Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Uống rượu với. . .


     Uống rượu với thằng bạn điên
     Nó bảo giờ muốn thành người miền núi,
     Đất bằng mới thấy bước thấp cao
     Đất cao bước thấp hóa ra bằng.

     Uống rượu với thằng bạn khùng
     Nó bảo muốn chọc đui con mắt,
     Để khỏi thấy một hóa thành hai
     Để khỏi thấy con người nhiều mặt.

     Uống rượu với thằng bạn hiền
     Nó bảo ước chi đừng có tiền,
     Hồn nhiên như cái thời nguyên thủy
     Một đời hái lượm chẳng bon chen.

     Uống rượu với thằng bạn ngu
     Nó bảo ước chi được ở tù,
     Có mắt như mù, tai như điếc
     Lánh  đời đen bạc vững căn tu.

     Rồi mấy thằng bạn uống với nhau
     Quyết chẳng để buồn tới ngày sau,
     Bao nhiêu uất ức nôn ra hết
     Rồi đái luôn vào nỗi khổ đau.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

LÂM TẶC



CHƯƠNG XI


     Ông Tám Cá chèo lái, Quân dùng sào chống đằng mũi. Nhìn cách thả sào, đẩy sào của Quân, ông nghĩ cùng cái tuổi như Quân mình thua kém là cái chắc. Hậu sinh khả úy. Dù việc gì chỉ qua một lượt là nó làm được ngay, làm thành thạo như người có tay nghề chuyên nghiệp. Người như nó không được học Đại học cũng uổng. Có chữ nghĩa vẫn hơn. Đời cha hy sinh mà đời con vẫn lam lũ quá. Nó không học Đại học là nhường cho em, sợ em khổ, mẹ khổ. Đã mấy lần ông nói với chị Tính, với Quân, việc ăn học Đại học của hai anh em để ông lo. Chị Tính không chịu, Quân không chịu. Nó nói: "Việc gì con cũng nghe sư phụ nhưng việc này con xin sư phụ để con tự lo liệu. Con hứa với sư phụ cuộc sống sau này của những người có tấm bằng Đại học như thế nào con sẽ như thế ấy nếu không nói là hơn".
     Khi nghe Quân nói câu ấy ông thoáng buồn. Nó có tự cao tự đại không đây? Một lời khẳng định phải có cơ sở chứ, đằng này nó chưa có gì cả. Mà từ trước đến nay nó không phải là đứa nhiều lời. Việc gì nó nói nó làm được cả, chưa thất tín bao giờ. Nghĩ mãi không ra, ông hỏi:
     - Con nghĩ thế nào là người trí thức?
     - Dạ, người trí thức là người có tri thức.
     - Vậy để có tri thức thì cần phải học chứ, còn môi trường nào tốt hơn là học Đại học?
     - Con nghĩ khác một chút, đọc sách cũng là học. Con thích học những cái mình cần hơn là những cái chung chung.
     Nghe nó nói vậy ông vừa vui lại vừa lo. Vui là nó có chí hướng, bản lĩnh, không đi trên con đường có sẵn mà tự mình tìm một lối đi riêng. Mở lối đi riêng thì biết bao nhiêu trắc trở. Rồi ông thật sự đặt niềm tin ở Quân khi nó tâm sự với ông nhân chuyện trồng cam giống mới thất bại ở Nông trường 3-2.
     - Sư phụ thấy đấy, trồng cam đất tốt phải bốn năm, bình thường phải năm, sáu năm mới được thu hoạch. Sau chừng ấy năm mà cam không có trái, hoặc có nhưng trái lèo tèo, chua như chanh thì coi như mất trắng. Đấy là đất của nhà nước, giống của nhà nước, kỹ sư cũng của nhà nước luôn; còn nếu là nông dân không nghèo mới là lạ. Con nghĩ cứ cái đà này thì mỗi nơi một chút, nhà nước chịu gì nổi!
     Nó nói có lý, trẻ tuổi mà có cách nhìn nhận như vậy thì việc nó tìm một hướng đi riêng cho cuộc đời nó không có gì đáng ngại.
     Qua vực cây Sung một khúc, ông Tám Cá bảo Quân:
     - Con thả lưới đi, đầu lưới buộc vào ống nứa làm phao. Đoạn dây thừa đó buộc vào nhánh cây bên bờ để lưới khỏi trôi.
     Thả lưới xong, ông Tám Cá bảo Quân lên bờ cùng với ông. Quân chưa biết lên làm gì thì ông Tám Cá nói:
     - Con nhớ cho kỹ nhé, từ cây mít nài này kéo thẳng lên hòn đá bàn trên đỉnh kia, chạy ngược sông 500m là đất của nhà đấy.
     Quân nhìn khu đất ông chỉ ước lượng phải trên mười lăm héc ta. Khoảnh rừng được đánh dấu bằng dãy cây mít nài và trồng chủ yếu là cây mỡ, đôi chỗ trồng xen cây ăn quả, những triền đất thấp trồng vài ba chục cây chuối ngự.
     - Rộng như đất sản xuất của nông trường. Sao nhiều vậy, sư phụ?
     - Đây mới một đám thôi. Lớn hơn có chục đám. Bằng phân nửa đám này có mười hai đám con à.
Quân trố mắt ngạc nhiên. Nói về đất đai như thế mà sư phụ cứ bình thản như không, như nói chuyện của ai vậy.
     - Tiền đâu mà sư phụ mua được nhiều đất như vậy?
Ông Tám Cá cười:
     - Con không nhớ sư phụ là dòng dõi chúa Bầu à?
Như để Quân khỏi thắc mắc, ông nói:
     - Thực ra đây là tài sản mẹ Man Hoa để lại đấy. Trước khi vào Nam chiến đấu, sư phụ nói đùa với bà: "Trước đây dải đất Tuyên Quang này là của dòng dõi nhà tôi. Giờ tôi đi chiến đấu đòi lại nước, còn thu lại đất tôi giao cho bà".
     Quân cười:
     - Lúc đó sư phụ nói là giao cho em chứ?
     - Thì là kể lại mà, giờ, già rồi kể thế mới hợp.
     Ông Tám Cá kể bà buôn bán giỏi nhưng bao giờ cũng giữ chữ tín nên khách càng ngày càng đông. Có tiền bà mua đất. Bà mua lại những đám rẫy người ta làm đã vài ba mùa. Số tiền không đáng là bao mà được diện tích rộng. Người ta chọn mua đất mặt đường, còn bà mua đất giáp sông, giáp suối. Mua được miếng nào là thuê trồng cây miếng đó, vừa cây lấy gỗ lại vừa cây ăn quả. Rồi lại thuê người bán coi ngó hộ. Tính ra riêng tiền thu hoạch chuối cũng gần đủ trang trải cho việc thuê mướn chăm sóc, coi ngó. Càng về sau hoa lợi càng lớn, có dư bà lại mua đất tiếp. Giáp tết, những người coi ngó đất cho bà xuôi Tuyên Quang sắm tết, ghé nhà chơi, ai cũng được bà chuẩn bị quà tặng ăn tết. Gia đình người ta đau bệnh hay có chuyện gì phải về thị xã đều tá túc nhà bà, đều được bà chăm sóc, chỉ vẽ chu đáo. Thế nên đất cát dọc sông Gâm, ai muốn bán, muốn mua đều hỏi bà hết. . .
     - Bây giờ sư phụ quản lý đát như thế nào?
     - Vẫn cách làm cũ của bà thôi. Ba cái hiệu buôn ở thị xã người ta thuê đủ trả lương cho ba bốn chục công nhân. Tiền dư cũng mua được vài cái nhà tàm tạm ở Hà Nội. Nhưng sư phụ nghĩ chỉ riêng lương hưu, lương thương binh cũng đủ nuôi bản thân mình rồi, tranh chấp với đời làm gì. Mấy người vạn chài, một cái thuyền, mấy tấm lưới còn nuôi được bốn năm đứa con. Sư phụ đánh cá một buổi sống đàng hoàng ba ngày. Sư phụ muốn con và mấy anh em nghỉ luôn ở lâm trường về quản lý cho sư phụ. Làm ở lâm trường cho đến ngày được hưởng đồng lương hưu cực lắm con à. Tài năng, có tâm như mấy đứa bây bỏ đâu mà chả sống. Sư phụ nói vậy đừng nghĩ sư phụ lợi dụng nghe. Thôi, xuống thuyền, sư phụ đem con đi xem mấy đám gần đây, khi xuôi ta thu lưới là vừa.
     - Sao sư phụ không để Man Hoa quản lý mà làm ở lâm trường?
     - Nó học rồi cho nó hành để có kinh nghiệm. Với lại nó làm ở đấy phần nào ngăn cản thằng Minh Chột, Trí Vịt làm bậy.
     Một phần không nhỏ những đứa con gái con nhà hơi khá giả một tí đã đua đòi ăn diện, mở miệng là tiền, là sành điệu nhưng học hành chẳng tới đâu. Trong con mắt họ sự hấp dẫn của đàn ông được đo bằng tiền, bất cứ đến bằng nguồn nào. Như Man Hoa, hôm nay Quân mới biết gia đình cô có tài sản quá lớn, mà vẫn bình dị, giỏi giang như bao cô gái xứ đồng rừng khác. Và vượt lên trên, hơn hết, có tri thức, ham học. Ai cưới được Man Hoa làm vợ hẳn có phúc lớn. Còn mình, với Man Hoa, cũng như bao chàng trai khác thôi, không rung động mới là chuyện lạ. Nếu như vẻ đẹp Man Hoa để Quân rung động mười, thì tính cách, lối sống làm anh rung động tới hai mươi. Thế nhưng, giờ đây hãy quên cái chuyện đó đi Quân nhé, nếu lấy được Man Hoa mày có qua được tiếng "đào mỏ" không? Còn chuyện ở lâm trường anh em Quân cũng đã tính bỏ việc rồi, chỉ e ngại sư phụ nên chưa dám nói ra. Đành rằng làm công nhân sản phẩm làm ra phần để nhà nước trả lương hưu sau này, phần đóng góp cho xã hội; thì phần trả lương, như Marx nói - để tái lao động sản xuất chí ít cũng phải được bốn mươi phần trăm chứ. Đằng này, tính ra so với xẻ gỗ thuê ở ngoài, thu nhập anh em Quân mới khoảng hai mươi phần trăm. Biết được việc lâm trường trả lương cho anh em Quân như vậy, Man Hoa thẳng thừng hỏi Minh Chột:
     - Anh nói hồi nhóm anh Quân mới vào làm lương chí ít cũng được tính từ bậc bốn trở lên. Nay sao trả như hợp đồng công nhân lao động phổ thông?
     - Có phải việc của cô không? Không làm thì nghỉ!
     - Anh đừng cậy chức mà ép người ta quá đáng. Anh không trả lời được tôi hỏi lên trên.
     - Hỏi giùm tôi việc tôi sẽ trả cô lên trên luôn. Mẹ kiếp, đừng có ỷ lại!
     - Tôi không nói với anh nữa. Cách hành xử của anh không ngang tầm với chức vụ giám đốc.
     Đang  miên man suy nghĩ, Quân bỗng giật mình vì đầu mái chèo ông Tám Cá gõ lên vai:
     - Con nghĩ gì thế? Có nghe thấy tiếng gì không?
Quân lắng tai nghe:
     - Tiếng người ta đốn cây, sư phụ.
Xuôi thuyền xuống một đoạn nữa, nhìn về phía tiếng động, Quân nói:
     - Hình như ai đang đốn cây lát vân đá sư phụ ạ.
Ông Tám Cá nhìn theo hướng Quân chỉ:
     - Đúng rồi. Ai lại đốn cây vào giờ này nhỉ?
     - Thôi con lên đó xem. Sư phụ về lâm trường báo hộ con. Có lẽ bọn trộm.
     - Ừ, con cẩn thận, bọn trộm chí ít cũng ba bốn đứa đấy. Không cần thiết đừng động chân động tay nhé.
     - Dạ, sư phụ yên tâm.
     Quân cắt rừng, đi vòng phía trên xuống. Còn chừng trăm rưỡi mét là đến nơi. Trời bắt đầu nhập nhoạng, cẩn thận không thừa. Còn khoảng 100m...90m...80m thì rắc...rắc...rầm. Cây lát vân đá ngã đổ ngọn lên đỉnh núi. Bọn này giỏi thiệt, bình thường đốn cây lát sẽ ngã ngang sườn núi. Cây lát đổ xuống lộ một khoảng trời rộng, mảng rừng sáng hơn. Quân thấy lố nhố mấy dáng người. Đến cách ngọn cây chừng hai chục mét, nhìn rõ thấy có năm đứa. Một thằng cao lớn, hơi gù, có lẽ là tên cầm đầu, nói:
     - Thằng Cư và thằng Bảy dứt khúc dưới, thằng Trường và thằng Khoa dứt đoạn giữa, phần ngọn để tao.
     - Không lấy được bốn khúc à?
     - Dùng cưa man thì được, thôi nhanh lên.
Những chiếc rìu lưỡi ngao sắc như nước bổ xuống chính xác, đều đặn. Đúng là dân sơn tràng chính gốc. Chừng một tiếng đồng hồ trôi qua. Trời bắt đầu tối.
     - Có đốt đuốc không anh Cường?
     - Ngu bỏ mẹ, đốt đuốc để "lạy ông con ở bụi này" à. Thôi dừng lại, lấy cưa man cắt.
     Chỉ nghe tiếng cưa xoèn xoẹt. Trong bóng tối nhờ nhờ chúng giống như những con quỷ sứ cưa người phạm tội dưới âm ty qua hoang tưởng nhân gian. Quân từ từ rút khỏi chỗ nấp, xuống bờ sông chờ người của lâm trường lên.

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG X

     Man Hoa đang rửa bát dĩa đầu trại. Cách một bức vách bằng phên nứa nên những câu chuyện của anh em Quân cô nghe hết. Chuyện của anh Nam không biết đùa hay thật nữa. Mỗi khi anh Nam kể chuyện thế nào anh Dũng cũng châm chọc vài câu; còn người cô muốn nghe nhất lại hầu như không nói. Trao hay nhận một vật gì từ tay cô cũng nhanh hơn bình thường, nói chuyện với nhau chưa quá ba câu nhưng hình như chuyện gì của cô anh cũng biết. Ngược lại, những điều cô biết về anh không tiến triển được bao nhiêu.
     Úp bát dĩa vào rổ, đặt lên giàn cho ráo nước, Man Hoa thấy chiếc áo của Quân vắt trên sợi dây phơi, cô lấy đi giặt. "Mấy anh không biết đâu, anh Quân biết chẳng lẽ la rầy cô. Mà có biết cũng chẳng sao, các anh có trêu chọc cũng chẳng sao, cô thích anh kia mà". Cầm chiếc áo, túi ngực có gì cồm cộm. Một phong thư. Của một cô gái. Phía trái phong bì có đề tên, địa chỉ người gửi. Chữ viết không đẹp lắm nhưng cẩn thận, nắn nót. Tên cô gái khá ấn tượng - Việt Thảo. Mặt cô nóng bừng, ngực cuộn thắt, khó thở, mắt như mờ đi. Hai ngón tay cô run run rút lá thư. Lá thư rút chưa ra khỏi bì thư, một thoáng ngần ngại, cô lại đẩy vào. "Man Hoa, mày làm gì thế? Lòng tự trọng ở đâu, lòng kiêu hãnh ở đâu?", cô nghĩ. Thở một hơi dài, gấp phong thư lại, cô cài lên mái lán rồi xuống nhà bè giặt áo. Chiếc áo như bao chiếc áo thôi mà sao nó thân thương đến thế, xa vời đến thế. Anh Quân có viết thư cho người ta thì người ta mới viết lại cho anh Quân chứ. Tên đẹp chắc người cũng đẹp lắm. Dù xa xôi cách trở, miễn là có người yêu như anh Quân vẫn hạnh phúc biết bao. Hạnh phúc được chờ đợi, được ngóng trông, được hướng về người mình yêu như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Man Hoa đang cận kề anh Quân đấy nhưng sao vẫn cách xa đến thế. Ngày mẹ còn sống, bao giờ nói về cha mắt mẹ cũng sáng lên, rạng ngời hạnh phúc. Hỏi mẹ nhớ cha có buồn không, mẹ trả lời có buồn nhưng hạnh phúc vì có con - một phần cốt nhục của cha. Được chăm sóc con, mẹ như thấy có cha bên cạnh. Mẹ cứ nghĩ rằng ngày mai cha con về nên nhà cửa lúc nào cũng phải gọn gàng, sạch sẽ; công việc, thu nhập phải tiến triển, có như vậy mẹ mới xứng đáng với tình yêu thương của cha, xứng đáng là dâu con dòng dõi chúa Bầu. . .Cô Việt Thảo không có anh Quân ở bên nhưng chắc chắn luôn ở bên mẹ anh, em gái anh. Được chăm sóc người mình yêu là hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy sẽ lớn hơn, tình yêu ấy sẽ đẹp hơn khi mình biết chăm sóc, quý trọng, yêu thương những người mà người yêu mình yêu quý. Anh Quân đối xử với mình khác các anh trong nhóm. Khác như thế nào cô không cắt nghĩa được. Thân thiện - có, quí mến - có, khoảng cách - cũng có! Vì cô Việt Thảo mà anh đối xử với Man Hoa như thế chăng? Bạn trai cô nhiều nhưng chưa một lần yêu. Chưa ai làm cô xao xuyến. Thế rồi những lời kể của cha về anh Quân, rồi ngay lần gặp gỡ đầu tiên, cô nghĩ, anh, chỉ có anh là người đàn ông như trái tim cô mong ước. Nhưng từ mong ước đến sự thật lại là một khoảng cách dài khó với và nhiều khi không với tới được. Học hành, sự nghiệp có ước mơ, có quyết tâm, có lòng kiên trì là đạt được mục đích. Còn tình cảm, mong ước đấy, hy sinh đấy nhưng không đồng điệu, không cùng nhịp đập con tim thì dù có cạnh nhau vẫn muôn trùng xa cách. . . Hay bức thư đó là của chị họ hay là của bạn gái thời phổ thông hoặc là bạn của em gái anh? Có thể lắm chứ. Mong là thế. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, đừng tự huyễn hoặc mày nữa, Man Hoa ơi. Cứng cỏi lên đi. Anh Quân hạnh phúc thì mày phải vui chứ. Nghĩ là vậy nhưng nước mắt cô vẫn cứ rơm rớm rồi trào ra. Cô dùng chiếc áo lau mặt. Úp mặt vào ngực áo, Man Hoa thì thào: "Anh Quân ơi, em yêu anh". Nói được câu ấy, Man Hoa thấy nhẹ người một chút. Xổ chiếc áo lần nữa, cô lên trại.
     Đang vuốt chiếc áo cho phẳng, cô nghe tiếng anh Dũng nói:
     - Mày kể chuyện tán con vợ mày thế nào nghe coi.
     - Nó biết gì mà tán, mồm mép thế nhưng đứng trước con gái là run như cầy sấy.
     - Ối giời, oanh liệt lắm ông Chính ạ. Thưa ông, cô vợ của ông suýt nữa tôi cưa đổ đấy.
     - Biết rồi, mày cưa vợ tao thế nào, tao thuộc hết. Mày có muốn tao đọc các "bài" của mày không?
 Chính cười.
     - Ấy chết, mày nói lại lạc đề tài rồi, thôi để tao kể chuyện tao tán con vợ tao cho thằng Dũng Nheo nghe.
Man Hoa không nghe rõ anh Chính nói câu gì vì tiếng cười của anh Ngọc, anh Dũng.
     - Chuyện thật trăm phần trăm nhé. Hồi ấy tao cưa nàng, bà mẹ có vẻ xuôi xuôi, còn ông bố hơi khó chịu. Không biết làm cách nào lôi nàng ra khỏi nhà được. Chà, bờ đê đêm trăng thì thú vị biết mấy. Thế mà giữa tao và nàng là ngọn đèn Hoa Kỳ được ông bố vặn sáng hết cỡ, muội đèn như ống khói tàu hỏa. Bảy giờ tối đến chơi, tám rưỡi ông đã nhắc con gái đi ngủ để mai dậy sớm đi làm. Chuyện đó cứ lặp đi lặp lại miết, chán quá. Một lần ra về tao gặp thằng Huấn đi chơi về. Có lẽ thấy bộ dạng không vuio của tao, nó chặn lại hỏi: "Anh muốn cưới chị em thật chứ?". Tao trả lời: "Thật". Nó nói: "Thế sao anh không nói hai bác sang chơi? Bố em muốn chuyện gì cũng rõ ràng. Khi nào hai bác chưa sang nhà em thì anh đừng mong rủ chị Hiền đi chơi". Ngay đêm đó tao về dựng ông già tao dậy, nói muốn cưới con Hiền. Ông già tao gắt: "Cái thằng khỉ, mai nói không được sao?". Tao nói: "Dạ, mai cũng được". Bố tao lại bảo: "Mai nói cũng được mà sao giờ mày dựng tao dậy?". Trời đất, tao tưởng mai nói là ông già tao sang nhà bố vợ tương lai nói chuyện! Lúc đó tao lú lẫn quá. Bố tao bảo: "Trưa mai mày sang nhà ông Trực hỏi xem tao muốn sang chơi nhà, ý ông thế nào. Rồi mày xin phép ông ấy chở con Hiền về đây để mẹ mày nói chuyện. Mày làm được hai việc đó cái đã, chuyện sau mẹ mày lo". Đêm đó tao không ngủ được, trông trời mau sáng, sáng rồi trông mau trưa. Mới chín giờ tao đã diện bộ quần áo oách nhất. Trở vào trở ra chán rồi đem cái xe đạp ra lau. Chúng mày biết đây, nhà tao cách nhà nàng ba cây số, một con dốc thoai thoải, đi bộ cũng xong nhưng tao phải đi xe đạp, hy vọng được chở nàng về ra mắt bố mẹ. Tao bơm lốp, căng quá, xả bớt, mềm quá, lại bơm. . .
     - Nói tóm lại đi, mày kể sốt ruột quá. Chính nói.
     - Thì thôi. Mười rưỡi tao đến, không có ai ở nhà. Chờ khoảng mười phút cũng không có ai về. Tao đạp xe ra bờ đê rồi lại đạp trở về. Đến đầu ngõ thấy cửa mở. Dắt xe vào nhà thì đã nghe tiếng bố nàng bảo: "Anh Nam đến chơi đấy à". Chào ông xong, tao chẳng biết nói gì. Ông bảo ngồi chơi, tao ngồi. Muốn nói mà nói không được. "Có chuyện gì anh nói xem?". Thế là tao nói. Ban đầu ấp úng. Nói được mấy câu rồi thì nó cứ trơn tuồn tuột. Không ngờ mọi việc lại suôn sẻ, dễ dàng. Ông gọi bà, Hiền lên và nói với tao: "Nói lại những gì vừa nói xem". Tao nói lại, Hiền thẹn đỏ mặt. Đã liều ba bảy cũng liều, tao xin ông chiều nay chở Hiền về ra mắt ông bà già tao. Không ngờ ông bà đồng ý luôn. Sau này tao mới biết bố tao và bố vợ "đi đêm" với nhau lâu rồi. Lần đầu tiên chở nàng bằng xe đạp, tao đạp vù vù, lên dốc băng băng. . .
     - Nàng hỏi mệt không anh thì trả lời "ph...ì...nh ph. ..ườ...ng" chứ gì?
Dũng Nheo châm chọc.
     - Hôm tao chở nàng lên dốc, mẹ tao có trông thấy đấy. Tuần sau, tao chở bà sang nhà Hiền "chơi nhà". Đến đầu dốc, tao bảo bà xuống xe. Bà nói: "Hôm trước chở con Hiền lên dốc cứ băng băng kia mà". Tao trả lời bà bằng ngâm một câu Kiều: "Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn". . .
     Man Hoa không nhịn được cười. Cô cắn nhẹ môi để tiếng cười không bật ra thành tiếng. Bên trong trại, Nam Cuội hào hứng:
     - Thế là ngay đêm đó tao được chở nàng đi chơi. Bố nàng nói phải về trước mười giờ. Tao chở nàng ra bờ đê. Lần đầu tiên được ôm nàng, hôn ngàng, trời đất ơi, giờ tao còn nhớ. Mà nàng cũng lãng mạn lắm kia, khi tao hôn nàng cứ nhắm mắt lại. Không thấy tao nhắm mắt, nàng bảo sao kỳ thế. Tao bảo nhắm mắt lại thì cái xe đạp ai trông, mất cắp đẻ no đòn với bố à. . .
     Không ai nhịn được cười. Man Hoa cũng cười thành tiếng.
     - Nó nhắm mắt sao thấy mày không nhắm mắt, đúng là Cuội.
Ngọc lên tiếng.
     - Thì nhắm mắt he hé chứ.
Nam Cuội cười chống chế. Man Hoa định quay xuống nhà bè thì Quân ra. Nhìn thấy chiếc áo phơi ngay ngắn, Quân nói:
     - Anh tính đi giặt, thế mà em giặt hộ anh rồi à?
     - Em sợ anh quên. Với lại mồ hôi để lâu không giặt dễ xâm áo lắm.
     - À mà trong túi áo anh. . .
     - Có bức thư chứ gì, em giắt trên mái, kia kìa.
Vừa nói Man Hoa vừa chỉ nơi giắt bức thư. Quân lấy bức thư, Man Hoa quay lưng đi xuống nhà bè. Cô lấy tấm lưới ra vá. Một lát sau Quân xuống.
     - Em chỉ anh vá lưới với.
     - Lưới rách ít thôi, để em vá. Anh lên trại chơi đi.
     - Em không muốn dạy anh vá lưới à?
     - Dạ không. Hôm nào em chỉ cho anh cũng được mà.
Quân ngần ngừ, như có chuyện gì đó muốn nói với Man Hoa. Má cô đỏ bừng. Cô tiếc là đã từ chối dạy anh vá lưới. Một quãng lặng như bức tường vô hình ngăn cách hai người. Quân không bước được lên bờ, Man Hoa cũng không vá được lưới. Thời gian như ngưng lại. Lưng Quân ngứa ngáy. Định nói một câu gì đó lại thôi. Man Hoa cũng không dám nhìn lên. "Có gì mà không dám nhìn nhỉ. Anh Quân có người yêu rồi, nghe chưa", Man Hoa tự nói với lòng mình.
     - Anh. . .
     - Cái gì Man Hoa.
Người ta gọi Man Hoa chứ có gọi "em" đâu. Cô chờ cho cơn nghẹn ở cổ trôi xuống, cố gắng giữ giọng nói cho thật bình tĩnh:
     - Anh Quân có người yêu mà không giới thiệu với em.
     - Đâu có.
     - Chị ấy viết thư cho anh đó thôi. Chị ấy đẹp lắm phải không anh?
     - À...ừ, cũng đẹp.
     - Bao giờ cưới, anh?
     - Tháng sau.
     Quân định nói câu gì đó với Man Hoa thì nghe tiếng mái chèo khua nước. Ông Tám Cá dừng chèo, con thuyền còn trớn áp vào nhà bè. Quân buộc thuyền. Bước lên sàn, vặn lưng hai, ba cái, ông nói với Quân:
     - Chiều nay có việc, con đi với sư phụ nhé!

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

EM ĐI. . .



Đã từng hò hẹn cùng nhau
Em đi sao chẳng nói câu giã từ?
Để rồi từ đấy tương tư
Hồn anh lơ lửng trôi như mây ngàn.

Thương cho mấy cánh hoa ban
Ép trong trang vở vẫn còn mùi thơm,
Suối mơ còn thoảng tiếng đàn
Đá bàn còn vọng tiếng ngàn thông reo.

Chòng chành thuyền chẳng buông neo
Trôi xuôi với mảnh trăng treo trên đầu,
Sao băng em ước nguyện cầu
"Tình ta dẫu đến bạc đầu vẫn say". . .

Thuyền còn đó, trăng còn đây,
Còn tình anh với nước mây một màu,
Tơ lòng càng rút càng đau
Thoáng trong tim tiếng kinh cầu chùa xa.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

HOA TẾT

ĐÀO PHAI

Giá buốt trời tê tái
     Vẫn chen đầy lộc xanh
         Hoa đan đều chuỗi ngọc
                 Cánh phớt hồng mong manh.


         MAI

         Lộc mai phơn phớt tím
             Vàng tươi cánh hoa xinh
Ai bảo già gốc cỗi
                  Không động lòng xuân xanh!


Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

KÝ ỨC VỀ CHA


     Chiều hai mốt tháng chạp, bốn giờ, xuống xe ở đỉnh Dốc Cao, cách nhà một cây số, tôi không điện mấy đứa em ra đón mà đi bộ về nhà. Ba lô sau lưng, hai tay ba túi xách khá nặng, đi được hơn trăm mét lại để túi xuống nghỉ một hai phút cho đỡ đau  tay rồi đi tiếp. Gần, xa trên các mảnh ruộng hai bên đường, các bà, các chị hối hả cấy lúa. Bất chợt tôi nghe tiếng gọi:
     - Chú Thắng về giỗ ông đấy à?
Thực tình tôi không biết chị gọi tôi tên gì, chỉ biết người cùng làng. Tôi đi xa quê hơn ba mươi năm, có lúc tới năm năm mới về thăm cha mẹ. Ba năm gần đây, năm nào tôi cũng về vì cha tôi bị tai nạn rồi mất.
     - Chào chị, đã chuẩn bị tết nhất gì chưa chị?
     - Ôi, cấy chưa xong, mía dưới bãi chưa chặt, tết nhất tới rồi mà chưa chuẩn bị được gì hết chú ơi!
Tôi chào chị rồi tiếp tục đi. Những người ngược chiều tôi không ai hỏi tôi về ăn tết mà chỉ hỏi tôi về giỗ "ông", "cụ", "bác" mà thôi. Có lẽ hơn ba mươi năm qua, chưa một lần tôi ăn tết ở quê nên họ nghĩ như vậy.
     Cha tôi mất ngày hai lăm tháng chạp. Dù chuẩn bị tinh thần trước nhưng tất cả mọi người trong gia đình đều cảm thấy bất ngờ, bối rối. Anh Sơn, phó thôn, bà con xa với tôi hỏi giờ đưa cha tôi đi, giờ hạ huyệt. Bàn bạc gì đó với mấy anh chị cán bộ trong khối xong, anh bảo tôi:
     - Chú thống nhất trong gia đình cử người đi chọn đất nằm cho cậu, mọi việc còn lại để làng.
Những điều tôi lo lắng cho việc tang lễ cha tôi đều được bà con trong làng tự động làm hết. Tôi ngạc nhiên, hỏi ông anh con bà dì, anh bảo đấy là trách nhiệm của làng. Ngày hai sáu đưa tang, trước giờ di quan bốn lăm phút, chị bí thư đọc điếu văn. Và qua điếu văn tôi mới biết chính xác quá trình tham gia cách mạng, công tác của cha tôi. Đến giờ di quan, quan tài cha tôi được phủ lá cờ "Quyết thắng". Sáu anh trong Hội cựu chiến binh của phường, trang phục đại lễ màu trắng chịu trách nhiệm đẩy xe tang. Khi đám tang cha tôi đi đến cổng làng - đỉnh Dốc Cao, chính nơi cha tôi bị tai nạn thì gặp xe chở các anh chị đại diện cơ quan tôi từ Phú Yên ra viếng. Giáp tết, đường xa cả ngàn cây số, tài xế lại chưa quen đường, trong lòng tôi dấy lên nỗi niềm xúc động vô bờ. Ngày hai chín tết, tôi trở vào Phú Yên, mọi việc thờ cúng cha tôi đành để lại cho mẹ và các em lo. Năm sau, về làm lễ tiểu trường cha, tôi mới biết tết năm ấy, làng tôi không tổ chức các hoạt động vui chơi, lễ hội như đã định mà lý do chính là cha tôi mất. Khi còn sống cha tôi đóng góp nhiều cho làng, khi ra đi, như chị bí thư nói: "không chỉ gia đình hụt hẫng mà cả khối, cả phường mất đi một điểm tựa tinh thần, văn hóa lớn".
     Tuổi trẻ, cha tôi nhiều tủi nhục, vất vả; mồ côi mẹ khi đang còn tuổi thiếu nhi. Mười tám tuổi cha tôi trở thành anh Vệ quốc quân, binh chủng pháo binh, tham gia chiến dịch Điện Biên phủ. Năm 1959 rời quân ngũ, công tác ở ngành xây dựng cho đến lúc về hưu. Tôi biết niềm tự hào của ông khi công tác trong ngành xây dựng là được tham gia xây dựng trụ sở Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại Quảng Trị, vì ngoài chuyện này ông không kể bất cứ một chuyện xây dựng nào khác.
     Cha tôi thích đọc sách, ham học. Tôi biết trong kháng chiến chống Pháp cha tôi mới học hết lớp bảy, thế nhưng trước lúc về hưu mấy năm, ngành xây dựng có mở lớp Trung cấp kế toán chuyên nghành thì ông là Hiệu trưởng. Hồi học ĐHSP Vinh, tôi thường dẫn đầu lớp về môn Triết học vì lợi thế hơn bè bạn là có sự chỉ dẫn của cha. Những khái niêm, quy luật khó hiểu được cha tôi đơn giản hóa bằng những ví dụ cụ thể. Chẳng hạn, khi học về quy luật "lượng đổi chất đổi", tôi hiểu lơ mơ, ông hỏi tôi:
     - Cốc nước chanh con pha có những gì?
     - Dạ, đường, nước và chanh.
     - Mấy thìa đường?
     - Dạ, năm thìa.
     - Nếu con cho thêm hai thìa nữa thì sao?
     - Ngọt hơn ạ.
     - Thế đấy, thêm đường tức là thêm lượng thì ngọt hơn, ngọt hơn là chất đấy, nó khác hơn so với khi chưa thêm. Nói vậy con hiểu lượng đổi chất đổi chưa?
     Ra trường, tôi về thăm nhà ít bữa rồi nhập ngũ. Cha tôi nói:
     - Được đấy, con dạy Văn cũng nên trải nghiệm cho biết tâm tư, tình cảm người lính. Đất nước mình trải bao cuộc chiến tranh, văn học phản ánh đời sống xã hội thời chiến chiếm dung lượng lớn. Làm người trong cuộc bao giờ cũng sâu sắc hơn. Với lại, trải qua bộ đội, làm người thầy giáo có độ chín hơn nhiều.
     Lần tôi được về tranh thủ vì quê hương bị bão lớn, không có giấy phép trung đoàn, cha tôi rất buồn, ông sợ tôi đào ngũ. Nói thế nào ông cũng không tin. Thế là đáng ra được ở nhà năm ngày thì hết ngày thứ ba tôi đành mang ba lô trở lại đơn vị. Sau này, anh Tiến - đại đội phó của tôi, người cùng xã, về phép lên thăm gia đình tôi, giải thích ông mới hết hoài nghi.
     Cha tôi sống giản dị, tính tình điềm đạm, luôn đặt lợi ích cộng đồng, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Về hưu, mặc dù sức khỏe yếu vì phải mổ cắt 2/3 dạ dày, ông vẫn tham gia đầy đủ các Hội, các Câu lạc bộ của phường. . . Thời gian rảnh ông làm vườn, chăn trâu, bò. Đặc biệt, ông là người có uy tín, giàu thành tích nhất trong công tác hòa giải ở khối, ở phường. Nhiều cụ trong làng nói với tôi mỗi khi tôi có dịp ghé thăm: "Ông giỏi chiều cụ Bái, không có con rể nào tốt như rứa mô". Ông bà ngoại ở với gia đình tôi. Về cuối đời ông ngoại tôi bị lòa, mọi việc chăm sóc ông, cha tôi lo cả. Ông ngoại tôi khó tính, ông có thể cáu gắt với bất cứ ai, riêng cha tôi thì không.
     Thỉnh thoảng cha tôi đi chăn trâu, bò khi hai đứa em út nam, út nữ đi học hay đau bệnh. Bọn trẻ chăn trâu rất thích chăn trâu cùng ông vì được nghe kể chuyện cổ tích, được dạy cách làm toán và đặc biệt thích là gửi trâu bò cho ông một hai giờ đồng hồ để đá bóng. Nhiều anh chị trong xóm nói với tôi con em họ học tập tiến bộ là nhờ ông. Cha mẹ bảo thì không nghe nhưng ông khuyên là nghe. "Có chi mô, tùy đứa học lớp mấy mà cha ra cho bài toán. Làm được cha giữ trâu cho hai tiếng đồng hồ để đá bóng. Lâu lâu, có gói kẹo thưởng cho chúng khi đi học làm toán được bảy điểm trở lên" - cha tôi nói. Trong góc học tập của đứa cháu tôi, ngay ngắn trên thời khóa biểu là "tôn chỉ" do chính tay cha tôi viết:
     Nhà ta quý chữ hơn vàng  
Trọng tài hơn cả giàu sang trên đời!
     Cháu gái tôi, con chú út nam, học giỏi toàn diện, nói sẽ đi theo ngành Văn vì ý ông muốn thế. Cha tôi, nói theo kiểu nôm na là dân toán nhưng rất mê văn chương. Ông thuộc Truyện Kiều, thuộc gần hết thơ Tố Hữu, thuộc rất nhiều bài thơ của của những tác giả nổi tiếng cổ, kim. Tôi dạy Văn nhưng về phương diện này, thú thực thua kém cha tôi nhiều lắm.
     Mùi hương trầm nồng ấm, cành đào phai nhú thêm lộc non; kỷ niệm về cha biết bao chuyện chưa nói. Nhớ cha lòng se se buồn. Viết mấy dòng về cha trong dịp tết này con muốn gửi qua cánh đào, mùi hương lời xin lỗi vì những lỗi lầm vụng dại thời thơ ấu. Ước gì được một lần trở lại ngày xưa. . . 

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

GÓP MỘT LỜI BÀN VỀ TẾT


     Tranh thủ lướt web khi chờ nhang tàn cúng tất niên, thấy nhiều bài bàn về việc chuyển đổi ăn tết Nguyên đán sang ăn tết Dương lịch cho tân tiến, phù hợp với sự phát triển đất nước, và cái lớn hơn là tránh cái "bóng" của Tàu, góp một lời bàn về tết, tôi nghĩ cũng là việc nên làm.
     Tôi không thích từ "theo". Việc gì mình phải theo ai. Tết Tàu là tết Tàu, tết Việt là tết Việt. Tinh thần, quan niệm, ý thức, phong tục về ngày tết của Tàu và Việt rất nhiều chỗ khác nhau. Chính cái khác nhau ấy tạo nên bản sắc dân tộc. Chẳng hạn tết nguyên đán Tàu tổ chức múa lân, còn ta thì không. Người Việt thường chỉ tổ chức múa lân vào tết trung thu mà thôi. Phong tục trồng cây nêu, dùng vôi vẽ cung tên hướng ra ngõ để trừ ma quỷ cũng chỉ có ở Việt Nam. Về mâm cỗ cúng tổ tiên mỗi miền ở nước ta có khác nhau đôi chút do "gu" ẩm thực, do để phù hợp với thời tiết, khí hậu, còn lại, bàn thờ gia đình nào cũng có bánh chưng hay bánh tét - "hình thức" khác nhau nhưng "nội dung" là một; rồi nữa, giàu sang hay nghèo khó bình hoa, dĩa quả không thể thiếu.
     Về việc sử dụng thời gian trong ba ngày tết ở nước ta cũng được cha ông quy định cụ thể: "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy"  Thực hiện được thời gian như đã nói cũng phần nào thể hiện được đạo lý lễ nghĩa. Tiếc rằng, giới trẻ thời nay 'biết" nhưng "quên" thời gian biểu ấy. Lỗi không phải giới trẻ, lỗi là ở người lớn, lỗi ở chương trình giáo dục phổ thông.
     Có người bàn nên nghỉ tết Dương lịch dài ngày, tết Nguyên đán ngắn lại, rồi từ từ vận động chuyển hẳn sang ăn tết Tây như người Nhật! Lấy sự phát triển về kinh tế của Nhật làm gương. Tôi nghĩ sự phát triển kinh tế của Nhật không chỉ do việc chuyển đổi ăn tết mang lại, nếu có cũng chỉ là một phần nhỏ mà thôi. Giàu lên chưa là bao mà đánh mất mình thì không đáng. Tôi nghĩ, điều đáng làm của các cấp, các ngành là tổ chức tết cổ truyền sao cho có ý nghĩa, phục dựng được các trò chơi, thú chơi dân gian để rồi từ đó khơi gợi mạnh mẽ hơn lòng yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người Việt.
     Làng không có lễ hội chưa đúng nghĩa làng, nước không có tết không thể là nước. Tết, chung quy cũng chỉ là cái mốc thời gian để chờ đợi, trông ngóng không chỉ cá nhân mỗi con người mà cả một quốc gia. Cái mốc ấy bao giờ cũng là sự mong mỏi về bao điều tốt đẹp, nó thấm sâu vào tâm thức con người. Văn hóa, bản sắc, phong tục cha ông để lại sao lại đưa lên đặt xuống đổi dời?
     Năm mới sắp đến, cầu mong đất nước thịnh vượng, non sông thanh bình, dân tộc đoàn kết. Chúc tất cả anh chị, bè bạn ghé thăm blog Lê Nhật dồi dào sức khỏe, thành đạt, tràn ngập niềm vui!