Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Càfê sáng

Sáng nay rỗi việc nên anh em càfê - cà pháo cho hết thời gian.
     Đề tài "tám" xoay như chong chóng. Ban đầu là "thơ" - nó trào ra rất "tự nhiên" khi "trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy". Anh Hoàng ra câu đề:
     Càfê thì phải có đường
Cậu Ảnh tiếp theo:
     Ăn chay phải có nước tương Chin xù
Trầm ngâm một chút, Ba Đại gật gù:
     Đôi khi mình cũng thiệt ngu
Đúng lúc ấy, trên vỉa hè, một cậu nhóc đòi mẹ mua cho quả vú sữa. Chớp được khoảnh khắc ấy, Bảy Du cao giọng:
     Vú sữa chưa bóp thằng cu đã đòi.
Cả bọn cười nghiêng ngã, khen "thơ" hay. Nhấp ngụm càfê, Ba Đại hỏi:
- Nè, các ông nghĩ nếu có người ngoài hành tinh thì họ nhận xét về người Việt mình như thế nào?
Lao nhao tranh luận, nào là "nói nhiều làm ít", "lười biếng", gốc gác không sinh ra ở Quảng Ninh ( than ) thì cũng ở Trảng Bom ( nổ ). . .
     Chờ cho không khí lắng xuống, Ba Đại cười cười:
- Mình nghĩ thế này có đúng không: phụ nữ thì ở dơ, đàn ông thì yếu sinh lý, trẻ em thì suy dinh dưỡng. Điều này thấy rõ nhất mục quảng cáo trên truyền hình. Này nhé, phụ nữ thì dầu gội, băng vệ sinh; đàn ông thì thuốc bổ thận " tăng cường sinh lực"; trẻ em thì các loại sữa . . .
     Cả bọn ngố ra, nói như Ba Đại cũng . . . "đúng". Hầu như không có chương trình quảng cáo dành cho giáo dục, văn hóa trong khi chất lượng giáo dục, ứng xử văn hóa là vấn đề lớn, cần khắc phục trên nhiều khía cạnh.
     Tào lao càfê vỉa hè đôi khi cũng cần thiết trong cuộc sống. Tôi nghĩ, những thông tin, dư luận vỉa hè được quan tâm giải quyết thì đó cũng là cách "bình ổn xã hội".

Dĩ vãng yêu thương

Đêm đông trôi trong đêm mùa hạ
Một mình ta đi hết con đường
Chân tìm đếm lá vàng, đá cuội
Dư âm nào còn gợi lại yêu thương.

Đông bỏng cháy mặt trời mùa hạ
Em thương ta thắp lửa cái nhìn
Tay vụng dại vân vê tà áo
Môi hé cười che bối rối con tim.

Nắng nối theo mưa, mùa nối mùa
Ra đi biền biệt giã chốn xưa
Đàn em lỡ nhịp không buông tiếng
Ngày bước sang sông mưa ngập mưa . . .

Đêm đông trôi trong đêm mùa hạ
Dĩ vãng xa ta cứ ngược con đường
Cho dù biết đấy chỉ là ảo tưởng
Hoang vắng đời mới biết quý yêu thương!


Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Viên phấn tay em

Viên phấn trên tay em                                                                 
Mòn đi theo bài giảng
Học trò lớn khôn hơn
Trưởng thành cùng năm tháng.

Em cũng như viên phấn
Mài nhiệt huyết dâng đời
( Bàn tay và nét chữ
Vô tình đốt tim tôi ).

Ước được làm viên phấn
Trong bàn tay của em
Cháy bùng lửa yêu thương
Mãi mãi cùng năm tháng.

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Ô LOAN HUYỀN THOẠI XƯA, NAY . . .

Trên đường thiên lý Bắc - Nam, dừng chân ở đỉnh đèo Quán Cau ( thuộc huyện Tuy An ) nhìn về hướng đông ta thấy di tích danh thắng đầm Ô Loan hình dạng như chim Loan sải cánh bay với diện tích mặt nước xấp xỉ 17 km2. Đầm nằm sâu trong đất liền, được bao bọc bởi núi Đồng Cháy, núi Cấm và cồn An Hải nên mặt đầm phẳng lặng ngay cả những ngày biển động, nên từ xa xưa đã có câu ca dao:
          Lẻ loi như ngọn núi Sầm
     Thản nhiên như mặt nước đầm Ô Loan.
     Là đầm nước lợ nên hải sản khá phong phú, nhiều loài là đặc sản nổi  tiếng và càng nổi tiếng hơn khi đã đi vào thơ văn. Thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu khi dừng chân ở Phú Yên đã viết:
          Lấy chi vui với thu tàn
     Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu.
Hàu đầm Ô Loan vỏ mỏng, ruột lớn, tròn, không tanh như hàu nơi khác nên ăn tái không cần mù tạt cũng được. Cạy vỏ hàu, cho chút muối tiêu chanh để chừng một phút cho thấm, nhấp chút rượu đế Xuân Lộc rồi bỏ miếng hàu vào miệng lúc đó bao muộn phiền trôi hết. Vị mằn mặn của muối, thơm của tiêu, chua chua của chanh ngọt dai của hàu quyện với dư âm nồng nồng của rượu cho ta cảm giác ngon khó tả. Hàu nướng, nấu cháo, xào cà chua xanh, trộn với trứng đổ chả cũng rất ngon nhưng thưởng thức hàu tái chanh vẫn là ngon nhất.
     Ngoài hàu, Ô Loan còn nổi tiếng với sò huyết, sứa, cua sen, rau câu. Nhắc đến những sản vật này tôi liên tưởng đến sự tích tên đầm. Có hai huyền thoại, một gắn với vua Lê Thánh Tông - Tao đàn nguyên súy; một gắn với thầy địa lý kiêm phù thủy nổi tiếng nhất Trung Quốc, Cao Biền. Huyền thoại nào cũng thể hiện lòng yêu quê hương đất nước nhưng tôi thích huyền thoại gắn với Cao Biền hơn:
          Cao Biền từ thuở nhà Đường
     Biệt tài địa lý thạo luôn phép màu
          Bút thần biết ở cung sâu
     Xin vua chọn bút ngõ hầu mưu toan,
          Vẽ diều rồi điểm mắt loan,
     Cưỡi chim vượt núi phương nam đi tìm
          Hàm rồng, long hổ kỳ duyên
     Trấn yểm linh huyệt giữ quyền trị dân.
          Tin loan đồn đại xa gần,
     Nơi này biết được hợp quần cùng lo,
          Mua cung lớn, sắm ná to
     Chờ cho Biền đến bắn cho nát diều.
         Thế rồi đến một buổi chiều                                                                                
     Họ Cao ngất nghểu phiêu diêu lưng trời,
          Bỗng nhất loạt bắn khắp nơi
     Rừng tên tua tủa làm rơi diều thần
          Ô Loan từ đó hóa thân
     Mắt thành ngọc điệp, vảy chân: sò, hàu
          Bộ lông thì hóa rau câu
     Làm nên đặc sản hàng đầu quê ta.
          Cao Biền về cõi tha ma
     Nắm xương gửi lại không xa vùng đầm,
          Chiếc giày thuở ấy âm thầm
     Rơi trên vách núi bao năm vẫn còn,
          Chiếc mũ thì rớt cao hơn
     Cách mấy hòn núi là hòn Mão đây . . .
     Là huyền thoại mà sao khi đọc ta thấy nó chân chất, hồn nhiên, gần gũi với cuộc sống đến nhường nào. Trí tưởng tượng, liên tưởng của nhân dân độc đáo: chim Loan rơi xuống hóa thành đầm, mắt thành ngọc điệp, vảy chân - sò, hàu, bộ lông thì hóa rau câu . . .hóa thành đặc sản quê ta cả.
     Ngoài đặc sản dân gian nêu, con tôm đất ở đây cũng xứng đáng xếp vào hàng đặc sản. Tôm đất đầm Ô Loan không lớn lắm nhưng vỏ rất mỏng, mùa nào cũng chắc gạch, thịt dai, ngọt. Giã năm bảy con tôm, tao chút dầu, đổ nước đun sôi, cho nắm rau mồng tơi hay bồ ngót là được tô canh hảo hạng. Sau bữa nhậu " tơi bời hoa lá " có chén canh là tỉnh táo ngay. Từ khi xuất hiện mù tạt, tôm đất đầm Ô Loan là món khoái khẩu của dân nhậu. Tôm sống còn bơi trong tô nhặt ra lột vỏ, cho vào chén nước chấm được pha bởi mù tạt, ớt tương, xì dầu, chanh sau đó cuốn với lá rau cải cay hoặc lá sung non rồi . . . cho vào miệng. Người nào chịu nồng không được cứ há miệng ra thở thì nồng lại càng nồng, nước mắt nước mũi chảy tràn và "cạch" đến già. Nếu khi ăn có cảm giác nồng chỉ đơn giản là nín thở, nhai chầm chậm rồi nuốt thì có khi một người nửa kg tôm cũng hết. Người sành điệu ăn đặc sản đầm Ô Loan chưa nhậu tôm đất sống chấm mù tạt coi như chưa đươc "cấp bằng".
     Được cái các quán nhậu bán đặc sản đầm Ô Loan ở Tuy An lấy công làm lãi chứ không "chặt, chém" như những nơi khác, thái độ phục vụ dễ mến nên chỉ vài lần ghé quán là thân thiết như người nhà, nên miếng ngon lại càng ngon. 
     Hải sản đầm Ô Loan phong phú nhưng không đủ nhiều để xuất khẩu, nó là nguồn lợi nuôi đủ năm xã ven đầm nhưng năm được, năm mất không ổn định. Nguồn lợi từ di tích thắng cảnh quốc gia chưa được khai thác nên nổi tiếng đấy nhưng còn ở trạng thái "vẻ đẹp tiềm ẩn".
     Ô Loan đẹp, người Tuy An chân thành mà hồn nhiên, mộc mạc mà sâu sắc, cần cù mà hiếu khách, chính điều này cho tôi tin tưởng Ô Loan sẽ mang cả Tuy An thương mến bay lên.