Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

LÂM TẶC


CHƯƠNG IV

     Hình như mỗi bước chân leo lên con dốc vào trạm Huy càng bực mình. Mẹ cha cái thằng Trọng Hói, mồm cứ leo lẻo: "thế nào rồi chúng em cũng chiêu đãi anh một chầu cá anh vũ tới bến". Giờ thì ăn quả đắng rồi, hứa với sếp Kim mà chậm đã chết chứ đừng nói không có. Ngặt nỗi lão Tám Cá không phải loại hám tiền. Cá gì lão bán chứ cá anh vũ lão cho, mà cho cái loại quanh năm chỉ dưa cà canh suông mới chết. Lão Sáu Vẩu trước đây cũng biết bắt cá anh vũ nhưng từ khi lão Tám Cá về cất trại rồi làm nhà bè trên sông Gâm là lão bỏ nghề. Bỏ là bỏ bắt cá anh vũ, còn chài lưới vẫn là cái nghề nuôi sống lão. Năn nỉ lão Sáu Vẩu hết cách mà lão khăng khăng không là không: "Loại cá này của dòng dõi chúa Bầu, trước đây tôi bắt là ăn trộm thôi". "Đã ăn trộm một lần cũng mang tiếng ăn trộm, ăn trộm lần nữa có sao", nghe Trọng Hói nói vậy, lão sáu Vẩu trừng mắt: "Mày bước ra khỏi nhà cho tao". Trọng Hói đang chần chừ thì lão rút cái chỉa cá cài bên vách cái roạt nhằm mặt Trọng Hói đâm tới, may lúc ấy Huy kịp kéo áo lão chứ không thì không biết chuyện gì xảy ra. . .
     Lão Tám Cá là dòng dõi chúa Bầu thì Huy mới biết gần đây. Thời chúa Bầu cai quản Tuyên Quang đã gần ba trăm năm rồi mà sao cái uy dòng dõi lớn thế không biết. Kể cũng lạ, tại cái tỉnh này ngoài di tích thành Bầu không có cái đền nào thờ chúa Bầu nhưng bên Lào Cai, Yên Bái rồi xuống cả Thái Thụy - Thái Bình lại có đến sáu cái đền thờ! Lòng trung của dân không chỉ thể hiện qua đốt hương cúng bái mà ngay cả trong việc làm nữa. Nghĩ thế, Huy thấy cái vị thế nhà chúa trong tâm thức dân giã quả là ghê gớm. Hèn gì, ngay cả già Bân bên Yên Sơn giàu có là thế, uy tín là thế mà cứ nghe lão Tám Cá răm rắp, mỗi lời của lão cứ như là thánh chỉ vậy. . .
     - Giờ ơi! Chờ mỏi cả cổ giờ mới tháy hai anh.
Huy nhìn lên thấy Tường Vi đang ôm eo Thảo sương cười rúc rích.
     - Mỏi cổ chút nữa anh Huy tẩm quất cho là khỏe ngay. Trọng Hói vừa nói vừa cười.
     - Có câm cái miệng lại không, lẻo mép quá rồi hư sự chưa thấy à.
Tường Vi chìa tay nắm tay Huy kéo lên:
     - Thôi mà anh! Lâu rồi gặp mà anh không vui gì hết, chắc bị em nào cho leo cây phải không?
Huy dịu giọng:
     - Em, em cái con khỉ mốc.
Bên phòng ăn, Cần - nhân viên của trạm giúp Thảo Sương bày biện bàn ăn. Trạm có năm người, hai đang nghỉ phép, thêm Tường Vi, Thảo Sương vẫn chỉ là năm; thế mà trên bàn ngồn ngộn thức ăn, nào là bồ câu hầm thuốc bắc, bê thui, bò kho tàu, súp vây cá, ốc đắng om chuối tiêu. . . Tường Vi nài nỉ:
     - Thôi mà, anh Huy, việc đâu còn có đó. Cứ ăn uống xong hãy tính.
Huy uể oải ngồi vào bàn. Trọng Hói mở ví lấy ra một miếng mật gấu khô bằng nửa đốt ngón tay út, cho vào bát sứ Hải Dương, chế một chút nước sôi, dầm tan mật rồi pha vào chai rượu Mao Đài thằng Cần vừa khui. Rót rượu thật điệu đà, Thảo Sương nâng ly:
     - Mời anh Huy, anh Trọng, mời tất cả nhân ngày hội ngộ.
Uống cạn ly rượu, Huy thấy cái vị nhân nhẩn đắng của mật gấu không tan nhanh như mọi khi mà vẫn cứ nghèn nghẹn, cân cấn đầu cuống họng. Tường Vi xúc cho Huy miếng ốc đắng om chuối:
     - Đắng với đắng thành ngọt, anh Huy.
     - Em với anh thành một chứ Tường Vi? Thảo Sương châm chọc.
Trọng Hói nhìn Thảo Sương chằm chằm, cười lộ hàm răng mảnh, khá đều, đôi mắt lấp lánh đĩ thỏa:
     - Thế còn em với anh đêm nay là một nhé!
     - Là một để bà vợ anh lột xác em à.
     - Lột là lột thế nào, để chỉ có anh lột trên xuống dưới từ từ như hôm nảo hôm nào, hi hi. . .
Thằng Cần nháy mắt với Tường Vi, ranh mãnh:
     - Giọng cười anh Trọng đổi một tí thì sang hơn chị nhỉ.
     - Đổi thế nào mầy?
     - Thì hi hi thành he he be be. . .
     - Tổ bố cái thằng Cần lưu manh.
     - Em không lưu manh mà chỉ lanh mưu thôi.
Cạn tuần rượu thứ ba, bên Tường Vi dìu dịu mùi nước hoa, dìu dịu giọng nói, nỗi bực dọc tan biến tự lúc nào, thay vào đó là sự hưng phấn mỗi lúc một đầy. Đặt tay lên đùi Tường Vi, Huy hỏi:
     - Em lên đây chắc là có chuyện?
Tường Vi ghé tai Huy nói nhỏ:
     - Có một vụ ngon hết ý, chút nữa không có thằng Cần em nói.
Đúng là một vụ ngon hết ý nhưng ăn mảnh thì khó mà dây vào tụi thằng Minh Chột, Trí Vịt thì chẳng còn lại bao nhiêu. Mình có quyền kiểm tra, bắt giữ nhưng không có quyền khai thác, lưu thông. Vùng này còn hơn chục cây lát hoa vân đá đều nằm trong bản đồ quản lý lâm nghiệp cả. . . Như hiểu được suy nghĩ của Huy, Tường Vi nói:
     - Cái quan trọng là phải làm nhanh. Tất cả phải gọn gàng trong hai, ba ngày, chậm lắm cũng không sang ngày thứ năm. Chục khối lát thành khí cũng phải ba, bốn cây. Anh xem nơi nào dễ khai thác bàn với Minh Chột làm luôn.
     - Cũng tính thế, nhưng thằng Minh Chột tham lắm, rồi cả thằng Trí Vịt nữa, xem ra mình chẳng còn bao nhiêu.
     - Anh cũng tham vừa thôi, gỗ của rừng, công cán cưa xẻ đáng là bao. Đưa về đến Việt Trì là hốt bạc rồi.
     - Nếu xong vụ này em tính phần của em là bao nhiêu?
     - Tùy anh thôi! Mấy lần trước anh có hỏi đâu, sao giờ lại thế?
Huy cười cười thay cho trả lời, kéo tay Tường Vi:
     - Đi với anh.
     - Đi đâu?
     - Đi khảo sát khai thác nơi nào thuận tiện, nhân thể lên lâm trường bàn bạc với Minh Chột luôn.
     - Việc bàn bạc với Minh Chột mình anh tiện hơn, còn làm sao em lội rừng trèo núi mà khảo với sát?
     - Không phải lội rừng trèo núi đâu. Đi rồi biết
Huy dắt Tường Vi xuống bến, nổ máy ca nô ngược dòng sông Gâm. Qua cửa suối Lồ lâm trường Bình Minh độ hai km, Huy chỉ tay lên sường núi bên trái:
     - Chỗ kia có hai cây lát hoa, cây dưới nhỏ, cây trên lớn hơn. Nhưng đây gần lâm trường quá, dễ lộ.
     - Cây nào đâu anh?
     - Thì cây có tán màu đỏ đó. Loại cây này lá non màu đỏ nên nhìn là biết ngay.
Ngược dòng sông, gió nhẹ, mấy cọng tóc mai vắt qua nửa má và đôi môi mọng đỏ như vẽ nên nét tinh nghịch, hồn nhiên. Ngoài ba mươi rồi mà  Tường Vi trông còn quá hấp dẫn trong mắt đàn ông. Ngực đầy dặn, eo thon rất hợp với cái áo màu xanh lá mạ may rất khéo vừa tôn thêm làn da trắng mịn vừa tạo nét duyên dáng, trẻ trung.
     Qua vực cây Sung, Huy cho ca nô vào cửa con suối nhỏ. Khúc sông này hoang vắng, nói như Nguyễn Tuân "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một bờ cổ tích tuổi xưa"
     - Sao dừng đây anh?
     - Em không thấy khúc sông này đẹp sao?
     - Vắng vẻ quá.
Huy kéo Tường Vi ngồi xuống sàn ca nô: "Em đẹp quá"; rồi ôm chầm Tường Vi, tìm đến đôi môi của nàng. Máu trong người Huy chảy rần rật. Mẹ kiếp, lần này mà không "thịt" được em thì khó có cơ hội nào nữa. Mấy lần rồi mà lần nào em cũng thoát, chỉ may mắn dừng lại ở Y chứ không làm sao nàng cho tới Z. Không gian vắng lặng. Hơi rượu vẫn còn nồng nàn. Không để cho Tường Vi kịp phản ứng, Huy đè nàng xuống, tay lần cởi nút áo.
     - Đừng anh . . ,
Huy thở gấp gáp:
     - A...nh . . a. . nh cho e...m. . .em t. . ất cả . . phần. . của a. . anh!. ..
Tường Vi nghe nước vỗ mạn ca nô. Dấn thân vào nghề này cô biết thế nào cũng có ngày hôm nay nhưng không nghĩ rằng nó lại nhanh chóng xảy ra đến thế.
     

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

LÂM TẶC


CHƯƠNG III

     Đang ngồi phía sau bếp chuốt cái cần câu, ông Tám Cá nghe thấy tiếng gọi:
     - Có bán cá khô...ô...ô...ông, ông Tám?
Thằng Thuộc kéo dài tiếng "không" rồi buông hai tiếng "ông Tám" như người ta đổ câu vọng cổ. Chưa kịp cài mảnh thủy tinh vào vách, nhà bè ông đã rập rình. Đứng dậy, ông đã thấy anh Nghĩa đang với tay kéo  anh Bường.
     - Quên lâm trường thật rồi, anh Nghĩa? Ông Tám Cá hỏi thay cho lời chào.
     - Sao quên được, mới ghé qua lâm trường. Hôm nay đến ông nhậu cho tới trưa mai luôn.
     - Tưởng gì, cao lương mĩ vị tiếp khách hàng tỉnh không có, chứ gà và cá anh nhậu với tôi cả năm.
     - Trên đời này không ai sướng bằng ông. Chỉ vua chúa ngày xưa mới được ăn cá anh vũ, còn ông muốn là có, phải không?
     - Anh nói quá rồi. Bây giờ cá đâu còn như ngày xưa, nhưng hôm nay tôi đãi anh loại cá, mà theo tôi còn ngon hơn cá anh vũ.
     - Cá cọm phải không chú Tám? Ông Tám Cá gật đầu.
     - Sao anh Bường biết? Ông Nghĩa hỏi.
     - Thì tôi được thưởng thức mấy lần rồi. Ông Bường trả lời.
Ông Tám kéo cái rặc cá trong lồng lên. Những con cá bằng đầu ngón tay út, dài độ mười phân nhảy lách chách, vảy ánh lên lấp lóa dưới ánh nắng mặt trời. Rặc cá hơn 2 kg. Ông Bường hỏi:
     - Đâu mà nhiều dữ, chú Tám?
     - Tôi và thằng Quân câu hôm qua. Nó sát cá còn hơn tôi. Ông quay sang Thuộc:
     - Chú lên trại hái ít lá gừng, nhổ củ nghệ rồi bắt con gà xuống đây luôn thể.
     - Gà chi cho mất công, chừng này nhậu ớn.
     - Là tôi phòng có thêm khách.
Ông Bường kể với ông Nghĩa về cách bắt loại cá này, chỉ duy nhất là câu thôi, ngoài ra không có cách nào khác. Loại cá này sống ở nơi nước chảy không xiết, không chậm và ở độ sâu từ quá gối đến ngực. Chúng gặm rêu non trên đá cuội tầm độ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Mùa nước trong đôi khi người ta thấy lấp lóa ánh bạc do vẩy cá phản chiếu ánh sáng mặt trời. Cần câu phải chuốt nhỏ, cỡ đầu đũa, cước dùng loại mảnh nhất. Lưỡi câu phải uốn chứ thị trường không có bán và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để uốn lưỡi câu. Thường thì người ta uốn bằng kim may, vừa hơ lửa trên ngọn đèn Hoa Kỳ vừa dùng cái panh y tế loại nhỏ nhất để uốn. Thép kim cứng, không cẩn thận, nhẹ nhàng là gãy ngay, cả tiếng đồng hồ mới uốn được một cái. Lại nữa, khi câu giật không khéo, vướng một tí là gãy. Rồi mồi câu phải ngược suối tìm rêu đá non. Do quá kỳ công nên dọc con sông Gâm này số người biết câu cá cọm tính không hết bàn tay.
     Ông Tám Cá giã nắm ớt xanh, muối, nghệ trộn đều với lá gừng thái nhỏ. Ông Bường tiện ống nứa có nắp đậy, dùng mũi dao ngoắy một lỗ nhỏ trên nắp. Xong xuôi, ông lấy một phần ba gia vị ông Tám Cá làm sẵn, cho vào ống nứa rồi cho tiếp cá vào. Cứ một lớp gia vị một lớp cá.
     - Có cần cho thêm chút nước trà không, chú Tám?
     - Mình nướng từ từ nên không cần anh ạ.
Bắc nồi cháo lên bếp, gạt than, kê xéo ống cá lam, vài phút ông Tám lại xoay một phần tư ống. Độ nửa tiếng, mùi cá đã thơm lừng.
     - Thơm quá, chín chưa anh Tám? Thuộc hỏi.
     - Độ 15 phút nữa, chú dọn chén dĩa là vừa.
Ông Tám Cá lấy ra một bầu rượu, nói với Thuộc:
     - Hôm nay có anh Nghĩa, anh Bường, nhậu theo lối các cụ nhé.
Thuộc hiểu ý. Tửu lượng anh Nghĩa khá nhưng không bao giờ anh uống đến "sần" chứ nói chi say. Uống để nói chuyện, để tâm sự cho có "không khí", chứ uống rồi mượn chén, lè nhè là anh rất ghét.
     Ông Bường đổ một phần cá ra dĩa rồi đậy nắp lại, để ống cá lam cạnh bếp. Chưa bao giờ ông Nghĩa thấy mùi cá thơm đến thế. Uống ly rượu, ông ngạc nhiên:
     - Rượu gì mà "ác" quá, chú Tám?
     - Rượu nếp và ý dĩ, anh ạ. Tháng trước, già Bân bên Yên Sơn gửi cho tôi.
     - Hạt ý dĩ người ta làm thuốc, còn già Bân nấu rượu, trời đất!
Thuộc nhấp một ngụm. Hơi rượu nồng nhưng đằm và thơm lắm; nuốt xong nghe ngòn ngọt ở cổ họng, tê tê đầu lưỡi, uống tới đâu biết tới đó. Gắp một con cá, cắn một nửa, chầm chậm nhai. Vị ngọt dai của cá, vị cay cay của ớt quyện lẫn mùi lá gừng tạo nên hương vị thơm ngon khó tả, nói như ngôn ngữ đời sống là "trên cả tuyệt vời", Thuộc nghĩ.
     Nồi cháo nhừ, ông Bường kéo rặc, tắc mớ cá còn lại vào rá, đổ vào. Để cháo sôi bùng trở lại, ông dụi lửa, thái nắm hành hoa nêm vào rồi múc một chén cho anh Nghĩa.
     - Ăn chút đã anh.
Ông Nghĩa múc một thìa cháo. Vị dẻo ngọt của gạo nương, vị béo và dai của cá, thơm thơm của hành hoa, rồi làn gió sông mát rượi, tiếng sóng vỗ bờ êm êm, sàn bè lắc lư theo nhịp sóng nhè nhẹ, rồi những gương mặt bạn bè thân thương làm ông quên hết những ưu phiền. Tình nghĩa bạn bè làm cho món ngon lại càng ngon hơn. Ông sống giản dị, ăn uống đạm bạc. Ở tỉnh, đôi lúc phải tiếp khách khứa, ăn những món ăn chế biến cầu kì trong những nhà hàng sang trọng, thật lòng mà nói cũng ngon đấy nhưng vẫn cứ khách khí, nhàn nhạt làm sao. Còn ở đây, xứ đồng rừng này, bạn bè đãi ông món ăn chế biến không thể đơn giản hơn mà ngon gấp vạn lần. Miếng ngon phải thấm tình người. Nghĩ thế, nhìn bạn bè, ông thấy cay cay sống mũi.
     - Ăn chứ anh Nghĩa, nghĩ gì thế? Ông Tám Cá hỏi.
     - À không, mà này, sao không để dành ít cá cho đám thằng Quân?
     - Tụi nó xẻ gỗ ở Pắc Có, tuần sau mới về.
     - Mình chưa biết mặt mũi nó, tính bắt rể à?
Ông Tám Cá cười:
     - Được thế thì còn gì bằng. Thời này, "con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy" anh à.
     - Không biết nó học ở đâu mà chuyện chi cũng giỏi. Thuộc đế thêm vào. Rồi anh kể chuyện chuyến tàu mắc cạn. Nghe xong chuyện Thuộc kể, anh Nghĩa hỏi:
     - Mà sao nó kêu ông bằng sư phụ?
Uống một ly rượu, ông Tám Cá chậm rãi kể:
     Năm 1972 tôi bị thương trong trận đánh Dốc Miếu, Quảng Trị. Ra bắc, vết thương tạm lành, năm 73 tôi về an dưỡng Đoàn 200 Phủ Quỳ. Cứ chiều chiều tôi đi câu cá, ít thì cho dân, nhiều thì đưa về cho mấy đứa nhà bếp nấu canh chua. Đi câu là một chuyện, còn một mục đích khác của tôi là dọ tìm gia đình một đồng đội đã hy sinh. Anh ấy khác tiểu đoàn, cũng quen nhau nhưng không thân lắm, chỉ biết địa chỉ, quê quán, thế thôi. Nhưng từ khi anh hy sinh tôi thầm nhủ thế nào cũng phải tìm bằng được gia đình anh ấy. Anh hy sinh để chúng tôi sống. Trận đánh đêm hôm ấy, anh trực tiếp xuống đi cùng tiểu đội được phân công đánh sở chỉ huy. Hiệu lệnh là giờ G, khi nghe tiếng bộc phá ở sở chỉ huy địch nổ là bên tôi tấn công vào trại lính biệt động. Chúng tôi cắt cửa mở chậm nên khi bộc phá nổ đội hình mới vào được một nửa. Ném đươc chục trái lựu đạn, bắn được vài loạt chúng tôi phải rút. Phía cửa mở chúng tôi bị lộ, địch khống chế nên tôi đành kéo số anh em đã vào vừa đánh vừa rút sang phía cửa mở bên anh. Gần tới cửa mở, chúng phát hiện, bắn loạn xạ. Tôi bị thương ở vai trái và sườn bên phải. Anh Tính trườn lại lấy cơ số đạn còn lại của tôi, ra lệnh tất cả anh rút, đưa tôi ra và ba chiến sĩ bị thương khác ra khỏi trận địa; còn anh vòng lại, đánh vào mấy ổ hỏa lực của địch. Lúc ấy tôi ngất đi, đến khi tỉnh lại thì đã nằm ở trạm quân y tiền phương. Mấy hôm sau, Toàn, một đại đội phó của tiểu đoàn anh, đến thăm tôi, cho tôi hay anh đã hy sinh. Đêm hôm sau, dù đơn vị cấm, nhưng Toàn vẫn mò vào tìm anh thì thấy xác anh bên cạnh lô cốt sở chỉ huy. Cẩn thận, từ từ từng chút một, Toàn gỡ được quả lựu đạn và tháo dây điện quả mìn Claymo chúng gài dưới xác anh, đem anh ra chôn dưới một gộp đá. Toàn tả tỉ mỉ địa điểm gộp đá cho tôi, mong rằng sau cuộc chiến này đứa nào sống thì đem anh về quê. . 
     Cho đến một buổi chiều, trên đường đi câu về tôi gặp một cậu học sinh đang đánh nhau với 3 thằng công nhân cầu đường. Cạnh đấy, một cô gái tay ôm ngực giữ mảnh áo bị rách khóc tức tưởi. Quẳng giỏ cá, tôi xông lại tính kéo cậu học trò ra thì một thằng nói: "chơi luôn thằng này". Vừa nói nó vừa vung tay đấm thẳng vào mặt tôi. Nghiêng đầu cho cú đấm trượt qua, tay phải tôi vuốt nhẹ, nắm cổ tay hắn, bước chân trái lên, xoay mình, dùng cạnh ngoài cẳng tay trái đánh mạnh lên phía trên gối tay phải hắn. Khi hắn gập mình vì tay bị khóa, tôi đá bằng mu bàn chân phải vào bụng hắn thay vì bằng ức bàn chân rồi tiện đà dùng gót bàn chân đập xuống bả vai thay vì đập vào gáy, đồng thời buông luôn cổ tay hắn. Nói thì dài nhưng thế đánh liên hoàn đó nhanh lắm. Khi đồng bọn bị tôi đánh ngã, 2 thằng còn lại cùng lúc nhảy vào, tôi rùn mình xuống, né cú đánh của chúng đồng thời tung ra cùng lúc hai cú đấm "song long xuất thế", cả 2 thằng ngã nhào.
     Khi cả 3 thằng mất dạy bỏ đi, nhìn mặt cậu học sinh bê bết máu, hỏi chuyện mới biết 3 thằng ôn dịch sàm sỡ cô gái, đi ngang qua cậu can ngăn thì bị chúng đánh và cậu đánh lại. Cậu ta nhìn tôi với ánh mắt thán phục:
     - Cảm ơn chú đã cứu giúp. Chú đánh hay quá, giá mà cháu biết võ như chú.
Tôi bảo cậu ta đi rửa mặt, không quên mục đích của mình, tôi hỏi cậu có biết gia đình anh Tính. Thật bất ngờ, cậu học sinh ấy là con anh Tính, đang học lớp 9 trường cấp III vừa học vừa làm Khe Đổ. Thế là từ đó, lúc rảnh tôi đến nhà anh Tính. Hoàn cảnh gia đình anh thật tội. Có việc gì tôi làm việc đó, rảnh rổi dạy võ cho cậu ta. Quân sáng dạ, học nhanh lắm, tôi dạy cậu cho đến tháng 4 năm 75 thì tôi ra quân và cũng lúc cậu ta nhập ngũ. Lẽ ra không phải nhập ngũ vì con liệt sĩ, nhưng cậu nài nỉ quá, chị Tính chiều con, xin mấy anh huyện đội, nên nó nhập ngũ, binh chủng đặc công. . .
    Mọi người đang nghe chuyện Quân thì Huy và Trọng Hói đi ca nô tấp vào.
     - Anh Tám Cá, cho nhậu với.
Ông Tám nói vọng ra: 
     - Vào đây. 
Còn ông Bường lẩm bẩm: " Rõ là, khách không mời mà đến còn tệ hơn giặc Tác ta".

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Hai lối triền đê


                                                          Mượt mà xanh cỏ triền đê
                                                   Anh từng rình bước đi về của em,
                                                         Cánh diều ngưng gió chao nghiêng
                                                   Dòng sông lười biếng êm đềm nhẹ trôi. . .
                                                          Áo chiết eo, đỏ làn môi
                                                   Tóc mai đọng giọt mồ hôi nắng hè
                                                          Sáng trong đôi mắt chân quê 
                                                    Nụ cười em lạc lối về hồn anh

                                                          Thầm yêu  thuở tóc còn xanh
                                                    Đến khi đầu bạc vẫn đành. . . thầm yêu!
                                                          Triền đê vi vút sáo diều
                                                    Chiều nay chiều vẫn như chiều ngày xưa,
                                                          Cỏ may níu bước chân qua
                                                     Còn ta níu kỷ niệm xa ngậm ngùi.

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

LÂM TẶC

CHƯƠNG II

      Lâm tường Bình Minh cách sông Gâm chừng 2 km, bãi gỗ nằm cạnh suối Lồ nên việc chuyển gỗ ra bến sông rất thuận tiện. Man Hoa hái hơn kg nấm mèo từ mấy súc gỗ mục, những tai nấm cỡ miệng ly uống nước cô bỏ lại, "để cho lớn, trước sau gì mình cũng hái", cô nghĩ.
     Cạnh mấy khúc gỗ mục là gần trăm hộp gỗ xẻ dài ngắn dày mỏng đủ kiểu. Ông Bường vần hết hộp gỗ này đến hộp gỗ khác, vừa đo vừa ghi chép vào cuốn sổ học trò. Xong việc, ông gọi:
     - Man Hoa, cháu tính giùm khối lượng cho bác cái.
     - Cháu tưởng bác tính xong rồi chứ.
     - Bác chỉ đo chiều rộng, chiều dài, gáy của hộp gỗ là bao nhiêu thôi. Bác tính chậm lắm.
     - Vậy hồi trước ai tính cho bác?
     - Thì ông Trí, ông Minh chứ ai,  bác ghi rồi họ tính.
Cầm cuốn vở ông Bường đưa, Man Hoa hỏi:
     - Sao bác không ghi chủng loại gỗ?
     - Ông Minh nói không cần ghi.
     - Không ghi thì làm sao tính tiền cho thợ cưa? Xẻ gỗ sâng, gỗ sến giá cả khác gỗ chò, gỗ sao, xoan đào chứ?  
     - Ông Minh bảo sẽ tuyển dụng họ làm công nhân nên trả lương tháng.
Man Hoa nghĩ nếu tính như vậy thì lâm trường quản lý, báo cáo với tỉnh ra sao? Số gỗ này mới chỉ riêng nhóm anh Quân thôi, còn các nhóm khác nay mai đưa về nữa thì sẽ như thế nào nhỉ. Nhìn những hộp gỗ toàn lõi, mặt gỗ phẳng lì, mấy hôm nay phơi mưa phơi nắng, Man Hoa nói:
     - Thôi bác chịu khó ghi lại chủng loại gỗ. Cháu kéo mấy tấm phên nứa, lá cọ che đống gỗ. Để thế này vài hôm nữa rồi nứt nẻ, uổng quá thôi.
     Tiếp xúc với Quân chưa nhiều nhưng cô thấy ở anh có cái gì đó làm người ta tin tưởng được. Quân ít nói, không lém lỉnh như "đệ tử" Nam "cuội". Mấy ngày chưa vào lâm trường làm việc, ở nhà cô, mấy anh Chính, Ngọc, Nam, Dũng không trà lá tán gẫu thì đánh cờ, đánh bài tiến lên, còn anh Quân lôi sách ra đọc. Man Hoa cũng thích đọc sách nhưng không "nghiện" như anh Quân. "Một ngày không đọc được ba, bốn chục trang sách là thấy thiêu thiếu một cái gì đó", Man Hoa nhớ lại lời anh nói. Mới một tháng làm việc mà số lượng gỗ xẻ như nhóm anh Quân giao đúng là kỷ lục. . . 
     Bác Bường ghi xong nhóm gỗ, phụ Man Hoa che đống gỗ. Chiều nay anh Quân về sẽ thấy thành quả lao động của anh được bảo vệ, Man Hoa thấy vui vui. Xong công việc Man Hoa đưa bịch nấm mèo cho bác Bường:
     - Bác đem về phơi nhé.
     - Sao không mang về cho chú Tám?
     - Nhà cháu còn nhiều. Hôm nào rảnh cháu đi lấy măng cùng bác nhé?
     - Ừ! Chiều về cầm cặp gà cho chú Tám cùng đám thằng Quân nhậu.
     - Ôi, bác không biết thôi, cháu nuôi hơn năm chục con ở trại ấy, thôi chiều nay bác ra nhà cháu, thế nào cũng có cá, còn gà thì sẵn.
Ông Bường nghĩ Tám Cá thật là có phúc. Man Hoa vừa đẹp người, đẹp nết, việc chi cũng khéo léo, nhanh nhẹn. Nó mới về làm việc ở lâm trường mấy tháng mà coi bộ giám đốc Minh "chột" không ưa vì kỳ đà cản mũi từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, chân thành mà nguyên tắc, đấu tranh đến nơi đến chốn. Ông thấy cái sai đó mà sao không nói rành rẽ được, với lại, còn nửa năm nữa là về hưu nên ông tắc lưỡi cho qua, nhiều lúc ông thấy xấu hổ vì không được như con bé. Ở cái tỉnh này, có bao nhiêu lâm trường là ông có mặt hết, ít nhất cũng hai năm. Riêng cái lâm trường Bình Minh này ông gắn bó với nó từ khi mới thành lập, tính đi tính lại cũng đã mười lăm năm, ba đời giám đốc. Trước khi bàn giao chức vụ giám đốc lại cho Minh "chột", lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới, trong một bữa rượu chỉ hai anh em, ông Nghĩa nói: "Tôi lên tỉnh nhưng lòng không yên với lâm trường mình. Thằng Minh "chột" tham lam, liều lĩnh, thằng Trí "vịt" vừa tham vừa láu cá. Hai thằng này, anh biết đấy, con ông sáu cháu ông tư cả. Có việc gì chúng làm sai anh phải nói thẳng, cản không được thì viết thư cho tôi". . . Năm ngoái, khi bọn Tàu đánh sang Hà Giang, phần lớn công nhân bỏ về xuôi hết; thằng Trí "vịt", thằng Minh "chột" chạy đầu tiên. Bộ đội ta phản công, bọn Tàu rút, yên trở lại hơn tháng mới thấy mặt hai ông trong Ban gám đốc trở lại. Công việc đầu tiên của Minh "chột" và Trí "vịt" là bán hàng trăm khối gỗ tốt cho dân buôn bè Sơn Tây, Thái Bình. Tiếp sau đó hợp đồng nhân công lao động cho lâm trường không trả bằng tiền mà bằng sản phẩm, tức là trả bằng gỗ. Lập tức lâm trường có số nhân công hợp đồng gần trăm rưỡi người. Cả hai việc này ông viết thư cho ông Nghĩa. Ông Nghĩa báo cấp trên xin lập đoàn kiểm tra, dây dưa việc này việc nọ đến khi có quyết định đã hơn tháng. Trước khi đoàn kiểm tra lên hai ngày, số "công nhân" hợp đồng này xuôi bè hết. Không biết đoàn kiểm tra làm việc như thế nào, nửa buổi chiều lên lâm trường, tối nhậu với Ban Giám đốc một bữa, sáng hôm sau kéo nhau về thị xã. Hai ngày sau, Minh "chột", Trí "vịt" lên lâm trường mặt mày phởn phơ. Gặp ông, Trí "vịt" nháy mắt, cười đểu: "Anh Bường còn năm nữa nghỉ hưu nhỉ, mấy anh trên tỉnh nói nếu cần cho anh nghỉ ăn lương hẳn hòi, đến ngày lĩnh sổ hưu. Anh tuy không có chức tước gì nhưng đóng góp cho ngành quá nhiều mà". Còn Minh "chột" vứt tàn điếu thuốc Samit, nhổ bãi nước bọt: "Ốc không mang nổi mình ốc lại còn lo cọc rêu". Chừng nửa tháng sau Tám Cá nhắn người kêu ông ra nhà bè nhậu, đưa cho ông phong thư của anh Nghĩa. Anh Nghĩa xin lỗi ông vì không lột mặt được bọn Minh Chột, Trí Vịt. Anh nói đau ở chỗ kết luận của đoàn kiểm tra: "Vụ việc bán gỗ ở lâm trường Bình Minh là không có cơ sở. Số gỗ thất thoát là do lâm trường chạy giặc, không ai bảo quản nên mất trộm. Vụ việc trả lương bằng sản phẩm của Ban Giám đốc lâm trường là sáng tạo khi chưa được cấp đủ kinh phí hoạt động; số người hợp đồng được trả theo sổ sách và thực tế là 28 người; nay số công nhân đó đã tự ý bỏ việc vì quá khó khăn". . .. Sau kết luận của đoàn kiểm tra, anh Nghĩa "được" điều về làm phó chủ tịch mặt trận tỉnh. Anh viết trong thư: "Dù thế nào, ở cương vị nào cũng đừng từ bỏ con đường đã chọn anh Bường nhé". . . 
     Đang lúi húi cưa mấy ống bương để vào đất dâm mấy chục mầm lát hoa trong vườn ươm, ông giật mình khi nghe tiếng: "Chào anh Bường". Quay lại, thấy Huy, trạm trưởng trạm kiểm lâm sông Gâm, ông gật đầu, đứng dậy bắt tay.
     - Anh ươm giống lát này làm gì, ươm đã khó, trồng rồi chăm sóc cũng khó. Trồng sống được chí ít 50 năm mới khai thác được.
     - Thì công việc mà anh.
     - Thôi, nghỉ tay, hôm nay tôi và Trọng Hói được lời mời của ông Minh lên chơi. Ra đây, trước là để thăm anh, sau là chuyển lời của ông Trí mời ông vô phòng họp nhậu cùng.
     - Thật xin lỗi anh, chiều tối nay tôi có hẹn với chú Tám Cá rồi, anh nói lại anh Trí giùm tôi nhé.
     - Thì đành vậy, cho tôi gửi lời thăm anh Tám Cá, ngoài đó tàn cuộc sớm thì về nhậu tiếp nhé, kéo theo được anh Tám Cá càng vui.
     Huy bắt tay ông rồi trở về dãy nhà làm việc của Ban Giám đốc. Trước đây, khi anh Nghĩa còn làm giám đốc, Huy có đến lâm trường làm việc vài ba lần. Từ ngày anh Nghĩa lên tỉnh, Huy đến thường xuyên hơn. Linh tính như mách bảo ông hình như rồi sẽ có chuyện gì sắp xảy ra đây.

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

LÂM TẶC


CHƯƠNG I
     Một ngày tháng 4 năm 1980. Sông Lô nước cạn, chảy xiết. Con tàu chở khách đi Chiêm Hóa ì ạch ngược dòng.
     Phía trước mũi tàu, năm người đàn ông ngồi uống rượu. Đồ nhắm là mấy củ lạc sống. Man Hoa ngạc nhiên khi một người đàn ông bận bộ đồ quân phục bạc phếch, hai tay đưa bát rượu mời một chàng trai độ hai ba hai bốn tuổi.
     - Mời đại ca. Mẹ kiếp, sao hôm nay đại ca buồn thế, hay nhớ con bé chủ quán trọ đêm qua?
     - Mày có câm cái mồm đi không, thằng Chính. Gần bốn mươi tuổi đầu mà ngu như bò. Một người đàn ông có bộ râu quai nón lên tiếng. Chàng trai cầm bát rượu uống cạn một hơi, nhìn người đàn ông râu quai nón nói:
     - Anh Ngọc, anh Chính uống ít thôi, rượu không có mồi hại dạ dày lắm. Với lại, mình ra mắt chú Tám Cá với bộ mặt sần sần coi không tiện.
     Lạ quá, người thanh niên nhắc tới tên Tám Cá có phải là nói tới cha cô không nhỉ. Hôm qua ông bảo cô xuôi Tuyên Quang mua mấy tấm lưới dậu 6, cây thuốc chữ A đỏ để hôm nay ông tiếp khách? Mải vẩn vơ suy nghĩ Man Hoa giật mình khi mũi tàu trườn lên doi cát ngầm rồi dừng lại. Tài công đạp hết ga con tàu vẫn không nhúc nhích.
     - Đừng đạp ga nữa, anh muốn ngủ đêm ở đây à. Chàng trai "đại ca" hét lớn. Nói rồi chàng trai vọt tới buồng lái.
     - Anh mà đạp ga chân vịt bị cát trói đấy. Bây giờ anh quay vô lăng hết cỡ sang bên phải, khi không quay được nữa thì đạp hết ga.
     - Cậu biết lái à? Người lái tàu hỏi.
     - Tôi biết qua sách. Anh làm nhanh đi, chậm là mắc cạn ngay đấy.
Tài công làm đúng lời chàng trai, con tàu rùng mình, đuôi từ từ lấn về bên trái, đuôi càng lấn về bên trái con tàu càng nghiêng về bên phải. Hành khách hoảng loạn chạy nháo nhào trên boong tàu: "Coi chừng tàu lật". Tiếng lật chưa dứt hơn chục người té nhào phía bên phải, có người suýt rơi xuống nước. Thì ra, đuôi tàu lấn sang trái, con tàu gần như vuông góc với dòng chảy, thành con đập. Cát giữ tàu, nước xô tàu. sau vài phút cầm cự, nước thắng cát, đẩy con tàu ra khỏi doi cát. Đang nghiêng bên phải vì cát, bị nước đẩy, hổng bậc, con tàu trước khi lấy lại thăng bằng, theo quán tính chao nghiêng sang phía bên trái bất ngờ quá nên nhiều người ngã chỏng gọng. Lúc này, tiếng cười, tiếng nói rộn lên cả khúc sông. Người nói thành lời, người bằng ánh mắt cảm ơn hướng về chàng trai trẻ.
     Khi con tàu ung dung trong lạch, trao lái cho tài phụ, anh tài công bước ra khỏi ca bin, bắt tay chàng trai:
     - Cậu giỏi quá, cảm ơn nhiều. Không có cậu thì hành khách phải ngủ đói đêm nay rồi. Tối nay uống với tớ một bữa nhé.
     - Cảm ơn anh, tôi xuống dọc đường chứ không lên Chiêm Hóa. Anh có biết nhà bè chú Tám Cá ở đoạn nào không?
     - Chừng tiếng nữa là tới. Nhà bè anh Tám Cá bọn tớ ghé luôn. Có bữa tớ ở lại nhậu với ổng, hôm sau tàu xuôi ghé vào rước.
     - À mà cậu tên gì? Sao biết anh Tám Cá? Thôi thế này vậy, tối nay tôi ở lại uống với cậu một chầu. Hồi sáng thấy cậu uống có mã quá.
     - Tôi tên Quân. Chú Tám Cá là sư phụ của tôi.
     - Hèn gì! Không hổ danh đệ tử Tám Cá.
     Hóa ra anh chàng thanh niên ấy tên là Quân, người mà Man Hoa nghe cha "dọa" gả. Có lẽ Quân cao gần mét bảy, ngực nở, dáng rất đàn ông. Khuôn mặt chàng đẹp, môi đỏ, mũi thẳng, mắt sáng, đôi lông mày mượt đen xếch lên nên nhìn thoáng qua có vẻ lạnh lùng. "Không biết đã bao nhiêu cô gái "chết" vì anh ta", Man Hoa thầm nghĩ. Thì đấy, mới một đêm ở trọ mà cô chủ quán trọ có ý tứ gì mà anh Chính cùng đi nói lúc nãy đó thôi. . .
     Một hồi còi tàu vang lên, ông Tám Cá đứng đầu nhà bè ra hiệu cho tài công. Sóng con tàu làm làm nhà bè vốn đã dập dềnh càng dập dềnh hơn. Tàu chưa dừng hẳn, Quân đã nhảy xuống, ôm lấy ông:
     - Sư phụ. Con nhớ sư phụ quá.
Ôm Tám Cá nắm chặt vai Quân đẩy ra, nhìn từ đầu đến chân, cười:
     - Được lắm, rắn rỏi hẳn lên.
     Chiều tối hôm đó, ông Tám Cá đãi Quân cùng đám đệ tử và tài công cá rầm xanh lam trong ống nứa, canh măng đắng và thịt mang nướng. Gần tàn bữa rượu, Man Hoa mang lên mấy ống cơm nếp lam. Cô chẻ ống nứa gọn gàng, khéo léo tước từng thanh nứa. Mùi cơm nếp thơm ngào ngạt. Chính cứ hít hà: "Thơm quá, thơm quá". Thỏi cơm trắng được bọc trong màng nứa mỏng, dẻo, ngọt và ngầy ngậy béo. Gắp miếng cá rầm xanh bỏ vào bát Quân, Thuộc - tài công tàu khách, bảo:
     - Cá rầm xanh dưới Việt Trì cũng có, nhưng ngon nhất vẫn là đoạn ngã ba sông Gâm đổ vào sông Lô trở lên. Các chú ở qua mùa lũ chắc thế nào cũng được thưởng thức cá quất, có duyên thì được ăn cá anh vũ, phải không anh Tám? Rít một hơi thuốc, ông Tám Cá nói:
     - Ở Họng Bọt còn hai đàn anh vũ, mỗi đàn hơn hai chục con. Khi nào bắt, tao để dành cho bà cụ mày một con.
     - Anh nói chuyện chim trời cá nước cứ như chim trong lồng, cá rộng trong lu vậy.
     - Mày thấy tao sai hứa lúc nào chưa?
     - Chưa.
     - Chim thì không dám nói, chứ cá tao nói là có, có như vậy tao mới phải gánh thêm cái biệt danh là "cá" chứ. Thấy cha lắc lắc bầu rượu, Man Hoa vào bếp lấy thêm một bầu. Cầm bầu rượu, ông nói:
     - Con lên trại ngủ. bát chén mai rửa cũng được.
     Man Hoa cúi đầu chào mọi người, miệng hơi hé cười rồi bước lên cầu dẫn. Quân nhìn theo, cầu dẫn bập bềnh theo nhịp nhà bè nhưng cô bước nhẹ nhàng, khoan thai như đi trên đất bằng vậy.