Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG IX

     Minh Chột pha ấm trà Tân Cương mời khách. Cùng loại trà này uống ở thị xã đã kém vài phần, đến Hà Nội thì dở tệ. Ngoài chất liệu trà, cái quan trọng là nước pha trà. Nước mưa tinh khiết nhưng sắc. Nước giếng đá ong trong nhưng vị hơi tanh. Chỉ có nước suối pha trà là tuyệt hảo. Có lẽ các cụ quan liêm ngày xưa chán đời ở ẩn, những vị tu tiên tìm đến núi rừng là để có nước suối pha trà di dưỡng tinh thần chăng.
     - Ai lại uống trà buổi tối, anh Minh?
Trọng Hói lên tiếng.
     - Ông quên đêm nay mình đi săn à?
     - Đêm nay mình đi đâu anh?
     - Tiểu khu 1a.50.
     - Chỗ đó các anh trồng rừng mà.
     - Rừng mới đốt, hoẵng thế nào chẳng ra ăn than.
Uống cạn ấm trà, Minh xem lại cái đèn pin đội đầu, bỏ vào túi bao diêm.
     - Các ông có mang bóng xơ cua không đấy?
     - Chết, quên mất.
Trọng Hói trả lời.
     - Tôi cũng chỉ còn một cái. Thôi thế này đi, hai ông theo đường mòn đến đấy. Vào đến nơi mới bật đèn, mà nhớ quét đèn ở gần trước rồi từ từ tìm đốm sau. Nếu hoẵng ăn đàn ông đi trước bắn con mé ngoài bên trái, ông đi sau bắn con tiếp theo bên phải.
     Nói rồi Minh Chột lấy ra mấy củ tỏi, lột vỏ, đưa cho Huy.
     - Các ông nhai nuốt nước, lấy bả xoa đầu nòng súng.
     - Làm phép à, anh Minh?
     - Phép phiếc gì, chống mùi người, mùi súng.
     - Anh không đến đó cùng chúng tôi thì anh đi đâu?
     - Tôi ngược suối Lồ, vòng sang khe Cây Du, đón lõng ở đó.
Thằng Trọng Hói thì săn với bắn cái con mẹ gì, Minh Chột nghĩ. Rừng mới đốt, thấy đốm rất dễ bắn. Mong cho nó bắn được con thú gì đấy để cho nó giật le chơi. Mẹ kiếp, đang cần chúng nên chiều chúng nó tí, nếu không mình vào thẳng đấy thế nào mà chẳng có thú mang về. Nếu chúng bắn trượt thế nào thú chẳng chạy theo khe Cây Du vào rừng sâu, mình đón lõng ở đó là khỏi về tay không.
     Đã hơn hai tiếng đồng hồ mà chưa nghe tiếng súng nổ ở tiểu khu 1a.50. Sao lâu thế nhỉ. Bọn chúng chỉ tài săn gái thôi chứ săn thú thì như đồ cứt. Ở cái tỉnh này mình có tiếng về săn thú nhưng so với cha con già Bân bên Yên Sơn mình phải gọi là sư tổ. Chỉ với cây nỏ, đèn ló đốt bằng dầu hỏa mà săn được cả báo. Đèn ló nhìn trong rừng tối đa được ba chục mét, tầm bắn hiệu quả của nỏ trong vòng 25 m trở lại. Cho dù tên độc cũng chỉ có một mũi. Còn đạn ria tầm bắn gấp đôi, hiệu quả sát thương gấp mười lần. . .
     Bỗng như có tiếng lách cách của những hòn đá cuội bên bờ suối va chạm nhau. Minh lắng tai nghe, rồi như có mùi hăng hắc, khen khét thoảng qua. Không phải mùi khét của cọp. Minh bật đèn. Bên kia bờ suối hai cái đốm xanh pha vàng. Con báo đen. Nâng súng lên, chỉ cần bóp cò là hạ ngay con thú. Hai con mắt con thú cứ chong chong nhìn đèn. Có lẽ con thú này lần đầu tiên gặp đèn săn. Chưa bao giờ đi săn mà Minh thấy dễ như lần này. Con báo đen cứ đứng bất động. Nòng súng chĩa vào nó cũng bất động. Thế rồi Minh hạ súng xuống, quất đèn đi nơi khác rồi rọi lại. Phải hai lần như thế con thú mới bỏ đi. Dụng ý của Minh là để lần sau có gặp đèn con thú không sợ. Tao cho mày sống thêm ít lâu nữa, khi nào các sếp cần cái mật và bộ xương của mày thì mày toi đời con nhé.
    Đang bẻ điếu thuốc chà vào vết con vắt cắn thì hai tiếng súng nổ liên tiếp vọng lại, rồi lại hai tiếng nổ nữa. Chúng nó bắn rồi. Minh vứt điếu thuốc, sửa lại thế ngồi, tay trái kẹp đèn pin vào nòng súng, ngón cái để nơi công tắc. Ba phút, bốn phút, rồi năm phút trôi qua. Chúng nó bắn hết rồi sao? Vừa thoáng nghĩ thì roạt. . .roạt tiếng lá động bờ khe bên kia. Minh bật đèn. Con hoẵng chạy đầu như khựng lại. Tha cho mày. Minh hướng nòng súng vào con đực tiếp theo, bóp cò. Đầu và ngực nó lãnh trọn viên đạn ria. Đang đà chạy, nó như nhảy lên rồi ngã vật xuống suối. Minh dư sức bắn kịp một trong hai con chạy sau nó nhưng thế cũng đủ rồi. Kéo con thú lên bờ, đội đèn lên đầu, hú một hơi dài, châm điếu thuốc hút, vừa đi vừa bẻ cành cây làm dấu, vừa tới bìa tiểu khu 1a.50 thì đã nghe tiếng Trọng Hói la:
     - Anh Minh ơi, hai con!
Vẻ mặt Trọng Hói phởn chí lắm. Có lẽ đêm nay là đêm của Trọng. Theo lời Minh dặn, Trọng Hói đi trước, quất đèn thấy năm sáu cặp đốm. Cả hai đều gương súng. Phát đạn đầu tiên của Trọng hạ ngay một con. Như bị giật mình Huy nổ súng theo. Con thú khập khiễng lao đi. Huy, Trọng đuổi theo. Hai phát đạn tiếp theo mới hạ được nó. Từ nơi trúng đạn lần sau đến nơi ngã hẳn phải hơn năm chục mét.
     - Anh bắn được con nào không?
     - Một con.
     - Làm sao khiêng hết đây?
     - Hai ông khiêng một con về trước, còn hai con bảo tụi nó vào khiêng.
Minh bảo Trọng Hói đưa súng mang giùm cho, Trọng Hói không chịu "nặng nhẹ gì đâu anh". Giật le đây mà. Ông càng khỏe. Nhân lúc cả hai đang vui, Minh nói:
     - Tôi muốn hai ông giúp tôi một chuyện.
     - Anh em cả, có gì đâu. Chuyện gì anh?
Có lẽ phải nói thật, đằng nào cũng vậy, quanh co làm gì. Bọn chúng có kém chi Trí Vịt. Không hiểu bọn chúng thân tình với Trí Vịt tới mức độ nào. Đành làm phép thử vậy.
     - Tôi muốn chuyện này chỉ tôi và hai ông biết thôi. Hai ông nhất trí không?
     - Anh cứ nói đi.
     - Vài hôm nữa đám dân Thái Bình xuôi bè. Hai ông đóng búa cho số gỗ dư và cũng đừng đối chiếu chủng loại, được không?
Huy ngần ngừ:
     - Có nhiều không anh? Qua trạm em còn dưới Việt Trì thì sao?
     - Dăm chục khối gỗ thôi. Dưới Việt Trì họ có kiểm tra thì số gỗ thừa đã "bốc hơi" rồi.
Huy đang phân vân thì Trọng Hói lên tiếng:
     - Mấy khi anh Minh nhờ, miễn anh Huy đồng ý là em đồng ý.
Mẹ cha cái thằng lẻo mép, chưa bao giờ chừa cái tật. Dăm chục khối chứ có phải dăm bảy khối đâu. Minh Chột làm gì cũng bạo nhưng được cái chia chác sòng phẳng, không kiết như Trí Vịt. Hơn nữa, đang tính bàn với Minh Chột vụ mấy khối lát hoa đây. Thôi thì có đi có lại. Vụ này mà tách thằng Trí Vịt ra cũng kiếm được kha khá. Hứa với Tường Vi rồi mà chưa làm được cũng áy náy. Nghĩ tới Tường Vi, Huy nuốt nước bọt. Gần cả tháng nay rồi chưa gặp lại. Mà gặp lại chưa có kết quả gì về vụ em manh mối cũng khó. Lại nữa, con vợ chán xe Mi fa, đang đòi xe Pơ jô vì "đụng hàng", rồi còn phải tích cóp mà kiếm nhà ở Hà Nội chứ chẳng lẽ thua thằng Trí Vịt. "Không thương mình thì trời tru đất diệt". Thằng Trí Vịt nói thế mà đúng.
     - Còn phân vân điều gì, ông Huy?
Minh Chột hỏi.
     - À, không. Thế anh Trí thì sao?
     - Nó nghỉ phép xuôi Hà Nội rồi.
     - Nghỉ bao nhiêu ngày anh?
     - Hai chục. Có vấn đề gì à?
     - Em hỏi thế thôi, anh nói chỉ ba anh em mình biết thì bọn em biết như vậy.
     - Được rồi. Trước đây phần các chú thế nào nay thế ấy.
     Về đến lâm trường đã 12 giờ đêm. Nghe tiếng cười nói của Huy và Trọng Hói, Long Sẹo ra đón. Minh Chột bảo Long Sẹo gọi mấy anh em ở khu tập thể vào rừng khiêng thú. Trong lúc Huy nhóm lửa thì Trọng Hói phụ Minh xẻ thịt. Lột da, mổ, pha thịt Minh Chột thành thạo như đồ tể chuyên nghiệp. Lọc hai cái thăn bằng ngón chân cái dọc theo sống lưng con hoẵng, vuốt qua muối ớt rồi xắt miếng bằng nửa bao diêm, xiên qua mấy que nứa vót như kim đan len, Minh Chột nói:
     - Ông Huy nướng cho khéo nhé, để cách than chừng hơn gang tay. Khi nào thấy nước trong chảy ra là chín. Lúc đó đưa xuống gần than cho nó sem sém bên ngoài. Nướng như vậy vừa giòn vừa ngọt. Mẹ kiếp, mấy thằng ngu nướng thịt rừng cứ gia vị cho cố vào.
     Rượu được vài tua, Huy nói với Minh Chột:
     - Có vụ này muốn bàn với anh, chỉ ba anh em mình biết thôi.
     - Ông nói xem nào.
Huy nói việc khai thác trộm mấy cây lát hoa vân đá. Bọn này ghê thât - Minh nghĩ. Mối lợi hấp dẫn quá nhưng mấy cây lát đó được đánh dấu trong bản đồ lâm nghiệp, lại do lâm trường Minh quản lý. Loại này chỉ khai thác khi có lệnh của sếp Kim. Làm sao đây? Mình làm rồi cứ báo là bị đốn trộm cũng khó ở với sếp. Chuyện mà lộ ra thì toi luôn cả sự nghiệp. Tiền ai chả muốn nhưng cầm tiền mà lo ngay ngáy, ăn không ngon, chơi đĩ không sướng thì cầm làm gì. Mẹ kiếp, mỗi lần làm dăm chục khối gỗ, sếp có biết cũng còn đường "binh", ăn chơi cũng thỏa. Đằng này đụng vào cái loại sếp giao quản lý dễ toi đời lắm.
     - Thế nào anh Minh?
     - Khó quá ông ạ. Loại này sếp Kim giao lâm trường quản có kiểm kê.
     - Cứ bảo bị đốn trộm là xong.
Trọng Hói nói.
     - Không được đâu, sếp dặn kỹ rồi. Thực tình sếp dặn kỹ như thế một là nó quí, hai là khi cần thiết sếp làm quà biếu cấp trên.
     Liều như Minh Chột mà không dám thì tính sao đây. Vụ này không xong thì có cách nào mà gặp Tường Vi? Không lẽ bó tay. Nếu không nói ra mình có thể qua ba, bốn mối thuê người chặt trộm cũng được nhưng không chắc ăn lắm. Loại cây này ở xa nhìn cũng biết. Cây ngã cùng lắm tiếng rưỡi là có người lâm trường lên ngay. Ngặt một nỗi là Minh Chột quản lý. À, mà phải rồi, nếu Minh Chột không quản lý thì sao nhỉ? Đúng rồi, đã có cách.
     - Thế mấy cây lát anh không quản lý thì sao?
     - Sao lại không quản lý, ý ông là sao?
     - Ví dụ như anh không có mặt ở lâm trường chẳng hạn.
     - Thì người khác quản lý.
     - Như vậy anh không có lỗi gì hết, phải không?
Thằng Trí Vịt gian ngoan, thằng Huy này xảo quyệt. Tiếng là đàn anh mà mình ngu hơn chúng nó. Đã gạt được thằng Trí Vịt ra khỏi vụ bán dăm chục khối gỗ mà sao mình không nghĩ ra chiêu như thằng Huy nói nhỉ. Đúng rồi, một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, có tiền xài chơi, thứ hai, tội lỗi đâu thằng Trí Vịt chịu. Mày chết nhé, qua mặt ông bao nhiêu lần rồi. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng tòi ra thôi con ạ! Cầm ly rượu, Minh Chột nói:
     - Nào chạm cốc, chúc nừng hợp tác.
Trọng Hói quay sang Huy:
     - Em nói có sai đâu, anh Minh quyết đoán lắm.
Minh Chột giơ tay ra hiệu im lặng. Có tiếng chân người. Thì ra tiếng chân của bọn Long Sẹo.
     - Thằng Trí Vịt trả phép là tôi nghỉ phép. Hai ông liệu mà làm. Vụ này không bàn bạc gì nữa nghe.
     Bếp lửa ở góc sân lại bùng lên, Long sẹo đang chất thêm củi. Không biết tàn gỗ gì mà nổ lép bép bay lên giống pháo hoa. Mấy cậu công nhân lâm trường xẻ thịt thú cười nói vui như tết. Phần vì men rượu, phần vì lần đầu tiên trong đời một phát súng hạ ngay con thú, phi vụ làm ăn đang "vào cầu", Trọng Hói mong trời mau sáng đón tàu xuôi Tuyên Quang đưa ít "chiến lợi phẩm" cho Thảo Sương. . .Cứ nghĩ tới Thảo Sương là Trọng Hói thấy rân rân trong người.
     

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

CHUYỆN NỌ XỌ CHUYỆN KIA (1)


     1. Hơn một năm chuyển công tác, gần một năm viết blog, nhìn lại mới thấy câu nói "Ông Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả", có lý.
     Thứ nhất, phải đi xa hơn nơi công tác cũ tám lần nên những ngày mưa gió, rét buốt cũng vất vả. Riết rồi cũng quen, đôi lúc chạy xe trong mưa tôi bỗng thương những người lái xe ôm, những người đàn bà xe máy chất đầy hoa quả, rau củ mua chợ này bán chợ khác. Ngày nào cảnh ấy cũng xảy ra, còn tôi được nghỉ hai ngày thứ bảy, chủ nhật. Hồi công tác tại trường được nghỉ ngày chủ nhật cũng đã là rất hiếm.
     Thứ hai, công việc ở đơn vị mới nhàn hạ hơn rất nhiều lần so với đơn vị cũ. Một học kỳ không đứng trên bục giảng tôi thấy như thiếu một cái gì, bứt rứt khó chịu. Đầu năm học này tôi được phân công dạy một lớp 12 hệ Giáo dục thường xuyên. Bao nhiêu kinh nghiệm, tâm huyết đem ra thi thố nhưng học trò bữa nào cũng vắng năm bảy em, hỏi bài cũ thì phần lớn: "thưa thầy em chưa học bài cũ". Hồi ở trường THPT Phan Chu Trinh, trong tiết dạy của tôi không bao giờ có điều đó xảy ra. Nhiều lúc nghĩ cũng nản, muốn buông xuôi nhưng nghĩ lại chẳng lẽ mới như vậy mà thối chí? Phải cố gắng hơn nữa, hơn nữa, tôi tự nhủ lòng như vậy. và hai tuần học gần đây hầu như tiết học nào của tôi các em cũng đông đủ, phát biểu xây dựng bài chẳng khác nào các lớp trước đây tôi dạy ở trường THPT Phan Chu Trinh. Có nhóm học sinh tâm sự với tôi:"Bây giờ chúng em mới học liệu có muộn không thầy?". Tôi trả lời: "Việc học không bao giờ muộn nhưng so với quãng thời gian học tập vừa qua các em đã lãng phí rất nhiều". Nghe tôi nói vậy, một em, như thay mặt cả nhóm, hứa: "Vì lãng phí thời gian nên thời gian còn lại chúng em phải cố gắng gấp đôi để bù thầy ạ". Chao ôi! Nghe câu nói ấy trong lòng tôi vui sướng vô cùng. Nghiệp làm thầy còn gì vui hơn khi học sinh của mình ý thức được việc học.
     Thứ ba, công việc nhàn, ít áp lực nên tôi có thời gian đọc báo, lướt web, đọc blog. Thời đại công nghệ thông tin nên thế giới nhỏ hơn. Rồi nữa, qua những trang blog cá nhân, tôi cảm nhận được những tâm tư, suy nghĩ, ước muốn, sẻ chia của bao người trong nước, ngoài nước. Cách nửa vòng trái đất mà tôi bắt gặp một tâm hồn đẹp, dịu dàng, lấp lánh ánh Trăng Quê. Có những bài viết của chị làm tôi thực sự xúc động. Khá hóm hỉnh, sắc sảo, "nhìn vấn đề là thấy ván đề" của Trang Hạ dễ lôi cuốn từ chuyện này sang chuyện khác. Trên cái bàn tiệc của Quê Choa, tôi chỉ thích những gì mà chính tác giả nấu nướng. Mấy món góp vào làm phong phú nhưng nhạt đi chất văn chương. Trong thâm tâm, thế nào tôi cũng tìm gặp bọ Lập để hỏi chuyện này. . .
     Đôi lúc, đọc lại những gì mình viết trên blog thấy có bài, có đoạn như khoai luộc chưa chín. Bỏ đi không đành, thôi thì cứ để đấy, một khi gia tài lớn lên ta đổ rác cũng chưa muộn. Không hiểu chủ nhân các blog khác như thế nào, còn tôi khi mở blog để viết, thấy có độc giả nước này, nước khác, nói như ngôn ngữ bọ Lập là "khoái củ tỷ" rồi. Vì thế, lâu lâu vì chuyện này, chuyện khác không viết được một cái gì đó cũng nóng ruột. Phải "nuôi" blog nên vợ tôi vui ra mặt vì thời gian rảnh tôi ở nhà nhiều hơn, không như trước cứ lông dông ngoài đường.
     2. "Trên thế giới cái gì cũng thay đổi, chỉ một điều duy nhất không thay đổi, đó là sự thay đổi!". Cái nhà mới rồi cũng sẽ cũ, cái xe long lanh là thế rồi cũng phải bỏ bãi, điện thoại di động tháng trước là đỉnh, tháng sau đã giảm 20% giá trị rồi. Con người về thể xác, tính cách cũng thay đổi hàng ngày. Thay đổi để phát triển - điều đó đúng, thay đổi để thụt lùi, thoái hóa - điều đó cũng không sai!
     Thế hệ chúng tôi, hồi còn đi học bị thầy cô đánh là chuyện bình thường. Không làm bài tập - đánh; không thuộc bài - đánh; trốn học - cũng bị đánh. Những chuyện bị thầy cô đánh cha mẹ biết được - lại đánh. Thế mà mỗi khi bạn bè có dịp ngồi với nhau, nói về kỷ niệm xưa lòng lại nao nao. Thầy trò gặp lại, ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Có lẽ được đánh như vậy mà chúng tôi nên người. Thầy cô dạy dỗ chúng tôi mãi là thàn tượng, là tấm gương đích thực.
     Bây giờ, xã hội tiến bộ, các thầy cô tuyệt đối không được đánh học sinh. Mà có đánh xem chừng bị kỷ luật, đuổi việc như chơi, cho dù xuất phát từ mong muốn học sinh mình tiến bộ. Đạo đức xã hội xuống cấp, đạo đức học đường xuống cấp tất cả được quy về ngành giáo dục.
     Một đồng nghiệp của tôi dạy trường N H kể lớp anh có một học sinh thường trốn tiết, không bao giờ làm bài tập, các tiết học thì nói chuyện và chọc ghẹo bạn bè. Có lần, bực quá anh nói:
     - Em mà cứ thế tôi đề ngị nhà trường đuổi học đấy!
Lập tức học sinh ấy đứng lên:
     - Ông là cái con mẹ gì mà đuổi học tôi? Tôi nói cho ông biết coi chừng tôi đuổi ông ra khỏi trường trước đấy!
Xã hội ơi! Có nghe những chuyện ấy thì mới tháy cái áp lực đè lên đôi vai gầy guộc của nhà giáo nặng đến nhường nào. Còn tôi, hồi còn làm quản lý ở Trường cấp II-III Phan Chu Trinh, cùng với một cô giáo chủ nhiệm ra nhà một học sinh bỏ học vận động trở lại lớp thì má em ấy nói:
     - Thầy cô có nuôi được nó thì tôi cho. Học, giỏi lắm cũng như thầy cô, tháng được mấy hột lương?
Thuyết phục mãi không được, chúng tôi ra về, dọc đường không ai nói với ai câu nào. Nhiều thầy cô quá bực với những hành vi vô lễ của học sinh phản ứng tiêu cực là "chửi mát" hoặc xử sự theo kiểu hội chứng MĂCKENO (mặc kệ nó).
     Sáng đọc báo, choáng, vì theo thống kê của ngành Công an 5 năm trở lại đây, mỗi năm dao động bình quan 15.000 đến 18.000 trẻ vị thành niên phạm tội, rất và rát nhiều vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng! Có thể ai cũng nêu ra được hàng chục nguyên nhân phạm tội; còn cách giải quyết nguyên nhân tận gốc rễ? Theo tôi, một trong những việc cần thiết là phải nâng tầm vị thế nhà giáo, thứ hai là phải phối hợp nhiều biện pháp giáo dục, đặc biệt giáo dục ở gia đình mà đôi lúc phải sử dụng lại cách giáo dục cũ: đòn roi. Và nữa, các phương tiện thông tin đại chúng thay vì quá đi sâu vào việc giáo viên X, Y, Z nào đó đánh học sinh mà hãy nêu gương những thầy cô giáo hết lòng vì học sinh. Để tâm một tí, chúng ta thấy việc phê phán giáo viên trên mặt báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng có tỷ lệ quá lớn so với ca ngợi, vinh danh!
     3. Hình như đấu tranh để đòi hỏi sự công bằng trong xã hội không có điểm kết thúc. "Có bất công mới thành xã hội", tôi không biết ai đã nói như vậy nhưng ngẫm ra nó gần như chân lý. Một vấn đề đơn giản mà ai cũng nhìn thấy được đó là sự "tin tưởng có mức độ" trong hệ thống giáo dục. Này nhé, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được tuyển sinh, đào tạo, được cấp bằng tốt nghiệp; còn các trường THPT, THCS không được ra đề thi tốt nghiệp, không được cấp bằng cho học sinh cho dù trường đó có là trường chuyên, trường chuản. Chính vì "tin tưởng có mức độ" nên hiệu trưởng, giáo viên trường THPT, THCS "chịu trách nhiệm" có mức độ đối với sản phẩm đào tạo của mình! Có ông hiệu trưởng nào vì tỷ lệ học sinh đỗ thấp phải cách chức đâu, giáo viên giảng dạy môn thi tốt nghiệp vẫn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua bình thường! Một thực tế khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có trường đỗ tốt nghiệp 0 %, tỷ lệ trường đỗ 80 % không nhiều. Thế mà vài năm sau, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vượt bậc. Thầy dạy tâm huyết hơn? Chưa hẳn. Trò học chăm chỉ hơn? Không đúng. Học sinh thông minh hơn hay chương trình nhẹ hơn? Như trước đây thôi! Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào? Đó là cách coi thi mà thôi. Những giáo viên tâm huyết thấy học sinh trường mình đỗ cao họ không mừng vì những học sinh không đáng đỗ vẫn đỗ. Tôi tin rằng nếu để cho trường tự đánh giá chất lượng, tự ra đề thi, tự cấp bằng cho học sinh thì chắc chắn không có học sinh "đỗ nhầm".
     Nói đi cũng phải nói lại, thời đại nay cũng có học sinh xuất sắc, trung thực, có lý tưởng. Theo thống kê, đánh giá bằng nhiều nguồn, thì thế hệ 8X nổi trội hơn cả. Thế hệ 8X cũng đã lùi khá xa rồi, thế hệ 9X càng về sau càng bỏ phí thời gian cho học tập, tu dưỡng. Ngồi buồn, tán gẫu với nhau, thở than tiếc nuối: " Bao giờ cho đến. . .ngày xưa!".

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG VIII

     Mấy hôm nay từ bãi gỗ lâm trường ra tới cửa suối Lồ nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng cưa, tiếng đục, tiếng thở phì phò của mấy con trâu kéo nứa tạo nên một không gian náo nhiệt trên bến sông vốn thơ mộng, tĩnh lặng. Mỗi năm thường dăm ba lần như vậy. Mỗi lần kéo dài chừng nửa tháng đến hai chục ngày hơn, ngày kém gì đấy. Nó như một thời gian biểu, một điểm nhấn, một sự mong mỏi, đợi chờ của xứ đồng rừng buồn tẻ.
     Chị Thoa băm lạt nứa cạnh Man Hoa. nhìn mũi dao Man Hoa mổ vào ruột cây nứa thoăn thoắt, đều đặn, chị buột miệng:
     - Man Hoa, làm từ từ để chị em còn theo với!
Man Hoa nhìn cách băm lạt của chị Thoa, ngừng lại nói:
     - Em quen rồi chị à. Mà chị ngồi băm kiểu ấy mỏi chết.
Man Hoa sửa lại đòn kê cho chị Thoa, hướng dẫn cách cầm dao để làm cho đỡ mỏi và không tách nứa. Thấy vậy, cả nhóm chị em đều dừng băm, nhờ Man Hoa chỉ giùm. Mấy chị em chưa làm việc này bao giờ, với lại đay là công việc của cánh đi bè chứ không phải của công nhân lâm trường. Đang trồng cây ở tiểu khu 1a.50 thì Long Sẹo gọi cả nhóm về theo lệnh của giám đốc.
     - Tổ cô Man Hoa ra bãi gỗ băm lạt nứa cánh bè. Làm ngay đi. Ra đấy hỏi ông Bường.
     - Thế còn số cây chuyển vào không trồng làm sao kịp tiến độ?
     - Cái đó cô khỏi lo. Cây bầu chứ có phải cây trần đâu mà sợ chết. Cứ làm việc tôi nói đã. Sau này tôi bù người cho cô.
     - Giám đốc đã nói thế thì chúng tôi đi.
Ra đến bãi, đang lớ ngớ nhìn xem ông Bường ở đâu, thì cô nghe tiếng gọi:
     - Trên này, Man Hoa!
Ông Bường đang lựa nứa lạt. Vài ba chục cây mới có một cây. Man Hoa phụ ông chẻ đôi những cây nứa đường kính 8 đến 10 cm, dài bảy, tám mét.
     - Mấy cây này hơi già phải không bác Bường?
     - Lệnh giám đốc phải làm thôi. Mai mới có nứa lạt.
     - Thế mai băm có được không? Loại này làm lạt khó đấy bác ạ.
     - Các cháu làm từ từ thôi, chịu khó băm nhuyễn một chút.
     - Làm cho ai bác? Lâm trường hay mấy ông buôn bè?
     - Mấy ông buôn bè.
     - Của mấy ông buôn bè sao mình phải làm?
     - Làm lấy tiền, và cái quan trọng nhất là giải phóng bãi gỗ để tập kết nứa khai thác nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng.
Công việc băm lạt nứa không quá nặng nhọc nhưng nhàm chán. Thường thì phải dăm bảy người mới chạy việc, vừa làm vừa tán chuyện cho quên đi cái nhàm chán của công việc. Cây nứa chẻ đôi, băm dọc theo chiều dọc của dóng cho đến hết chiều dài, lật úp lại dùng dùi đục đập lại lần nữa. Mắt nứa phải đập ba, bốn lần. Đập xong dùng lưỡi dao tì mạnh suốt hai bên mép cho hết lạch nứa để phòng vướng phải đứt tay, rồi lật bụng nứa ra, uốn cong, dùng dao lóc phần ruột, để lại cật nứa sao cho đều. Xong xuôi, cuộn tròn lại đem ra thui qua lửa ngọn. Sơ sẩy một tí là cháy như chơi. Lạt dẻo, chắc phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng khâu chọn nứa làm lạt và thui là quan trọng nhất. Ngoài ông Bường, nhóm Man Hoa chỉ mình cô là biết thui lạt.
     Hơn nửa buổi chiều hôm sau, đang cùng ông Bường chẻ nứa thì nhóm Quân về, ngoài ba lô, cưa, dụng cụ đi rừng mỗi người còn kéo theo ba cây nứa lạt, loại nứa mới ra lá trên ngọn. Man Hoa chạy lại đỡ ba lô, cưa cho Chính nhưng mắt không quên lướt nhanh qua Quân mà không để ai nhìn thấy. Trong lòng cô dậy lên cảm giác rạo rực khó tả, dường như dòng máu từ trong ngực đang chạy rần rật, hai má cô nóng dần lên.
     - Sao không đỡ cho sư phụ mà đỡ cho tôi? Chính chọc.
     - Anh Quân không cần đâu. Man Hoa chống chế.
     - Coi kìa, mặt đỏ lên rồi kìa. Đừng nói là mệt nhé!
Chị Thoa hùa vào. Làm ra vẻ tự nhiên, Man Hoa cười:
     - Chị ở gần anh Quân sao không đỡ, hay muốn mà không dám vì có em đây!
     - Ái chà, ghê nhỉ. Công nhận rồi nhé!
Gần như mọi người đồng thanh rồi nhìn xoáy vào Quân mà cười rộ. Đến lượt Quan đỏ mặt, định nói câu gì chống chế nhưng lại thôi. Trong thâm tâm, Quân nghĩ nếu điều đó là sự thật thì còn gì hạnh phúc hơn nữa.
     - Sao không xẻ gỗ mà về đây, anh Quân?
Man Hoa hỏi. Câu hỏi không phải hỏi để mà hỏi. Cô muốn biết sự thật.
     - Giám đốc kêu về phụ cánh bè.
À ra thế. Man Hoa khấp khởi trong lòng. Như vậy cô được gặp Quân nhiều hơn, được nói chuyện nhiều hơn. Có nhiều lúc không nói chuyện với nhau nhưng được thấy mặt Quân, hình dáng Quân cô đã vui rồi. Nhiều đêm thức giấc, suy nghĩ vẩn vơ. Không biết trong rừng anh Quân có nấu được canh ăn không? Có bị ruồi vàng đốt không, có bị vắt cắn không. . . Nghe cha và anh Quân nói chuyện về bác Tính ở trong Nghệ An, Man Hoa cứ sợ một ngày nào đó anh về quê rồi không ra nữa. Anh là con trai một mà, cô em gái rồi đi lấy chồng, ai ở với mẹ? Như Man Hoa đây là phận gái, cũng là đứa con duy nhất của cha, nếu phải đi lấy chồng xa cũng không đành. Nhiều lúc cô buồn vì không có anh chị em. Như đọc được suy nghĩ của cô, có lần cha nói: "Con lấy ai cũng được, miễn là yêu thương nhau, gần xa không thành vấn đề. Cha tin rằng khi không có con, cha có nằm xuống thì bà con cũng chôn cất cha tử tế. . ." Cô đã trào nước mắt khi nghe cha nói những lời như vậy. Rồi nhiều lúc cô nghĩ lấy ai đây? Chưa khi nào anh Quân cầm tay hay nói một lời âu yếm với cô. Mấy chàng trai ở lâm trường tán tỉnh, đùa vui, trêu chọc nhưng không một ai dám với tới vì cô là con nhà giàu - họ nói bóng gió như vậy. Còn các chàng trai bản thì tôn trọng, quí mến cô như cô chủ. "Chúng mày không được xí xởn, hỗn với cô Man Hoa đâu nhé". Các bậc phụ huynh nói thế, huyền thoại dân gian chảy qua thế hệ này đến thế hệ khác nói thế, nên trai bản chỉ biết kính cẩn, ngắm nhìn từ xa. Bạo gan chỉ có bọn buôn bè là dám trêu chọc nhưng phần lớn họ đã có vợ con cả rồi. Với lại khi mới thấy Man Hoa, chưa biết tên tuổi, dọ hỏi thì được bàn dân thiên hạ cảnh cáo: "Động ai thì được, động con gái ông Tám Cá coi chừng mất xác". Hỏi vì sao, lại được nghe thêu dệt đủ điều, thành ra Man Hoa, như cái tên của cô - bông hoa man dại chốn đồng rừng. . .
     - Thôi, nghỉ thôi, chiều rồi. Ông Bường lên tiếng.
Mọi người dọn dẹp, sắp xếp lại đống nứa đã chẻ.
     - Man Hoa về trước nấu cơm cho bác và đám thằng Quân với. Mấy đứa về lâm trường cũng về đi. Con Thoa ghé nhà bác đóng hộ cái chuồng gà nhé!
     Ông Bường dẫn anh em Quân đến chỗ ngày mai cuốn nứa. Đã từng dăm ba lần đi bè nên việc cuốn nứa cũng quen.
     - Bác chưa tin tưởng anh em cháu thì sẵn lạt đây anh em cháu cuốn cho bác coi thử. Quân nói.
     - Thôi, tối rồi, với lại công việc ngày mai làm cùng với dân đi bè chuyên nghiệp, lo gì.
     Ông Bường cùng đám anh em Quân ra đến cửa suối Lồ thì gặp Huy và Trọng Hói đi vào. Trên vai mỗi người một khẩu súng săn hai nòng hiệu "Xanh tê chiên hoa dâu".
     - Chào anh Bường, chào các chú!
     - Chào hai anh!
     - Đi tuần rừng hay đi săn đấy? Ông Bường hỏi.
     - Sang rủ anh Minh đi kiếm con cheo con chồn nhậu. Bọn tôi đi thì bữa được, bữa không, chứ đi với anh Minh thì lúc nào cũng có.
     - Đi may mắn nhé. Có mồi đừng quên anh em nhé! Ông Bường nói sau khi buông tay Huy.
     - Anh yên tâm. Đằng nào cũng gặp ở nhà bè ông Tám Cá.
Khi Huy và Trọng Hói đi khuất, Quân hỏi ông Bường:
     - Kiểm lâm mà cũng đi săn, bác Bường?
     - Ai cấm được tụi nó đâu. Chỉ tụi nó cấm người ta thôi.
Ông Bường kể Minh Chột, Huy đã bắn không biết bao nhiêu là thú. Gặp gì bắn nấy, không kể "sách đỏ, sách đen" chi hết. Bắn được gấu thì họ lấy mật, bốn tay chân, róc xương. Thịt lấy không hết thì bỏ lại. Chỉ khi nào bắn được con mang, con lợn rừng mới kêu người vào khiêng.
     - Sao bắn được gấu không kêu người vào khiêng? Nam cuội hỏi.
     - Tránh tiếng mà. Hơn nữa thịt gấu không ngon, chỉ quý ở mật, xương và bốn tay chân thôi.
     - Mật thì biết rồi, xương để nấu cao cũng biết rồi, còn tay chân thì để làm gì bác?
     - Ngâm rượu!
Ông Bường nói mấy sếp hàng tỉnh thích rượu ngâm thuốc, ngâm động vật hơn rượu tây. Như sếp Kim chỉ cần khen loại rượu gì "uống được" là các giám đốc lâm trường tìm để tặng cho bằng được. Thế nhưng việc ngâm rượu đâu phải dễ. Chỉ có Minh Chột tặng rượu ngâm là sếp ưng ý nhất. Nhiều vị giám đốc lâm trường nói đùa Minh Chột làm được giám đốc là nhờ tài săn bắn và ngâm rượu. Sau cái vụ thanh tra lâm trường, Minh Chột bắn được con gấu ngựa, không như lần khác, lần này ông ta gọi mấy cậu thanh niên lâm trường vào rừng khiêng về. "Thịt để anh em ăn, còn lại tôi làm quà để sếp biếu mấy sếp lớn". Ông ta nói ngầm ý như đe nẹt, như thách thức. Rồi ông ta sai tôi sấy tay gấu. Đào cái lò, quạt than gỗ sường, bắc trên lò cái lu sành, trong lu đổ gần hai lóng tay cát, trên cát xếp một lớp đá cuội bằng quả trứng vịt. Quạt cho đến khi đá cuội nóng thì để tay, chân gấu vào, dăm ba phút lại trở. Sấy được bốn cái chân tay gấu cho khô phải hơn mười sáu tiếng đồng hồ. Tay gấu khô đem nạo lông, bóc móng, ngâm rượu mạnh rửa, chà cho sạch rồi lại thay rượu, ngâm đúng sáu tiếng đồng hồ nữa, lấy ra để cho ráo rồi cho vào thẩu rượu đã ngâm sẵn bộ gan và cái mật. Năm ngày sau mới nút thật kín miệng thẩu, dùng sợi dây mây đắng vót mảnh nịt kĩ.
     - Sao phải đợi đến năm ngày mới bịt kín miệng thẩu? Nam Cuội hỏi.
     - Phòng ngừa nổ thẩu. Kinh nghiệm xưa bày thế.
     - Đúng là ăn chơi cũng lắm công phu. Chính lên tiếng.
     Xa hoa thì đúng hơn, Quân nghĩ. Câu chuyện của ông Bường kể làm mọi người quên mất đoạn đường đang đi. Ánh đèn nhà bè ông Tám Cá hắt xuống sông lấp loáng những con sóng nhỏ. Mùi cơm gạo mới, mùi cá nướng phảng phất bất giác đánh thức cơn đói, Quân nuốt nhẹ nước bọt tứa ra trong miệng.

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG VII

     Minh Chột càng nghĩ càng điên. Cái thằng Trí Vịt quả là láu cá. Nó vịt ở cái dáng đi chứ đầu óc phải là cáo. Năm năm nay làm phó, lúc nào nó cũng theo em thế này, theo em thế kia, một anh Minh hai anh Minh mặc dầu tuổi tác cùng trang lứa. Vụ làm ăn nào nó cũng "thống nhất rồi để em ra tay, anh cứ ngồi trong màn chỉ huy là được", khi chia chác thì tứ lục. Căn nhà của vợ con nó ở thị xã so với nhà Minh cũng tương ứng tỷ lệ bốn sáu. Bao giờ đến nhà Minh nó không khen cái này cũng khen cái kia, không "hết ý" thì "hết sảy". Tưởng rằng cái gì mình cũng đàn anh nó, thế mà nó qua mặt mình hơn ba năm nay rồi. Nếu không có cuộc nhậu trưa nay thì chưa biết đến bao giờ mới biết bộ mặt thật của Trí Vịt.
     Họp xong, đợi các giám đốc lâm trường khác ra về, Minh gặp Thắng - trưởng phòng tổ chức.
     - Lâu ngày gặp nhau, tôi mời anh, sếp Kim và mấy chiến hữu do anh chọn ra nhà hàng Rừng Chiều chuyện trò một tí, được không?
     - Ai chứ anh Minh mời thì em không dám từ chối, để em qua phòng mời sếp.
Minh tới nhà hàng Rừng Chiều trước. Chủ nhà hàng mới thấy Minh bước vào đã lật đật bước ra nắm tay:
     - Cả tháng rồi nhé, anh Minh. Nhớ anh quá!
     - Nhớ tiền chứ nhớ chi anh. Vừa nói Minh vừa kéo Mĩ Vân sát người, hôn một cái "chụt" vào má.
     - Đồ ăn có gì khác không? "Hàng họ" có gì mới không? Hôm nay có sếp đấy!
     - Hôm nay có cua bể anh à. Mới vừa nhận tức thì, xe chạy thẳng từ Hải Phòng lên đấy. Hàng họ thì anh yên tâm, có mấy em chịu chơi lắm.
     - Con Tường Vi ra sao?
     - Không được đâu anh, nó đỏng đảnh lắm, với lại nó kết ông Huy rồi. Tính anh nóng nảy, phải để mấy em dịu dàng chiều chuộng chứ không thì bỏ quán em sao.
     - Thôi, vừa phải thôi, miệng thì quán mà tính tiền cứ như nhà hàng năm ông sao.
     - Anh lại đùa em rồi.
Xe đến, Minh ra mở cửa cho sếp Kim. Thắng mở cốp lấy chai rượu Mac ten dòng X.O.
     - Chơi chút thôi, anh Minh. Chiều sếp còn hội ý.
Ngồi vào bàn, Minh chọn con cua to nhất để vào dĩa của sếp. Thắng lại chuyển con cua ấy cho Minh, chọn con nhỏ hơn, tách vỏ, lột ướm, bóc phổi, bẻ miệng, đặt vào dĩa cho sếp.
     - Anh Minh ít ăn cua nên chưa hiểu. Cua cần chắc chứ chứ không cần lớn. Chắc thì chỉ có cua gạch, mà cua gạch phần lớn lại là cua cái.
     - Thế mà tôi không biết, xin lỗi sếp.
     - Lỗi phải gì. Nhân đây mình nói luôn, sáng nói trong cuộc họp không tiện, lâm trường cậu chỉ tiêu trồng rừng thấp lắm đấy nhé!
     - Dạ, em cố gắng.
     - Còn việc anh Tích cuối năm nay làm nhà, cậu Thắng trao đổi với cậu làm đến đâu rồi?
     - Dạ, sáu cái đà em cho cưa bằng gỗ sến anh ạ. Còn gỗ cửa thì em tính gỗ nhóm 2 trở lên. Anh Tích thích loại nào em cho xẻ loại đó.
     - Được, anh Tích không biết gỗ gì nên làm gì đâu. Thôi, cậu chọn các loại gỗ như nhà cậu là được.
Thắng mời mọi người nâng ly. Hương Mac ten thơm nhẹ, Minh Chột trầm trồ:
     - Rượu dịu mà ngon quá, Anh tầm ở đâu đấy?
     - Tháng trước em với anh Trí xuôi Hà Nội mua nhà cho sếp. Anh Trí có cậu em vợ làm ở phòng Quản lý đô thị, cậu ấy cho.
     - Mua được không?
     - Được chứ, cách nhà anh Trí độ 2km.
     - Nhà anh Trí nào?
     - Anh Trí phó của anh chứ còn Trí nào. Thế anh không biết anh Trí mua nhà ở Hà Nội à?
     - Cũng có nghe.
     - Anh Trí mua rồi cho thuê, chuẩn bị sau này cho cho con cái về Hà Nội học có chỗ ở.
     - Thôi uống đi, nói chuyện nhà cửa công việc thế đủ rồi. Mà này, Minh, cậu có thấy thiêu thiếu cái gì đó không?
Thắng nháy mắt:
     Tiệc vui không có đàn bà
     Cao lương mĩ vị cũng là bằng không!
Minh Chột xin phép vào bếp xem có "món nào mới" không. Mĩ Vân cười:
     - Cần mấy em, anh Minh?
     - Đếm người mà sắp, hỏi gì. À mà trước tiên phải xếp cho sếp em nào sếp ưng ý nhất.
     - Em hiểu rồi.
     Cả cái thị xã này chỉ có ba nhà hàng có "tiếp viên". Rừng Chiều của Mĩ Vân không lớn bằng hai nhà hàng kia nhưng có lợi thế hơn về sự kín đáo và thuận lợi. Khách của nhà hàng phần lớn là dân buôn bè, là cán bộ hàng tỉnh nên ít ồn ào, xô bồ. Với lại quen, hiểu tính nết khách nên chiều chuộng không khó.Cái gu của sếp Kim là nhất dáng, nhì da, ba mặt tiếp đến là giọng nói. Hồi con Loan còn ở đây tuần nào sếp cũng ra, chỉ ăn uống rồi nói chuyện, ôm ấp vuốt ve sơ sơ chứ không như một số sếp khác, cứ rượu vào là đòi "tới Z". Có lần sếp Kim nói với Mĩ Vân:
     - Ai cũng làm, ai cũng chơi. Em muốn lâu dài tuyệt đối đừng làm chỗ chứa. Đứa nào muốn thì đi nơi khác.
     Mấy nhà hàng kinh doanh có em út phất lên trông thấy nhưng chỉ được ba bốn tháng rồi cũng sập tiệm. Khi thì bị công an sờ gáy, khi thì mấy bà vợ đến đánh ghen, thành ra mất khách dần. Em út ở đây ăn mặc đẹp nhưng không hở hang, nói năng phải lịch thiệp đó là nguyên tắc Mĩ Vân theo đuổi. "Chúng nó có sờ nắn cũng cách mấy lần vải", Mĩ Vân bảo đám đàn em. Khách V.I.P như sếp Kim, Thắng, Minh thì khi cần muốn gì cũng được nhưng với điều kiện tới riêng từng người một. Thi thoảng, Mĩ Vân "thông qua" mấy sếp mời "phu nhân" đến ủng hộ, ăn uống tính tiền "sòng phẳng, đàng hoàng" theo giá gốc, rồi ai cũng có quà: "cho cháu nó", "gửi biếu cụ". . .nên cứ nghe ăn nhậu ở Rừng Chiều là mấy bà yên tâm, không mảy may nghi vấn.
     Sếp Kim về hội ý, Minh Chột ngồi lại tính tiền, Mĩ Vân hỏi:
     - Anh về hay ở lại?
     - Ở lại, mai lên lâm trường luôn.
     - Phu nhân có biết không? Biết chết em đấy!
     - Mụ vợ anh không phải cháu ông Nam thì anh bỏ từ đời tám hoánh rồi.
     - Khi lấy người ta anh cũng yêu chớ bộ!
     - Ông già ép thôi, với lại hồi ấy lỡ làm cho mụ ta chửa rồi. Vừa nói Minh Chột vừa đưa tay thộp ngực Mĩ Vân. Gạt tay Minh, Mĩ Vân lườm một cái, đuôi mắt sắc như dao cau:
     - Thôi nào, thích em nào để em bố trí.
     Nằm bên cạnh Diễm Mi - "hàng mới" mà Minh Chột không thấy "xúc động đậy" gì cả. Mẹ bố thằng Trí Vịt, mày qua mặt ông rồi mày biết. Vừa nghĩ vừa rít thuốc liên tục. Mấy phi vụ làm ăn người ta tìm đến, mình gọi nó lại để bàn bạc kiếm chút cơm chút cháo, ai dè nó đạo diễn cả. "Người ta cũng làm ăn nên mình nhẹ tay một chút, vả lại mình mất gì đâu". Nó nói sao mà nhân đức thế. Thế rồi thì sao? Tính đi tính lại nó hai mình một chứ tứ lục con mẹ gì. Mĩ Vân kể chuyện bàn tán của dân buôn bè là vô tình hay cố ý? Phải rồi, nó ghét Trí Vịt. "Anh không hào phóng được như anh Minh, anh là phó, anh ấy cho gì được nấy, em thông cảm". Nó nói với Mĩ Vân là thế mà mỗi khi nó đi tiếp khách không có Minh bao giờ cũng than thở: "Mấy ông chơi ghê quá, em cũng đành chứ biết làm sao, thôi hôm nào có phi vụ ta trừ ra, còn lại anh sáu, em bốn". Rồi biết bao vụ nó xuất gỗ cho khách hàng, báo cáo số lượng thì đúng cả nhưng nó ăn trước mặt mình chủng loại gỗ kia! Cứ tưởng nó cúc cung tận tụy với lâm trường, với mình, mà giờ thì sao nào? Nhà cửa ở Hà Nội đàng hoàng, lại đi đêm ngầm với sếp Kim nữa. Hèn gì mình lo sốt vó vụ cá anh vũ nó hứa mà nó cứ nhởn nhơ như không. Được rồi, phen này thì mày biết tay tao. Nhưng triệt được nó bằng cách nào? Nó cũng thuộc hàng con cháu mấy cụ có số má cả, nghe đâu phía vợ cũng nhiều người làm lớn. Cài bẫy nó chắc gì nó mắc, mà có mắc với thế lực như vậy nó cởi ra như không. Mẹ bố nó, biết nó qua mặt mà rồi giờ làm như không biết kể cũng đau. Tức nhất là qua mỗi phi vụ cầm tiền đưa cho mình nó lại cười thầm mình là thằng chột. Được rồi, tao chột chứ không đui, nhắm bắn phải nheo mắt khác gì chột, còn tao bắn khỏi cần nheo nhá Trí Vịt. . .
     - Anh cho em ra ngoài một tí, khói thuốc quá! Câu nói Diễm Mi cắt ngang dòng suy nghĩ của Minh Chột.
     - Ra đi. À mà bảo bà chủ vào đây.
Một lát sau Mĩ Vân vào cầm theo ly nước chanh.
     - Em nó phục vụ không chu đáo à?
     - Đã phục vụ đâu mà chu với đáo. Thôi để hôm khác. Giờ em nằm đây với anh kể tường tận chuyện mấy đứa buôn bè nói về thằng Trí Vịt.
     - Thôi, em còn coi quán sá nữa. Có gì đâu, em nói lúc trưa hết rồi.
     - Đừng giấu anh, chuyện quán sá có tụi nó lo. Nếu cần, em đóng cửa, lời lãi ngày nay bao nhiêu anh chịu.
Chưa bao giờ Minh nói mà không làm, đó là điều khác xa Trí Vịt, Mĩ Vân nghĩ. Hồi làm nhà hàng gỗ lạt nhờ Minh cả, thứ mua giùm, thứ cho không. Còn Trí Vịt gửi tiền nhờ đóng 3 bộ cửa thì đưa 2, nhắc mãi không thấy nên đành im luôn. Biết chuyện, thấy khó coi nên Minh hứng hộ. . .Nghĩ vậy, Mĩ Vân nói:
     - Anh chờ em tí.
     Cắt đặt công việc xong đâu đấy Mĩ Vân trở vào. Nằm cạnh Minh, Mĩ Vân kể hết những vụ Trí Vịt đạo diễn qua lời bàn tán của đám buôn bè. Chêm giữa lời kể của Mĩ Vân là tiếng văng tục của Minh Chột. "Anh biết rồi phải cảnh giác, đừng nói em nói nghen, chuyện gì cũng từ từ, đừng nóng vội". Mĩ Vân kết thúc câu chuyện với lời khuyên.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

GIEO HẠT

Mưa phùn, gió bấc căm căm
Thương em buốt giá trên đồng sáng nay.
Hạt vàng em sạ đều tay
Gió nghiêng lệch nón tóc mây xõa tràn,
Mảnh mai cái dáng dịu dàng
Lội trong giá buốt lại càng mảnh mai.
Tay em gieo hạt vàng mười
Như xua giá lạnh cho đời ấm no!

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG VI

     Sáng nay Long Sẹo dẫn mười anh em lâm trường và sáu người dân mang gạo vào cho nhóm anh em Quân rồi nhận gỗ. Hỏi ra mới biết sáu người ấy là dân buôn bè, quê Thái Bình. Họ có giấy phép khai thác gỗ, nứa nhưng "mua của lâm trường cho tiện", một người trong nhóm cho biết. Anh em Quân chẻ lạt, giúp họ buộc đòn khiêng. Hai người một hộp gỗ khá nặng. Buộc xong họ nhấc lên đặt xuống lượng xem mức độ nặng nhẹ ra sao. Xong đâu đấy mỗi người chặt một cây gậy chống bằng cổ tay, dài gần ngang vai, có nạng. Quân hỏi sao không chặt loại nhỏ và ngắn hơn, họ bảo dùng loại gậy chống như vậy để khi nghỉ thì đặt đòn khiêng lên nạng, đỡ phải cúi xuống.
     Đoàn người vào khiêng gỗ làm khu rừng náo động hẳn lên bởi tiếng cười, tiếng nói, tiếng rít thuốc lào sòng sọc. Số gỗ nhóm Quân xẻ phải chuyển hai ngày mới hết. Hơn 3 km đường rừng khiêng gỗ, đoạn xuôi theo suối đạp lên đá cuội dễ trượt, đoạn lên dốc người đi sau nặng muốn đứt ruột. Rồi xuống dốc lại phải bó hai cây gậy cùng hộp gỗ thành cái "cộ", cây đòn khiêng thành đòn kéo. Lúc này chỉ một người kéo, một người đi bên cạnh giữ cái đòn kéo hộ tống. Con dốc đứng, bước nhanh một tí là trượt mà cái đòn kéo trên vai cứ xô mạnh xuống. Việc phối hợp giữa hai người phải thật ăn ý, nếu không, ngã bong gân, gãy tay chân là chuyện thường.
     Xuống hết cái dốc, còn khoảng hai trăm mét nữa là tới suối Lồ. Đoạn suối này sâu, ít đá ngầm, đá nổi nên kết thành bè xuôi về bãi gỗ lâm trường được. Đưa được hộp gỗ xuống dốc lại phải mở "cộ" ra, buộc lại để khiêng. Dây lạt buộc ra tháo vào hai, ba lần dễ đứt nên có lúc phải bốn người bỏ đòn khiêng một hộp gỗ. Việc khiêng gỗ phải cẩn thận, không thể ỷ sức, sơ sẩy một chút là tai nạn như chơi. Ông Bường kể mấy năm trước, dân buôn bè ở Thái Thụy- Thái Bình không ai là không biết Định "voi". Cao 1m75, nặng gần 80kg, từng là đô vật có tiếng, giải nghệ làm nghề buôn bè. Cơm ăn mỗi bữa cả kg gạo, vác gỗ cứ gấp hai gấp ba người ta. Thế mà hôm đó vác một hộp gỗ cồng, hộp gỗ dân đi rừng ai cũng vác được, đang xuống dốc, trượt chân ngã ngồi một cái mà nằm liệt gường luôn.
     Hôm sau Man Hoa gửi cho Quân một gói chẻo sả bọc trong mấy lớp lá chuối rừng. Hình như ở rừng ăn không biết mặn, biết cay. Ở nhà mỗi bữa cơm ăn một trái ớt xiêm có khi không hết, còn ở trong rừng ba, bốn trái là thường. Món chẻo sả để được lâu, ăn được cơm. Nhìn qua một lần ai cũng làm được nhưng làm cho thơm ngon lại là chuyện khác. Quan trọng nhất, theo Man Hoa là việc chọn sả. Phải chọn củ sả chắc, già, rửa sạch, để ráo rồi xắt mỏng, giã nhỏ. Cứ một bát sả giã với một thìa muối rồi trộn đều với sườn non lợn băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp cho mỡ vào đun sôi, phi bằng hành tỏi băm nhỏ. Hành tỏi vừa trở màu cho sả và sườn vào đảo đều. Sườn non lợn chín tới, dậy mùi thơm của sả thì cho mắm ruốc và ít bột ngọt, nước cốt gừng vào, đun nhỏ lửa, tiếp tục đảo cho đến khi thấy sền sệt cho thêm chút ớt bột là xong. Nhắc chảo xuống để chẻo nguội, cho vào thố sứ hay ống nứa để ăn dần. Chẻo cho vào ống nứa treo trên gác bếp cả tháng sau vẫn không hư. . .Cầm gói chẻo Quân lại nhớ dáng điệu Man Hoa trong công việc bếp núc, nhanh mà không vội, làm đến đâu gọn đến đấy, sạch sẽ, tinh tươm. . .
     Chuẩn bị lên vai chuyến gỗ thứ hai, một anh dân Thái Bình kêu lên:
     - Chết, tai mày sao chảy máu!
Anh bạn sờ tay lên tai thất ươn ướt, một cái gì nhầy nhầy nơi vành tai, anh ta hốt hoảng:
     - Mày coi giùm tao cái gì!
Mọi người xúm lại. Nam Cuội kéo ra một con vắt từ vành tai anh ta.
     - Tưởng gì, con vắt thôi mà.
Vừa nói Nam Cuội vừa lấy hòn đá ghè con vắt. Chính móc túi lấy gói thuốc lào, véo một chút, vê lại đưa cho anh bị vắt cắn.
     - Anh rịt vào, Đây là loại vắt trắng chứ vắt xanh thì có rịt nó vẫn chảy máu cả buổi.
     Rừng nứa là môi trường lý tưởng của loài vắt, chúng tập trung nhiều ở ven suối. Loài vắt giống đỉa nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Có con chỉ lớn hơn cọng tóc một chút, bám vào chân, nhìn cứ tưởng lông chân. Hút no máu, nhả ra, người bị vắt cắn vẫn không hề hay biết. Khi biết thì máu đã khô thành vệt rồi. Loài đỉa bơi dưới nước có đụng người mới bám được, còn loài vắt, cách 3m, nghe hơi người đã búng tới. Không biết bằng cách nào mà ngay cả chỗ hiểm đôi khi chúng vẫn hút máu được. Có cô công nhân lâm trường đi lấy măng, bị vắt xanh cắn cứ lại tưởng mình tới tháng. Nghe chuyện tưởng đùa nhưng sự thực là như vậy. Những ngày trời mưa vắt nhiều vô kể, đi vài trăm mét phải dừng lại kiểm tra tay chân, có lúc cả chục con bám vào người. Muốn vắt khỏi bám phải xoa khắp người tinh dầu sả, nhưng khi nước mưa làm phai đi mùi tinh dầu chúng lại bám như thường. Cho nên, tốt nhất khi trời mưa thì đừng đi trong rừng. Còn ở lán, dùng nước điếu thuốc lào đổ xung quanh chỗ nằm, chịu hôi một tí nhưng cũng hạn chế được vắt mò vào.
     Quân và Nam Cuội vừa dùng cưa man cắt xong khúc gỗ sến dài hơn 5m. Theo lời Long Sẹo truyền đạt mệnh lệnh giám đốc lâm trường Minh Chột, nhóm Quân xẻ 6 cái đà phải "vuông thành sắc cạnh", mặt 25, gáy 12cm và dài 5m. Khúc gỗ nằm xéo sườn núi rất dốc, cách bờ suối hơn 20m. Nhìn thế nằm khúc gỗ, Ngọc thấy khó mà làm dàn cưa được. Gỗ sến nặng, năm anh em làm sao đưa lên giàn nổi? Mỗi người một ý nhưng phương án nào cũng khó thực hiện. Cuối cùng đến thống nhất là lăn khúc gỗ xuống suối rồi xẻ luôn ở đó. Mất một buổi chặt cây, đóng néo dưới suối dự tính nơi khúc gỗ lăn xuống. Xong xuôi đâu đấy năm anh em dùng đòn bẩy để xeo cho nó lăn xuống nhưng khúc gỗ không hề nhúc nhích.
     - Thôi chặt thêm mấy cây đòn bẩy, chút nữa tụi nó vào khiêng gỗ nhờ xeo giùm. Ngọc nói.
     Khi mọi người vào đông đủ, Ngọc phân công cứ hai người một đòn xeo. Tiếng hô "một. . .hai. . .ba" vừa dứt, khúc gỗ ầm ầm lăn xuống. Mọi người đang thích thú cười ha hả thì " Véo. . .ú. . ú. . .". Một khúc cây đà bằng bắp vế bật lên cao, xoay tròn như chong chóng rồi rơi xuống cách chỗ mọi người đứng chừng hơn sải tay. Tiếng cười im bặt. Lặng đi nột lúc. Dường như ai cũng nghe thấy tiếng trống ngực.
     - Khiếp hồn!
     - Kinh quá!
     - Ơn thần rừng phù hộ.
     - Cây đà này mà nhỏ hơn một chút chắc có người mất mạng!
Mỗi người một câu về sự việc vừa qua. Quân nghĩ sự sống và cái chết chỉ cách nhau cái nháy mắt, nó có thể xảy ra bất cứ nơi đâu, cứ gì phải đạn bom, bệnh tật. . .
     Đám người khiêng gỗ đi, khoảng rừng lại vắng lặng, thâm u. Từ trong lòng đất, từ những lùm cây dưới tán những bụi nứa, rừng cây bóng tối tràn lên trước khi bầu trời khép hẳn mảng sáng nhờ nhờ trên đỉnh đầu. Đêm xuống, rừng lặng mà huyễn hoặc, lúc ấy chỉ có bếp lửa, ánh lửa là điểm tựa tinh thần cho con người bớt nỗi cô đơn, sợ hãi. Có đêm thức giấc, nghe như có tiếng ai hát trên đỉnh núi, có đêm lại nghe như tiếng khóc, tiếng gọi mẹ mơ hồ. Đêm nay, cơm nước xong mọi người lăn ra ngủ vì mệt. khoảng nửa đêm mọi người thức giấc vì tiếng thét của Dũng Nheo. Ngọc chụm lại bếp cho lửa cháy lên.
     - Gì mà thét lên vậy mày?
Dũng Nheo run lập cập, trên khuôn mặt chưa hết vẻ hoảng hốt:
     - Tôi thức giấc thì nghe như tiếng ai khóc rồi lại như tiếng trẻ con cười. Mở mắt nhìn ra thấy hai đứa trẻ con nhìn vào trại.
Chính, Nam Cuội đốt mỗi người một cây đuốc. Ánh sáng bừng lên.
     - Ông thần hồn nhát thần tính, trẻ con đâu?
Ánh sáng bếp lửa và hai cây đuốc hắt ra quanh lán một quầng sáng lúc mờ lúc tỏ ttheo ngọn lửa bập bùng. Với tay lấy ống điếu thuốc lào, Ngọc bảo:
     - Nheo làm một điếu cho tỉnh đi. Đứa nào sợ thì nằm trong để tao và sư phụ nằm ngoài.
Đặt lưng xuống sạp, nằm mãi mà không ngủ lại được, không phải sợ mà nhớ vợ con quá. Đã 3 tháng xa nhà rồi còn gì. Lá thư Duyên gửi cho Ngọc gần nhất cũng hơn tháng rồi. Có lẽ hết tháng này phải tranh thủ về thăm nhà ít ngày. Cứ nghĩ lúc về thăm nhà, bế thằng cu, chà bộ râu vào bụng nó, thọc lét cho nó cười hay chà râu lên má Quyên để nghe tiếng "đau em" dịu ngọt, Ngọc bật cười thành tiếng.
     - Cười gì vậy anh? Quân hỏi, giọng ngái ngủ.
     - Sư phụ ngủ đi, mai kể.
     Rừng đêm yên lặng, bếp lửa lụi dần, Ngọc cũng chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.


Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Thôi mà, em. . .

     Anh vui thú rồi anh cứ vô tình
     Em đừng vội xem đó là tội lỗi
     Mấy dòng chữ xô nghiêng viết vội
     Dưới đáy ly giọt nước tự tràn.

     Anh học đòi làm nghệ sĩ lang thang
     Bay bổng tâm hồn, tài năng nhỏ hẹp
     Dẫu trái tim anh suốt đời không khép
     Cũng chẳng bóng hồng nào xin làm kiếp phù du.

     Đừng nhìn anh bằng con mắt hận thù
     Em hờn ghen chính là tình yêu đấy
     Anh đam mê, khát khao bỏng cháy
    Không nghệ sĩ cuộc đời thì nghệ sĩ của riêng em!

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

LÂM TẶC


CHƯƠNG V

     Làm lán trong rừng người ta thường dựng cách suối vài chục mét, lựa chọn nơi cao ráo để phòng tránh lũ rừng. Còn lán của anh em Quân lần này lại nằm chính giữa suối. Dưới cái thác, hai bờ suối có hai tảng đá bàn lớn, bằng phẳng. Ngọc Râu đốn sáu cây xương tàu bằng bắp vế lát ngang qua, Chính và Dũng Nheo mổ chục cây vầu đan sạp, còn Quân, Nam Cuội đan tranh nứa. Dựng được cái lán cũng mất gần ngày. Dưới sàn nước chảy, ngồi trong lán giơ tay với là chạm thác nước. Nam Cuội chẻ đôi một đoạn nứa làm cái máng cho tiện việc nấu nướng.
     Công việc làm không kể trưa kể tối. Đói, nấu ăn. Mệt, thì nghỉ. Trong rừng độ bốn giờ chiều là đã bắt đầu tối. Đôi lúc còn vài mét không thấy đường mực phải xẻ mò. Quân cưa tay trái, tay phải đều được cả, mấy anh em khác hoặc thuận tay phải hoặc thuận tay trái. Người nào mệt là Quân thế chỗ. Người nào nghỉ phải rửa cưa. Năm người, ba cái cưa nên lúc nào cũng sắc. Cưa sắc vừa đỡ mệt mà năng suất lại cao. 
     Xẻ gỗ trong rừng công việc vất vả nhất là xeo gỗ lên giàn cưa. Cây gỗ đốn trong rừng ngã xuống không mấy khi theo ý mình.Cây ngã theo sườn núi thì chỉ cần làm một giàn cưa, cây ngã ngang sườn núi thì cứ hai súc gỗ phải làm một giàn. Tháng trước, đốn được cây sâng đường kính một mét ngã theo sườn núi, anh em mừng vì chỉ phải làm một giàn cưa thế mà suýt chết vì cái may ấy.Cây sâng cắt được chục súc gỗ, giàn cưa nằm ở giữa, vuông góc với chiều ngã của cây. Để đưa súc gỗ lên giàn, hai người hai đầu súc gỗ dùng đòn xeo bẫy ngược nhau, phía  gốc bẫy lên trên, phía ngọn bẫy xuỗng dưới. Khi súc gỗ quay nằm ngang thì vừa lăn vừa chặn từ từ đưa lên giàn, lấy mực, chèn cho chắc chắn, đóng bốn cái đinh đỉa vào súc gỗ và đà kê rồi thì cứ thế mà xẻ. Hôm đó, xeo xong súc gỗ thứ sáu lên giàn, lấy mực, nhìn cái ụ mắt, Ngọc Râu nói:
     - Súc này không xẻ hai đầu lại được. Phải cưa đuổi thôi. Quân kéo với Nheo, còn anh cưa với Chính.
Ngọc và Chính vừa cưa xong mạch thứ nhất, Quân và Dũng đang giữa mạch cưa thứ hai thì hai súc gỗ lao xuống như đoàn tàu chở nặng xuống dốc mất phanh cùng tiếng la của Nam Cuội. Chính vội kéo Dũng Nheo lăn mấy vòng sang bên phải, Quân vội nhảy xuống giàn thì "rầm" "rầm", hai súc gỗ đâm vuông góc vào súc gỗ trên sàn, hất tung qua đầu Quân rồi rơi tuột xuống khe. Miếng ván vừa xẻ xong văng ngược lại đập vào chân Dũng.
     - Q. . .uâ. . . n!
Mọi người thét lên hoảng loạn, tưởng Quân bị mấy súc gỗ thúc chết.
     - Em đây! 
Vừa nói Quan vừa trèo lên giàn. Nước mắt mấy người chưa kịp ngưng. Nam Cuội mặt cắt không còn hột máu. Thì ra, khi bốn người đang xẻ thì hắn ta leo lên mấy súc gỗ ngồi sưởi nắng chán rồi nhảy xuống dùng tay lắc lắc. Sườn núi trơn vì trận  mưa tối qua, súc gỗ lại thẳng nên dễ dàng trượt xuống thúc vào súc phía dưới. Đoan trống sáu súc gỗ được xẻ xong vừa nghiêng vừa phẳng tạo đà cho hai súc gỗ tăng tốc. Mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt.
     Chính dìu Dũng Nheo đứng dậy, đùi Dũng bầm tím.
     - Không có ông hôm nay tôi lên bàn thờ ngồi rồi. Dũng nói.
     - Lúc đó phản ứng tự nhiên thôi, với lại số ông chưa chết. Nếu biết trước tôi để ông chầu ông bà ông vãi, về quê bợ con vợ của ông cho rồi.
Ngọc Râu quát:
     - Câm cái miệng mày lại, thằng Chính, còn đùa được!
Quân đi xuống khe. Súc gỗ xẻ dở gối một đầu lên hòn đá. Lưỡi cưa dính trong đó ôm súc gỗ như sợi lạt gói bánh tét. Rường cưa, néo cưa, tay cưa văng đâu mất. Quân gọi:
     - Anh Ngọc ơi, đưa cái đòn xeo xuống đây giùm em.
     - Thôi nghỉ, hôm nay không làm nữa.
     - Thì vậy, để em lấy cái lưỡi cưa.
Cả nhóm loay hoay gần cả tiếng đồng hồ mới lấy được lưỡi cưa ra. Lưỡi cưa bị gấp một chút. Ngọc nung đỏ chỗ bị gấp, lật úp trên mặt phẳng hòn đá dùng búa đập cho thẳng lại. Sau lần nung thứ ba, Ngọc ném lưỡi cưa xuống suối. Một tiếng "xèo" bốc lên khô lạnh.
     - Thằng Cuội đi kiếm hay đẽo tay cưa thì tùy. Tao, thằng Chính đi tìm néo cưa, đinh đỉa, nhân tiện hái lá đắp cho Nheo, còn sư phụ kiếm mấy con cua cải thiện.
Bao giờ cũng vậy, người nào có biệt danh, ngang hay nhỏ tuổi hơn là Ngọc Râu dùng biệt danh để gọi. Không bỏ được. Cái tật ấy, ai hiểu thì chớ, chứ không thì gây chuyện như chơi. Cả cái lâm trường này ai cũng một anh Trí hai anh Trí, còn Ngọc Râu thì cứ anh Vịt mà gọi.
     - Mày gọi ai đấy?
     - Thì ông chứ còn ai vào đây!
     - Tao là Hoàng Minh Trí, nghe thủng chưa!
     - Thủng rồi, ông Vịt. Sau lưng ông ai cũng gọi là Trí Vịt đó thôi. Tôi khác họ là gọi trước mặt. Mà cái tên Vịt đâu phải tôi đặt ra.
Trí Vịt tức điên người nhưng rồi đành bỏ qua, ném một câu vớt vát:
     - Hãy đợi đấy, thằng khốn.
Vừa lật những hòn đá tìm cua vừa nghĩ chuyện anh Ngọc, Quân thấy buồn cười. Bề ngoài ngang ngạnh là thế mà anh sống có trách nhiệm, việc gì cũng làm đến nơi đến chốn. Quân học được ở anh nhiều điều. Hồi mới quen anh, nhân lúc Chính, Dũng Nheo, Nam Cuội đi chơi, anh nhờ Quân chỉ vài thế võ. Quân hỏi sao anh không cùng tập với mấy anh cho tiện, anh bảo mình không muốn ai biết, sợ người ta thử. . . Xẩm tối qua, đốt đuốc đi một chút đã được bữa cua rang, Sáng nay tìm mãi mà chưa được chục con, chẳng biết chúng trốn đi đâu.
     - Đầy ống chưa, sư phụ?
Ngoảnh lại thấy Chính cầm cái hăng gô đựng chẻo sả, Nam Cuội mang theo cái ống bương.
     - Mãi mà mới được năm con.
     - Ban ngày trời có mưa đâu mà cua ra. Phải dùng cái này. 
Vừa nói Chính vừa chỉ vào cái hăng gô.
     - Là sao, anh Chính?
     - Thì đổ chẻo xuống cua ra ăn chứ sao.
     - Coi chừng vừa không có cua vừa mất đồ ăn mặn đó, anh Chính.
     - Sư phụ cứ yên trí đi.
Chính lội lên trên, dùng chân khỏa nước, múc một thìa chẻo đổ vào lòng bàn tay rồi khỏa xuống nước. sau năm sáu lần, Chính bảo:
     - Được rồi, sư phụ bắt đi.
Thật bất ngờ, không biết ở đâu mà cua bò ra nhanh thế, lớn có, nhỏ có. Cứ xuôi dòng nước tha hồ lượm. Độ mười phút là đầy ống.
     - Ai bày anh chiêu này, anh Chính?
    -  Hồi xẻ gỗ bên Yên Bái, ăn cơm với mắm ruốc, rửa bát thấy cua mò ra. Để ý thấy hai ba lần như vậy mình xúc thìa ruốc khỏa xuống khe, mùi ruốc trôi đến đâu thì cua trồi ra đến đấy, nó tưởng có mồi.
     - Con gì cũng chết vì mồi, con người cũng không ngoại lệ.
Nam Cuội bỗng dưng triết lý. Chưa về đến lán đã nghe tiếng Dũng Nheo:
     - Ối! Á! Nóng quá!
     - Có nóng mới mau khỏi. . .
     Câu chuyện tháng trước cứ như những thước phim quay chậm trong đầu Quân. Càng ngày càng hiểu nhau, càng yêu thương gắn kết với nhau hơn. Ở trong rừng sâu, ngoài tiếng chim, tiếng suối, thỉnh thoảng nghe tiếng tác của con mang, tiếng khịt xa xa của đàn lợn rừng chỉ còn là không gian bí ẩn, thâm u. Láu lỉnh như Nam Cuội mà cả ngày không được câu đùa. Chuyện để nói với nhau thường là những chuyện buồn vui dĩ vãng. Cả nhóm có năm người, nếu chỉ hai, ba người thì sao nhỉ? Bất chợt, Quân nhớ bài thơ "Quanh quẩn" của Huy Cận:
     Quanh quẩn mãi chỉ vài ba dáng điệu
     Tới hay lui chỉ chừng áy mặt người
     Vì quá thân nên quá đỗi buồn cười
     Môi nhắc lại chỉ có ngần ấy chuyện
Giữa chốn thị thành cô đơn như vậy thì nơi núi rừng sâu thẳm, sống như anh em Quân thì Huy Cận sẽ ra sao nhỉ? Chao ôi, ít giao tiếp đồng loại đã thèm, còn tách khỏi đồng loại: "Ta là một, là riêng, là thứ nhất. Không có ai bè bạn nổi cùng ta" thì chỉ có điên mới như thế. . .
     - Sư phụ, ăn cơm thôi, nghĩ gì mà thần người ra thế?
     Bưng bát cơm ăn, bên bếp lửa chất bằng củi gộc thỉnh thoảng nổ tí tách, bỗng dưng Quân nhớ mẹ, nhớ sư phụ Tám Cá, nhớ Man Hoa đến nao lòng.