Hoa nắm bàn tay của Quân:
     - Sao anh chùi nước mắt cho em? Anh không biết thật ư?
     - Anh...anh không...dám biết.
Man Hoa vẫn cầm bàn tay Quân. Cả hai thấy ấm áp và dường như có nguồn điện từ đó lan khắp cơ thể. Một lúc sau, Man Hoa nói:
     - Anh chùi nước mắt cho em đi.
     - Em cầm tay anhsao anh chùi, nước mắt em khô rồi đấy thôi.
     - Chưa khô đâu, bắt đền anh đấy.
Quân lại dùng ngón tay cái chùi nhẹ khóe mắt Man Hoa. Cái cảm giác mịn màng của làn da con gái trắng hồng, cái nhìn đắm đuối, trìu mến làm cho gương mặt anh cũng đỏ bừng lên. Chưa bao giờ anh thấy con tim mình xao xuyến như bây giờ. Tình yêu của anh đối với Man Hoa bấy lâu bị đè nén bởi lòng tự trọng hay nói đúng hơn là sự tự ti. Sư phụ nói đúng, trí tuệ làm ra tiền bạc chứ tiền bạc không mua được trí tuệ. Vậy thì sao mình không dám thể hiện tình cảm, đón nhận tình cảm? Chỉ suy nghĩ bấy nhiêu đó thôi mà Quân tỉnh táo lại:
     - Thế giờ em có tặng món quà nữa không? Anh có một nửa đấy.
     - Không chia được đâu, em xin lại, em tặng Việt Thảo cái khác.
     - Thế còn của anh?
Quân hỏi với giọng trìu mến pha chút chọc ghẹo.
     - Em giữ, khi nào anh cưới em đưa.
     - Anh cưới ai?
     - Không biết.
Man Hoa lại nắm tay Quân, lần này cô nắm bằng cả hai tay.
     - Anh này, em tính tặng Việt Thảo chiếc đồng hồ đeo tay có được không?
     - Có cho anh chung với không?
     - Chỉ sợ anh chung quà với em rồi ai đó ghen rồi chết em thôi.
Giọng nói ngọt ngào, dễ thương làm sao. Người Quân cứ như có lửa, anh ngập ngừng:
     - Thế em có muốn biết chung quà với anh thì ai đó sẽ ghen không?
     - Em muốn!
     - Lắng nghe nhé.
Vừa nói Quân vừa kéo Man Hoa áp sát ngực mình.
     - Sư phụ ơi, sư phụ...
Man Hoa giật mình lùi ra vì tiếng gọi của Chính. Quân cũng lùi lại một chút. Cố trấn tĩnh lại, Man Hoa đùa, giọng nói của cô vừa đủ cho Quân nghe:
     - Hóa ra người ghen là. . .sư phụ!
Quân bước ra hiên, giọng không được tự nhiên:
     - Có cá không anh Chính?
     - Cũng được, nhưng tôi làm sẩy con cá chày to lắm.
Quân cười:
     - Con cá sẩy là con cá to mà.
     Man Hoa dọn cơm, ông Tám Cá vừa bước đến cổng đã hỏi:
     - Sáng nay con nghỉ một buổi có được không?
     - Có việc gì vậy cha? Giờ con phải ra trại giống nhận cây cho anh chị em trồng kẻo không kịp.
     - Có gì đâu, không bận lắm thì ở nhà tiễn thằng Quân, thằng Chính thôi mà!
     - Dạ, con cũng muốn vậy nhưng việc lâm trường làm không kịp. Anh Chính, anh Quân thông cảm cho em nghe.
Ánh mắt cô dừng lại ở đôi mắt Quân như xin lỗi, như nhắn gửi điều gì. Sợ Chính để ý, quay sang ông Tám Cá, Quân nói:
     - Bọn con về xong việc sẽ lên ngay, hay sư phụ không muốn bọn con lên nữa nên để em đi tiễn?
     - Bây về cả giờ trống huơ trống hoác. Về rồi ra nhanh con. Hay con đưa chị Tính lên đây luôn. mẹ con gần nhau đỡ phải lo.
     - Chắc mẹ con không đồng ý đâu. Chỉ khi nào con chắc chắn lập nghiệp thì may ra mẹ con đổi ý.
Ông Tám Cá thở dài:
     - Cáo chết quay đầu về núi, tuổi già chẳng ai muốn rời xa quê cha đất tổ. Nghĩ thoáng ra một chút, rộng ra một chút thì cứ trên đất Việt mình đâu cũng là quê hương. . .
Man Hoa mời ông Tám Cá, Quân, Chính ăn cơm.
     - Cha và hai anh ăn xong để đấy, trưa về con dọn.
Cầm cái túi xách ra khỏi cửa, Man Hoa quay lại:
     - Anh Quân ra ngoài này em nói tí xíu thôi.
Quân đứng dậy đi theo, đến cổng Man Hoa dừng lại. Cô lấy trong túi ra một xấp tiền đưa cho Quân:
     - Anh mua cho Việt Thảo cái đồng hồ.
     - Anh có tiền mà.
     - Anh cứ cầm lấy, mua không hết thì đưa em, thiếu thì anh bỏ thêm.
Man Hoa bỏ xấp tiền vào túi áo Quân.
     - Xong việc anh ra nhanh nhé, đừng để em đợi lâu, cầu mong anh may mắn trên đường đi, mau trở lại với em.
Quân cầm tay Man Hoa bất chợt đưa lên môi hôn:
     - Anh cũng nhớ em lắm, em giữ gìn sức khỏe nhé, em ốm đi nhiều đấy.
     - Tại anh đấy, anh ở bên em chỉ sợ lại chê em béo thôi. Anh vào nhà ăn cơm, em đi đây.
     Man Hoa không dám quay đầu lại, cô sợ lại không cầm nổi nước mắt. Tâm trạng cô nôn nao chen lẫn vui buồn. . .Anh Quân là của cô, chắc chắn thế. . .
     - Man Hoa, chờ đã.
     - Gì vậy anh? Cô dừng lại.
     - Anh để cuốn sổ tay đầu phản, lúc rỗi em đọc nhé, đọc hết những gì trong cuốn sổ ấy nhé.
     - Dạ.
     - Thôi em đi đi, anh vào đây.
     Man Hoa đếm cây mà cứ lộn lên lộn xuống. Ông Bường hỏi:
     - Có chuyện gì à, sao cháu không tập trung tí nào cả, xưa nay có như thế đâu?
Cô chống chế:
     - Dạ, cháu dậy sớm quá, không ngủ lại được nên buồn ngủ.
     - Thôi thế cháu cho chuyển cây đi, để bác nhận cho.
Mấy chị em gánh cây xuống suối, Long Sẹo cùng mấy cậu công nhân lâm trường xếp lên mảng. Dùng mảng chở cây kéo ngược suối được nhiều, nhanh hơn nhưng có đoạn phải vừa bơi vừa kéo nên chị em chịu. Man Hoa hỏi Long Sẹo:
     - Anh nhắm buổi sáng nay chở được mấy chuyến?
     - Có lẽ chỉ được hai chuyến thôi.
     - Vậy chị em gánh đủ hai chuyến cho các anh kéo, còn lại gánh bộ nhé.
     - Ối dào, từ từ mà gánh, làm cả đời chứ có phải một bữa, hai bữa đâu!
     - Nhưng gánh xong hai chuyến cho các anh còn sớm quá, nghỉ không tiện, với lại chuyển không kịp thì khó trồng đúng kế hoạch.
     - Kế với chả hoạch, cô thấy đã khi nào lâm trường làm đúng kế hoạch chưa?
Man Hoa không trả lời, cô cùng mấy chị em lên vườn ươm. Tiếng còi tàu từ sông vọng lên, đều đặn, nhỏ dần như đánh dấu một quãng thời gian đã trôi qua của buổi sáng yên lành.
     - Tiếng còi tàu!
Man Hoa buột miệng.
     - Á, à, cái cô này có vấn đề rồi đây. Còi tàu thì hôm nào chả thế. Khai mau, có chuyện gì? Lúc nãy đếm cây cũng lộn lên lộn xuống. Chị Thoa hỏi dồn
     - Còn chuyện gì ngoài chuyện yêu, phải không Man Hoa? Chị Diệp cười.
Man Hoa đi sau nên các chị không thấy cô đỏ mặt, nếu không sắc mặt cô cũng thay lời xác nhận rồi. Man Hoa chống chế:
     - Ai mà người ta thèm đâu, chị.
     - Ai mà người ta thèm - chị Diệp nhại lại, đến tao còn thích nữa là đàn ông.
     - Thế chị cưới em đi. Man Hoa phản công.
     - Chị đâu phải bê đê. Nếu là bê đê thì em toi đời với chị từ lâu rồi.
Chị Thoa chọc:
     - Diệp ơi, em bổ túc từ ngữ đi. giờ đây không ai nói bê đê đâu mà nói "thuộc hệ xăng pha nhớt".
     - Em chịu chị thôi, mới về thị xã có hai ngày mà tiến bộ quá ta.
Diệp không vừa.
     - Đi một ngày đàng học một sàng khôn mà. Khôn đâu chả thấy, chỉ thấy khổ là có.
     - Chuyện gì mà chị kêu khổ? Man Hoa hỏi.
     - Viết tường trình chứ sao nữa, Cả ngày ngồi viết. Vừa viết xong tay Thắng, trưởng phòng Tổ chức thu. Ông Kim vào hỏi, lại bảo viết nữa.
     - Viết cái gì chị, em cứ nghĩ chị đi họp công đoàn ?
     - Em không biết thật hay giả bộ không biết hả Diệp? Chuyện lâm trường mất gỗ lát, chuyện ông Minh Chột bán gỗ, rồi chuyện cây trồng chết héo ở tiểu khu 1a.50.
     - Sao không hỏi ông Minh Chột, Trí Vịt mà hỏi chi? À, em quên mất, chị là Chủ tịch công đoàn cơ sở mà. Diệp cười.
     - Em giễu chị đấy à? Công đoàn ở đâu chứ ở đây có cũng như không. Nói thiệt, cỡ Man Hoa làm Chủ tịch may ra mới đủ khả năng đấu lại lão Trí Vịt, MInh Chột.
     - Thôi chị, bàn luận làm gì. Để xem sắp tới mấy ông xử lý ra sao. Giờ, nhân lực thì thiếu, cây trồng chưa xong, nứa cho nhà máy giấy chưa có. Hôm qua em thấy hai anh cán bộ vật tư nhà máy lên làm việc với ông Trí Vịt rồi đấy.
Chị Thoa bực bội:
     - Đấy, nhóm chú Quân nghỉ việc mà tiếc. Nói đi rồi cũng phải nói lại, tôi như các chú ấy tôi nghỉ từ lâu rồi. Hình như những người đàng hoàng, chân chính không đậu được với lâm trường này.
     Nhắc đến Quân, Man Hoa lại bồi hồi. Giờ này tàu xuôi chắc đến Vườn Mít rồi. Bao giờ trở lại anh, năm, bảy hay mười ngày? Đừng để em chờ lâu nhé anh. . .
     - Cái cô này, không nghe chị nói gì à?
Man Hoa giật mình. Diệp quay nhìn cô, cười:
     - Chị Thoa hỏi "chú Quân làm gì"?
     - Dạ, anh Quân về quê rồi chị à.
     - Thảo nào từ sáng tới giờ cô cứ như người mất hồn.
     - Anh đi mang cả mùi hương
Tiếng chim hót cũng tầm thường làm sao.
Chị Thoa ngâm nga. Man Hoa đành thú thật:
     - Các chị đừng chọc em nữa. Em khóc đây này.
Thoa, Diệp không nhịn được cười nhưng cũng không chọc nữa. Giọng nói của Man Hoa chân thật mà nghe tội tội làm sao. Gánh đủ số cây xuống suối cho đám Long Sẹo, chị Thoa nói:
     - Thôi, hôm nay nghỉ sớm một bữa. Kiểu này rồi thì cả tháng không có chủ nhật.
  

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

Gặp o ni hỏi chuyện "o tê"


     Sau Tết, về quê có việc, gặp o (cô), hỏi chuyện "người xưa". O hơn tôi mấy tuổi, rất thân với "người xưa", tôi chép lại câu chuyện bằng tiếng mẹ đẻ.
 
Lâu rồi mới lại về quê
Gặp o ni, hỏi: "o tê" răng rồi.

O cười: - Cũng bình thường thôi,
Tau thương cái điệu hắn cười mần răng.
Đẹp ngài, ngoan nết ai bằng
Rứa mà lại vớ phải thằng trôốc tru
Vừa cộc, vừa nhác, vừa ngu
Lấy nhông ra rứa ở tù sướng hơn!

Tôi cười giả lả, bông lơn:
- Người ta có số, thiệt hơn làm gì?

Trợn mắt, o nói: - Cấy chi
Mi chừ sướng nỏ nhớ chi nghĩa tình.
Tau nhớ cái tối đầu đình
Mi trêu: "em đứng một mình cũng xinh"
Để rồi hấn cứ đinh ninh
Tìm thấy một nửa đời mình yêu thương!
Rứa mà mi gạt mi lường
Hấn chờ hấn đợi, còn đường mi đi,
Bây chừ còn hỏi thăm chi
Tau mà như hấn gặp mi tau bằm.

Tôi cười: - Cái chuyện trăm năm
Trời xe duyên mới được thành lứa đôi.
Thôi o, chuyện đã xa rồi
Hỏi thăm là để biết người ngày xưa,
Thương người dãi nắng dầm mưa
Dẫu tình xưa đứt, nghĩa chưa vẹn tròn.

- Mi nghĩ được rứa là khun
Thương nhau đừng để lời đồn bướm ong.
Có bữa hấn tức thằng nhông
Gặp tau hắn khóc tau cùng khóc theo,
Đàn bà bọt nước, cánh bèo
Nhông ngu thoát khỏi kiếp nghèo mấy ai.
Bữa mô vô cấy xóm Đoài
Gặp hấn tao chuyển mấy lời hỏi thăm.
Mi có ở được đến rằm
Xuống nhà tau nấu cá rầm mà ăn.

- Dạ, con không nghỉ phép năm
Chỉ về tranh thủ được dăm ba ngày.

- Đi tàu hỏa hay máy bay?
Tau ước đi đó đi đây một lần,
Mi biết cái nghiệp nhà nông
Nỏ khi mô được ở không vài ngày.
Vô đó gọi điện về ngay
Đừng để choa ở ngoài này ngóng trông. . .

Thương o chân chất tấm lòng
Hỏi "o tê" lại động lòng o ni!



Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

LÂM TẶC

CHƯƠNG XV

     Lẽ ra Quân, Chính về thăm nhà cùng lúc với Ngọc Râu, Dũng Nheo, Nam Cuội nhưng nghĩ lại về cả một lúc như thế chú Tám Cá buồn, thôi đợi mấy anh em anh Ngọc lên Chính và Quân về cũng được, với lại về sau gần ngày đám cưới Việt Thảo hơn. Không biết mua quà gì tặng Việt Thảo cho có ý nghĩa đây, Quân phân vân mãi. Việc gì suy nghĩ cũng nhanh, quyết định cũng dứt khoát, sao chỉ một việc này khó thế. Hồi chị Hạnh cạnh nhà lấy chồng, người ta tặng phích nước, xoong nồi, bộ đồ trà. . .Đến khi khui quà ra thì nhiều thứ trùng quá, riêng bộ đồ trà giống nhau đã là hơn chục, dùng chỉ có một, bán đi không nỡ, ai lại bán quà tặng đám cưới bao giờ.
     - Có rồi, sư phụ!
     Cùng với tiếng Chính, chiếc mảng được neo ngay lại, sợi dây thứ ba buộc vào mảng cứ căng ra, sợi dây thứ nhất, thứ hai trôi tấp vào mảng. Chiếc ống tre làm phao của sợi dây thứ ba cứ chao đi chao lại theo nhịp lắc của chiếc mảng hất nước lên đều đặn như diễn viên xiếc tung hứng những đồng xu. Vớt hai ống tre phao của hai sợi dây lên mảng, kéo hai cái  rà gỗ giống như cái cào ba chỉa lớn lên, Chính nắm sợi dây thứ ba kéo, Quân thả sào xuống chống. Chiếc mảng dài tám mét, được kết bằng hai chục cây nứa mười ngược nước khá nặng.
     - Tới rồi, sư phụ!
Chính buộc sợi dây vào mảng, sợi dây vẫn lệch một gó bốn lăm độ.
     - Giữ dây để em xuống cho.
     - Sư phụ cứ ngồi đấy, yên trí đi!
Chính xuống mảng, lần theo sợi dây, hít một hơi dài lặn xuống. Hơn một phút sau, vừa ngoi lên đã la toáng:
     - Đã quá, đẹp quá!
Quân Cười:
     - Ở dưới nước sao mà biết đẹp?
     - Cái gốc này hơn hai vòng tay, không có rêu. Tôi xuống xem lại lần nữa.
Quân ước lượng từ mép nước ra đến chỗ gốc cây chìm khoảng chừng mười lăm mét, nằm trên đường thẳng cát ngang dòng chảy bên này là gộp đá mồ côi, bờ bên kia là điểm uốn yên ngựa của hẻm núi. Leo lên mảng, Chính bảo:
     - Mình đánh dấu chứ, sư phụ?
     - Đánh dấu rồi anh Chính.
Quân nói cách đánh dấu của mình cho Chính nghe.
     - Dân đặc công có khác!
Quân lại thả sào chống ngược lên cho Chính thu dây rà, phải ba, bốn lần mới được.
     - Biết thế trước khi lên mảng tháo mấu rà ở dưới luôn. Hôm sau lấy thuyền chèo cho khỏe.
     Cả ngày hôm ấy, xuống đến "đại bản doanh" - nhà bè ông Tám Cá, Quân và Chính đã rà được mười hai gốc cây. Chừng năm, sáu cây số, mới dọc một bờ mà đã như thế thì suốt con sông Gâm này là sẽ bao nhiêu, chưa kể các con suối lớn?
     Sáng nay, nghe Chính kể, ông Tám Cá nói:
     - Người ta trên cạn chưa thấy hết tiềm năng, còn "sư phụ" con nhìn thấy cả dưới nước! Đúng là kỳ tài.
Quân đỏ mặt:
     -Sư phụ cứ nói quá, chẳng qua cũng là tình cờ thôi. Cái hôm thả lưới mắc gốc cây con mới nảy ra ý nghĩ ấy. Với lại trước khi con ra đây con đã thấy ở Thái Hòa người ta cũng đã đào gốc cây lim, cây lát làm làm bàn ghế rồi. Hôm ở nhà trọ Tường Vi con thấy bức tượng thần tài trên bàn lễ tân, tưởng bằng đá, cầm lên mới biết không phải, hỏi mới biết là gỗ lũa.
     - Việc đưa gỗ lũa dưới sông lên như thế nào sư phụ chưa nghĩ ra, con bảo thằng Thuộc mua cáp lụa càng dài càng tốt là sao?
     - Con nghĩ gỗ lũa nằm dưới sông không trôi được phần vì nặng, phần vì một số rễ ngập sâu trong đất đá dưới lòng sông nên phải dùng cáp lụa để kéo.
     - Con tính dùng như cách thằng Cường Gấu à?
     - Cái đó chỉ để kéo thân gỗ thôi chứ gốc cây con nghĩ không kéo nổi. Phải dùng sức máy, cái này phải sư phụ ra tay thì mới thành công.
     - Con nói rõ hơn đi xem nào?
     - Con muốn sư phụ mua một cái máy nổ, mua một cái tời máy nhưng phải cải tiến lại, một cái ba - lăng.
     - Ý con là dùng tời để trục gỗ lên?
     - Dạ, phải tùy theo gốc to hay nhỏ. Con muốn sư phụ nói với anh Thuộc khi tàu xuôi thì giật hộ, kéo được thì kéo về bến luôn. Từ lòng sông lên bãi ta dùng tời, ba - lăng.
Chính nói xen vào:
     - Con chưa nghĩ là làm cách nào đưa gỗ lên bờ chứ nói chi đến tính toán cẩn thận, chi li như sư phụ!
     - Để sư phụ nói Man Hoa rút tiền, cần mua sắm cái gì con cứ sắm. Việc sư phụ nói với con mở xưởng mộc trên này hay dưới thị xã, con tính sao?
     - Dạ, cũng từ việc mở xưởng mộc của sư phụ mà con mới nghĩ kết hợp khai thác gỗ lũa. Con tính nếu tận dụng bìa gỗ người ta bỏ đi, gỗ lũa nữa chắc chắn thành công. Nhưng để thật sự phát triển cũng phải cần đến mười lăm, hai mươi thợ giỏi. Trước mắt ta làm trên này cho gần nguồn nguyên liệu đã, dưới đó tính sau.
     - Không biết anh em thằng Ngọc khi nào lên nữa. Mới mấy bữa mà sư phụ nhớ tụi nó quá. Con về dự đám cưới Việt Thảo bao lâu? Nói trước để thằng Thuộc đặt vé. Có phải cái con bé hồi xưa bị mấy thằng cầu đường sàm sỡ không?
     - Dạ không, Việt Thảo là cô em.
Ông Tám Cá trầm ngâm:
     - Mới đó cũng năm, sáu năm rồi. Để sư phụ bảo Man Hoa chuẩn bị quà, con mang về hộ.
     - Dạ thôi, sư phụ có quen cô ấy đâu?
     - Con nói không phải rồi. Ta là sư phụ của con, lẽ nào người con thương mến ta lại không có quà. Mà thằng Quân về, thằng Chính tính sao?
Chính cười hì hì:
     - Dạ, sư phụ con đi đâu con đi đấy.
Vừa lúc đó Man Hoa xuất hiện.
     - Mời cha và hai anh lên trại ăn cơm!
     Man Hoa xới cơm cho ba người. Bữa cơm có canh măng đắng, cá kho ớt.
     - Con sợ cha và hai anh đói nên nấu qua quýt thôi.
Chính cười:
     - Man Hoa không biết thôi chứ ở nhà tôi, nhà sư phụ bình thường chỉ nấu bát canh rau ăn với cà muối chứ có đâu cá thịt như ở đây. Mà sao Man Hoa không ăn?
     - Dạ, lúc nãy nấu cơm, đói bụng quá, xôi lúc sáng còn nên em ăn trước rồi.
     Man hoa xuống nhà bè, sóng vỗ vào cuốn phao tre óc ách cô cũng không để ý. Dòng sông lấp lóa nắng. Nắng nhảy trên sóng. Xa xa bờ bên kia một cặp vợ chồng vạn chài đang đánh cá. Chị vợ chèo ngược nước, anh chồng quăng chài. Cái chài xòe tròn như cái lá sen lớn chụp xuống sóng nước lấp lóa. Người ta thật hạnh phúc. Mấy ngày nữa thôi là anh Quân cũng như đôi vợ chồng kia. Tiếng cha như vẫn vang vọng, rành rọt: "...Ta là sư phụ của con, lẽ nào người con thương mến ta lại không có quà. . ." Chỉ vậy thôi tai cô đã ù đặc. . .Cả tháng nay Man Hoa sống như người mộng du. . . Cũng vị trí này nhìn ra sông, hình ảnh, lời nói của Quân, cô không thể quên được: "...Chị ấy đẹp lắm phải không anh? - À, ...ừ, cũng đẹp. - Bao giờ cưới, anh? - Tháng sau. . ." Mà sao khi nói về người mình yêu, người mình sắp cưới mà Quân chẳng mấy xúc động? Hay đàn ông có bản lĩnh là như vậy? Nhưng thế sao anh không về sớm để chuẩn bị đám cưới, kể cũng lạ. . .Thôi, thế là hết, chỉ vấn vương trong cái nhìn, suy nghĩ thôi mà sao khổ thế. Thành vợ thành chồng mà phải chia ly còn khổ đến đâu nữa. Từ chuyện mình Man Hoa nghĩ lại càng thương mẹ. Có đêm tưởng Man Hoa ngủ say, mẹ ôm chặt, hôn nhẹ lên má cô mà nước mắt nhỏ xuống ướt gối, ướt cả tóc. Có lẽ mẹ thương cha lắm. . .Biết tặng anh Quân cái món quà cưới gì đây? Thôi phải rồi, cái gối đôi. Cái gối đôi phía trên, góc trái thêu đôi chim câu; phía dưới, góc phải thêu hoa hồng, vắt ngang giữa gối là dòng chữ: "Trọn tình yêu thương" màu trắng - cùng màu mặt gối nên nhìn thoáng qua sẽ không thấy. Man Hoa làm cái gối này khi Quân lên đây hơn tháng. Cô làm trong tâm trạng vui vẻ pha chút  hồi hộp. Nhưng khi nghe Quân nói tháng sau cưới Việt Thảo, cô bỏ không làm nữa. Trong thâm tâm cô nghĩ mình làm cho mình và. . .Man Hoa cố không nghĩ tiếp nữa mà hình ảnh Quân cứ sừng sững như chắn lối đi của cô, tránh thế nào cũng không được. Lại như bao lần, Man Hoa nói với mình như đọc thần chú: "Man Hoa, mày có còn tự trọng nữa không đấy, có còn lòng kiêu hãnh dòng dõi chúa Bầu không đấy". Thế rồi cô quả quyết đứng dậy lên trại để làm cho xong cái vỏ áo gối còn bỏ dở. . .
     - Sư phụ tính sao, anh Ngọc cùng hai đứa nó không lên mình có về không?
     - Ngày mai anh Thuộc xuôi xuống nhờ đặt vé, ngày kia về chứ không kịp.
     Man Hoa thở dài. Lúc này cô mới có cảm giác nhà bè bập bênh vì sóng, vì bước chân của Chính, của Quân. Cầm cái nón, tính lên trại, Chính nói:
     - Man Hoa cứ ở dưới này chơi, bát đũa rửa cả rồi, chú Tám cũng đang xuống.
     - Thôi em lên trại có tí việc. Với lại có em các anh nói chuyện không tự nhiên.
Man Hoa chưa bước khỏi cầu dẫn đã nghe tiếng ông Tám Cá:
     - Con đi đâu? Xuống cha nói chuyện.
Ông Tám Cá xách một chiếc bao tải đựng lưới, con Mực chạy theo sau. Man Hoa nạt:
     - Mực, về trông nhà!
Con chó ngần ngừ một chút rồi cụp mặt xuống uể oải đi ngược lên. Đặt bao lưới xuống sàn, ông Tám cá hỏi:
     - Số tiền tiết kiệm của cha còn được bao nhiêu?
     - Dạ, sao lại còn được bao nhiêu? Man Hoa hỏi lại.
     - Thì trừ chi tiêu ra còn lại bao nhiêu gửi tiết kiệm?
     - Còn nguyên, có chi tiêu gì đâu cha.
     - Thế con lấy tiền đâu mà đóng góp họ mạc, tiền góp quỹ hỗ trợ thương binh liệt sĩ?
     - Cha không tính tiền bán cá sao, tiền lương con sao? Riêng tiền bán cá hàng ngày của cha con còn gửi tiết kiệm nữa kia. Bốn đám ruộng người ta mướn con cũng chưa lấy kg thóc nào. . .
     - Thôi được rồi, con cứ rút hết đưa cho anh Quân mua máy móc, nếu không đủ thì rút tiếp sổ mẹ con để lại.
Quân nói:
     - Thế này sư phụ ạ, nhân tiện chuyến về này con khảo giá ở Hà Nội luôn. Còn sư phụ nhờ mấy chú, mấy bác trong Hội hưu trí tìm hộ, nơi nào rẻ ta mua.
     - Sư phụ tin con, để thời gian sư phụ làm việc khác. Lấn bấn quá, hơn tháng nay chưa sang thăm già Bân được, ba, bốn lần nhận lời nhắn rồi.
Quân giãy nảy:
     - Không được đâu, chuyện lớn như vậy mà sư phụ cứ như đùa. Sư phụ không trực tiếp quyết định con không làm đâu.
     - Cái thằng này sao hư thế? Giao cho con là giao trách nhiệm. Sư phụ già rồi, vừa làm vừa chơi thôi. Con muốn sư phụ vất vả à?
     - Dạ, con không muốn thế nhưng số tiền bỏ ra lớn quá.
     - Lớn à, mới như vậy mà lớn là con làm sư phụ thất vọng đấy. Con cứ thấy số tiền như thế đã lớn thì xem ra chí làm giàu của con nhỏ bé quá.
     Khích tướng nhưng lại sợ chạm lòng tự ái của Quân, ông đặt tay lên vai Quân, nhỏ nhẹ:
     - Không có cha con thì giờ đây làm gì có sư phụ ngày ngày hưởng phúc, muốn làm gì thì làm. Man Hoa bơ vơ còn đâu chỗ dựa? Tình cảm là lớn con à. Tiền bạc là vật ngoài thân. Con hãy coi sư phụ như anh Tính đi. Đừng làm sư phụ buồn.
Quân ấp úng:
     - Con cũng nghĩ đồng tiền chỉ là phương tiện thôi, nhưng người đời đâu có nghĩ thế. Con nói thật, bọn con chỉ sợ người ta nói lợi dụng lòng tốt của sư phụ.
     - Con cũng nghĩ thế chú Tám à.
 Chính hùa theo.
     - Các anh cũng thật là, tiền làm ra được, mua được nhiều thứ nhưng không mua được tình cảm. Bác Tính hy sinh để cha em và đồng đội sống, thử hỏi như thế giá nào bằng?
Quân đáp:
     - Đã chiến tranh thì kẻ mất, người còn em ạ, nó là quy luật bất thường của cuộc sống. Anh không muốn bấu víu vào sự mất mát của gia đình trong cái mất mát chung của dân tộc để đòi hỏi. Chú Tám còn mảnh đạn trong người đó thôi. Mấy hôm trở trời, chú không ngủ được chắc em cũng biết.
     - Thôi, được rồi, chưa làm mà cứ nói mãi. Chốt lại thế này, sư phụ bỏ vốn, làm ông chủ, trả lương cho mấy đứa bây rồi trả lương cho sư phụ luôn. Khi nào lương sư phụ bằng số tiền bỏ ra thì coi như mọi thứ là của chung. Được chưa. Thôi, khi nào đám thằng Ngọc lên bàn tiếp. Giờ ba chú cháu mình đi đánh cá, còn Man Hoa chuẩn bị ít quà cho bác Tính gái, mua cái gì đấy được được làm quà cưới Việt Thảo nữa nhé.
     - Việt Thảo là ai, cha?
Man Hoa giả bộ như không biết chuyện gì.
     - Thì bạn thằng Quân chứ ai. Chon quà cho xứng đáng một chút.
     Chính chống mũi, Quân chèo lái. Ông Tám Cá ngồi giữa vừa tháo lưới vừa ung dung châm lửa hút thuốc. Man Hoa lên trại lấy cái gối ra thêu. Cha nói "chọn quà cho xứng đáng một chút" là xứng đáng với anh Quân hay xứng đáng với cha, cha ơi. . .


Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XIV

     Ngọc chữa cái bàn học mà lòng dấy lên nỗi thương con khó tả. Mấy bài tập chép ở nhà cả tháng nay con bé chưa đạt một điểm giỏi nào cả. Mặt bàn làm bằng gỗ tạp nứt rồi quăn lên, mộng mẹo thì lỏng phệch, để thì đứng nhưng tì tay nhẹ một cái là xích tới xích lui. Vậy mà Duyên phải tằn tiện, tiết kiệm cả mấy tháng mới mua được cho con. Ngày có được cái bàn con bé vui như tết, đêm thức giấc nó dậy mò mẫm cái bàn, Duyên phải nạt nó hai, ba lần nó mới leo lên gường ngủ tiếp. Lúc mua cái bàn thấy đã không chắc chắn lắm, mộng mẹo không khít, Duyên phân vân thì lão Lùng nói:
     - Cô muốn có cái bàn cỡ này tốt không chê vào đâu được thì đưa tôi gấp bảy số tiền này. Mộng mẹo hở hang à? Hở hang giàu sang phú quí, hở một tí phú quí giàu sang, hở một gang cả làng giàu có, ha ha. . .
Để cho mặt bàn phẳng đành phải bào lại rồi lắp thêm bốn cái đố, đóng nẹt đinh xuống. Chữa cái bệnh lúc lắc của bàn phải mua thêm mấy thanh gỗ đóng giằng. Phải bỏ tiền ra mua mấy thanh gỗ tạp Ngọc lại tiếc những bìa gỗ xẻ bỏ lại trong rừng trên Yên Bái, Tuyên Quang. Chú Tám Cá nói đúng, chả mấy chốc mà hết rừng nếu khai thác, sử dụng gỗ hoang phí như thế.
     - Anh Ngọc ơi, có nhà không đấy?
     - Có đây, cổng không đóng đâu.
Ngọc nói vọng ra. Nam Cuội dắt xe đạp đi trước, Dũng Nheo đi sau xách một xâu lươn.
     - Lâu lắm rồi không ăn món lươn xào sả ớt. Hôm nay bọn em ở lại uống rượu đấy. Chị và các cháu đâu anh?
     - Duyên đi làm cỏ lúa. Bé Chiền Chiện đi học, thằng Cu gửi bà ngoại.
     - Cha con lâu ngày gặp nhau sao không để cháu ở nhà?
     - Mình muốn thế nhưng thằng bé sợ mình, cứ ôm riết lấy mẹ. Đành phải đưa cu cậu sang nhà bà ngoại, lát nữa xong việc mẹ nó đưa về.
     Vợ chồng Ngọc ở chái ngang, căn nhà chính ông bà ở với vợ chồng chú Vàng. Bếp chật mà phải đun bằng rơm, người không quen khó nấu nổi nồi cơm. Nam Cuội đun ấm nước mà cứ như đánh vật. Lửa lúc bùng lúc tắt, khói, tàn tro bay tứ tung. Dũng Nheo không nhịn được cười:
     - Vợ hầu hạ quen rồi, đun ấm nước không nên thì làm gì. Để đấy cho tao.
Nam Cuội đứng dậy, phủi hai tay áo:
     - Chỉ riêng nấu cơm cũng đã mất thời gian, chả trách đàn bà xứ mình đầu tắt mặt tối.
Quay sang Ngọc, Nam Cuội hỏi:
     - Việc chú Tám Cá nói anh tính sao?
     - Thế chú mày tính sao?
     - Còn tính sao nữa anh, chả lẽ ở với bố mẹ miết, còn hai đứa em nữa. Mấy miệng ăn mà có mấy sào ruộng, không đủ ăn rồi mà cái gì cũng nhìn vào đấy. Lên đó em chỉ ngại một điều là sau này có con cái việc học hành hơi khó khăn, vất vả một chút.
     - Anh thì anh ngại là tụi mình nhờ vả chú Tám Cá nhiều quá, hơn nữa anh còn hai cháu biết tính sao đây. Để Chiền Chiện ở dưới này cho tiện việc học hành thì sợ mẹ con nó nhớ nhau. Mà đưa lên trên đó gửi nó ở thị xã thì nó phải tự lập cũng khổ, ít ra cũng phải lớp sáu, lớp bảy, đằng này nó mới lớp ba.
Dũng Nheo nói vọng lên:
     - Em thì nhất quyết rồi. Yêu quê hương thì yêu thật nhưng em không yêu cái đói. Đất chật, người đông, ruộng cứ dần teo tóp lại, chỉ việc nghĩa trang ngày một rộng ra cũng hết đất sản xuất. Không có cái mà nấu đã đành, mà nếu có cũng không có củi có than mà nấu. Đun rơm cũng phải biết đun chứ đun như thằng Cuội thì hết mùa là hết rơm.
Ngọc trầm ngâm:
     - Chú Tám Cá coi anh em mình hơn con đẻ. Chú nói cái gì cũng chắc, cũng đúng. Về phần tao, chú bảo đem vợ con lên, mở rộng cái nhà bè ra làm cái cửa hàng tạp hóa. Duyên vừa có điều kiện coi con vừa bán hàng, còn tao phụ trách xưởng mộc chú mở trong nay mai.
     - Thế còn Quân làm gì? Không biết có lập nghiệp trên đó không nữa? Nam Cuội hỏi.
     - Sư phụ không lập nghiệp trên đó thì ở đâu, dễ gì Man Hoa rời quê cha đất tổ. Dũng Nheo đáp.
     - Anh em mình ai cũng muốn vậy, chú Tám Cá cũng muốn vậy nhưng Quân khí khái lắm. Quân bảo phải khi nào nuôi được vợ thì mới cưới vợ.
     - Cháu chào các chú, con chào bố. Thưa bố, thưa các chú, cháu đi học về!
Bé Chiền Chiện đi trước, Duyên bế thằng Cu đi sau.
     - Các chú mới tới chơi, các cô đâu? Duyên chào.
     - Mắc công chuyện quá chị ơi. Bọn em tính chuyện lên ngàn chị à.
Nam Cuội trả lời, chìa hai tay về phía Duyên:
     - Chị đưa thằng Cu em bế tí nào.
Thằng bé quay lại, ôm chặt cổ Duyên.
     - Nó sợ người lạ chú à. Bố nó cũng chưa bế được kìa.
Chiền Chiện cất cặp sách, nói với mẹ:
     - Đưa em con trông cho.
Nhìn con bé bồng thằng em mà thương, cứ như ếch tha nhái. Ngọc bảo con bé ngồi vào lòng mình thì thằng em cứ co quắp lại.
     - Bố bồng hai chị em nhé, bố mà, sợ gì chứ.
Thằng bé vẫn ôm chị chặt cứng, Ngọc hỏi:
     - Hôm nay con đi học được mấy điểm?
     - Dạ, Toán được mười điểm, Văn được chín điểm.
Dũng Nheo khen:
     - Chiền Chiện học giỏi quá, lại trông được em cho mẹ nữa, ngoan ghê!
Con bé cười nhe cái răng sún:
     - Cháu chưa giỏi đâu, tập chép ở nhà cháu chỉ được bảy, tám điểm thôi.
     - Vậy lớp cháu ai học giỏi nhất?
     - Bạn Kiên ạ. Nhưng bạn ấy nghịch lắm cơ. Mà lúc ban sáng bạn ấy làm văn không như mọi khi, tức cười lắm.
     - Tức cười làm sao?
Nam Cuội nhìn Dũng Nheo nháy mắt.
     - Dạ, cô giáo ra đề tả về bố em, bạn ấy viết: "Bố em có hàm răng vàng. Hàm răng vàng dạy bảo em những điều tốt đẹp".
Không ai nhịn được cười, Duyên vừa cười vừa hỏi vọng lên:
     - Có thật không đấy, bạn Kiên học giỏi sao viết như vậy?
     - Dạ, thật mà. Cô giáo cũng cười nhưng cho bạn có bốn điểm thôi. Bạn ấy nói làm văn được điểm mười dễ, làm văn cho cô giáo và các bạn cười mới khó.
Ngọc lên tiếng:
     - Chắc thằng bé có bà con với Cuội.
     - Có Cuội đời mới vui chứ, cũng có khi Cuội mới được việc.
Nam Cuội cười cười, Ngọc nghiêm mặt:
     - Được việc theo cái Cuội của chú mày có khi no đòn.
     Dũng Nheo nhớ lại cái thời mấy anh em tìm trầm ở Điện Biên. Ròng rã cả tháng trời ở trong rừng chỉ được ít trầm vụn. Ra bến xe thay nhau thay nhau xếp hàng chỉ mua được hai vé, thế rồi chen lấn, trèo lên đầu lên cổ nhau chỉ cốt thò được tay vào cái lỗ bán vé bằng sắt như lỗ châu mai. Cô bán vé lấy tiền một trong bốn cánh tay chìa vô, đếm tiền, ghi số ghế, số xe, giờ xe chạy vào vé. Nam Cuội đã cho được tay vào cái cửa con ấy, nó nằm trên đầu cả đám người đang cố chen chúc. Nhìn được qua khe cửa sắt thấy một bàn tay đang chờ lấy hai vé cuối cùng,  nó liền đặt tiền vào bàn tay ấy. Cô bán vé cắm cúi ghi nên không biết trò gian lận của Nam Cuội. Thấy bàn tay không có tiền cô đặt hai tấm vé vào đấy, bỏ cây bút vào túi xách, thông báo gọn lỏn: "Hết vé". Mọi người rút tay ra tiu nghỉu, chỉ riêng Nam Cuội cài lại khuy áo ngực, cười cười. Chính hỏi có mua được vé không, nó gật đầu: "lát nữa kể".
     Thế rồi xe chạy xuống lưng chừng đéo Pha Đin, qua cua tay áo đâm phải con ngựa thồ của một người đàn ông H mông ngược lên. Con ngựa chết, hàng họ văng tung tóe.
     Người đàn ông H mông rút con dao ra khỏi vỏ. Con dao bầu ở bụng, mũi nhọn hoắt, sáng loáng. Ông ta đập sống dao vào cửa bên tài xế.
     - Mày xuống đây!
Bác tài xanh mặt. Hành khách xuống xe. Mọi người lượm hàng hóa dồn lại, nép hai cái sọt, một gãy, một còn nguyên vào vệ đường.
     - Mày muốn chết hay muốn đền ngựa cho tao?
Bao năm chạy tuyến đường này bác tài biết động vào dân H mông là chỉ có chết. Họ nói một là một, hai là hai. Đền con ngựa cũng chục tháng lương là ít, lấy gì mà sống? Vả lại cũng có tiền đâu mà đền.
     - Vậy là mày muốn chết rồi!
Nam Cuội bước ra, đứng chắn trước bác tài xế, đối mặt với người đàn ông H mông.
     - Nó đền thôi, không muốn chết đâu. Giờ nó không có tiền, để khi nó lên nó đền được không?
     - Làm sao tao tin nó được?
     - Lập biên bản.
     - Mày biết lập biên bản à?
Người đàn ông H mông đồng ý để Nam Cuội lập biên bản. May trên chuyến xe có cô sinh viên trở lại trường có bút, sổ tay. Xé tờ giấy trong cuốn sổ, Nam Cuội vừa đọc vừa viết:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

BIÊN BẢN TÀI XẾ LÁI XE ĐÂM CHẾT NGỰA

     Hôm nay, ngày...tháng...năm Ất Tỵ, xe từ Điện Biên xuống, ngựa thồ hàng ngược đèo Pha Đin lên. Đến giữa đèo xe đâm vào ngựa làm ngựa chết. Dấu vết là máu ngựa dính trên ba rờ xốc của xe. Biện pháp giải quyết là cho xe chở khách tiếp tục xuôi về Hà Nội, chủ ngựa làm thịt ngựa bán hay cho thì tùy, gánh hàng về nhà, tuần sau lên đồn công an gần bến xe giải quyết.
     Biên bản này giao cho chủ ngựa chết làm bằng chứng đòi tiền. Cả hai nhất trí ký tên.
     Nghe Nam Cuội đọc, cô gái cho giấy cười. Nam Cuội trừng mắt, quát:
     - Không được cười, muốn ở đây thì cười, có yên cho người ta lập biên bản không!
Người đàn ông H mông hỏi:
     - Mày nói cái ba rờ xốc là cái gì?
Chỉ tay vào cái cản xe, Nam Cuội nói:
     - Nó đây.
Nhìn kỹ cái ba rờ xốc có dính máu thật, người đàn ông H mông hỏi bác tài xế:
     - Nó viết đúng thế chứ? Đúng thì ký vào!
Bác tài gật đầu, cầm bút ký loằng ngoằng không rõ chữ gì. Người đàn ông H mông cầm "biên bản" đưa cho cô gái cho giấy:
     - Mày đọc cho tao nghe!
Cô gái đọc xong, người đàn ông H mông nói:
     - Mày lập biên bản giỏi quá. Nhưng tao không biết ký.
     - Thì mày điểm chỉ vào. Lấy ngón tay bôi máu ngựa rồi ịn vào!
Hành khách giúp người đàn ông H mông kéo con ngựa vào vệ đường rồi lên xe. Xe chạy được một đoạn mọi người cười đùa, bàn tán, nào là biên bản gì mà không ghi tên người, chứng minh thư, nào là không có số xe. . .rồi đồn công an tha hồ mệt với người đàn ông H mông đó. Ngọc và Dũng Nheo không tham gia bình phẩm. Bác tài xế thở dài:
     - Lần này về xin công ty đổi tuyến chạy không biết có được không đây!. . .
     Nam Cuội đập tay vào vai Dũng Nheo:
     - Gì mà thần người ra thế? Nhớ sư phụ hả?
     - À, ừ, mà sao Quân và thằng Chính ở lại trên ấy, có kế hoạch gì à?
     - Lặn tìm gỗ trên sông Gâm. Ngọc trả lời.
     - Thật thế à? Em cứ tưởng chú Tám Cá đùa.
     - Mày thấy chú Tám Cá hay đùa lắm sao?
     Nam Cuội im lặng. Gỗ đâu mà tìm nhỉ? Mấy ngày về nhà công việc lặt vặt không quen nên cứ thấy ươn ươn, mỏi mỏi trong người. Đào đất cất gỗ thì mệt thật nhưng làm thét cũng quen, ngả lưng xuống là ngủ ngon ngay. Cái số, cái nghiệp là vậy, có phải ai cũng hợp với công việc nhẹ nhàng đâu. Vợ thì cứ than không có việc để làm, phen này lên đấy thì đừng có kêu mệt. Sức dài vai rộng, siêng năng thì chỉ có giàu được không thôi chứ lo gì đói. Việc đáng làm thì làm, suy nghĩ gì cho mệt đầu, có làm rồi mới biết hay, dở, đúng, sai chứ, nghĩ mãi thì có ích gì. Nghĩ vậy, Nam Cuội tuyên bố:
     - Ngày mai em đưa vợ lên trên ấy!
   

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG XIII

     Minh Chột hút hết điếu thuốc này lại châm điếu thuốc khác. Mẹ kiếp! Chúng phá vỡ kế hoạch của ông. Thằng Cường Gấu mai giao công an huyện là xong, nhưng hai khúc gỗ lát đã mang về, một khúc còn lại trên rừng tính sao đây? Chắc chắn phải báo sếp Kim rồi. Lại phải cắt người bảo vệ gỗ, sơ sẩy là mất ngay. Chỉ cần đẩy xuống suối, xuôi theo dòng sông rồi kéo vào một nơi nào đó khuất khuất ven bờ, xẻ thành hộp thì tẩu tán nơi nào mà chẳng được. Đang lúc cần người trồng cây cho xong tiểu khu 1a.50, định tăng cường nhóm thằng Quân thì chính thằng Quân báo nhóm nó không hợp đồng làm công nhân lâm trường nữa vì lương thấp không đủ sống. Mẹ kiếp! Chuyện này cũng thằng Trí Vịt đây. Đã bảo tính toán cho chúng nó kha khá một chút để giữ người thì cứ muốn ăn trọn. "Cho chúng hợp đồng ba, bốn tháng, chúng không làm nữa ta tuyển người khác, lo gì. Lâu nay anh không thấy thế sao?". Giờ này mày chưa vác mặt lên mà tuyển người. Mẹ kiếp! Ăn chặn cũng tùy người. Bọn này làm gấp đôi người khác thì cho chúng một nửa cũng được rồi, đằng này. . .
     Đang suy nghĩ, tính toán đau cả đầu thì Long Sẹo ôm cằm lên, có vẻ đau đớn:
     - Anh cho người canh thằng Cường Gấu thay em. Em nhức quá.
Nhìn cái quai hàm sưng tím của Long Sẹo, Minh Chột đưa cho nó chai rượu thuốc:
     - Mẹ kiếp! Mày đổ vào lòng bàn tay cho khéo, xoa vết thương đi. Ông Tám Cá bảo mai sang Yên Sơn nhờ già Bân chữa cho. Bảo thằng Nhung, à mà thôi, thằng Cơ gác thay mày!
     Thằng Nhung thì cẩn trọng trong, làm việc đến nơi đến chốn, còn thằng Cơ thì láo liên nhưng căn bản nó là tay chân thân tín của thằng Trí Vịt. Đã tay chân của thằng Trí Vịt giờ phải đẩy vào chỗ khó. Nó làm tốt việc canh gác không sao, chẳng có gì để nói, còn như để sổng thằng Cường Gấu thì tao xử kỷ luật, thằng Trí Vịt có bênh cũng không được. Minh Chột hài lòng với suy nghĩ của mình.
     Trước kia ông Tám Cá có xin cho năm anh em thằng Quân vào làm ở lâm trường, thế mà trong cuộc nhậu giã bãi đêm nay của anh em lão Chày, nghe thằng Quân báo xin nghỉ việc thì lão không nói một tiếng nào. Cũng đúng thôi, nếu như mình thì cũng bỏ từ đời tám hoánh rồi. Mình ngu thật, cứ để thằng Trí Vịt xỏ mũi mãi. Lâm trường cũng phải có những người làm được việc chứ. Đúng rồi, làm được việc thì chỉ tiêu cấp trên giao mới hoàn thành. Mà hoàn thành công việc thì chấm mút, xà xẻo tí cũng qua. Đằng này, dù sếp Kim không nói ra nhưng ai cũng biết mấy năm nay lâm trường không hoàn thành nhiệm vụ. Không hoàn thành nhiệm vụ thì thằng giám đốc năng lực cái đếch gì. Thế mà thằng Trí Vịt khi nào cũng leo lẻo: "Anh là hạt giống đỏ của ngành!". Chưa chừng nó hất cẳng mình lúc nào không hay, Ngày trước, đồng ý cho nó làm phó cho mình cứ tưởng nó vì công việc chung, ai dè có danh có tước rồi nó ngầm đi đêm với các sếp trên, còn ở lâm trường chưa bao giờ nó nóng nảy hay phê bình ai trong các cuộc họp. Nó chỉ to nhỏ với mình người này làm sai, người kia làm ẩu mặc dầu những người đó thuộc phần nó phụ trách, quản lý. Thành ra, nó được tiếng hiền, được lòng anh em. Còn mình thì cứ quát nạt nhặng xị lên. Có việc mình quát nạt sai, người ta phản ứng lại, nó ngậm miệng. Xong việc nó nói: "Xin lỗi anh, em kiểm tra chưa kĩ, lần sau rút kinh nghiệm". Thế là mình bị người ta ghét mà họ có biết đâu cũng là do thằng Trí Vịt mà nên. Hành động của nó gọi là gì nhỉ, "ném đá giấu tay", không, như sếp Kim nói là "thủ đoạn chính trị".
     Càng nghĩ càng đau đầu. Thôi, biết thế đã. Châm điếu thuốc, Minh Chột bước ra ngoài vươn vai. Sương đêm man mát. Cổ tay trái đã bớt sưng, mấy ngón tay cử động không còn khó khăn nữa. Có lẽ bôi một lượt thuốc nữa là khỏi. Mẹ kiếp! Thằng Cường Gấu sao lại xuất hiện ở đây nhỉ. Thường việc nó làm theo đơn đặt hàng. Ai đứng đằng sau vụ này nhỉ? Nó làm vào thời điểm anh em lão Chày và anh em lâm trường liên hoan giã bãi. Chắc chắn kẻ đứng đằng sau vụ này có tính toán và hiểu công việc lâm trường như người trong nhà. Bọn thằng Huy, thằng Trọng Hói chắc chắn là không rồi. Dân ở đây ai là người có máu mặt thuê và dám thuê thằng Cường Gấu? Hay là dân thị xã? Nếu là dân thị xã thì trước sau gì lão Tám Cá không biết? Đánh cá, trồng cây, nuôi gà ở xó rừng này mà biết chuyện thị xã cứ như Khổng Minh ở ẩn mà biết chuyện thế sự Ngụy, Thục, Ngô.
     Tiện chân, Minh Chột xuống phòng kho, nơi đang giam thằng Cường Gấu. Thằng Cơ thấy Minh xuống, nhanh nhảu đứng dậy:
     - Dạ, anh đi kiểm tra ạ.
     - Kiểm tra cái con mẹ gì, mở cửa xem!
Trong phòng, thằng Cường Gấu nằm co ro trên chiếc bao tải lớn. Hai cổ tay bị trói của nó để trước bụng. Thấy Minh vào, nó nói:
     - Ông tha cho tôi lần này đi.
     - Tha cái con mẹ mày. Mày nuốt lời hứa không làm trên địa bàn của tao rồi đó.
     - Tôi tính không làm nhưng nó nói mãi.
     - Nó là thằng nào?
     - Không tha thì thôi, hỏi con mẹ gì!
Đột nhiên thằng Cường Gấu nổi cáu.
     - Được thôi, nói ra thì còn cơ may. Còn không, lên công an huyện khai.
     - Dọa cái con c...Tao vào tù ra khám nhiều rồi!
     Có lẽ Cường Gấu lỡ lời "nó nói mãi" nhưng kịp dừng lại. Thằng này không nói thì cạy răng nó cũng thế thôi. Đứng sau thằng Cường Gấu không phải là người lạ, cùng trang lứa hay nhỏ tuổi hơn nó, chắc chắn thế. Minh Chột tính đạp cho nó vài cái nhưng lại thôi, thêm thù chuốc oán làm gì, nó thuộc loại lì lợm, chuyện gì cũng dám làm lắm. Khép cánh cửa, Minh Chột nói:
     - Mày canh chừng nó cho cẩn thận!
     Tiếng bước chân Minh Chột xa dần, Cường Gấu bắt đầu tháo dây trói. Ngữ như chúng mày mà đòi giam ông. Hắn cười khẩy. Khi chìa tay cho thằng Cơ trói nó đã rất nhanh nắm gập được một đoạn dây trong lòng bàn tay trái. Chúng nó quấn mười một vòng rồi buộc lại, thắt riết múi năm lần. Bình thường thì có trời mà mở. Bây giờ, thả mối gấp đó ra, căng tay néo vài chục lần, sợi dây trói nới lỏng. Nó cố gắng rút tay phải xuống đấy tay trái lên, dùng ngón cái tay phải cố tách một vòng dây rồi chụm mấy ngón tay trái luồn qua. Sau ba lần cố gắng như thế nó tháo được vòng thứ nhất. Coi như xong! Tháo xong vòng thứ ba, dốc xuống dây trói đã rơi xuống đất. Nắn nắn, xoa xoa cổ tay một lúc hắn quyết định hành động.
     Gấp sợi dây vòng qua hai cổ tay như bị trói, nó đạp mạnh vào vách. Thằng Cơ mở cửa dòm, nó la khẽ:
     - Tao đau bụng quá.
Thằng Cơ vừa cúi xuống nó chụp sợi dây qua cổ, siết mạnh, kéo xuống. Đầu vừa chạm đất, nó vung tay chặt một cái vào gáy, thằng Cơ ngất xỉu. Cẩn thận, nó xé vạt áo thằng Cơ rồi vo tròn nhét vào miệng, trói lại, khép cửa, lẩn vào bóng đêm.
     Hắn xuống đến bãi, hai khúc gỗ lát còn được neo ở đấy. Tay bảo vệ ngồi tựa lưng vào đống nứa đang há hốc mồm "kéo gỗ". Lẽ nào thoát một mình, như thế tầm thường quá! Phải đem theo cả hai khúc gỗ bọn chúng mới lác mắt. Nghĩ vậy, hắn nhẹ nhàng nối hai khúc gỗ lại, nhổ neo kéo ra bờ sông.
     Bè gỗ anh em lão Chày giờ này chắc qua Họng Bọt rồi. Trên bãi chỉ còn lại đống than lớn đang vạc. Xuôi dòng nên chẳng mấy chốc đã ra đến bờ sông. Giờ tiếp tục xuôi thì dễ gặp lão Tám Cá lắm. Vả lại mất gỗ thế nào chúng chẳng xuôi sông tìm. Không biết hai cây lát kia chúng đem đến nơi tập kết chưa? Nếu không bị phát hiện thì giờ này nó và đàn em đã đánh chén say sưa món "mộc tồn" quán lão Hoàng Vẩu rồi. Nghĩ đến món "mộc tồn" nó ứa nước miếng, bụng cồn cào. May mà trước lúc đốn cây kịp ăn mấy miếng cơm lam chứ không giờ chẳng còn sức lực đâu mà kéo. Thôi, cố gắng lên con. Hắn tự động viên. Hai khúc gỗ là tiền, là uy tín, là tiếng tăm của mày đấy, Cường Gấu. Hắn bặm môi kéo, sợi dây thít chặt trên vai. Không dám thở mạnh, không dám lội mạnh, vừa kéo vừa nghe ngóng động tĩnh nên đã chậm lại chậm hơn. Lại nữa, nhìn cái gì cũng hơi lòe nhòe. May mà cú đấm của lão Tám Cá trúng vào lưỡng quyền, xích sang tí nữa thì vỡ mặt rồi. Mắt trái sưng, đọng nước mắt nên lòe nhòe chăng? Nhắm mắt trái lại hắn thấy đỡ nhòe hơn.
     Hình như có người. Hắn dừng kéo, nép vào bụi cây ven bờ. Lắng tai nghe bước chân, chừng ba, bốn người. Ai nhỉ? Bọn đi săn phải có đèn ló chứ? Đây cũng không phải là đường mòn vận chuyển hàng buôn lậu. Tiếng bước chân của dân sơn tràng. Có tiếng lào thào, ai nói câu gì đó. Hình như tiếng thằng Khoa. Nín thở, nhắm mắt lại, cố lắng tai nghe. Đúng rồi, tiếng lào thào kia là của thằng Khoa. Thở một hơi nhẹ, nó huýt sáo như tiếng rắn lục. Nghe tiếng huýt đôi, thằng Khoa khẽ gọi:
     - Đại ca, đại ca.
     - Khẽ mồm thôi, tao ở đây.
Cả bọn mò tới, thằng Cư nói:
     - Thế mà bọn em tính vào lâm trường giải cứu đại ca.
Nhìn thấy hai khúc gỗ lát, cả bọn xuýt xoa. Thằng Cư bóp bóp vai Cường Gấu:
     - Thoát người là được, đằng này. . .
     - Thôi, chúng mày nói vừa thôi, giờ tính sao?
     - Theo em, giờ chống sang bờ bên kia, tiếp tục ngược lên, chỗ nào giấu được ta giấu.
     - Thôi được, làm theo ý thằng Trường đi.
     Vừa sang đến bờ bên kia thì gặp ngay một chiếc thuyền đánh cá của dân vạn chài xuôi xuống. Chiếc thuyền không tránh ra mà cứ nhằm khúc gỗ Cường Gấu đang ngồi trườn tới. Tính dùng sào đẩy thì có tiếng trong mui thuyền vọng ra:
     - Ông Cường phải không? Sao lâu thế?
Thì ra là thằng Trí Vịt.
     - Lâu cái con khỉ, hút chết vì tay lão Tám Cá.
     - Không thấy các ông, tôi lên đây đón. Không dám sang bên ấy vì sợ gặp dân lâm trường. Thấy các ông sang, tôi xuôi xuống.
     - Giờ thì sao?
     - Bỏ nứa đi, kẹp gỗ vào be thuyền.
     - Giao ở đây cũng được à?
     - Tiện cho các ông quá, phải không.
     - Hai cây lát kia ra sao?
Thằng Khoa lên tiếng.
     - Xong rồi, mai có người giao tiền cho các ông tại quán Hoàng Vẩu. Tạm biệt!
     Chiếc thuyền chài trôi xuôi khuất lần trong màn sương bàng bạc. Nằm trên chiếc mảng được kết bằng mấy bó nứa, Cường Gấu ngáp một tiếng, uể oải:
     - Giờ tụi mày đưa tao đi đâu thì đi!